Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
Tam bộ nhất bái 2 (tiếp theo)
Hằng Thật và Hằng Triều


Suýt chết trên Xa Lộ số 1 

Ngày 16 tháng 11 năm 1977.

Sư Phụ từ giám,

Lắm khi, tu hành Bồ-tát đạo lại rất "có thể nghĩ bàn". Chúng con nghỉ chân nơi bãi cát có cây sồi um tùm và cỏ cháy khô cằn. Trên ngọn đồi, ở về hướng tây là Nhà Tù Liên Bang Lompoc, và nằm về phía bắc là Căn Cứ Không Quân Vandenberg. Khó mà hình dung ra được một phong cảnh của tháng mười một âm u, mây mù ảm đạm. Chúng con vừa hoàn tất việc lễ lạy trong ngày và cơn gió lướt qua đỉnh đồi từ ban trưa bây giờ thổi ngược trở lại. Con thắp đèn dầu để viết những dòng chữ này về những gì xảy đến cho con lúc nãy ngay khi mặt trời lặn, ráng đỏ và có gió thổi mạnh.

Công việc của Bồ-tát thì không bao giờ xong cả; việc tu hành không phải là ngày ngày từ chín giờ sáng tới năm giờ chiều. Không phải ngày đi làm là thứ hai đến thứ sáu, cũng không có hưu bổng lúc 65 tuổi. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng chúng-sanh thì vô lượng vô biên, không cùng tận, song bậc Bồ-tát phát nguyện cứu độ hết thảy. Cho nên, công việc của Ngài không hề ngừng dứt. Bồ-tát cũng tự độ lấy chính Ngài; và nhờ y theo Chánh-Pháp tu hành, Ngài chứng đắc được trí huệ, lòng từ bi cùng các năng lực thiện xảo. Trí huệ này giúp Ngài nhập vào giữa chốn thế gian dày dạn, bùn lầy mà làm việc để cứu độ chúng-sanh ngay tại nơi họ đang sinh sống và chịu nhiều đau khổ nhất. Tuy nhiên, bậc Bồ tát đã phá vỡ, xả bỏ hết mọi ngã chấp. Ngài không còn lòng tham dục, cho nên, những việc mà Ngài làm vì người khác đem lại cho Ngài nhiều an lạc và toại ý hơn là một đời sống với các trò tiêu khiển cùng các thú vui hưởng thụ ích kỷ. Bồ-tát nghỉ ngơi ngay trong công việc và làm việc trong lúc nghỉ ngơi. Cuộc sống là công việc và công việc là phúc lạc--một trạng thái kỳ diệu thật sự của nội tâm.

Con vừa viết đến đây thì nghe có tiếng ai gõ vào cửa xe và một giọng nói vội vã vang lên trong bóng đêm: "Này, xe chúng tôi bị lún cát, quý ông có thể giúp kéo lên không?" Thầy Hằng-Triều không chút do dự, bước ngay ra ngoài cửa, và thấy hai thanh niên thần thái bất an. Thầy nói: "Ðược, chúng tôi sẽ đến ngay!" Chúng con thu xếp đèn nến và thiền cụ lại, rồi lái xe băng trên cát để lôi một chiếc pickup truck lên đường lộ. Việc trì tụng Chú Ðại-Bi vào những lúc không lạy hay tụng kinh đã thành tự động với chúng con. Chính thần lực của Chú Ðại-Bi đã nhấc bổng chiếc xe vận tải nhỏ ấy lên dễ dàng và chiếc Plymouth của chúng con cũng góp thêm sức mạnh cứng cáp vào đó. Chúng con băng qua ánh đèn pha trở lại xe mình.

Người đàn ông đã thấy nhẹ nhõm đi nhiều, nói với chúng con: "Xin cảm ơn các bạn. Các bạn thực là vị cứu tinh của tôi!"

Thầy Hằng-Triều đáp: "Không có chi!"

Việc nhỏ và thành tựu dễ dàng, nhưng nó đã tiếp thêm niềm vui và ánh sáng cho vùng duyên hải California hiu quạnh này.

Vào những lần khác, những sự kiện xảy ra trong khi tu Ðạo thì quả thật không thể nghĩ bàn. Chúng ta nhìn thấy được rất ít của những gì đang thật sự đang xảy ra trên thế gian đằng sau bề mặt của tri giác. Chúng ta chỉ chắp nối, vá víu những mảnh nhỏ và các tiếng dội của hiện thực lại với nhau. Chiều thứ sáu đang lạy đột nhiên con cảm thấy như có sự hiện diện của Sư-Phụ ngay trong tâm mình. Ngài ngồi kiết-già, có vẻ đang niệm chú, và ảnh tượng này làm tâm con lắng dịu sâu xa. Ðột nhiên, con nghe tiếng xe thắng rít và một đám khói đen lớn bốc lên ở khoảng 50 thước về phía trước. Sau này thầy Hằng-Triều mô tả lại bối cảnh: "Rõ ràng là một người lái xe đã ngủ gật ngay trước tay lái nên đã lái chệch khỏi đường lộ. Chiếc xe ấy phóng lên giốc đá cao sáu bộ anh (feet) rồi quẹo, vẫn chạy hết tốc độ, và lao thẳng xuống hai chiếc xe hơi cùng một chiếc vận tải đang chen chúc ở những đường lanes bên dưới. Không hiểu sao chiếc xe ấy lại len vào giữa một chiếc van và một chiếc vận tải, tránh được cả hai xe trong đường tơ kẽ tóc và tiếp tục lao xuống đường lộ, để lại mấy người lái xe mặt mày thất sắc, tay chân bủn rủn, nhưng vui mừng được sống sót. Nếu mấy chiếc xe này đụng nhau thì chúng ta hẳn sẽ ở ngay chính giữa chỗ xảy ra tai nạn--Diêm-Vương sẽ có một ngày bận rộn đón tiếp những linh hồn mới đến từ Xa Lộ 1!". Kỳ diệu hơn nữa, ngay sau khi sự việc này chấm dứt thì hình ảnh của Sư-Phụ trong tâm con cũng từ từ mờ nhạt đi rồi mất hẳn. Cái gì thật sự liên quan? Ai đã cứu những sinh mạng này từ một khoảng cách chừng 400 dặm một cách vô hình và người ấy cũng chẳng trông đợi một lời cảm tạ hay bất cứ một sự ghi nhận về công lao nào cả? Con không hoài nghi gì cả rằng chính sự thị hiện đúng lúc của Sư-Phụ đã ngăn cản vụ đụng xe trên đường. Chứng minh ư? Không có cách nào giải thích được làm thế nào một chiếc xe đang chạy rơi xuống lại chen sít sao vào lại đường lộ. Đã bao nhiêu lần rồi những việc tương tự như thế này đã từng xảy ra trong đời nhiều đệ tử : những lần vừa kịp thoát chết, khi Bồ-tát Quán-Thế-Âm hiện ra trước mặt mọi người trong khoảnh khắc nguy hiểm rồi lại biến mất lúc tất cả đã được an toàn?

Khi chúng con nỗ lực làm cho tâm mình thành một nơi thanh tịnh, con thấy mình luôn quay về căn bản. Như điều đầu tiên mà một Phật-tử sơ cơ phải học là chắp tay với lòng thành kính chẳng hạn. Chắp tay biểu hiện sự nhất tâm. Vì việc dụng công tu hành vốn đặt trên đất tâm, cho nên sự nhất tâm là trọng yếu nhất. Con nhận thấy cái ấn chắp tay của mình từ từ cẩu thả, có các khe hở giữa các ngón tay và ngón cái. Tuần trước, lúc đứng cạnh Sư-Phụ trước khi Ngài thuyết pháp ở Kim-Luân tự, con chăm chú ngắm nhìn Sư-Phụ lễ Phật. Con thấy lòng xúc động sâu xa. Khi Sư-Phụ chắp tay lại, Ngài triệt để quy vào sự lễ bái--một sự hoàn hảo chỉ có được khi tâm niệm quy nhất. Con cố gắng áp dụng lối chắp tay mới mẻ, hoàn hảo trong lúc lễ lạy và sự để tâm vào hình thức bên ngoài quả đã khiến cho nội tâm con lắng dịu. Những vọng tưởng cũng dễ trừ khử hơn khi hai bàn tay con chắp lại khít khao, không còn khoảng cách hay có kẽ hở. Hãy quay về căn bản.

Ðược mục kích sự lễ lạy của Sư-Phụ là một bài học về tánh khiêm tốn, một thứ lương dược đối trị ngã mạn và cũng là một mẫu mực cho chư thiên cùng nhân loại. Sự lễ lạy của Sư-Phụ là một sự chuyển hóa mầu nhiệm toàn bộ: khi Sư-Phụ lạy, Ngài biến mất. Tình trạng hoàn toàn không có tự ngã của Sư-Phụ thể hiện rõ rệt, chừng như Sư-Phụ đã khế hợp, trở thành một thể với chư Phật mà Ngài đang đảnh lễ vậy. Con không biết được cảnh giới của Sư-Phụ khi Ngài cúi lạy hay trong những trường hợp khác, nhưng có cái gì đó rất thanh tịnh và đặc biệt đã xảy ra lúc Ngài lễ Phật. Chỉ là đảnh lễ. Dường như không có người lễ lạy và cũng chẳng có người để đảnh lễ, đó chẳng qua chỉ là một sự kính cẩn thâm sâu và đơn thuần; kỳ diệu khi được nhìn thấy. Trở về đường lộ, con học lại từ đầu để lạy cho đúng đắn. Hết lòng hạ bản ngã thấp xuống mặt đất với tâm chí luôn tưởng đến Thường-Trụ Tam-Bảo, rồi đứng dậy và chắp hai tay lại với một sự nhất tâm trên suốt quãng đường tìm đến Vạn-Phật-Thành. 

 

Ðệ tử Quả-Chân (Hằng Thật) kính cẩn đảnh lễ.

*******

Sư-Phụ từ giám,

Con hiện đang đợi xe tại một trạm xăng thuộc vùng Lompoc. Trước mặt con là vùng đồng quê hoang vu, trống trải, không có phố xá ngoại trừ một vài trạm xăng dành cho cuộc hành trình "lạy dặm trường." Do đó, con phải vào thành phố mua đồ phụ tùng và tu bổ lại những chỗ cần thiết để chuẩn bị cho nhiều tuần lễ sắp tới. Thầy Hằng-Thậc đang lạy trong cánh đồng cao nguyên trơ trọi, nằm trên những ngọn đồi ngó ra Nhà Tù Liên Bang ở bên ngoài Căn Cứ Không Quân Vandenberg. Ðây là nơi chúng con cắm trại tối qua. Những người thợ máy có lời khuyến cáo và bông đùa về những chặng đường sắp đến, và chúc chúng con được may mắn.

Bạch Sư-Phụ, thật là buồn cười, nhưng mới đây trong chuyến hành hương này con khám phá ra rằng càng lúc con càng tự nhiên và thành thật giữ im lặng. Nó chẳng phải là không có ý nghĩ hay sự cảm xúc. Con vui vẻ và no nê, nhưng không phải về những lời đàm luận, chuyện trò. Cho nên thật khó đặt bút, bởi vì đây là một chốn mới mẻ và xa lạ. Các lời trong kinh là những gì con thích nghe và thích lập lại nhất, mà đặc biệt là Kinh Hoa-Nghiêm. Những lời kinh vang vọng trong tâm chúng con suốt ngày và là một phần của sự tĩnh lặng này. Sự huyên náo cùng các âm thanh khác đến rồi đi, nhưng âm vang của lời kinh vẫn cứ tồn tại, trực tiếp nói lên các kinh nghiệm và choàn cảnh của chúng con. Âm thanh của lời kinh đều tự nhiên và qhòa lẫn với sự tĩnh lặng của gió, cây.

Có một sự khế hợp tinh tế, hài hòa giữa những đạo lý này với tâm chúng con. Khi chúng con đọc các lời trong Kinh điển cho nhau nghe, cả hai khuôn mặt và cặp mắt đều sáng rực, reo lên: "Ồ! Ðúng rồi đó! Nó là như thế đó!" Rồi hai cái đầu cùng gật gù, hai khuôn mặt cùng tươi cười tán thành. Chúng con thường có cảm giác như có thêm một pháp-hữu khác nữa--một pháp-hữu thông thái, không hề nhầm lẫn, hiểu rõ những ý nghĩ và cảm xúc sâu kín nhất của chúng con--đó là Kinh Hoa-Nghiêm!

Những gì chúng con trải qua, kinh điển đều giải thích rõ; và những gì được giảng giải trong kinh điển, chúng con đều trải quai. Khi đạt tới một giai đoạn trong sự tu hành mà trước kia cả hai chúng con đều chưa hề biết đến, thì bao giờ tối đến kinh điển cũng soi tỏ, giảng giải và cắt nghĩa về cảnh giới ấy. Thật là bất khả tư nghị! Và, có quá nhiều điều để thâm nhập, tìm hiểu!

Hôm thứ ba, khi chúng con lạy ngang qua thành phố nhỏ Vandenberg Village vào lúc mặt trời lặn, thì có một nhóm khoảng ba mươi người xúm lại chung quanh--dòm ngó, bàn tán xôn xao và lấy làm lạ về chúng con. Một cụ già thấp bé bước ra khỏi nhà, kính cẩn tiến đến cúng dường. Với nụ cười hiền hòa và dáng điệu chỉ tay về hướng bắc, ông ta bày tỏ không bằng lời nói: "Hy vọng vật thực này sẽ trợ giúp các ông trên đường đi. Hãy tiếp tục. Chúc các ông được may mắn!" Ðột nhiên nhóm người căng thẳng và bất an đang lặng lẽ quan sát lại tản mác ra. Nhiều phút sau, họ trở lại và hùa nhau mang ra tiền bạc cùng những thực phẩm cúng dường. Già, trẻ, cháu chắt, ông bà, tất cả đều tươi cười, bố thí và chúc phúc cho chúng con. Sức mạnh từ sự bố thí và thâu nhiếp của một người đã chuyển hóa cả nhóm người hầu như đối nghịch thành những kẻ chúc phúc hoan hỷ!

Lúc từ trạm xăng trở lại, con thấy thầy Hằng-Thật đang lễ bái trong một cánh đồng trống, lộng gió bên ngoài Highway 520, với khuôn mặt tươi cười và tràn ngập vẻ khinh an (nhẹ nhàng, thanh thản). Khi chúng con im lặng ngồi thọ trai trong chiếc xe Plymouth cũ kỹ--bữa ăn gồm có bánh mì, trái cây, đậu và rau cải--con nhận thấy như chúng con đã tự mình lễ lạy vào một thế giới khác--một nơi trong suốt như lưu ly, thanh tịnh và hỷ duyệt--và chúng con chỉ vừa bắt đầu. Tâm trí con đi đến Chùa Kim-Sơn và một thoáng về Sư-Phụ cùng toàn thể đại chúng. Từng khuôn mặt hiện ra, chen chúc nhau trong chiếc xe, tất cả đều sung mãn pháp hỷ, cùng nhau rời bỏ cõi Ta-Bà bụi bặm. Ðây đích thực là nhà : Thường-trụ Tam-Bảo không nơi chốn hay giới hạn.

