Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
"10.000 lính Bắc Triều Tiên ở Ukraina" : Ai sẽ được lợi ?
 

Bắc Triều Tiên dường như sẵn sàng huy động đến 10.000 binh sĩ sang Ukraina để giúp Nga duy trì cuộc chiến. Nếu đúng như vậy, « đó thực sự là một vấn đề lớn » cho Ukraina, theo phát biểu của tổng thống Volodymyr Zelensky trong buổi họp báo ngày 17/10/2024 tại Bruxelles. Ngược lại, cả tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đều được lợi, theo nhận định của một số chuyên gia.
 
image.png
 
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại thủ đô Bình Nhưỡng hôm 19/06/2024. AP - Kristina Kormilitsyna
 
Thu Hằng
 
Thông tin về việc Bình Nhưỡng gửi quân sang Ukraina tham chiến từng được tình báo Hàn Quốc nêu lên nhưng không cung cấp số liệu. Tình báo Kiev từng nhắc đến khả năng 3.000 quân, thấp hơn 1/3 so với số liệu mà tổng thống Zelensky nêu trong buổi họp báo. Truyền thông độc lập không thể xác minh được cả hai số liệu này. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng hoàn toàn có khả năng Bình Nhưỡng điều quân đến chiến trường Ukraina. Việc này sẽ « cụ thể hóa hiệp ước đối tác chiến lược được ký tháng 06/2023 tại Bình Nhưỡng giữa Vladimir Putin và Kim Jong Un », trong đó có việc « cung cấp hỗ trợ quân sự trong trường hợp bị tấn công vũ trang ».
Thực ra, Bình Nhưỡng có « truyền thống » điều quân ra nước ngoài từ năm 1948, ví dụ miền Bắc Việt Nam (1966), Angola (thập niên 1980) hoặc hỗ trợ quân sự tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, kĩ sư Bắc Triều Tiên bị cáo buộc đã giúp Hezbollah xây dựng đường hầm… Từ nhiều thập niên qua, người lao động Bắc Triều Tiên đã vượt biên giới làm việc ở vùng Viễn Đông Nga, trong đó có khoảng vài chục nghìn người làm tiều phu ở tỉnh Amur. Bình Nhưỡng từng nhiều lần nêu khả năng gửi nhân công sang tái thiết vùng Donbass của Ukraina đang bị Nga chiếm đóng.
 
Bắc Triều Tiên xuất khẩu lính để thu ngoại tệ

Bắc Triều Tiên sẽ là nước được lợi trước tiên, theo nhận định với nhật báo Pháp La Croix của Andrei Lankov, chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại đại học Kookmin ở Seoul vì « Nga sẽ trả tiền cho những người lính này » trong khi quân nhân được trả lương hậu hĩnh để khuyến khích ra chiến trường. Chuyên gia Andrei Lankov cho rằng « tiền sẽ rơi vào ngân khố của chế độ Bình Nhưỡng vì công nhân chỉ được lĩnh một phần nhỏ, khoảng 10 hoặc 20% và trường hợp này cũng có thể xảy ra đối với quân nhân Bắc Triều Tiên ».

Ngoài lợi ích kinh tế, Bắc Triều Tiên có thể sẽ tiếp thu kinh nghiệm thực chiến và kiểm nghiệm hiệu quả của vũ khí giao cho Nga. Vẫn theo chuyên gia Andrei Lankov, « với những người lính trên thực địa, Bắc Triều Tiên sẽ học được rất nhiều điều. Một mặt là để theo dõi thiết bị của họ hoạt động như thế nào trên mặt trận và đánh giá thiết bị của Nga. Mặt khác, Kim Jong Un cũng có thể yêu cầu Nga chia sẻ thêm công nghệ không gian để hoàn thiện kho tên lửa của mình ».

Một tướng về hưu của Hàn Quốc thì quan ngại về « kinh nghiệm chiến đấu mà quân nhân Bắc Triều Tiên có thể tiếp thu được » tại Ukraina trong bối cảnh quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng đang ở mức căng thẳng cao độ, thậm chí « bên bờ vực chiến tranh », theo phát biểu nhà lãnh đạo Kim Jong Un.  
 
Putin dựa vào lính Bắc Triều Tiên để tránh tổng động viên

Nếu được Bắc Triều Tiên hỗ trợ về quân lực, tổng thống Nga Putin sẽ tạm tránh được « một đợt động viên bán phần mới » hoặc « tổng động viên » vì theo tổng thống Ukraina, « Putin rất sợ phải huy động thêm quân vì công luận phản đối » trong bối cảnh khoảng 70.000 quân nhân Nga đã thiệt mạng kể từ khi Matxcơva phát động cuộc chiến ở Ukraina tháng 02/2022, theo thống kê chưa đầy đủ được trang mạng độc lập Nga Mediazona và ban tiếng Nga đài BBC công bố ngày 20/09/2024. Ngoài việc nhiều thanh niên đã rời đất nước ngay từ đầu cuộc chiến, Nga còn phải đối mặt với tình trạng dân số già, tỉ lệ sinh giảm. Ngày 17/10, Hạ Viện Nga vừa thông qua một đạo luật cấm « cổ vũ cho cách sống không có con ».

Trước đó, hiệp ước phòng thủ chung với Bắc Triều Tiên cũng đã được đưa ra Hạ Viện Nga chờ phê chuẩn. Trả lời RFI ngày 16/10, giáo sư Chris Monday, chuyên gia về Nga tại đại học Dongseo Hàn Quốc, cho rằng hành động này nhằm « tạo cơ sở hợp pháp để sử dụng quân nhân Bắc Triều Tiên ». Theo một số cơ quan truyền thông Ukraina, trích nguồn tin tình báo, sĩ quan Bắc Triều Tiên đã có mặt trên chiến trường để hỗ trợ quân đội Nga sử dụng tên lửa đạn đạo KN-23. Tiếp theo là những thông tin liên quan đến « tiểu đoàn Buryat » - sắc tộc thiểu số Mông Cổ ở Siberia nhưng lại là người Bắc Triều Tiên hoặc thông tin 3.000 quân Bắc Triều Tiên chuẩn bị gia nhập « lữ đoàn xung kích đường không 11 ».

Dù khó kiểm chứng được số liệu do Ukraina cung cấp nhưng giáo sư Chris Monday cho rằng tổng thống « Zelensky đang làm tốt công tác truyền thông. Ukraina đang gặp khó khăn với những gì đang xảy ra ở Trung Đông, người ta đang quên Ukraina ». Và nếu có đến 10.000 quân Bắc Triều Tiên đến giúp Nga thì không chỉ có Ukraina gặp « rắc rối lớn » mà các nước phương Tây cũng sẽ phải đối phó với những thách thức mới nảy sinh từ mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Bắc Triều Tiên.
 

_____________


Đỗ Hứng gởi