'Con chết mất… con muốn được về Việt Nam chết'
Tôi không biết ngày mai chúng tôi sẽ ở đâu? Ăn gì? Làm gì? Còn sống hay sẽ chết? Một chữ Nga bẻ đôi chúng tôi không biết. Đường về Việt Nam thì quá xa xôi. Nhưng chúng tôi cứ chạy, cắm đầu gằm mặt chạy. Bởi ngoài ô cửa sổ bằng kính kia, chúng tôi vẫn sẽ tự do, dù là tự do trong khoảnh khắc.
Huyên không nhớ mình đã bao lần suýt chết trong tuyết, sống chung cùng đống phân bò nhầy nhụa, vùng lên rồi giẫy giụa trong những cái lò “địa ngục” - nơi người Việt phải sống chui rúc như loài gặm nhấm, sẵn sàng bị đánh đập, đày đoạ và buộc phải tự vẫn.
***
Anh Vinh chạy trước. Tôi chạy sau. Rồi tới chị Hường, chị Vân, Toàn. 5 chúng tôi cứ cắm đầu, gằm mặt chạy như một lũ chuột nhắt. Bên ngoài, tiếng búa tạ đập vào bức tường buốt óc, những gọng súng bắn chỉ thiên nổ tung như những đốm pháo hoa. Chúng tôi chạy, nắm tay nhau chạy, trốn chui trốn lủi bằng chút sức lực còn sót lại từ những củ khoai tây luộc hôm qua.
"1…2…3… Bước lên vai anh, trèo qua tường. Nhanh". "1…2…3… Nhảy đi", "1…2…3… Nắm chắc tay không được trôi xuống sông đấy nhé!", "1…2…3…trèo lên xe", "1…2…3… Phải sống nhé Huyên". Lần đầu, sự tự do lấp đầy phổi tôi.
Sau này, mỗi khi nghĩ về ngày đó, tôi chẳng thể lý giải được tại sao một cô gái bé nhỏ, cao 1m45, nặng 39 ký như tôi lại gan dạ đến vậy! Nhưng tôi biết, lúc đó, nếu bị bắt, chúng tôi chỉ có chết.
Tôi quay lại nhìn chị Hai dáo dác bên trong cái "ổ địa ngục" quỷ quái đó. "Em sẽ quay lại với chị" - tôi rơi nước mắt rồi cúi đầu chạy.
Những cái đơm được chủ thuê lại là nhà hoang ở ngoại ô thành phố. Ảnh: NVCC.
Chúng tôi không ai biết ngày mai sẽ ở đâu? Ăn gì? Làm gì? Còn sống hay sẽ chết? Một chữ Nga bẻ đôi chúng tôi cũng không biết. Đường về Việt Nam quá xa xôi. Nhưng chúng tôi cứ chạy trước đã. Tôi, anh Vinh, chị Hường, chị Vân, Toàn,… mỉm cười nghĩ mình đã bước qua cánh cửa địa ngục.
Nhưng hôm sau, một cánh cửa địa ngục khác lại mở ra. Độc ác hơn. Tàn nhẫn hơn…
Nhiều tháng sau khi trở về, nước mắt tôi vẫn tự nhiên chảy khi ai đó nhắc về Nga. Cái Tết đầu tiên, vừa bước chân ra khỏi nhà, nghe tiếng còi cảnh sát giao thông dẹp đường kêu lên inh ỏi, tôi bỏ chạy một mạch trong sự ngơ ngác của ba má.
Sợ hãi đã trở thành bản năng của tôi mất rồi!
Một đêm, trong lúc nằm ngủ, tôi mơ màng thấy mình đang đi trong tuyết. Tuyệt vọng. Sợ hãi. Lạnh lẽo. Những bông tuyết trắng xoá bắt đầu đỏ máu, dần dần phủ kín thân thể tôi. Tôi oà lên khóc. Mở mắt ra, mẹ đã nằm cạnh, ôm tôi, khuôn mặt ướt nhoè đi từ lúc nào. Tôi phải cố gằn lòng lắm mới không để đám ký ức quỷ quái ấy trồi dậy thêm bất kì lần nào nữa.
Cuối năm cấp 3, chú Tám hàng xóm sang nhà, ngồi uống chén trà rồi nói chuyện với ba tôi: "Cho con Huyên đi xuất khẩu đi anh. Qua đó làm nhiều tiền, về phụ gia đình."
Ở xóm tôi, hồi ấy, gần như gia đình nào cũng có người thân ra nước ngoài xuất khẩu lao động. Người trước đi giới thiệu người sau. Vợ đi kéo theo chồng. Anh trai đi cùng với em gái. Có nhà hết thảy 3-4 đứa con đều đã ra nước ngoài. Tết đến, ba má họ ngồi buồn hiu đón Tết cùng con qua màn hình điện thoại.
"Nhà tôi không có tiền cho cháu đi đâu chú ạ!"
"Cần gì phải bảo lãnh tiền. Đi Nga đi. 2 thằng con tôi đều đi Nga cả. Bên đó, chi phí thấp, môi giới rẻ, siêng siêng xíu mỗi tháng dư hơn 5 tờ (500 đôla-PV) gửi về xây nhà…" - chú Tám thuyết phục ba má tôi vào dịp tết năm 2014.