Một ngày nào đó, những khuôn mặt mà chúng con gặp gỡ trong lúc lễ lạy sau mỗi ba bước--cảnh sát, trẻ con, thợ máy, hươu nai, kiến, người già, kỹ nữ, phóng viên, gió, đá và mây trời--sẽ thành một khuôn mặt. Tất cả sẽ quay về và nương tựa nơi Thường-trụ Tam-Bảo ở ngay trong tự-tánh thật sự của chúng con. Tất cả chúng sanh đều có Phật-tánh. Tất cả đều sẽ thành Phật. Hôm nay là một ngày rất vui!

Một người đàn bà chạy băng qua bốn lanes của đường freeway với xe cộ chạy hết tốc lực, bị trợt chân trượt té xuống một lề đường dốc để cúng dường những bánh ngọt do bà tự làm lấy và 5 dollars--khuôn mặt nở đầy nụ cười suốt đường đi.

Nhiều an lành trong Ðạo,

Ðệ tử Qủa-Ðình (Hằng-Triều) 

kính cẩn đảnh lễ.

********

 

Trong chánh điện Chùa Kim Luân sau khi Hòa Thượng khai thị. (tháng 11, 1977)

********

Sai một ly, đi sai ngàn dặm

Ngày 21 tháng 1 năm 1978.

Sư-Phụ từ giám,

Bây giờ, sau lưng chúng con là thành phố  San Luis Obispo và khoảng 12 dặm về phía trước là vịnh Morro Bay; và kế đó, không gì khác ngoài những dặm đường dài tít mù quanh co uốn lượn dọc theo bờ biển dẫn đến thành phố San Francisco. Chặng đường San Luis có vẻ đặc biệt và trông giống một cổng thâu tiền xe không có cổng hơn. Nhiều thử thách lớn lao về sự quyết tâm và tâm chuyên nhất. Chúng con biết rất rõ tin là khoá thiền đang tiến hành tại Vạn-Phật-Thành và đều cảm thấy công việc của chúng con tựa hồ như một khóa Thiền ngoài xa lộ.

Các khóa Thiền thất phản chiếu sự tu hành của chúng con. Nếu công việc hàng ngày làm cẩu thả thì sẽ thấy ngay trong khi vào thiền thất . Áp lực cho thấy ngay nhựng chỗ rạn nứt và khiếm khuyết. Thay vì thu hoạch, thiền thất lại trở thành tiệm sửa chữa. Lạy trong thành phố cũng giống như vậy. Các tập khí xấu xa thường xem phớt qua hay không rèn luyện đều hiện rõ khi chúng con lễ lạy trong thành phố. Những phương diện giả tạo và che dấu của tâm chúng con đột nhiên hiện rõ dưới ánh đèn pha. Kệ rằng:

"Ờ vùng quê, hãy rèn luyện nó,

Thử tánh nóng ở thị thành,

Vượt qua hay không, vẫn tiến bước

Quán bản thể."

Khi vị hành-giả thật sự dụng công thì thử thách xảy đến không ngừng, ở cả thôn quê lẫn thành thị. Là đệ tử của Sư-Phụ, chúng con biết rằng:

"Mọi việc là thử thách,

Xem coi ta làm gì,

Ðối trước mà không rõ,

Phải đào luyện trở lại."

Thầy Hằng-Triều thuật lại thử thách Thầy đối mặt: Nơi công viên quốc gia, Pismo, không một bóng người, Thầy ngước mắt để ngắm xem đôi vòng mống cầu rực rỡ trên nền trời hướng đông trong nhiều giây. Trong chớp mắt, trong đầu hiện đầy những hình ảnh tham dục và tập khí cũ. Ngay chớp mắt đó, thầy "Ngã lăn theo bánh xe." như bài kệ:

Thấy việc rõ việc, xuất thế gian,

Thấy việc mê việc, đọa trầm luân.

Chỉ vì sai lệch chừng một kẽ tóc ngay lúc khởi đầu mà đến phút cuối, Thầy Hằng-Triều đã trật xa  cả ngàn dặm và phải luyện lại.

Con cũng đối mặt và thất bại trong một cuộc khảo nghiệm tương tự. Trong trường hợp này, nó sai lệch một khoảng cỡ bằng bề ngang của cá voi thì đúng hơn, nhưng kết quả vẫn là sự hồ đồ giống như vậy.

Chiều tối nọ, gần Căn cứ Không quân Vandenberg, một chiếc xe van quen thuộc tạt vào đậu ngay trước mặt. Đó là chiếc xe loại Chevy của Chùa Kim Sơn. Không mang kính nhưng con đã nghĩ đó đó là chiếc xe của Chùa. Lúc ấy là thời gian cuối của một ngày dài lễ lạy; bản ngã của con mong muốn một bất cứ sự biện minh nào đó cho sự phóng ra bên ngoài. Tự nghĩ "Thật tuyệt diệu! Một cuộc thăm viếng bất ngờ của gia đình chúng ta." Con phóng chiếu rằng đó là một thầy Tỳ-kheo mang đến kinh điển mới, hay thức ăn, hay có thể là lời nhắn nhủ của Sư-Phụ. Ngay lập tức con có nguyên một cảnh tượng tham lam diễn bày trong đầu óc. "Nghĩ tức cười! Không ai bước ra khỏi xe đó cả. Không biết họ đang đợi gì? Tại sao thầy Hằng-Triều chưa bước qua để đón họ? Ồ! Kệ, hãy lạy cho xong hôm nay rồi nhận phần thưởng sau cũng được. Kìa, cửa xe mở. Ai vậy cà?"

"Này bạn, bạn có nhận Chúa Giê-su là đấng cứu rỗi không?"

"Ô không! Một người truyền đạo Thiên-Chúa lại trùng hợp lái chiếc xe van Chevy màu xanh lá cây! đó."

Hãy trở lại tay lái để đào luyện trở lại.

Tiến trình đào luyện cũng giống như công việc hằng ngày tại tu viện. Phải đúng giờ, đừng vội vàng, ăn vừa đủ, chớ tham nhiều, thời thời khắc khắc, nhất tâm nhất ý hành lý Trung-đạo, hàng phục bản ngã mọi lúc. Nếu kiên nhẫn, tinh tấn, thành tâm rèn luyện, thì khi đường phố hiển hiện dưới đầu gối của chúng con là lúc đo được độ cứng và độ bền của kim loại. Những chỗ cứng vượt được thử nghiệm; chỗ yếu phải trở lại lò rèn thêm một vòng nữa. Cũng giống như trong khóa thiền, việc tu hành diễn tiến như bình thường, nhưng có phần nhiều hơn. Với sự tập trung tâm trí vào việc trì tụng và ngồi thiền, kết quả công việc hàng ngày được đưa vào kho (để kiểm điểm). Những cây trơ trụi phải tỉa cành ngắn lại để mọc ra vào mùa tới. 

Một ví dụ về nội tâm đối thoại khởi lên trong quá trình rèn luyện: "Hàng phục tâm tham danh chưa? Định lực của mình như thế nào khi phóng viên địa phương đến chụp hình 'cắc, cắc, cắc' hàng giờ ? Mình có bị chệch ra khỏi tâm điểm và bắt đầu làm bộ dạng? Lăn theo bánh xe. Về thức thì như thế nào? Vẫn bám víu mùi vị cùng ăn cho no đầy phải không?" Hãy thử xem. Ông bà của Sa di Qủa-Hữu, Bill và Pat đến với một mâm bánh mì nóng hổi vừa làm tại nhà. Tất cả sáu căn đều động cùng một lúc; tâm thì đầy cả mây mù vọng tưởng. Trở lại lò rèn! Nói đi, mình đang tu hành cái g ngoài tâm tham bánh mì bắp nóng? Còn ngủ nghê thì thế nào? Giờ là tám giờ rưỡi tối; đã tụng Kinh Hoa Nghiêm xong; bây giờ mỏi mệt trong từng lằn gân tế bào; tập khí xấu làm mình thiếu kiên nhẫn, lại sắp sửa muốn đắm vào giấc ngủ. Đến giờ ngồi thiền, nhưng để làm gì? Mình sẽ chỉ ngủ gục. Sư-Phụ, con phải làm gì? Con đã tuyệt vọng rồi! Càng đi sâu hơn vào tâm con, con càng quậy ra thêm nhiều bùn nhơ và rác rưởi. Không có hoa sen ở đây, chỉ có bùn lầy. Nghiệp chướng qúa thâm trọng. Được, đi  hỏi thầy mình thì không bị sai, dù trường hợp của con là trường hợp tuyệt vọng. Lòng từ bi của Sư-Phụ thâm sâu hơn sự ngu si của con. Con đang tận lực để tự đứng, nhưng đây là thời điểm cần sự giúp đỡ. Trước mặt là quyển Kinh Bốn Mươi Hai Chương Lược Giảng, hãy mở ra xem kinh nói gì:

"Bậc Sa-môn học Đạo phải giữ lòng bền vững và tinh tấn lướt tới, chẳng sợ cảnh trước, phá diệt bọn ma, chứng được Đạo-quả.

.... Liên kết ba sức mạnh của Giới, Định, Huệ với nhau, tất sẽ dứt trừ được những thói hư tật xấu và thói quen giả dối có từ vô thủy. Vô số thói hư tật xấu này được ví như chúng ma ... chớ bỏ dở nửa chừng, và tinh tấn lướt tới, dũng mãnh dấn thân, chỉ có tiến chứ không chịu lùi bước." (1)

Thật kỳ lạ! Dường như Sư-Phụ đang ngồi ở ngay đây! Khi ấy, trong tai con nghe có tiếng Sư-Phụ văng vẳng: "Này Quả-Chân, con sâu lười biếng! Sao chưa làm xong công-quả mà lại dám nghĩ tới chuyện ngủ nghê? Con phải lo làm công-quả y hệt như con lo mặc y phục, hay lo ăn cơm vậy. Con có bỏ bữa thọ trai vì quá mệt mỏi không? Chắc chắn là không! Vậy thì, sao con lại không ngồi thiền? Mọi người đều đang nỗ lực dụng công trong kỳ thiền-thất, còn con thì viện cớ gì chứ?"

Con ngồi thẳng dậy và bắt tréo chân ngồi kiết-già. Bao nỗi mệt nhọc cùng nghi hoặc trong lòng con tan biến dần như màn sương mù trước ánh nắng ban mai. "Dầu thành hay bại, chúng ta vẫn tiếp tục quán tưởng về thực-thể." Ai dám hoài nghi việc thân cận bậc Thiện-tri-thức là tất cả (một trăm phần trăm) của Ðạo?

Vịnh Morro Bay - cách 13 dặm.

Monterey - cách 135 dặm.

San Francisco - cách 249 dặm.

Vạn Phật Thành - cách chỉ một niệm.

 

Ðệ tử Quả Chân (Hằng Thật) 

kính cẩn đảnh lễ.

 

Ghi chú:

(1) Kinh Bốn Mươi Hai Chương Lược Giảng - Chương thứ 33.

********

Phạm giới khởi nguyên từ vọng tưởng

Tháng 1 năm 1978.

Sư-Phụ từ giám,

Tháng 1 năm 1978.

Sư-Phụ từ giám,

Chủ-nhật, 3 giờ 45 sáng: Thức dậy làm lễ công-phu khuya, trườn người lấy áo ấm mặc vào để tránh cái lạnh ban mai. Xa lộ còn vắng vẻ và yên tĩnh, chỉ có tiếng trăng và tiếng róc rách êm tai của dòng suối nhỏ trước khi chúng con bắt đầu với Chú Lăng-Nghiêm.

Từ 5 giờ đến 6 giờ 30 sáng: Chúng con chép và xem kinh điển, đổ dầu đầy cây đèn dầu. Ngồi thiền.

Từ 6 giờ 30 đến 7 giờ sáng: Tập Thái-cực quyền--con trợt chân và trượt té trên những trái cây khuynh diệp.

7 giờ 15 sáng: Lái xe đến điểm lạy trên đường đèo trong núi Santa Lucia Mts. Gió thổi nhè nhẹ, lạnh và trong lành. Mặt trời đang nhô lên trên rặng núi.

8 giờ sáng: Bốn đệ tử tại gia từ Los Angeles ra gặp, họ mặc đồ ấm dày và sẵn sàng để lạy.

9:00: Một thanh niên tên Richard, thầm lặng tham gia lễ lạy ngang qua cổng nhà tù tiểu bang bên ngoải thành phố San Luis Obispo. "Tôi vừa thấy quý vi, cảm nhận quý vị rất thành tâm và cảm nhận được mối quan hệ nên tôi quyết định tham gia, có được không?" Anh Richard cũng cho biết rằng đã có tập chút ít Thái-cực quyền, Yoga, thiền tập. "Và việc lễ lạy này trông thấy và cảm nhận đều giống nhau". Anh ta cúng dường rồi rời khỏi lúc 10 giờ để trở về đi làm. Anh là người làm vườn; dự định đến Vạn-Phật-Thành trong mùa xuân này khi được một tháng nghỉ hè.

10:30: Ngừng lạy, hồi hướng công đức; lái xe ra khỏi xa lộ đến cánh đồng trống thọ trai.

10:45: Hết xăng (xe không có đồng hồ đo xăng).

11:00-11:30: Ngồi thiền.

11:30-12:30: Cúng ngọ, thọ trai. Ðang thọ trai bỗng có một người từ xa đi lại chắp tay, vái và cung kính cúng dường một bọc trái cây cùng một số cành hoa hồng đỏ.

1:00-2:00: Tụng tán Quán-Âm, tụng Chú Ðại-Bi, Kinh Hoa-Nghiêm--phẩm Ðao-Lợi (thầy Hằng-Thật dịch).

2:00-6:00: Lễ lạy. Trên đường trở về chỗ lạy, con nhập trong định "Vọng-tưởng" về việc làm thế nào để đem thưc phẩm cúng dường còn dư về Vạn-Phật-Thành. Chợt thấy một con rùa đang ngước cổ ngay giữa xa lộ; có vẻ hoang mang . Lúc đó con thức tỉnh, suy nghĩ muốn cứu nó, nhưng chúng con đã chạy quá xa. Phải quay xe trở lại. Chúng con trở lại chỉ vừa đúng lúc để nghe  thấy con rùa bị dập nát tung tóe bên dưới bánh xe của một chiếc xe Cadillac. Chúng con cảm thấy sinh mạng con rùa chấm dứt ngay trong tâm can mình. Đây là một bài học lớn lao: "Ban đầu sai một ly, cuối cùng sai ngàn dặm." Nếu con thuận theo duyên, không để thân nơi này, tâm nơi kia, thì chắc con đã quyết ngừng xe lại ngay khi vừa trông thấy nó mắc kẹt giữa đường. Thay vào đó, cơn "định" vọng tưởng về thực phẩm của con khiến con xa rời vài giây và chính điều này đã làm sự việc hoàn toàn khác. Trong giới Bồ-tát nói rằng Bồ-tát phải giải thoát và cứu giúp chúng-sanh. Bài học là: "Phạm giới khởi nguyên từ vọng tưởng và tạo ra bao hoạn nạn khổ đau."

