Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 

30 tháng 4 – Đánh dấu những năm tháng tối tăm của lịch sử Việt





 


Nhằm xích hóa toàn cõi Việt Nam, CSVN đã tiến hành cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam” bằng mọi giá dưới sự hậu thuẫn và hỗ trợ của Liên xô, Trung Quốc… Đây là một cuộc chiến tranh kéo dài nhất mang đến đau thương mất mát nhất trong lịch sử dân tộc. Cuộc chiến đã gây ra cái chết cho khoảng gần 4 triệu người kể cả binh sĩ và dân thường. Trong đó Việt cộng tổn thất 849.018 binh sĩ bị chết và gần 600.000 binh sĩ bị thương. Phía Việt Nam Cộng Hòa với 220.357 binh sĩ tử trận tính cả mất tích nữa là gần 310.000 và gần 1.170.000 người bị thương. Hàng ngàn ngôi nhà, nhà máy bị san phẳng, hàng chục thành phố bị phá hủy. Không biết bao nhiêu người vợ mất chồng, con mất cha, mẹ mất con. Đau thương tổn thất không kể xiết…


Nhưng sự khổ nạn của người dân không dừng lại sau khi chiến tranh chấm dứt. Khởi đi từ tháng Tư 1975, Việt Cộng đã đưa cả đất nước và dân tộc vào một thời kỳ bi thảm và đen tối nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam.

Đất nước Việt nam chỉ có duy nhất một đảng độc tôn lãnh đạo, đó là đảng Cộng Sản Việt Nam.  Mỗi khi đảng đã quyết định thì chỉ có chấp nhận và thi hành, không ai dám phản đối, ngăn cản. Nếu như chính sách may mắn đúng thì không sao, nhưng chính sách sai thì cả đất nước gánh chịu một hậu quả bi đát, thảm hại.


Một trong những việc làm đầu tiên sau khi giành thắng lợi, Việt Cộng đã đổi tên Sài gòn thành thành phố mang tên vị lãnh tụ của họ. Thành phố không chỉ bị đổi tên mà bộ mặt, cuộc sống người dân cũng bị thay đổi, biến dạng dần. Hình ảnh của một “Hòn ngọc Viễn Đông” ngày nào đã bị bôi xóa, thay thế bằng hình ảnh của một thành phố nhếch nhác, xô bồ, hỗn độn mang tên kẻ đã đưa đất nước dân tộc vào con đường tăm tối, bần cùng. Không khí Sài Gòn bây giờ rất ngột ngạt bởi Thủ Thiêm vốn là nơi để thở, lá phổi của Sài Gòn cũng đang biến thành những khu cao tầng. Cùng với con sông Sài Gòn nhiễm bẩn, hệ thống kênh rạch với nước thải đen xì chạy khắp các phố phường. Mỗi lần có mưa tới chừng hơn một giờ là thành phố lại chìm trong nước bẩn, biến thành “thành hồ” đúng như cái tên nó đang mang.  Sài gòn mà trước năm 1975 trong một chuyến thăm Thủ tướngLý Quang Diệu của Singapore đã ước: “Hi vọng một lúc nào đó Singaporesẽ phát triển giống như Sài gòn” nhân một chuyến thăm đến Việt Nam Cộng Hòa năm 1960. Hơn bốn mươi năm sau Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc ước Sài gòn phát triển như Singapore. Như vậy họ đã làm cho Sài gòn chậm lại mất gần một trăm năm.


Việt Nam giờ đây như một bãi rác khổng lồ của Châu Á và của cả thế giới, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.  Nạn ô nhiễm cao được xếp vào hạng tóp đầu thế giới. Rác thải nhựa và những loại chai nhựa, hóa chất độc hại chỉ có thể nhiều hơn. Vô số nhà máy, công xưởng, xí nghiệp có chứng nhận đạt chuẩn từ phía nhà đăng kiểm nhưng trên thực tế thì lại kém chất lượng trầm trọng và không đủ tiêu chuẩn về mọi mặt. Việc xử lý các loại chất thải ra môi trường hầu như không được áp dụng nên tình trạng gây ô nhiễm lên đến mức báo động.