3:00 pm: Một ông băng ngang xa lộ đầy xe lưu thông để cúng dường, ông ta nói: "Tôi chưa bao giờ biết đến một nơi như thế (Vạn-Phật-Thành) hiện hữu tại Cali này. Tôi muốn giúp."

4:00 pm: Một bà ngừng xe trước cổng nhà tù liên bang tiến đến: "Các ngài có nhận thứ này không?" Vừa hỏi vừa chìa tay ra một xấp tiền tem phiếu (1), "Va khi tụng kinh, nhớ cầu nguyện giùm chồng tôi. Ông ta đang ở trong đó.", bà chỉ tay về phía nhà tù. "Cầu Chúa ban phước lành cho các ngài."

5:30 pm: "Về nhà, lũ đầu trọc!" một chiếc xe lướt qua.

5:40 pm: Một ông bước đến từ nơi bờ rìa xa lộ nhỏ hẹp, gần như bị trượt té, nhưng vẫn tới, đưa tiền cúng dường cho con, nói rằng: "Khi tâm sùng kính, thì ngay cả răng chó cũng phát ra ánh sáng." Ông ta quay mình và bỏ đi.

6:00 pm: Chung con hồi hướng công đức, lạy Tam-Bảo và Sư-Phụ.

6:30-7:30: Ngồi thiền.

7:30-9:00: Tụng Kinh A-Di-Ðà cùng các bài tán. Dịch Kinh Hoa-Nghiêm.

9:30-10:30: Con tập thể dụcc võ Thiếu-Lâm, sau đó đứng thiền bên ngoài để tỉnh ngủ và xua đuổi cơn lạnh.

10:30-11:15: Tụng chú, lạy chư Tổ.

11:15-12:30: Ðọc nguyệt san Kim-Cang Bồ-Ðề Hải và ngồi thiền.

12:30: Thổi tắt đèn dầu, nghe tiếng chim cú cô độc kêu "ai, ai" (2), và ngủ thiếp.

Ðệ tử Quả Ðình đảnh lễ.

 

Ghi chú:

(1): Foodstamps: loại phiếu mua thức ăn do chính phủ phát hành để giúp những người có lợi tức thấp.

(2): Tiếng chim cú kêu gần giống tiếng Anh là "who, who", có nghĩa là "ai, ai", là đề mục tham thoại đầu lúc tham thiền (thường tham cứu "ai, ai" - "Ai đang niệm Phật?").

********

A Di Ðà Phật!

Ngày 22 tháng 2 năm 1978.

Sư-Phụ từ giám,

Trở lại thiên nhiên.

Chúng con, đệ tử Ba Bước Một Lạy, cầu chúc Sư phụ cùng đại chúng những lời chúc tốt đẹp nhất. Chúng con đang ở thành phố Harmony, tiểu bang California, dân số khoảng 18 ngàn người, ở chặng giữa thành phố Cayucos và Cambria. Ngày ngày, đồi núi càng thêm xanh tươi, nền trời càng xanh thẳm, người càng thưa dần, sương mai càng dầy đặc. Quang cảnh có những con rắn dài và con bò lông dài trên đồng cỏ lạnh. Một sinh viên sinh vật học tại đại học Cal. Poly xác nhận rằng con vật mà thầy Hằng Triều thấy hôm chủ nhật chính là sư tử núi.

Nghe lời khuyên của một hộ pháp, chúng con bắt đầu ăn rau dại mọc dọc theo đường lộ. Hái rau quả là một thiện pháp. Rau dại miễn phí, cũng giống như Phật tánh; không cần dùng tiền mua. Trước khi chúng con khám phá ra rằng chư Phật khắp thời gian và không gian đều do tâm tạo, chúng con đã rong ruỗi khắp Pháp Giới để tìm Đạo. Sau đó chúng con được nghe rằng là Đạo ở ngay trong chân tâm chúng con - điều chúng con cần làm là khai mở ra. Ồ! Rau dại cũng giống như vậy. Cánh đồng trông có vẻ đầy cỏ dại cho đến khi có người nói: "Này, rau dại mà các ngài đang dẫm lên đó có mùi vị giống những thứ rau ngon nhất trong các siêu thị, và hơn thế nữa vì chúng miễn phí, xanh tươi và có rất nhiều." Ồ! Cánh đồng cỏ dại trở thành vườn rau bổ dưỡng. Thử thách hiện giờ của người hành giả là đừng nghĩ dến bao tử mỗi khi nhìn xuống dất.

Ba bước một lạy mang lại lòng biết ơn nhiều thứ chúng ta đã bỏ sót hoặc cho là đương nhiên. Những rau dại này xứng đáng được đề cập là kho tàng thực phẩm vô tận dành cho những người hành hương và các ẩn sĩ sơn lâm trong tương lai. Chúng con không đi ra xa để thu nhặt - chúng con có thêểnhận ra 5, 6 loại rau mọc hầu như khắp nơi. Trong năm phút, chúng con hái đầy một nồi (nhưng phải lưu ý đến côn trùng vì đây cũng là thế giới của chúng!). Sau dó, rửa sạch, luộc khoảng hai phút. Thế  là xong. Còn gì nữa? Chúng con tìm rau "đắng" để tẩy trừ "khí nóng" phát sanh do tọa thiền. Cây bồ công anh, cây cải xen xanh có đủ chất đắng thiên nhiên  để hạ nhiệt lửa trong người nhưng không quá đằng để có thể nuốt. 

Sinh hoạt hằng ngày của chúng con trở nên tự nhiên và đơn giản hơn khi lễ bái dẹp trừ lần lần những tập khí nhân tạo chúng con đã tích tụ qua nhiều năm. Chân lý tự nhiên và đơn giản: "Tất cả pháp duyên sanh đều sẽ hủy diệt." Thân thể do bốn yếu tố tảm kết hợp: đất nước gió lửa. Không có số lượng thức ăn thiên nhiên nào có thể giữ thân thể khoẻ mạnh khi đến lúc phải chết. Phong trào trở về thiên nhiên thì đi đúng đường, nhưng nếu ngừng ở chỗ "rau dại, hạt" bên vệ đường thì không "quay lại" đủ cho lắm. Phật tử là một phần tử trong phong trào chân thực quan trọng trong thế giới tân tiến hiện nay - phong trào "quay trở về tự tánh chân thật". Tự tánh chân thật không hư hoại, đó là quyền bẩm sinh của chúng sanh. Bằng cách tu hành theo đường tất cả chư Phật đã qua, chúng ta trở về Thiên Nhiên vĩ đại nhất. 

"Gió và ánh sáng của đất tâm có mùi vị đặc biệt vi diệu vô hạn. Nếu chúng ta muốn nếm thử mùi vị của nó, chúng ta đơn giản chỉ cần thanh tịnh tự tâm. 

- Thủy Kính Hồi Thiên - Hòa Thượng Tuyên Hóa

Có thể nói rằng ở đây Hòa Thượng nói về cây bồ đề; cây mà chúng ta muốn nhận diện, được ăn và chia xẻ với tất cả pháp hữu. Cây này không có trong sách hướng dẫn các loại cây có thể ăn được ở ngoài các cánh  đồng, bởi vì cây này rất đặc biệt - nó sinh trưởng trong đất tâm. Sư phụ chỉ cho chúng con tìm nó ở đâu, làm thế nào để nhận diện, để thu hoạch. Dưới đây là cách thức cây này có thể được liệt kê trong sách Hoa Phật Giáo:

Chủng loại: giác ngộ.

Thứ loại: vi diệu

Môi trường: trong chân tâm tất cả chúng sanh.

Phân bố: khắp Pháp Giới.

Mùa thích hợp: mãi mãi

Mô tả: xem Kinh Hoa Nghiêm để tham khảo.

Vi diệu không thể nghĩ bàn.

Câu chuyện về chiếc xe: 

Chiếc xe hang-động-trên-bánh-xe Plymouth của chúng con chẳng phải một chiếc bình thường. Chúng con nghi ngờ rằng nó là một con rồng, có thể là một đệ tử Sư phụ hóa thân tính nguyện làm việc cho hành trình Ba Bước Một Lạy. Chiếc xe vừa hộ pháp vừa nói Pháp cho chúng con. Có những đêm. nằm dưới ánh trăng sáng nó thực giống rồng, có đủ râu quai hàm, đuôi dài thườn thược. Ðáng lẽ đã rã rời hàng chục lần rồi, nhưng vẫn còn hăng hái lăn bánh. Lần nọ, đầu tháng Hai, gặp một trận bão lớn, xe không chịu nổ máy. Chúng con đành phải đậu xe bên lề xa lộ. Một người thợ máy trong trạm xăng ra rồ máy "rồng" nhưng chẳng nổ máy. Chiếc xe nẳm ù lỳ trong khi chúng con lạy bên đường bùn lầy ngập đến mắt cá chân. Dự tính sẽ lái vào vịnh Morro buổi sáng đó để phơi khô đồ của chúng con tại một tiệm giặt ủi, nhưng không có cách gì cả; xe bị ướt hoàn toàn. Ðột nhiên, một xe buýt màu xanh quen thuộc hiện ngay bên cạnh chúng con, với ba tượng Phật vàng kim cột chặt vào ghế xe. Ðó là ưu bà tắc Quả Tài, đến để đón chúng con và mang ba tượng Phật xuống Los Angeles . Nếu chúng con đi đến tiệm giặt đồ thì ông ta chẳng bao giờ  tìm được chúng con. "Ðược hãy thử xe lần nữa coi!" Rồ rồ, nó bắt đầu chạy như nôn nóng và chuúg con đi. Quả Tài nói: "Theo quí thầy,nó cố ý không chịu chạy để đợi tôi xuống à?" "Vâng, còn cách nào khác để giải thích?". Có đủ thứ kỳ lạ vi diệu trên thế gian- vô số, vô tận, vô lưoơng, vô biên - tất cả đều từ số không (zero) ở trong tâm. Thật không thể nghĩ bàn!

A Di Ðà Phật.

Ðệ tử Quả Chân đảnh lễ.

*******

Ðạo Phật Ở Nước Mỹ

Harmony, California, ngày 23 tháng 2 năm 1978.

Kính bạch Sư-Phụ,

Sáng hôm nay con có viết một bài văn ngắn ghi lại vài điều đã trở nên rõ rệt hơn đối với con về Ðạo Phật và nước Mỹ trong lúc đi Ba Bước Một Lạy.

Ðạo Phật Ở Nước Mỹ

Vịnh Morro Bay, California.

Con người với mọi chủng tộc, mọi màu da mà chúng ta có thể hình dung được, đã từ khắp nơi trên thế giới đến định cư tại đất nước này. Tất cả đều cùng san xẻ một vật: Hiệp Chủng Quốc, nơi sẵn sàng dành cho mọi người một dịp may để làm lại cuộc đời, một cơ hội để sửa đổi những thói hư tật xấu cũ và trở thành con người mới. Tất cả đều đang tìm kiếm một thiên đường đã đánh mất. Họ lìa bỏ nhà cửa và những thứ quen thuộc, họ đến đây để tìm một mảnh đất thanh tịnh và để tìm lại bản tánh chất phác tự nhiên của họ. Là những kẻ mơ mộng và là những người lý tưởng, những người này là những người tìm kiếm sự tĩnh lặng và đuổi theo sự tự do và hòa bình tối hậu. Cho tới nay, điều này vẫn đúng thật và người ta vẫn còn đến nước Mỹ vì tự do và vì vườn Ðịa-đàng.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tìm được nó. Vì sao? Các bạn có thể nêu lên một lý do là chúng ta đã tìm không đúng chỗ. Nó rất giống câu chuyện trong Kinh Pháp-Hoa về một người đàn ông giàu có nhưng con ông ta lại không thấy thỏa mãn và còn muốn bỏ nhà ra đi . Nhưng trước khi người con ra đi, cha mẹ của cậu ta vì lo sợ rằng con mình sẽ trở thành một kẻ lang thang phiêu bạt, không một đồng xu dính túi, nên đã lén may một viên ngọc như-ý vào trong áo quần của người con. Người con bỏ đi và quả thật, đã trở nên ngèo túng. Nhưng người con không hề biết là một viên ngọc vô giá được may giấu trong áo quần của mình, cho nên cậu ta đã không hưởng được sự ích lợi của viên ngọc như ý này.

Người Mỹ rất giống với người con trai của vị phú ông ấy. Chúng ta cứ không thấy vui vẻ, hạnh phúc ở nhà, và cứ bứt rức mong muốn được tự do. Thế nên, chúng ta chạy ra ngoài: đuổi theo tiền tài và mưu cầu "nhiều hơn, tốt hơn, lớn hơn"--xe cộ, nhà cửa, và những thứ cao xa. Tuy thế, tất cả mọi thành quả thế gian làm cho đất nước này trở nên một quốc gia phồn vinh nhất thế giới lại không thể nào sản sinh ra thiên đường được. Sự thành công về mặt vật chất của chúng ta mang lại một chút tự do hoặc an toàn. Chúng ta vẫn cứ mãi bồn chồn và không cội rễ như thuở nào, và có lẽ còn hơn tệ thế nữa so với cách đây 200 năm. Càng khổ công và nôn nóng săn kiếm "viên ngọc" ở bên ngoài bao nhiêu, thì chúng ta lại càng rời xa quê nhà mình bấy nhiêu. "Sai một ly ở bước đầu", thì chúng ta "đi sai một ngàn dặm ở chặng cuối". Vịnh Morro Bay chính là "chặng cuối" theo nhiều phương diện và là một thí dụ điển hình về vấn đề vì sao Ðạo Phật lại đang bắt rễ trên mảnh đất phương Tây này.

Virginia, John McKenzie với bốn đứa con ở vùng Morro Bay là một gia đình người Mỹ tiêu biểu. Họ tốt nghiệp Ðại học, lập nghiệp tại South Pasadena, và bắt đầu sống một đời sống tốt đẹp và đầy hứa hẹn. Virginia kể lại rằng: "Nhưng vấn đề không phải ở chỗ có được cái T.V. màu mà là có được bao nhiêu cái T.V. màu; đó mới là điều đáng kể." Nhưng họ vẫn thấy thiếu vắng cái gì đó và những thành công hơn nữa về sau cũng không sửa đổi lại sự thiếu vắng đó được. “Do đó chúng tôi bán mấy cái TV và chiếc Cadillac, mua một chiếc xe có phần sau rộng (station wagon), và dọn lên vùng núi non để ở.”. Họ sống ở đó trong ba năm và học hỏi được rất nhiều. "Tôi học cách để dành những sợi dây thun và cảm thấy như đang học lại lớp mẫu giáo.” Nhưng những đứa con nhỏ cần "trường học và hướng đạo" do đó họ dọn đến thành phố Morro Bay như là một thỏa hiệp – là một thành phố, nhưng không ô nhiễm và điên đảo như thành phố Los Angeles, theo họ nghĩ.

Trong thời gian ngắn, các công ty dầu hỏa, các công ty điện lực xây cất những nhà máy khổng lồ. Các "nhà phát triển xây dựng" tràn vào, chia lô và xây dựng, cho đến khi thành phố Morro Bay tăng phồng lên về kích thước và các sự nhức đầu. "Xa lộ từ từ kề cận; và " cộng đồng an vui yên tĩnh" lại có vấn đề ma tuý trầm trọng đến với trẻ em. Chúng tôi rất lo ngại." Virginia nói tiếp: "Con của chúng tôi là những đứa trẻ ngoan, nhưng khi ma túy ngay trong trường học thì..."

Gia đình họ McKanzie đọc qua về Vạn-Phật-Thành đăng trong báo thành phố San Francisco, và thấy chúng con lễ lạy. Họ xông xáo vận động ủng hộ và họ "thật vui vì có dịp cho ra." Họ thường gởi cho chúng con xăng, nước và thức ăn. Con giải thích ngắn gọn như thế nào mà Tăng-già là "ruộng phước" như thế nào. Mọi người bố thí qua chúng con chứ không phải cho chúng con. Bố thí là một cách để trồng thiện căn, trưởng dưỡng những điều Phật giáo tiêu biểu: giác ngộ, từ bi, dứt khổ, và trí huệ viên mãn. Virginia bảo: "Rất chí lý, giống như gieo hạt. Tôi không hiểu nhiều. tất cả điều tôi suy nghĩ khi tối cho ra là nơi đó (Vạn-Phật-Thành). Tôi thấy những khuôn mặt hiền hòa, vùng đất an lạc, những toà nhà tốt đẹp và đang được sử dụng. Tôi gởi lên đó để giúp họ phát triển." Bà ra điệu bộ như người trưởng đội cỗ vũ  (cheerleader). Về năm giới, Virginia nói: "Ồ! Giữ giới sẽ giúp lấy gánh nặng lớn ra khỏi lưng, có phải không?"

Cliff và Vicky, một cặp vợ chồng trẻ, hiện sống trong một khu chung cư phát triển cộng đồng có "tiền mướn mắc" và đông đúc gọi là Bay Wood, ở thành phố Boro Bay. Họ không mấy vui vẻ hay có vẻ ổn định.  "Chúng tôi đang tìm kiếm những gì có thể diễn tả được phù hợp với tư tưởng và cảm giác nội tâm của chúng tôi - ở bên trong, bạn có biết không? Sự thành công và các tôn giáo truyền thống không đáp ứng được. Cái đó không phải là 'nhà' cho chúng tôi. Rất nhiều người bàn về Con Đường và về Ðạo, nhưng chúng tôi thực chưa tìm thấy ai chân chánh thực hành," họ giải thích. Khi biết rằng chúng con là một phần của cả một cộng đồng cư sĩ và tu sĩ đang thực hành Phật giáo, Vicky nói: "Tôi không thể xóa đi nụ cười trên khuông mặt mình trong mấy ngày qua vì tôi quá sung sướng." Họ cùng bạn bè mang đồ cúng dường, tham gia buổi tụng tán Quán-Âm chiều chủ nhật, cùng tụng Chú Ðại-Bi.

Tuần rồi Cliff lúc đang lái xe về nhà trong một cơn bão dữ dội. Mưa to gió lớn đã đưa xe anh ta từ lằn đường này sang lằn đường khác trên xa lộ; bỗng chợt một đàn chim tránh bão liệng mình trước xe. Cliff bảo: "Tôi nhìn kiếng hậu thấy một con chim lăn cuộn trên xa lộ. Tôi đã đụng nó, tôi biết con chim đang chết dần. Tô cảm thấy mình phải làm cái gì đó để giúp nó. Khi ấy, vì lý do nào đó, không suy nghĩ, tôi niệm "Nam mô Quán-Âm Bồ-tát" khoảng năm hay sáu lần vì tôi nhớ Bồ-tát Quán-Âm luôn cứu giúp khi đau khổ hay bệnh hoạn. Sau đó điều kỳ lạ xảy ra. Ðột nhiên bầu trời trở lại quang đãng, gió dịu lại. Trời nắng lên và an toàn suốt đoạn đường về nhà.

"Khi bước chân vào nhà, mặt anh ta ngời sáng và vui vẻ!" Vicky nói.

"Tôi biết việc ấy có liên hệ với việc niệm danh hiệu Bồ-tát Quán-Âm, nhưng tôi không biết tại sao, thế nào? Trong đời tôi chưa bao giờ gặp việc như thế, thật lạ quá !" Cliff bảo.

Họ xin tất cả bản in của Chú Ðại-Bi do một cư sĩ ở Los Angeles cúng dường. Họ liên tiếp hỏi han, thành tâm tìm hiểu Phật Pháp. "Pháp thân thanh tịnh là gì?" "Chúng tôi có thể bắt đầu đọc từ đâu?" "Bồ-tát là gì?" "Chúng tôi có thể giúp được những gì khác?" "Ai là Phật A-Di-Ðà?" ....

Hai con chim ưng cuối cùng trong nước được bảo vệ chu đáo tại địa điểm đặc biệt trong vùng vịnh Morro - một hòn đảo nhô cao giữa vịnh. Tự thành phố là nơi nương náu của các loài chim. Mọi người đều biết rõ họ đang sống sát bờ đại lục. Không còn chỗ để mở rộng hay để chạy thẳng lên đồi thưởng thức cỏ xanh tươi hơn. Là một quốc gia, hiện tại cũng như thế: chúng ta đã hết chỗ để chạy ra ngoài.

“Cuộc lẩn tránh vĩ đại", như một sử gia đã gọi việc tự trốn chính mình của chúng ta, đang đến một giới hạn thiên nhiên và về mặt tâm linh chúng ta đã đi sai cả ngàn dặm. Nhưng người Mỹ là những người lạc quan, đầy nhựa sống. Họ không thất vọng. Sống thực tiễn, tự lực cánh sinh, họ lại tự đứng dậy và tránh lỗi lầm xưa. Ðây gọi là sám hối và sửa đổi. Những người chúng con gặp thường không cảm thấy xấu hổ hay sợ hãi khi chấp nhận rằng họ lạc đường và muốn khởi sự lại cho đúng. Cởi mở và đầy năng lực, nhiều người sẵn sàng rời bỏ “thế giới mới can đảm" để đến "thế giới Hoa-Tạng". Họ sẵn sàng "hồi quang phản chiếu". Nhưng bắt đầu từ đâu?

"… nơi đó có ai là người trí, được gặp và nghe Phật mà không tu hành nguyện thanh tịnh và bước đi trên cùng con đường mà Đức Phật đã đi?" 

Kinh Hoa-Nghiêm-Phẩm Ðao-Lợi Thiên.

Sư-Phụ thường nhấn mạnh:  "Phải xem Phật Giáo là trách nhiệm của chính mình.” Chỉ có điều này mới quan trọng: mỗi Phật-giáo-đồ phải cố gắng hết mình để buông bỏ cái giả và tìm cái thật. Điều làm cảm động và gây hứng khởi cho người khác là sự thật sự thực - những nguyện thanh tịnh và thực hành. Như chỉ nói suông thì không giá trị. Có rất nhiều người như thầy Hằng-Thật và con nhận thức được rằng chúng con thực chưa chân chánh lo làm phận sự của mình, chúng con chỉ lên toa tàu và đi nhờ miễn phí mà thôi. Chúng con đã xài gần cạn phước báo bằng cách thọ hưởng phước. Giống như người con của ông trưởng giả giàu có, chúng con đã chạy ra ngoài phan duyên và phải khởi sự lại từ đầu.  

Vạn-Phật-Thành rất quan trọng. Đó là nơi chốn thanh tịnh chúng ta có thể rửa sạch tâm hồn nhơ bẩn và đặt nền móng đức hạnh cho cuộc đời mình. Vạn Phật Thành đại biểu niềm hy vọng cho vô số chúng sanh để họ chấm dứt khổ não và tìm được tự do chân thật. Vạn Phật Thành đang trở thành một biểu tượng, giống như tượng Nữ Thần Tự Do, của cơ hội và nơi nương náu: một cơ hội để hoàn thành cuộc Cách Mạng Độc Lập Thật Sự bằng cách giải thoát tâm địa. 

Nhiều người chúng con gặp đã chia sẻ niềm xác tín này và họ rất vui mừng về Chánh Pháp và Vạn-Phật-Thành.

Thực tế, cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ để dành độc lập chưa hề hoàn tất. Nhiều người Mỹ cảm nhận được ý nghĩa của công việc chưa hoàn tất trong tâm trí họ. Lịch sử và hành vi của chúng ta tiếp tục trở thành một cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ để tìm gốc rễ tự nhiên và sự giải thoát tối hậu của chúng ta. Có ai ngờ rằng "bảo châu" được may vào ngay trong vạt áo của chúng ta? Bảo châu là gì? Có phải đó là sự giàu có thịnh vượng của chúng ta không? Không! Bảo châu này là thể tánh sáng ngời của tự tánh thanh tịnh thường trụ, tâm bất biến chân thật của chúng ta. Chúng ta thường cho rằng Phật-giáo rất mới mẻ tại Hoa Kỳ, những điều này không hoàn toàn chính xác. Như viên ngọc bảo châu, Phật-giáo luôn có mặt tại đây. Chúng ta chỉ không biết tìm ở đâu mà thôi. Nay "Mộ-Trung-Tăng," vị tăng trong phần mộ đến nước Mỹ và nhắc nhở chúng ta về bảo châu may trong áo của chúng ta – viên ngọc như ý. Lục-Tổ nói “Chính thân này là đất giác, chính tâm này là Tịnh Độ".

Ông Stan, là người gốc ở thành phố Boise, tiểu bang Idaho, tuổi gần 80, về hưu sinh sống với vợ tại vịnh Morro, vẫn mặc áo có in hình, tánh thẳng thắng, đơn giản, chân thật. Ông nói: "Chúng tôi đã đọc báo về quý vị, và về những gì quý vị đang làm tại Bắc Ukiah..."

 "Ông nói về Vạn Phật Thành à?"

"Vâng, đúng rồi. Ồ, những gì tôi muốn nói là đất nước này cần thêm nhiều người như quý vị.

Ông Stan đem đồ cúng dường và mời chúng con trú lại nhà ông qua đêm khi còn ở trong vùng này. Con giải thích về những lời nguyện của chúng con không cho phép chúng con làm việc đó, nhưng đó là một sự mời mọc tử tế.  "Vâng, rất vinh dự được biết quý vị. Vợ tôi và tôi rất thích thú về việc quý vị đang làm. Ðây là việc sẽ làm cho đất nước vững mạnh. Chúc quý vị may mắn và cảm ơn quý vị!"

Mộ Trung Tăng, vị tăng trong phần mộ đến đây không vô ích. Virginia Mckenzie tỏ lòng muốn cám ơn người nào đó. Chúng con bảo bà ta rằng nếu muốn cám ơn thì tốt nhất nên thực hành giáo pháp, và chúng con nói với bà về những chữ phía trên cửa ra vào tại Chùa Kim Sơn Thánh Tự:  "Hãy cố gắng hết mình!"

"Ồ, đúng rồi, có phải không?" Virginia la lên, "Và nếu bạn làm lầm lỗi, thì hãy cố gắng hết mình để cố gắng làm tốt hơn!"

Ðệ tử Quả-Ðình đảnh lễ.

 

*******

Có phải là cái đó không? Chỉ chừng ấy thôi sao?

Bắc Hearst Castle, ngày 16 tháng 3 năm 1978.

Sư-Phụ từ giám,

Xuân chợt đến hôm nay và chúng con mới cởi mấy lớp y phục lần đầu tiên kể từ tháng 11, có vẻ như vậy . Mặt trời nóng và hàng đàn côn trùng đến thăm viếng. 

Rõ ràng mọi việc đều do tâm tạo. Tháng rồi con lục trong giỏ xách tìm đôi vớ ấm. Quá lạnh, vớ mỏng muà hè không thể dùng được. Hôm nay con lục lọi lần nữa, những chiếc vớ len nặng nề trông khổ não trong những ngày nóng bức chẳng còn quyến rũ nữa. Dưới đáy giỏ là những đôi vớ mỏng. Ồ, tuyệt diệu. Những đôi vớ có biến hóa gì trong bốn tháng rồi không? Không chút nào cả. Chính tất cả là do tâm con tạo, tâm đại phân biệt, tìm cầu thoải mái cho túi da. Là một chúng sanh thì có thể chắc chắn là phức tạp và phiền toái.

Thầy Hằng-Triều và con từng có nhận thức rõ ràng trong mấy tháng vừa qua rằng Sư-Phụ có ở đây với chúng con. Chúng con đạt được sự nhận biết này sau khi kinh nghiệm những khai thị của Sư Phụ đều trở thành sự thật trong tâm của chúng con hết lần này đến lần khác. Thật rõ ràng, đúng thời điểm chính xác!  sự tỉnh thức rất kỳ diệu. Bất cứ nơi nào chúng con đi xa ra khỏi ý định ban đầu là đi trên Trung-đạo, bất cứ cảnh giới nào phát sinh trong thiền định, chúng con khám phá ra rằng Sư Phụ đều biết hướng đi của chúng con. Và Sư Phụ hoặc chỉ ra một cánh cửa đang mở, và/hoặc dùng vài phương tiện thiện xảo qua lời ẩn dụ hay bài kệ...để dẫn dắt chúng con rời khỏi con đường nào đó, hoặc để đến con đường thẳng tắp hơn và cao cả hơn. Rất khó diễn bày bằng lời, cả hai chúng con đều cảm thấy Sư Phụ luôn hiện diện trong khi tu hành. Điều này luôn rõ ràng, đáng tin cậy, và thường xuyên nếu chúng con vẫn dụng công. Năng lực và trí tuệ của bậc thiện huệ tri thức thật không thể nghĩ bàn. 

Trong lịch sử, nhiều hành giả dụng công rất nỗ lực, nhưng lại rơi vào chấp có chấp không, ngưng tiến bộ đơn giản chỉ vì không có bậc thầy, thiện tri thức như vậy dẫn dắt. Thầy Hằng-Triều và con đảnh lễ Sư Phụ hằng ngày trên xa lộ: sáng, trưa, chiều, tối, với lòng thành kính thâm sâu, cảm kích vô ngần sự may mắn không ngờ được gặp Thiện Tri Thức trong đời này.