Nhưng nhà nước lại bưng bít những việc này và đắm chìm trong tệ nạn tham ô hối lộ. Tham ô, tham nhũng hoành hành khắp đất nước, công quỹ quốc gia bị lãng phí một cách vô tội vạ và vô trách nhiệm.  Nhiều dự án, công trình sau khi lập ra rồi bị bỏ xó, hay nhập cảng công nghệ cũ với giá cao chẳng hạn như nhập hệ thống nhà máy sản xuất xi-măng công nghệ lò đứng từ Trung quốc mà nước này đã bỏ từ lâu. Thay vì phải mang đi hủy bỏ sẽ tốn chi phí, ô nhiễm môi trường thì Việt Nam sang nhập lại giá cao, hay nói đúng hơn được đội lên giá cao khi khai báo, mang về vận hành được vài ba năm thì “xếp xó” vì không đáp ứng được nhu cầu và gây nhiễm môi trường nặng. Hay như gần đây tỉnh Quảng ninh có dự án hàng trăm tỉ đồng (vài chục triệu đô) để trồng cây xanh. Thay vì trồng trên vỉa hè thì họ lại trồng dưới lòng đường, gây khó khăn mất an toàn cho giao thông và người dân ngơ ngác khó hiểu… Nhiều vụ mua bán, đầu tư gây thất thoát hàng chục tỉ usd bởi những quan chức cao cấp, điển hình như vụ Vinashin 43 triệu usd, Vinaline hơn 6 tỉ usd.  Ngoài ra, hàng tỉ đô la thất thoát ở các ngân hàng, các cơ quan về dầu khí…


Tình hình giáo dục thì ngày càng tụt hậu, sa sút. Học đường là nơi đào tạo nhân tài, tương lai cho đất nước thì trở thành thị trường buôn bán chữ nghĩa. Nạn gian lận thi cử, sửa điểm thi, mua bằng cấp trở nên chuyện thường tình. Đạo đức học đường bị xuống cấp trầm trọng. Nạn bạo hành, học sinh, thầy trò đánh nhau xảy ra rất thường xuyên ở nhiều trường học.  Nhiều người học hành đến nơi đến chốn nhưng phải chịu thất nghiệp, không kiếm được việc làm vì đã bị lực lượng “CCCO” (con cha cháu ông) chiếm mất chỗ. Không cần học hành giỏi giang, không cần có chuyên môn, chỉ cần có cha mẹ hoặc người thân làm to thì chắc chắn sẽ thu xếp cho con cháu họ một chỗ làm tốt, nhàn nhã, như là một truyền thống nên trong dân gian có câu ca dao: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Chính vì không được học hành đào tạo bài bản, tư chất không thông minh, không có tài nhưng leo lên chức cao dẫn đến hậu quả là không ít các quan chức nhà nước của chúng ta đưa ra những chính sách “trời ơi đất hỡi”, “đầu voi đuôi chuột”. Các bộ ngành xuống cấp trầm trọng vì không sử dụng những người có thực tài, có khả năng và đạo đức.


Những tưởng bộ văn hóa thể thao và du lịch sẽ ổn hơn các bộ ngành khác vì liên quan đến văn hóa thì tâm hồn cũng tốt đẹp hơn nhưng đại đa số cũng chỉ vì tiền mà có thể làm ra những chuyện trái với lương tâm đạo lý, số tử tế còn lại không sống được bằng nghề nên cũng đành lui bước. Bao nhiêu tâm huyết mong sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị và ý nghĩa sẽ khó thành hiện thực bởi khi đã động tới thực tế của xã hội là động đến nhà cầm quyền. Họ chỉ thích được khen và dùng chính sách “ngu dân để trị”.


Những hình ảnh quảng bá trên các trang mạng xã hội được thế giới biết đến Việt Nam quá khác xa so với thực tế. Thành phố Sài Gòn nay đã không còn là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Nạn “chặt chém”, cướp giật khiến những du khách mới chân ướt chân ráo đến Việt Nam lần đầu không khỏi khiếp sợ trước những hành vi bản năng của người Việt, cho nên không bao giờ dám trở lại lần sau.