Ðệ tử Quả Chân đảnh lễ.

****

Sư Phụ từ giám,

Xuân đến, đột nhiên có gió ấm, âm thanh nhè nhẹ. Những cơn bão tuyết lạnh rét đã qua chỉ để lại những cánh đồng cỏ hoa xanh thẳm, những khe suối chảy róc rách. Chim chóc tìm bạn và xây tổ. Ðó là thời điểm và tất cả năng lực "tự nhiên" của trái đất đều di chuyển về chiều hướng này: ghi dấu tích trên thế gian, xây tổ (căn nhà), và trở nên sáng tạo. 

Còn chúng con thì sao? Chúng con cũng đang quay về tự nhiên - tự nhiên bổn nguyên, tự tánh không duyên. Hết đời này sang đời khác, chúng con đã chịu thua trước những dục vọng và khoái lạc của mùa xuân. Hết đời này sang đời khác, chúng con đã "trôi theo dòng" và trở về tổ. Nhưng tổ (nhà) trở thành lồng củi, và chẳng bao lâu, câu hỏi tối hậu nẩy sanh: "Có phải là cái đó không? Chỉ chừng ấy thôi sao? Giao phối và chết đi, chết đi và giao phối. Sanh, trụ, hoại, không chỉ trong nháy mắt. Không gì ngoài ăn, ngủ, và mặc áo quần hay sao ? Nên nhìn như thế nào và nhìn ở đâu?"  

"Nếu có chúng sanh không biết cách để vượt thoát ra

Không cầu giải thoát, chỉ lo khóc lóc, mê muội, 

Bồ-tát vì những chúng sanh đó, thị hiện thí xả quốc thành tài bảo, 

Xuất gia tu Ðao, hằng thường tịch tĩnh, an lạc."

Kinh Hoa-Nghiêm

Hôm qua, Quả Chu, Nicholson ghé qua và Quả Kuei cho hay: "Ngày mai là ngày đặc biệt."

"Ồ ?" con nói.

"Vâng, ngày mai là ngày Phật Thích Ca Mâu Ni cạo đầu và cỡi ngựa trắng ra đi - ngày xuất gia của Ngài."

Thật là một hình ảnh mãnh liệt của thanh tịnh va giải thoát: Ðức Phật cạo tóc và cỡi ngựa trắng đi tu hành. Đức Phật đã có một trong những "tổ ấm" tuyệt hảo, tại sao Ngài lại rời bỏ?

"Nhà là chốn tham ái và phiền trược. 

Bồ-tát mong muốn chúng sanh có thể xả ly; 

Nên thị hiện xuất gia đắc giải thoát, 

Giữa dục lạc mà không thọ dục lạc."

Kinh Hoa-Nghiêm

Buổi sáng nay, khi đang lạy dọc trên đường lộ vắng vẻ, con chợt nhận thức rằng con đã xuất gia hơn một năm và mỗi ngày con đều an lạc vui sướng hơn. Có một thôi thúc tự nhiên khác dâng tràn trong tâm chúng sanh. Ðó là sự thôi thúc về sự giác ngộ và tự do tuyệt đối. Sự thôi thúc này mạnh mẽ hơn và căn bản hơn việc giao phối và xây tổ (cần bạn) và đến lúc thì tất cả chúng ta đều theo sự thôi thúc này.  Đến lúc thì tất cả chúng ta đều nhận ra nó. "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật." Xuân này, một số người tìm cầu đôi lứa, một số người sẽ tu hành. Và điều này sẽ đem lại sự khác biệt. Nhưng nguyên thủy vốn không có sự khác biệt, và sớm hoặc muộn tất cả chúng ta đều "có thể xả ly" và ra đi trên con ngựa trắng. Thế nên Sư Phụ thường dạy: "Mọi việc đều okay (everything is okay)." 

Mọi người đáng được tự do và hạnh phúc vào mùa xuân này và mỗi ngày đều đi về hướng thiện. Hãy giúp trái tim nhẹ đi, thanh tịnh tâm và tìm cách giúp đỡ tha nhân. Trong một năm lễ lạy, Thầy Hằng Thật và con đang khám phá ra rằng tu hành là ngay tại trong những điều căn bản này. Dẹp trừ tham, sân, si là điều quan trọng và giúp người khác được vui vẻ và tự do. “Nguyện cho tất cả chúng ta sẽ cùng nhau đi đến toàn giác thật sớm. Con hy vọng như vậy (1) . An lạc trong Đạo thật nhiều.

Ðệ tử Qủa Ðình đảnh lễ.

Tái bút: Chư hộ-pháp vùng địa phương cực lực đề nghị chúng con nên rời xa lộ số 1 và tìm một đường khác. Con đường có vẻ trở nên quanh co, hẹp và nhiều xe lưu thông. Các người bạn của chong con trong Ty Lâm-sản đang vẽ lộ trình mới cho chúng con đi xuyên qua vùng Ventana hoang vu, cùng rừng cây quốc gia Los Padres. Con đuờng này sẽ đi vòng qua đoạn khúc khuỷu nơi xa lộ số 1 cho đến vùng Carmel. Chúng con sẽ tùy duyên tính đến chuyện này  Chúng con đã học được là không nên ép buộc hay chấp trước, dầu là việc nhỏ. Bất cứ chuyện gì xảy ra đều thuận theo nhân duyên phải như vậy, không theo vọng tưởng của chúng con.

Chúng con chỉ có thể nói là chúng con sẽ ở trên xa lộ số 1 thêm bốn hay năm tuần nữa; và sẽ thưa cho Sư Phụ biết ngay khi tìm được đường mới để về Vạn Phật Thành. Không có đường nhất định để đến Vạn Phật Thành! Tất cả các con đường đến đó cuối cùng đều trở về.

Ghi chú:

(1) Lời trong bản nhạc "Study Buddhism": Hoà Thượng viết lời, Sư Cô Hằng Âm phổ nhạc (trong Kinh Nhật Tụng của Vạn Phật Thánh Thành).

 

*******

Bảy dặm của đoạn đường nguy hiểm nhất

Tỉnh Monterey, thác nước thứ ba trên đỉnh Ragger, ngày 8 tháng 4 năm 1978.

Sư Phụ từ giám,

Chúng con sẽ không thể về tham dự buổi sinh nhật của Sư Phụ, nhưng xin thành tâm đảnh lễ Sư Phụ chín lạy trên đường lộ, kinh chúc Sư Phụ được nhiều vui vẻ. Dưới đây là những thay đổi nội tâm gần đây của chúng con trên hành trình Ba bước một lạy.

Thầy Hằng-Triều, Quả-Chu và con đang lạy quanh một dốc cao bỗng nhiên trước mắt hiện ra một quang cảnh mà chúng con sẽ sống trong ba tuần lễ sắp đến, nỗi rõ trên nền đá xanh và mặt nước xanh lơ: hai mươi dặm trải dài với những tảng đá ký vĩ trong nắng chiếu nghiêng bóng. Quang cảnh đầu tiên của các dốc đá cao vút thằng đứng với mặt đại dương trong xanh làm con há hốc kinh ngạc. Chúng con có thể thấy những đốm lóe của ánh nắng phản chiếu trên kiếng xe: xe hơi, xe cắm trại di chuyển trên xa lộ nhỏ như sợi chỉ dính vào sườn núi. Chúng con sẽ lạy trên đoạn này. Cảm giác đầu tiên là theo tập khí cũ, cho tâm đắm vào mơ mộng giữa ban ngày để tránh đối đầu thực tế. Những con không thể làm như vậy. Một năng lực dương mới đang chậm chạp thành hình chế ngự và đưa tâm con trở về tập trung trong công việc. Ðoạn kinh văn đọc tối qua nầy lại xuất hiện:

Ðều khiến các cõi đều thanh tịnh

Cũng chẳng phân biệt nơi các cõi

Biết tánh các cõi đều không có

Mà khiến ý hoan hỷ thanh tịnh.

Nơi một Phật độ không sở y.

Tất cả Phật độ đều như vậy

Cũng chẳng nhiễm trước pháp hữu vi

Biết pháp tánh kia không y xứ.

(Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Hồi Hướng)

Con đã áp dụng đoạn kinh trên vào hoàn cảnh này: chỉ vài giờ trước, con đã lạy liên tục trên đường Huntington phía ngoài Kim-Luân tự, ở thành phố Los Angeles; Ở đâu có pháp nào để nương vào ? Hiện giờ thành phố Los Angeles ở đâu? Khi ở thành phố Los Angeles, dốc núi đây, biển cả này ở đâu? Giây phút này khác giây phút lúc đó như thế nào? Con không tìm thấy sự khác biệt nào cả! Như thế có cái gì để trốn chạy ? Tại sao lại tìm chỗ nghỉ ngơi trong vọng tưởng ? Chẳng có gì ngoài việc bản ngã nhỏ bé buồn bã tìm cách thối thoát ra khỏi áp lực của việc dụng công chậm chạp, đều đặn trên đất tâm. Sư Phụ sẽ nói gì? "Mọi việc sẽ okay, không vấn đề gì cả. Cứ dụng công. Sợ hãi không ích lợi gì cả!" 

Do đó, con lại nhìn vào phong cảnh trước mặt: "A!  Thật là một nơi chốn đẹp đẽ, thanh tịnh để tu tập. Thật là một đạo tràng tốt đẹp!" 

Tâm con như muốn chấp cánh bay vào vùng không khí trong lành bên trên vũng bùn phiền não. Những tảng đá này chưa thành vi trần thì con nguyện vẫn mãi hành đạo Bồ-tát, làm dứt khổ não của tất cả chúng sanh.

Bây giờ, chúng con chú tâm vào những điêu căn bản: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn. Cùng tất cả các đệ tử của Sư Phụ, chúng con đang làm việc để tặng thế giới một Vạn Phật Thánh Thành, nơi giới luật sẽ là nền tảng làm người. 

Về nhẫn nhục, thì có rất nhiều cơ hội thực hành nhẫn nhục trên sườn núi này. Cư sĩ Quả Ðề Schmitz đang chia sẻ công việc với chúng con trong tuần này, đang nhẫn nại chịu đựng một số thời tiết bất thường nhất của cả chuyến hành trình.  

Chúng con đang đi trên bảy dặm của đoạn đường nguy hiểm nhất mà chúng con từng đối diện: cây sồi độc mọc khắp nơi, muỗi mòng độc hại ẩn trong các tàng cây, nắng cháy, gió cuồng của vùng Big Sur, mưa lạnh cóng liền ngưng khi chúng con vừa mặc áo mưa mang giày ống vào, và mưa trở lại khi chúng con vừa cởi áo mưa ra! Hành trình này dạy chúng con biết ơn về môi trường của tu viện. Những tường vách, mái ngói và nền nhà sạch sẽ thật đẹp! Con đã không tận dụng cơ hội để tu hành trong không gian thiền tập lý tưởng của Chùa Kim Sơn. Bây giờ con thật sự muốn dụng công thì đủ loại chướng ngại trổi lên: mỗi chướng ngại trở thành một thử thách về tánh kiên nhẫn, lòng quyết tâm, và công phu chịu đựng gió, côn trùng dưới chân, khu phố chật chội, quá nhiều mưa, nắng, xe cộ - tất cả các pháp này giúp hành giả rèn đúc tâm kim cang. Chúng con hồi hướng công đức, cầu mong Vạn Phật Thành sớm và dễ dàng thành hình để bất cứ người nào phát tâm tu hành, sẽ có một nơi chốn thanh tịnh để thực hiện mong muốn của mình. Họ sẽ không phải chịu đựng bao sự quấy rầy trước khi ngồi thiền Không phải con đang than phiền! Chưa bao giờ con cảm thấy hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn lúc này.

Những thân xác vụng về chúng con mang đi lòng vòng thật là phiền hà! Chúng con mất qúa nhiều thời gian để lo lắng săn sóc thân thể. Điều có lý duy nhất để dùng chúng là tu Đạo. Con giống như vị Bồ Tát trong HạnhThứ Nhất của phẩm Thập Hạnh (Kinh Hoa-Nghiêm):  Bồ-tát phát nguyện khi thọ sanh sẽ được hóa thân to lớn để dầu có nhiều chúng sanh bị đói muốn ăn thịt ngài thì tất cả đều đuợc thỏa mãn. Sau đó Bồ-tát quán sát thân thể của chúng sanh trong qúa khứ, hiện tại, vị lai. Bồ Tát quán sát thân chúng sanh thọ nhận, thọ mạng, hư hoại, hủy diệt của chúng. Kinh nói:

"Bồ-tát lại suy nghĩ: lạ thay cho chúng-sanh ngu-si, vô-trí, ở trong sanh tử, thọ vô-số thân mỏng manh chẳng tạm dừng, mau về nơi hoại diệt, hoặc đã, hoặc hiện, hoặc sẽ hoại-diệt, mà họ chẳng thể đem thân chẳng bền để cầu thân kiên-cố. Tôi phải học tập những điều mà chư Phật đã học tập, để được chứng nhứt-thiết-trí, biết nhứt-thiết-pháp, rồi vì chúng-sanh diễn thuyết tam-thế bình-đẳng tùy thuận pháp-tánh tịch-tịnh bất-hoại, khiến họ được vĩnh-viễn an-ổn khoái-lạc."

Con học thuộc đoạn kinh này trong Kinh Hoa Nghiêm, đoạn kinh này đã giúp cho tâm con tiếp tục lạy vượt qua nhi ều hoàn cảnh mà túi da cũng như tâm phàm phu của con cứ sợ là không thể tiếp tục được..

Một áp  ụng hữu ích tức thời: khi sức nóng và áp lực tạo nên trong chân khi ngồi thiền, điều con phải làm là ôn lại lời trí tuệ trong Kinh và tìm sức mạnh để tiếp tục ngồi mà không lay động thân mình hay phải buông chân ra khỏi thế ngồi kiết già. Kinh gọi điều này là “Lên đường đến thành giải thoát vô ưu”.

Sự khám phá lớn nhất trong tháng Ba: "Có chí thì nên." Chúng ta có rất nhiều phương pháp tu hành. Điều quan trọng là quyết tâm muốn thành tựu. Lúc đó Đạo (con đường) sẽ mở ra.

Ðệ tử Quả Chân (Hằng Thật) đảnh lễ.

*******

Làm thế nào ông có thể đi sai được?

Ngày 18 tháng 5 năm 1978.

Sư Phụ từ giám,

Sư Phụ thường dạy chúng con: "Mọi thứ đều thuyết pháp." Trong trường hợp này, ngay cả những kẻ trộm cũng trở thành những thiện tri thức giúp phá tan chấp trước của chúng con. Lời khai thị của Sư Phụ tại Chùa Kim Luân rất rõ ràng: "Nếu quý vị không làm tốt việc buông bỏ vọng tưởng những pháp thế gian hàng ngày như thức ăn, áo quần, ngủ nghỉ, thì sự dụng công của quý vị sẽ không giúp ích gì trên đường Ðạo. Hãy tu hành từ những gì gần gũi, hãy tu hành những điều căn bản. Hãy nhẫn chịu những gì không nhẫn chịu nổi."

Thực tế, con chưa dụng công đúng mức để buông xả những vọng tưởng căn bản của con. Con thường dán mắt vào những pháp cao thâm xa vời, và trượt té về những việc hằng ngày mà con luôn cho là điều đương nhiên. Như vậy trong xe bị lấy cắp những gì? Một phần ba thức ăn của chúng con, mấy bình bát, một đồng hồ báo thức, và quần áo. Vi diệu thay nếu không làm tốt việc niệm kinh của chính mình thì thiện tri thức sẽ xuất hiện để chỉ rõ những khuyết điểm và chấp trước của mình. Hiển nhiên, việc dụng công trước hết phải áp dụng vào những sinh hoạt bình thường hằng ngày: "Tâm bình thường là Ðạo. Trực tâm là đạo tràng." Như lời của Quốc-Sư Thanh-Lương:

"Chân, vọng kết hợp lẫn nhau. Chính tâm phàm thấy tâm Phật. Tu cả lý và sự, dựa trên trí huệ căn bản để cầu trí huệ Phật."

Kinh Hoa-Nghiêm - Phần Tựa

Con nhớ lúc nhỏ thường thích gần gũi những người đàm luận chân lý. Họ là những người thực sự là "người lớn" trưởng thành hiểu luật lệ, và họ xây dựng hành vi hàng ngày trên nền tảng chân lý kiên cố. Ðiều con thích nhất trong Phật Pháp là mọi người đều đáp ứng với sự thật của Phật Pháp. Mọi người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đều nghe Phật Pháp trong tận cùng đáy tim của họ. Và Phật pháp không bao giờ không làm hiển lộ phần tốt đẹp nhất trong chúng ta.

Cư sĩ Quả Trần xuống đây hôm qua, thuật ngắn gọn việc khám phá Phật Pháp của ông và Phật Pháp có ý nghiã gì đối với ông ta. Quả Trần quy y Tam-Bảo trong ngày sinh nhật của Sư Phụ tại Vạn Phật Thành, thọ giới cư sĩ vào dịp Phật-đản tuần trước. Ông nói: "Cuối cùng, tôi cảm giác rằng mình đang ở tại nhà. Trên nền trời xanh, tôi thấy vầng cầu vồng ngũ sắc đẹp chưa từng thấy. Và ông biết còn gì nữa không? Tôi thấy một hũ vàng ngay phía cuối của cầu vồng, ngay chỗ chúng tôi đứng tại Vạn Phật Thành." Quả Trần giải thích: "Trước khi gặp Sư Phụ và đạo Phật, mọi việc đều làm tôi chán nản. Cuộc đời là một chuỗi dài thất vọng. Tôi thực hiện một dự án nào đó thành công đến cuối nhưng rồi lại thấy mình không đi đến đâu cả. Sau này, sau khi nghe Sư Phụ thuyết pháp rồi tôi nhìn lại chính mình, đột nhiên nhận thức rằng cuộc đời mình không phải là cuối cùng chẳng có giá trị gì cả. Tôi có một vai trò phải làm - chỉ có việc giữ giới là đại sự. Thêm nữa, nhìn lại tất cả vấn đề, tôi thấy rằng mọi vấn đề việc tôi phải đối diện đều phát sinh từ tâm tôi. Các câu trả lời cho những vấn đề đó cũng phát sinh từ cùng chỗ đó!"

Quả Trần lo lắng là cha mẹ ông ta sẽ khó mà chấp nhận con là một thành phần của một tôn giáo xa lạ. Thầy Hằng Triều nói: "Hãy rất kiên nhẫn đối với cha mẹ của ông. Ðừng tìm cách thuyết phục họ. Ðừng nói ngay cả việc thay đổi của ông. Chỉ giữ giới thật cẩn mật. Ông sẽ được cảm ứng tùy theo sự thành tâm của ông. Giới luật quét dọn tâm một cách tự nhiên và giúp chúng ta hướng thiện. Cha mẹ ông muốn ông được hạnh phúc an lạc, khi họ thấy ông mỗi ngày càng thanh tịnh và sáng hơn, thì tự nhiên họ sẽ tự nhận ra chân lý Phật Pháp. Trên hết là đừng có sự ép buộc nào cả và đừng nóng giận! Ðiều này rất quan trọng. Sau đó, ông đừng giết hại, không dùng ma túy hay rượu, thì ông sẽ rất hạnh phúc. Làm thế nào ông có thể đi sai được?"

Mỗi lần nhìn một bạn đạo đệ tử của Sư Phụ, con đều nhận thấy đặc điểm ánh sáng và sự thiện lành chiếu phát từ đôi mắt cùng trái tim của họ. Điều này khiến chúng con thật vui mừng được làm việc trong đạo pháp và cố gằng hết sức mình để "từng bước, từng bước, đi lần đến điều thiện."

Ðệ tử Quả Chân đảnh lễ.

*******

Tôi có thể nghiền ngẫm một câu kệ trong nhiều tuần

140 dặm hướng nam San Francisco, xa lộ số 1, chủ nhật, ngày 18 tháng 6 năm 1978.

Sư Phụ từ giám,

Kinh Hoa-Nghiêm thâậ tuyệt diệu, là người hướng dẫn toàn mỹ và là ngọn đèn chiếu sáng mọi cảnh giới tâm mà chúng con kinh nghiệm. Hơn nữa, Kinh này còn là cẩm nang chỉ dẫn làm thế nào để sống còn trên đường lộ. Đối với mỗi thứ xuất hiện, từ những con dã thú đến những lần hư xe, chúng con đều quay về Kinh để tìm câu trả lời. Những ai chưa từng nghe Kinh điển hãy đến đây để chỉ nghe Thầy Hằng Thật lảm những chữ Hoa ngữ sống lại cho họ. Họ cảm thấy có cái gì đó đặc biệt, gần như là huyền diệu về Kinh điển, và họ có ấn tượng sâu đậm là có người có thể ngồi xuống và đem những chữ xưa này và dịch thành lời mà họ thông hiểu, những lời đi sâu vào tâm khảm.

Một ông nói: "Sao từ trước đến nay chưa ai làm việc này ở Tây phương? Tôi không thể hiểu nó. Kinh này (Hoa Nghiêm) là điều xa vời nhất mà tôi từng đọc hay nghe. Kinh nói hoàn toàn đúng như vậy. Tôi có thể nghiền ngẫm một câu kệ trong nhiều tuần mà vẫn chưa hiểu hết." Ông ta rất vui mừng khi biết có báo Kim-Cang Bồ-Ðề Hải và có phần dịch Kinh Hoa-Nghiêm cùng chú giải trong đó.

Hôm nay, Kinh Hoa-Nghiêm giúp con câu giải đáp mà con đã tìm kiếm trong hai hoàn cảnh. Cản giác hay tinh thần ở trong tâm con, nhưng Kinh có thể chiếu ánh sáng vào và làm nó nở hoa. Càng lạy nhiều chừng nào, tâm chúng con càng hòa nhập với Kinh. Và tâm chúng con càng hòa nhập gần với Kinh chừng nào thì cuộc sống chúng con càng trở nên đơn giản và trong sạch hơn.

Một cư sĩ nói: Nơi đây lạnh và nhiều gió. Khi mưa xuống nhất định sẽ trở ngại cho quý thầy!

Thầy Hằng Triều trả lời: Mỗi ngày vui hơn một chút. Thời tiết không thành vấn đề.

Cư sĩ: ồ! Thầy đã gần đến đó rồi.

"Gần đến đâu? Cho đến khi mọi người đều đến đó và vì vẫn còn người khác chưa đến, như vậy làm sao chúng tôi có thể đến đó được? Vì còn có đau khổ trên thế gian cho đến khi tất cả chúng sanh đều được sự an lạc họ tìm kiếm, công việc của chúng tôi chưa hoàn tất."

Bồ Tát chỗ được vui thắng diệu

Ðều đem hồi hướng cho quần sanh

Dầu vì quần sanh nên hồi hướng

Nhưng không chấp trước nơi hồi hướng

Bồ Tát tu hành hồi hướng này

Hưng khởi vô lượng tâm đại bi

Như đức hồi hướng của Phật tu

Nguyện tôi tu hành trọn viên mãn.

Như chư Như Lai đã Thành tựu

Không cầu lợi ích cho tự thân,

Chỉ muốn mọi loài đều an lạc."

Kinh Hoa-Nghiêm, phẩm Thập Hồi-Hướng.

Vì nhiều công việc để làm và không có thời gian vọng tưởng về tại sao hay "đến đó," hay ngay cả hồi hướng công đức. Tu hành là tự nhiên, không cần suy nghĩ hoặc sắp đặt kế hoạch hay mục tiêu. Khi chúng con nhất tâm lễ lạy thì muôn sự đều tự giải quyết và mọi dị biệt đều biến mất.

Cư sĩ nói: "Có người nói rằng đây là thức ăn mà quý thầy thích, nên chúng con đem lại rất nhiều."

Thầy Hằng-Triều: "Chúng tôi không có ưa thích. Tất cả đều giống nhau. Bất cứ gì làm người khác vui vẻ là điều chúng tôi ưa thích. Những gì người khác vui mừng làm, những gì họ thích cho đó là những thứ chúng tôi thích. Câu: "Qúy thầy có cần gì không, như có cần gì đặc biệt không?" thường được hỏi. Chúng con trả lời: "Bất cứ thứ gì quý vị muốn cho chúng tôi, bất cứ điều gì làm quý vị vui vẻ, đó là điều chúng tôi cần."

Kinh Hoa-Nghiêm dạy rõ:

Vì chẳng tham chấp ngã

Và chẳng chấp ngã sở

....

Thích thật lợi chánh pháp

Chẳng ưa thọ dục lạc

Tu duy pháp đã nghe

Rời xa hạnh chấp trước.

Chẳng tham cầu lợi dưỡng

Chỉ thích Phật Bồ đề

Nhứt tâm cầu Phật trí

Chuyên ròng không niệm khác.

Kinh Hoa-Nghiêm, phẩm Thập Ðịa

Con đã phí nhiều thời gian và công sức để mưu cầu lợi ích và cúng dường cho chính mình và cố gắng thỏa mãn các tham muốn của mình. Thật đơn giản và tự tại tuyệt diệu hơn nhiều khi không còn lo lắng về điều đó nữa, và “Nhất tâm cầu Phật trí, chú tâm không phân tán bởi một niệm nào khác'. Khi chúng con chú tâm thì "mọi chuyện đều tốt đẹp cả". Phát tâm “mọi chuyện đều tốt đẹp” là báo đáp từ ân của cha mẹ và là món quà cao cả nhất để tặng cho tất cả chúng sanh.

Ðệ tử Quả Ðình (Hằng Triều) đảnh lễ.

*****

Tái bút: Báo Kim-Cang Bồ-Ðề Hải như là một mặt trời khác trên thế gian. Báo "phát sinh ánh sánh vi diệu soi sáng muôn loài."

*******

Nhưng không có gì để bám vào

Monterey, Cali., ngày 20 tháng 7 năm 1978.

Sư Phụ từ giám,

Chúng con đến thành phố Monterey, trở lại thành phố sau ba tháng cô lập giữa những tảng đá và sóng biển của vùng Big Sur. Thật rất kỳ diệu. Những sự khác biệt con kinh nghiệm qua chỉ hiện hữu trong tâm con. Pháp-giới là một tổng thể an lạc. Khi tâm con động thì không còn thấy tổng thể, mình và người trở thành hiện hữu, và vùng Big Sur, thành phố Monterey, và Vạn-Phật-Thành trở thành những tên gọi trên bản đồ, chia cách bằng những dặm đường lễ bái gian truân. Khi vọng niệm lắng lại và sự phân biết dừng nghỉ, thì lúc đó dầu ở đâu đi nữa, chúng còn vẫn đang đảnh lễ trước tượng Ðức Bồ-tát Quán-Âm khổng lồ tại chánh điện Vạn Phật Thành.

Kinh Hoa-Nghiêm nói:  "Như thế thì thế gian là gì? Cá gì là không phải thế gian? Thế giới và không thể giới chỉ là danh tự sai biệt. Pháp của quá khứ, hiện tại, tương lai và ngũ uẩn, khi đặt tên thì mang thế giới thành hiện hữu. Khi các pháp nầy diệt thì thế giới không còn. Như thế, cũng chỉ là giả danh mà thôi."  

Kệ tán Dạ Ma Thiên Cung

Ngôn ngữ và danh cú chỉ là sự tạo tác của tâm thức. Chúng là dụng cụ của tư tưởng và cũng hư vọng như như vậy.

Tại sao Sư Phụ phải đã cho chúng con lời khai thì luôn được nhắc nhở:  "Đừng có vọng tưởng nào cả! Phải tìm cách chận đứng luồng vọng tưởng ngay khi chúng vừa phát khởi." Vi vọng tưởng tạo nên thế giới chúng ta cư ngu. Vọng tưởng tạo nên nghiệp và quả báo chúng ta gánh chịu.  "Mười Pháp-giới không ngoài một tâm niệm." Từ địa ngục đến Phật-quả, chúng con gặt quả của những hạt giống chúng con đã trồng trong tâm thức. Khi chúng con kết hợp với Ðạo thì chúng ta làm đúng cũng ngay trong chính tâm đó.

Tổ thứ Ba là Tổ Tăng-Xán nói về ngôn ngữ, tư tưởng và Đạo. Ngài nói:

"Càng nói càng suy nghĩ,

Thì càng xa cái ấy.

Nếu ngừng bặt ngôn tưởng,

Sẽ thấy nó cũng khắp."

(Tín Tâm Minh)

Thiền thất vưà rồi, Sư Phụ có dạy:  "Người tu Đạo tâm không thì đồng với Phật."

Ðệ tử: Sư Phụ, con đã cố gắng hết sức để dẹp bỏ phàm niệm, chỉ còn Phật niệm.

Sư Phụ: Tốt, hãy nói xem, Phật niệm là gì? Nói đi, câu trả lời của ông là gì?

Ðệ tử: Ồ, à ..., ồ, Con biết đó không phải là vọng niệm, con có nhiều vọng niệm ...

Sư Phụ: Vì con có nhiều vọng niệm mà con không biết. Cái gì không thể tả ra, không diễn bày được, đó là Phật! Bất cứ cái gì có thể diễn bày bằng ngôn ngữ thì vẫn chỉ là bên ngoài. Người xưa có nói:

Vọng tâm muốn phan duyên, 

Nhưng không có gì để bám vào

Đường ngôn ngữ dứt bặt

Chỗ tâm hành bèn diệt.  