Trong một đất nước yếu kém về quản lý, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái tràn lan từ Trung quốc tràn sang. Cộng với lòng tham bất chấp lương tâm, đạo đức mà nhiều người trong nước tiếp tay đầu độc đồng bào mình trên bàn ăn. Vì tham lợi nhuận họ đã trộn thạch cao vào đậu phụ, phun thuốc kích thích tăng trưởng vào rau, trộn hàn the vào bún, bánh gạo cho giòn, dai hơn, phun thuốc chống mối mọt vào gạo, tẩm thuốc khích thích, hóa chất, tăng trọng, vv… vào những thực phẩm.  Nhiều cơ sở thu mua các loại thịt hay nội tạng động vật đã hư thối rồi sau đó dùng hóa chất để tẩy, khử mùi rồi bán cho người tiêu dùng. Theo một thống kê mới nhất Việt Nam có tới 165,000 người bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư trong năm 2018, trong lúc con số này hồi năm 2010 là 126,000 người.


Số người tử vong cao vì bệnh tật cũng do chính sách y tế quá tồi tệ, bất cập và sự thiếu đạo đức nghề nghiệp của người thày thuốc.  Bệnh nhân vào những hệ thống bệnh viện công lập thì gặp phải nhiều vấn đề thối nát, từ việc ăn chặn tiền của người bệnh cho đến thái độ hành xử của những nhân viên trong bệnh viện, chuyên môn kém cỏi dẫn tới những hậu quả đáng tiếc cho bệnh nhân cùng những hệ quả nghiêm trọng khác nữa. Một số ít bác sỹ có nghề có tâm phải bỏ cơ quan nhà nước, ra ngoài tự hành nghề thì bị nhà nước kiếm chuyện gây khó dễ.


Giao thông là một nhành phát triển thuộc loại nhanh ở Việt Nam. Với đầu tư tốn phí cao cho việc xây dựng đường xá, cầu cống. Nhưng đường làm đầu này thì hư đầu kia, ổ voi ổ gà dày đặc, cầu xây chưa đấy một tháng đã gãy sập,  gây biết bao tai nạn giao thông nghiêm trọng.


Chẳng hạn cuối năm 2018 vừa qua tuyến cao tốc Đà Nẵng, Quảng Ngãi dài 139km với số tiền đầu tư 34.500 tỉ đồng (tương đương với 1.5 tỉ usd) nhưng chỉ hoàn thành được 1 tháng đã hư phải tu sửa bổ sung. Đau buồn nhất là hệ thống đường sắt răng cưa Tháp Chàm, Đà Lạt. Gọi đây là con đường huyền thoại vì đây là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi trên thế giới, một của Việt Nam và một của Thụy Sĩ. Con đường của Việt Nam kỳ vĩ hơn vì nó có chiều dài và độ dốc lớn hơn con đường của Thụy Sĩ (Việt Nam dài 84 km trong đó có tới 43km đường răng cưa. Thụy sĩ chỉ có gần 25km ở đoạn vượt qua đèo Furaka trên dãy Alpes). Tuyến đường răng cưa Phan Rang, Đà Lạt bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 1908 đến năm 1932 bắt đầu hoạt động. Con đường sắt này một thời là cầu nối hữu ích và thơ mộng giữa miền biển Nam trung bộ với thành phố nghỉ mát Đà Lạt trên cao nguyên Lâm Viên. Nhưng vì “chiến sự khốc liệt” nên con đường này phải dừng hoạt động vào năm 1972. Sau khi “giải phóng miền Nam” đáng lẽ ra người ta phải cho khôi phục lại tuyến đường sắt đặc biệt quý giá này thì năm 1986 Liên hiệp đường sắt Việt Nam dưới sự chỉ đạo của nhà cầm quyền Việt Cộng đã cho tháo đường ray và ta-vẹt để sửa chữa  thành tuyến đường sắt Thống Nhất. Những đoạn đường ray răng cưa hiếm hoi và giá trị cùng với những đầu máy hơi nước đều bị mang bán sắt vụn từ những năm 1980 đến năm 2004 thì hết sạch. Cả một tuyến đường dài gần 100km nay chỉ còn một đoạn ngắn ngủn từ Đà Lạt đi Trại Mát, khiến cho không ít người đau lòng và tiếc nuối mỗi lần đến với Đà Lạt. Cũng chỉ vì sự yếu kém cùng với ngu dốt trong quản lý của giới cầm quyền đã bức tử một tuyến đường sắt độc đáo và mộng mơ.