Hễ còn có niệm tưởng thì vẫn chưa thành Phật quả"

Ðệ tử: Ồ, vậy vô niệm là Phật niệm!

Sư Phụ:  (không trả lời.)

"Bồ-tát nguyện tất cả chúng sanh được thân không mệt mỏi như kim cang." 

Kinh Hoa-Nghiêm, phẩm Thập Hồi-Hướng.

Sư Phụ dạy con rất nhiều về thân cũng như về tâm của con. Trong chuyển hành trình lễ bái nầy, còn đang học niệm kinh "Pháp-thân" để thay đổi túi da âm, cong, cứng để lấy thân thắng đứng, uyển chuyển, đầy năng lực dương. Việc bái lạy cùng thiền định đang làm thay đổi toàn thế giới của con. Tu hành là ngọn suối vi diệu. Mỗi ngày con giữ giới và chế phục vọng tưởng con càng cảm thấy trẻ trung ra, thành thật hơn và chân chính hơn. Một cách tự nhiên!

"Tu hành hàng phục thân tâm. Chúng ta điều phục thân để có thể tiếp tục làm việc ngay cả những lúc mỏi mệt; chúng ta điều phục tâm để không khởi sinh vọng tưởng." 

Sư Phụ Khai Thị, Kim Luân Tự, tháng 5, 1978.

 

Ðệ tử Quả Chân kính lạy.

*********

Những sinh vật ngoài không gian đang đến 

Santa Cruz, Cali., ngày 28 tháng 10 năm 1978.

Sư Phụ từ giám,

Chúng con vừa lạy qua lằn ranh của thành phố Santa Cruz. Phía trước là 80 dặm dọc theo bờ biển hoang vắng trước khi đến San Francisco, và cộng thêm những gì "tâm tạo". Con sung sướng nhất khi lạy nhiều, ngồi thiền lâu, và không hở môi chuyện vãn. Khi tu hành, con để ý thấy rằng người xung quanh mình trở nên tự nhiên và an lạc hơn nhiều. Quan tâm đến việc của mình làm và để ý đến lỗi của chính mình dường như giúp cho người khác có thêm không gian để phát triển và di chuyển mà không cảm thấy bị áp bức hay cản trở. Con đã giữ tâm mình không lo lắng hay giận dữ, dầu hoàn cảnh thế nào đi nữa. Con đã đầy ắp phiền não quá lâu rồi. Phiền não làm ô nhiễm không khí và làm tóc bạc da nhăn. Bài kệ trong kinh Hoa Nghiêm dưới đây đã đánh vào tâm thức con chỉ con đường đúng đắn phải như thế nào :

"Bồ-tát hoàn toàn tự do khỏi sự tranh chấp, 
Khỏi rắc rối, bức hại và sân hận.
Ngài biết hổ thẹn, khiêm cung và ngay thẳng.
Và khéo bảo vệ gìn giữ các căn."

Trong ngày thỉnh thoảng con tụng bài kệ này. Không sai chút nào, bài kệ làm tan đi bóng tối trong tâm con và đem lại cảm giác nhẹ nhàng rất nhiều. Con thật chưa bao giờ gặp cái gì tuyệt diệu và chân thật hơn Phật Pháp.

Tại Santa Cruz chúng con gặp ông Don Penners cùng gia đình . Ông là nha sĩ tại vùng địa phương, ông đang bán cơ sở hành nghề để cùng gia đình về Vạn-Phật-Thành sinh sống và làm việc. Ông nói: "Chúng tôi đang trông đợi dọn đi. Đó là điều tốt đẹp nhất đang xảy ra trên thế gian này. Sư-Phụ là một con người vĩ đại. " Khi họ mới gặp Sư-Phụ lần đầu tiên, họ đã hơi bối rối. "Ồ! lúc đầu chúng tôi không có ấn tượng gì. Ngài trông rất trẻ và khỏe - quá mức để làm Hoà Thượng Trụ Trì - do đó tôi đường đột hỏi: 'Ông là ai?' Tôi tưởng Ngài là một vị tri-khách phụ tá phương trượng. Tôi chưa từng gặp một người trạc tuổi Ngài mà trẻ trung và và vui vẻ đến thế. Chúng tôi không được ngài trả lời." 

Penners tiếp tục nói: "Ngài chẳng nói câu nào với chúng tôi trong lần gặp đầu tiên. Giống như đang đứng nhìn một tấm kính lớn, những gì chúng tôi thấy là chính mình. Giống như Sư Phụ bên trong đều trống không. Không có những chào hỏi thông thường như 'Ông mạnh giỏi chứ? Ông hiện nay như thế nào ?' Chỉ về sau chúng tôi mới biết trân quý cái kinh nghiệm hiếm có và quý giá đó. Chúng tôi đã thấy đuợc hình ảnh rõ ràng của chính mình. Rỏ ràng thật là một cái gì kỳ diệu."
Chúng con cũng đã gặp những người kỳ lạ. Một buổi tối, trong khi con đang ngồi nấu trà sau xe bỗng chợt có hai thanh niên tiến đến, hỏi về cuộc hành trình Ba bước một lạy. Giữa cuộc đàm luận vui vẻ, chợt có một người nói: "Người ta nghĩ rằng Chúa Giê-su sẽ trở lại thế giới này; nhưng họ sai lầm hoàn toàn. Những sinh vật ngoài không gian (UFO) đang đến. Họ ở ngoài không gian đang trông chừng chúng ta giống như người nông dân trông coi đồng bắp. Khi đến tinh-cầu này, họ sẽ mang đi một số người - bắt sống - ra ngoài không gian. Những người còn lại trên địa-cầu sẽ tự hủy diệt bằng vũ khí nguyên-tử và không khí ô nhiễm. Đấy là những lời trong Kinh Thánh."
"Vậy sao ?!"
"Vâng, ông có đọc Thánh Kinh chưa?"
"Ngày xưa ...." con bắt đầu.
"Tôi đã đọc hết rồi! Như vậy ông sẽ làm gì?" anh ta hỏi gấp rút.
"Về việc gì?"
"Khi họ đến - những sinh vật ngoài không gian (UFO). Ông sẽ đi với họ hay ở lại địa cầu ?" anh ta thúc hối.
"Tôi sẽ chỉ tiếp tục lạy đến Vạn Phật Thánh Thành.", con trả lời.
"Các ông sẽ như vậy? Được, tôi đoán ... , nhưng .... được, các sinh vật đó sắp đến rồi. Tôi biết rõ..." Anh ta ngẩng đầu nhìn lên bầu trời đầy trăng sao, âm thanh từ từ bay mất.
Có rất nhiều cách khác nhau để nhìn sự vật. Thầy Hằng-Thật và con đã từ từ khám phá ra là với tâm chánh trực, những gì nhìn thấy cũng là chánh trực, với tâm tà kiến những gì nhìn thấy cũng là tà kiến. Chánh tri chánh kiến rất quan trọng, bởi vì chúng ta nhìn bằng tâm như thế nào thì sự vật trở thành như thế. Như kệ của Sư Phụ: 


"Gieo nhân tất gặt quả - hãy tự nhìn lại chính mình,
Đến và đi với lòng tôn kính,
Vô tư chính là Đạo".

Tất cả đều tốt đẹp. Không có vấn đề nào quá lớn đến nỗi một ngày lễ lạy không không giải quyết được."

Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
đảnh lễ.

*********

Tu Sĩ và những người khiêu khích

Ngày 8 tháng 11, 1978
Davenport , California

Sư Phụ Từ Giám,  

Cuộc sống của nguời xuất gia có một cái gì đó thật an toàn và viên mãn. Sau khi để lại sau lung những tình cảm riêng tư cá nhân, nguời tu sĩ trở về ngôi nhà rộng lớn bao trùm cả thế giới. Bạn đồng hành của nguời xuất gia là chúng sanh khắp noi, chốn nuong tựa là trụ xứ an lạc với Đấng Vô Thượng Sĩ, Đức Phật, trí tuệ viên mãn và những vị giác ngộ trong Kinh điển, và các thành viên tăng đoàn vô ngã, thanh tinh phuớc điền. Còn có niềm hạnh phúc và an lac nào lớn hon điều này chăng? Vài tuần trruớc đây con chứng kiến một câu chuyện khá hay mà con xin gọi là “Tu sĩ và Nguời Quá Khích”. Khi chúng con đang lạy ngang Santa Cruz thì có một phóng viên của tờ báo truờng đại học cộng đồng tại điạ phuong đến phỏng vấn Thầy Hằng Châu.  Cô ta tỏ ra quan tâm đến công việc và thệ nguyện của chúng con. Cô ấy ngạc nhiên khi biết tất cả những đồ dùng chúng con có đều là do sự cúng duờng thiện nguyện. 

Ngày hôm sau, sau giờ thọ trai, chúng con đang lạy dọc theo dòng suối Branciforte thì nguời phóng viên đó lạy xuất hiện, dáng vẽ hoi lúng túng và bối rối. Đi với cô ta là một nữ sinh viên khác với nét mặt khó chịu.  

Nguời phóng viên nói, "Tôi có một vài câu cần hỏi ông nhung cảm thấy hơi e ngại".  Đó là những câu hỏi thuần về chính trị và kinh tế,  lời lẻ có phần giận dử, hung hăn, đôi lúc sặc mùi đấu tranh. Hình như cô nữ phóng viên này đang bị các bạn cùng lớp chỉ trích và gây áp lực. Họ mạ lị Phật giáo nhu một thứ ký sinh trùng ăn bám, còn cái gọi là “tam bộ nhất bái”  là một thứ trò chơi thuợng luu, chỉ thu hút và lợi ích đối với một nhóm nguời thiểu số da trắng giàu có, một thành phần elite nào đó trong xã hội.  

Nhưng những nguời quá khích này đa chọn lầm đối thủ. Những câu ứng đáp của Thầy Hằng Châu đa làm nhóm sinh viên này cứng miệng không nói nên lời: Cô phóng viên ngạc nhiên trong thích thú, còn nguời bạn khó chịu của cô thì cứng miệng ê chề. Thật ra Thầy Hằng Châu không phải là nguời khờ khạo, không hiểu biết gì về chính trị. Thầy là nguời từng trải với nhiều kinh nghiệm về trò chơi chính trị salon. Truớc khi xuất gia để thành tu sĩ, Thầy đang nghiên cứu cho một luận án tiến sĩ tại Đại Học Wisconsin trong phân khoa Lịch Sử, một viện nghiên cứu với những đòi hỏi khó khăn. Thầy đa truởng thành trong “khói lửa” chính trị của thập niên 60 đầy sôi nổi - một thời đại của xuống đuờng, của sự tụ tập biểu tình và tranh đấu bằng ý thức. Trên thực tế, vì sự cùng đuờng và những hạn vi hẹp hòi của các giải pháp chính trị đối với những vấn đề của thế giới, nó đa làm Thầy thất vọng, đã  khiến Thầy đi tìm đến Phật Giáo. Nơi đây Thầy đã tìm thấy các cách giải quyết thật sự cho sự thống khổ mà mọi nguời đang chịu đựng. Thầy đã xuất gia để làm một vị tu sĩ tu học và thực hành Phật Pháp.  

Sau đây là những câu trả lời của nguời tu si đối với những câu hỏi khiêu khích cuả nhóm nguời cực đoan:  

H: Các thành viên của Hội Phật Giáo Trung Mỹ (Sino-American) thuộc chủng tộc và tầng lớp nào trong xã hội?  

D. Chúng tôi đến từ giai cấp của tất cả chúng sanh. Hội Phật Giáo Trung Mỹ thật sự có tánh cách quốc tế. Phật Pháp vuợt xuyên qua tất cả những phân chia về giai cấp xã hội, chủng tộc, giới tính tuổi tác, quốc gia, hoàn cảnh tôn giáo và kinh tế. Đây là một thứ ngôn ngữ tâm truyền tâm; là sự giáo hoá tất cả chúng sinh, giáo pháp của tâm. Đây là nguồn gốc vô giai cấp thực sự của con nguời. Không ai trong Hội Phật Giáo Trung Mỹ có lối suy nghi theo sự phân biệt này nữa.  

H. Làm sao trên thực tế ông có thể tránh đuợc “các thứ loại phân biệt" đó ?

Đ. Tất cả đều do tâm tạo. Nếu bạn muốn nhìn thế gian qua sự giàu và nghèo, trắng và đen, có sở hữu hay không có sở hữu, thì thể giới sẽ là nhu vậy. Nhung nếu ban buớc 2 phân về bên trái hay 2 phân bên phải hoặc quay đầu ngoái nhìn thì thấy tất cả đều khác hẳn. Nếu bạn cởi mở để chấp nhận tất cả, nếu bạn xoay đầu hẳn lại, thì  lúc đó là bạn đến với cái nhìn của Phật giáo. Phật Giáo là giáo pháp của tâm và tất cả các cảnh giới của tâm. Cả hai đều không có khởi thủy và không có kết thúc.  

H. Làm sao ông có thể cảm thấy thoải mái dư thì giờ đi làm cuộc hành hương như thế này trong khi những nguời thế giới thứ ba đang có những quan tâm khẩn thiết hơn, như là lo làm sao cho no bụng. Chuyến hành hương của ông chỉ có trong một quốc gia mà nơi đó ai cũng đuợc ăn no mặc đủ. Chỉ như vậy ông mới có thể ngồi không và nghĩ về sự hỷ lạc trừu tuợng.  

Đ. Những ai có hiểu biết về con nguời không khi nào cho rằng mối quan tâm duy nhất của con nguời là làm đầy bao tử. Đó chỉ là một nhãn hiệu rẽ tiền mà những kẻ quấy rối dùng để chỉ định cái mà họ gọi là “Thể Giới Thứ Ba” . Trên thực tế, nguời của “Thế Giới Thứ Ba” cung là con nguời, không phải là những cái miệng ăn hay bao tử . Họ suy nghĩ về sự sống chết, về việc họ đến từ đâu và sẽ đi về đâu. Tất cả mọi nguời đều nghi về điều này. Chúng tôi vừa mới trở về từ chuyến du hành Á Châu và chúng tôi đa thăm viếng những vùng nuớc đọng noi nguời thế giới thứ ba sinh sống. Những nguời ở noi đó đa đón nhận Phật Pháp rất nồng nhiệt, cũng mạnh mẽ và nhiệt tình như bất cứ noi nào trên nuớc Mỹ. Tại sao? Vì Phật Giáo là ngôn ngữ của tâm. Mọi nguời đều nhận ra nó. Nó vuợt lên các quan tâm đon giản nhu ăn no bụng. Phật Giáo là ngôi nhà nguyên thủy của chúng ta, những thứ còn lại chỉ là sự hời hợt bên ngoài.

H. Làm sao ông có thể đóng góp vào sự sản xuất của thế giới? Sống nhu những ký sinh trùng mềm yếu trong một tu viện an toàn , các ông giúp nguời khác bằng cách nào?  

Đ. Những nguời tại Tu Viện Kim Sơn, Vạn Phật Thánh Thành, và tại Viện Dịch Kinh Quốc Tế đều quan tâm sâu xa đến những sự đau khổ của con nguời trên thế giới. Và chúng tôi tin rằng chúng tôi phải:  

Chân thật nhận lỗi mình,

Không bàn luận lỗi lầm nguời .

Lỗi nguời là lỗi mình,

Đồng thế tức Đại Bi.

Nhưng chúng tôi không chỉ nói suông. Do đó- chúng tôi mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Một số thầy chỉ ăn một chén cơm một ngày. Vì sao? Vì có nhiều nguời trên thế giới không có đủ thức ăn để ăn mỗi ngày. Chúng tôi đóng góp vào sự sản xuất của thế giới bằng cách không tham lam và giảm bớt sự tiêu thụ của mình.  

Chúng tôi không xin bất cứ thứ gì. Tất cả những gì chúng tôi có và xử dụng đều từ việc cúng duờng tự nguyện. Chúng tôi không dùng tiền để mua thức ăn, chỉ dùng rau cải của các siêu thị vứt đi hoặc tự trồng trọt lấy. Chúng tôi sống bằng những thứ mà nuớc Mỹ vứt bỏ. Tiền bạc cúng duờng nào cung đều dùng để xây dựng đạo tràng và in sách, không ai có tài sản riêng cho mình, tất cả đều thuộc về tu viện. Chúng tôi không mua quần áo mà dùng lại những áo quần nguời khác không cần nữa. Chúng tôi không quan tâm về thời trang bề ngoài, cung không có giuờng nuớc trong chùa chúng tôi. Hầu hết những Tăng Ni và ngay cả nguời cư sĩ đều không ngủ nằm - họ ngồi ngủ trong tư thế thiền. Trong các tu viện của chúng tôi cũng không có mở lò suởi cho dù mùa nào đi nữa. Chúng tôi không làm các công chuyện chỉ vì danh vọng hay lợi ích riêng tư, cũng không sống cho đời sống cá nhân. Các vị Tăng Ni đều sống đời tịnh hạnh xa rời  ái dục, họ tin vào việc dẹp trừ tất cả những dục vọng ích kỷ. Đây chính là cuộc cách mạng thật sự. Ba Đại Tông Chỉ của chúng tôi là:  

Dù rét chết, không phan duyên.

Dù đói chết, không van nài.

Dù nghèo chết, không cầu cạnh.

Tùy theo nhân duyên, nhung không đổi chí huớng.

Không đổi đạo phong, nhung vẫn thuận theo ngoại cảnh.

Xả mình vì Phật sự.

Cứu nguời là bổn phận.

Sửa đời là việc Tăng.

Hễ gặp việc gì thì thấu suốt việc ấy

Hiểu đạo lý gì thì thực hiện đạo lý ấy

Vậy mới truyền thừa mạch huyết Tổ su tâm truyền.

Khi chúng ta thực hành theo những tông chỉ này thì ta mới thật sự giúp đỡ các chúng sanh và Thế Giới Thứ Ba. Giải pháp cho sự đau khổ của thế gới không chỉ đơn thuần là cho họ những gì Hoa Kỳ có, mà đúng ra chúng ta phải chuyến cái phuớc báo dồi dào của mình thành công đức qua việc nỗ lực dụng công và tu hành trong tự tánh của chúng ta. Có câu nói:  

Thọ khổ thì hết khổ,

Huởng phuớc thì hết phuớc

Theo Phật Pháp, lý do thế giới ngày nay rối loạn là vì tâm chúng ta nổi loạn. Nếu chúng ta muốn “trị quốc, bình thiên hạ“, thì truớc tiên ta phải biết thanh tịnh tâm của chúng ta. Là Phật tử, chúng tôi không nói suông, không chỉ bảo nguời khác, mà phải tự mình tu tâm duỡng tánh, tu hành thanh tịnh. Tất cả các vấn đề trên thế giới đều do sự ích kỷ và lòng tham muốn làm lợi cho riêng mình. Vì vậy trọng tâm của Phật Giáo là dạy chúng ta không còn bản ngã.  ”Bây giờ nếu bạn không còn câu hỏi nào nữa thì tôi sẽ trở lại tiếp tục công với việc bái lạy của tôi.”. Thầy Hằng Châu nói nhu thế và chấm dứt cuộc phỏng vấn.   

Bằng cách đó, họ huớng về các đạo lý chân thật và đi vào chốn thâm sâu không có tranh cãi.  

Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka)

 

Phần II: 

Vào một buổi trưa Chủ Nhật, Thầy Hằng Triều kể cho con nghe về câu chuyện thầy gặp gỡ những người sinh viên. Thầy nói, “Tôi đã có suy nghĩ về các câu trả lời của tôi và tôi đáng lẽ tôi còn nói thêm nữa nhưng không có thời gian hay nơi chốn thuận tiện để trình bày cặn kẽ. Tôi sẽ nói về đạo lý từ bi và nhân quả. Hai đạo lý này thật sự mở rộng tâm trí tôi ra khỏi tầm nhìn duy vật và phân chia chính trị. Trước đây, cách suy nghĩ của tôi rất thiển cận. Chỉ là thuần túy tri thức. Quan điểm duy vật chỉ là một chiều, nó chia rẽ thế giới, nó dựa trên đấu tranh. Tư bản hay Cộng Sản chỉ như là hai mặt của đồng xu, không lối thoát. Không có tấm lòng ở đó. Con người không đơn thuần chỉ là miệng và bao tử và lòng tham giàu sang. Mà về bản thể , chúng ta là những sinh vật có tâm linh.

“Điều này đã làm tôi thay đổi ý kiến. Tôi nhìn sâu vào tâm mình và ý thức rằng trong đó còn có nhiều thứ hơn là chỉ ý muốn làm lợi cho chính mình. Làm sao tôi có thể cho rằng tất cả chỉ có chừng đó trong những người khác? Phật Giáo dựa trên từ, bi, hỷ, xả. Phật Giáo bao gồm tất cả mọi người, không loại trừ một ai. Đại bi tâm thì cao cả và bao la, còn đại phân chia thì nhỏ mọn và đầy thù hận. Và mọi người đều có Phật tánh."

Thầy chúng ta đã nói gì về giai cấp? Ngài nói: 

Tất cả chúng sinh là gia đình tôi,

Toàn vũ trụ là thân tôi.

Hư không là trường tôi,

Vô hình là tên tôi.

Từ, bi, hỷ, xả là dụng của tôi.

"Sau khi nghe chân lý này, còn ai có thể thoả mãn về đấu tranh giai cấp và giặt áo quần dơ của người khác?”, Thầy Hằng Triều hỏi. 

"Bây giờ tôi hiểu rằng nhân quả định đoạt thế giới của chúng ta đang sống. Nếu chúng ta phung phí phước và không tu công đức, thì cho dù chúng ta đang giàu có, chúng ta sẽ mất sự giàu có đó ngay trong chính cuộc đời này. Nếu không làm gì cả ngoài việc tiêu hết phước báu và chạy theo lòng tham lam, thì trong kiếp kế tiếp chắc chắn là bị thiếu thốn. Nói một cách khác, trong đời này người ta bị lâm vào cảnh nghèo khó vì trong quá khứ họ đã ăn cắp, phí phạm tài nguyên, bần tiện và không thành thật. Đây là những điều đang thật sự diễn tiến bên dưới bề mặt thế giới vật chất."

Thầy Hằng Triều nói, “Thật không khó để nhìn xa hơn quan điểm thuần túy chính trị của những người trí thức. Quan điểm đó không có tấm lòng. Bên trong lại có thái đó thật kiêu ngạo và trịch thượng đối với người khác. Điều căn bản cho rằng người nghèo thi khổ hơn ngườI có tiền, và sẽ không hạnh phúc cho đến khi người nghèo có những gì mà người giàu có sở hữu và mong muốn. Nếu nhìn thế giới bằng cách đó, thì nó là như thế: một sự trộn lộn xen lẫn giữa tham lam và tội lỗi. Nếu người của Thế Giới Thứ Ba không muốn những gì chúng ta đang có, thì việc đó làm chúng ta cảm thấy như thế nào về sự dư thừa của chúng ta? Có phải có 2 chiếc xe và một cái TV màu và một đời sống sung túc thực sự là phần chia sẻ đúng của chúng ta hay không?"

Tôi đã từng nghe nhiều ngườI ở Á Châu, nhất là những bậc cao niên, nói rằng khi quốc gia của họ hiện đại hóa và dân chúng dời đến gần hơn cá thành phố lớn, họ đều bị nhiều căng thẳng hơn vì cuộc sống ít đơn giản hơn. Không còn có thì giờ để tận hưởng đời sống nữa. Điều mà mọi người chỉ biết là chạy theo đồng tiền, tham muốn chồng chất và khi đó những vật chất giản dị, những tư tưởn đơn giản không làm người ta thỏa mãn nữa. Gia đình bắt đầu đổ vỡ, trở thành nhức đầu và vấn nạn gia tăng liền khi cái văn hoá của Thế Giới Thứ Nhất được nhập cảng vào."

Thầy Hằng Triều nói, “Thêm nữa, Phật pháp trực diện với những vấn đề trọng đại như sinh tử và đau khổ. Người nghèo ấp ủ Phật Pháp vì họ nhìn thấy rất gần cái rỗng không của cuộc đời và cái đau khổ chung của nhân loại. Họ không bị làm êm ái đối với những điều này như cách của "phần nữa kia tốt đẹp hơn" đang ”bị”.

"Điểm chuyển biến của sự gặp gỡ với những sinh viên này xảy đến khi tôi giải thích sự tu hành thật sự của những thành viên của Hội Phật Giáo Trung Mỹ. Trước đó những người phỏng vấn tôi cho rằng chúng ta cũng chỉ là những sinh viên, mặc y phục ngộ nghĩnh và đang chơi cùng trò chơi chính trị giống họ,. Họ cho rằng chúng ta cùng ăn thức ăn giống họ, cùng nghe nhạc giống họ và cùng khiêu vũ những nhịp điệu giống họ. Khi họ nghe về cách tu khổ hạnh của Cuộc cách mạng Phật Pháp của Hội Phật Giáo Trung Mỹ, cuộc đối thoại nhanh chóng trở thành rất chân thực. Đại bi là một tấm lòng tuyệt diệu như thế đó. Hễ bạn bao dung chứa nạp hết tất cả chúng sinh thay vì phân chia, thì sự phân chia và kỳ thị sẽ khô héo đi.”. Thầy Hằng Triều nói,  "Như Sư Phụ có nói với chúng ta ở thành phố Los Angeles, một khi bạn nắm được các đạo lý căn bản của Phật Giáo, thì lúc đó không ai mà bạn không thắng được khi tranh luận. Còn ai có thể từ chối không chịu đứng bên trong ánh sáng an bình và hạnh phúc của Đức Phật? Phật pháp là thật sự cao thượng nhất trong tất cả các giáo pháp. Phật pháp không có ngụy biện, nó vượt xa ngôn ngữ và tư duy. Nó thật không thể nghĩ bàn!”.

 

Đệ Tử Quả Chân (Hằng Thật) kính lễ

*********

Nhân Duyên với Phật Tỳ Lô Xá Na

 

Ngày 23 tháng 11 nãm 1978
Ano Nuevo, California

Sư Phụ từ giám,


Trong Kinh Hoa Nghiêm Ðức Phật có nói:

Thuận theo tâm nguyện hành trì của mọi chúng sanh

Thấy khắp pháp giới đều tịch tĩnh nhất như .

Con vừa thấy điều này thật đúng trong trường hợp những giấc mộng.

“Nguyện lực”

Phật Pháp rộng lớn, không có ranh giới và sự phân biệt. Các nguyện của chư vị Bồ Tát cũng vậy:

Lại phát đại nguyện : Nguyện ở khắp tất cả thế giới thành Vô thượng Chánh giác, chẳng rời một chân lông mà nơi tất cả chân lông thị hiện sơ sanh, xuất gia, đến đạo tràng, thành Chánh giác, chuyển pháp luân, nhập Niết Bàn, được sức đại trí huệ cảnh giới của Phật trong mỗi niệm thuận theo tâm của tất cả chúng sanh mà thị hiện thành Phật làm cho họ được tịch diệt, dùng Nhứt thiết trí biết tất cả pháp giới chính là tướng Niết Bàn, dùng một âm thanh thuyết pháp làm cho tâm tất cả chúng sanh đều hoan hỷ. Thị hiện nhập đại Niết Bàn mà chẳng dứt hạnh Bồ Tát, thị hiện bực đại trí huệ an lập tất cả pháp. Dùng pháp Trí thông, Thần túc thông, Huyễn thông, tự tại biến hóa khắp tất cả pháp giới. Rộng lớn như pháp giới, rốt ráo dường hư không, suốt tất cả kiếp số vị lai không thôi nghỉ.

Kinh Hoa Nghiêm - Phẩm Thập Ðịa

Vào tháng Năm năm 1977, khi chúng con bắt đầu khởi hành từ Kim Luân Thánh Tự ở Los Angeles, Sư Phụ đã nói trong một bài giảng rằng tất cả chúng ta trong quá khứ đã cùng với Phật Tỳ Lô Xá Na nghiên cứu Phật Pháp. Và vào thời xa xưa đó, Sư Phụ đã nói là tất cả chúng ta nên đến Hoa Kỳ để nghiên cứu Phật Pháp tại đó. “Bởi vậy giờ đây chúng ta cùng nhau đến đây để hòan thành hạnh nguyện của chúng ta. Những nhân duyên trong quá khứ tạo nên lực liên hợp nơi đây, giờ đây lực liên hợp đó tồn tại qua mọi hòan cảnh. Từ vô lượng kiếp trong quá khứ đến nay,  các  nhân duyên giữa chúng ta với nhau rất sâu đậm… Mọi người đều là Tỳ Lô Xá Na. Tất cả chung quanh quý vị, phía trước, phía sau chung quanh quý vị đều là Phật. Pháp Thân thanh tịnh của Ðức Phật tràn đầy khắp mọi nơi.”

Tất cả chúng sanh đều có liên quan sâu xa với nhau. Ai có thể nói chúng ta từng ở đâu trong quá khứ hay sẽ ở đâu trong tương lai để tu Đạo và hòan th ành các hạnh nguyện của chư Bồ Tát ? Không có gì là cố định cả. Cái chúng ta có thể thấy không phải là luôn luôn thật, và cái thật thì chúng ta lại thường không thấy được. Sư Phụ kết thúc bài giảng với lời bình luận: “Trong giấc mộng, tất cả chúng ta đến đây làm Phật sự”.


Bình an trong Đạo,

Ðệ tử Quả Ðình (Hằng Triều)

kính cẩn đảnh lễ.


Tải về xem