Đất đai là một khổ nạn đau thương khác của người dân. Đất canh tác hay những khu đất đẹp ở vị trí đắc địa người ta thường gọi là “đất vàng” thì chính quyền sở tại cấu kết với các nhóm lợi ích cưỡng chế đất đai, tìm cách đuổi người dân đi. Người dân thường bị mất trắng hay may mắn hơn một chút được đền bù với một giá rẻ mạt. Nổi bật nhất là vụ cướp đất Thủ Thiêm (quận 2 tp HCM). Chính quyền đã cướp gần 170 hecta đất của bà con ở đây, đền bù 18 triệu đồng (khoảng 700usd) cho một mét vuông đất sau đó bán lại cho nhà đầu tư với giá 380 triệu (khoảng 16 ngàn usd)/mét vuông. Người dân ở đây không chấp nhận nên đã xảy ra khiếu kiện, biểu tình suốt thời gian dài vừa qua. Gần đây nổi lên khá căng thẳng trong chuyện đất đai đó là vụ cưỡng chế đất ở Lộc Hưng thuộc phường 6 quận Tân bình, tp Hồ chí Minh mà dân vẫn thường gọi là vườn rau Lộc Hưng. Đây là cuộc chiến không cân sức giữa người dân nghèo và chính quyền. Người dân cho rằng chính quyền địa phương rắp tâm thu hồi một cách phi pháp với diện tích khoảng hơn năm mươi ngàn mét vuông đất. Lộc Hưng được coi là khu đất tốt nằm ngay điểm tiếp giáp của quận 3, quận 10, quận Phú Nhuận và quận Tân Bình. Chính quyền đã vào cưỡng chế san phẳng nhà dân khiến cho hàng trăm con người màn trời chiếu đất ngay những ngày giáp tết.


Ở trong thì ác với dân nhưng ngoài thì hèn với giặc. Từ xa xưa Trung Quốc đã lăm le xâm chiếm Việt Nam từ hàng ngàn năm qua, nhưng Việt Cộng vẫn nhởn nhơ thân thiết với Tàu Cộng. Với phương châm “mười sáu chữ vàng” là bạn tốt, là đồng chí tốt, núi liền núi, sông liền sông… Nhưng vẫn bị “bạn tốt” “đồng chí” tốt cướp mất đảo Hoàng sa năm 1974 và cướp một số đảo đảo như Xu bi, Vành Khăn, Tư Nghĩa, Gạc Ma…vào năm 1988. Chúng ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng lãnh hải Việt Nam, xua đuổi, đâm chìm tàu ngư dân đánh cá trên biển Đông nhưng nhà cầm quyền chỉ im lặng và gọi là “tàu lạ”. Chế độ thối nát thường sản sinh ra một xã hội suy đồi lương tâm, đạo đức. Vì ham tiền nên một số người dân đã đứng tên mua đất, mua nhà cho người Trung quốc ở nhiều thành phố với những vị trí nhạy cảm về an ninh quốc gia như ở Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh…


Đất nước Việt Nam tuy là nước nhỏ, nhưng được thiên nhiên ưu đãi, có đủ rừng, biển, cao nguyên, đồng bằng, có tài nguyên khoáng sản đa dạng.  Người Việt Nam lại thông minh cần cù chịu khó, không thiếu nhân tài. Thế mà 44 năm trôi qua kể từ khi đất nước VN được “giải phóng”, dưới sự lãnh đạo và cầm quyền của đảng Cộng Sản do sự quản lý kém cỏi cộng với sự tham lam, ngu dốt của các quan chức lãnh đạo, tài nguyên đất nước đang dần cạn kiệt, môi trường sinh thái bị ô nhiễm trầm trọng, kinh tế yếu kém, nợ công mỗi lúc mỗi chồng chất, năm nào cũng đi ăn mày viện trợ của nước ngoài.  Việt Nam vẫn là một “nước nghèo”, nghèo về mọi phương diện, luôn cả về uy tín trên trường quốc tế.


Nếu ai đó thấu hiểu được nỗi đau của người Việt khi phải sống cảnh thiếu tự do dưới chế độ Cộng Sản thì người đó chắc hẳn đã chứng kiến những thực tế buồn đau đang xảy ra mỗi ngày. Cứ mỗi năm đến độ 30-4 về lòng người dân lại buồn vô tả. Kẻ hân hoan thì ít, người uất hận thì nhiều. Đất nước, dân tộc vẫn còn đắm chìm trong những đêm dài tăm tối, bình minh chưa thấy ló dạng ở chân trời.


Mỹ Trí Tử

Tháng Tư 2019


usaelection gởi