Tôi từng nghĩ về nước Nga với đầy sự hào hứng. Ảnh: NVCC.
Tối đó, tôi nằm trằn trọc mãi không thôi. Hết hè này, tôi sẽ tốt nghiệp cấp 3. Tôi biết sức học của mình tới đâu, cố gắng lắm cũng chỉ đậu cao đẳng. Đi làm công nhân ở xí nghiệp thì lương tháng 6-7 triệu, đủ ăn đủ mặc nhưng không đủ xoay sở cho ba má được mái nhà đường hoàng.
Sáng hôm sau, trước khi tới trường, tôi nói vội với ba: "Chờ con tốt nghiệp xong, con đi Nga. Kiếm đủ tiền xây cái nhà đường hoàng cho ba má rồi con về…". Ba má ậm ừ, nửa mừng nửa vui.
Đêm ấy, tôi nhắn tin cho anh: "Em đi vài năm, anh ở nhà chờ em nhé!". Anh gọi lại ngay lập tức, qua điện thoại, anh khóc mướt 5, 6 tiếng đồng hồ không thôi.
Tháng 9/2014, bạn bè tôi lần lượt vào Sài Gòn đi học. Tôi ở lại quê cùng chị Hai và ba má, làm lụng để kiếm đủ 30 triệu chồng tiền cho bà mối. Lần đầu tiên gặp mặt, bà mối nhìn tôi và chị Hai một lượt rồi cười mỉm: "Qua đó thì lắm tiền". Cuối buổi, bà cầm phong bì 30 triệu thong dong ra về.
Nhiều đêm, nằm ngẫm nghĩ: "Sao ra nước ngoài dễ vậy?", "một chữ Nga bẻ đôi cũng không biết", "tay nghề không có thì làm gì?". Tôi gọi điện hỏi bà mối, thì bà lại hạ giọng, ngọt như mía lùi: "Ối giời, qua đó học mấy hồi. Để đó cô lo". Rút lại không đi nữa thì 30 triệu mất trắng, tôi dằn lòng: "Đi vài năm, kiếm đủ tiền xây nhà cho ba má rồi con về".
Lần thứ 2 gặp, bà mối đứng trước cửa sân bay Phù Cát (Bình Định), tách đôi tay 2 chị em tôi và tay ba, "Anh chị cứ yên tâm, con bé từ nay để em lo", rồi dắt tôi qua cánh cửa tự động, nước mắt ngắn dài tôi chào tạm biệt ba má.
Lần thứ 3 gặp, bà mối đưa cho tôi một sấp giấy tờ, một cái tên giả tại Hà Nội rồi mất hút. Tên bà, tuổi bà, nhà bà ở đâu, tôi không hề biết. Đêm đầu tiên trước khi sang Nga, tôi ở cùng phòng trọ với 20 người Việt khác, chẳng ai thân quen. Cả đêm, tôi ôm chị Hai, khóc hết nước mắt vì nhớ nhà.
Sáng hôm sau, chiếc máy bay chở 20 người chúng tôi bay thẳng sang Nga với đầy sự háo hức trông chờ. Chẳng ai nghĩ, chỉ vài tiếng nữa, Mát-xcơ-va, lại là "cánh cửa địa ngục" với chúng tôi.
Chúng tôi rớt xuống Nga thì trời đã tối đen như mực. Chẳng biết ngày hay đêm. Đói. Lạnh.
Ngoài sân bay, một chiếc xe hộp đứng đợi sẵn, tài xế người Việt xuống mở cửa, quát: "Nhanh… Nhanh lên…", rồi lùa vội 20 người chúng tôi lên. Tôi nhỏ nhất, ngồi lọt thỏm giữa đám.
Nước Nga với tôi lúc ấy đẹp tuyệt trần. Những toà nhà cổ kính lấp lánh ánh đèn chọc lên bầu trời như những viên pha lê. Đường phố đông nghịt. Người Nga cao ráo, to bự, so với tụi tôi chẳng khác gì kẻ khổng lồ với đám trẻ tí hon. Ai nấy choàng 3-4 lớp áo lông đi lạch bạch trên đường như những chú chim cánh cụt sặc sỡ.
Trên trời, bông tuyết trắng xoá cứ xoay vòng, xoay vòng rồi là là đậu trên những toà tháp như phủ lên đó một lớp kem. Bông tuyết nhẹ nhàng, êm ái lần đầu tiên chúng tôi được thấy nhanh chóng thành liều thuốc khiến ai nấy lấy lại phấn chấn.
Tôi với tay ra ngoài cửa xe, hứng tuyết và nghĩ về viễn cảnh tươi đẹp. "Được đi làm ở cái thành phố nhộn nhịp này, bên trong một vài toà nhà đẹp đẽ, mỗi tối đi ngắm tuyết rơi mà vẫn dư dả 500 đôla gửi về Việt Nam" - tôi mơ, rồi nằm thiếp đi bên khung cửa sổ. Rét run.
Cho đến khi những viễn cảnh tồi tệ xảy ra với tất cả người Việt chúng tôi. Ảnh: NVCC.
Chiếc xe đưa chúng tôi đi xa dần, xa dần thành phố. Qua những đoạn đường gồ ghề, cả bọn đều bị sốc lên cao rồi nảy xuống. Tỉnh cả ngủ. Mở mắt ra, những toà nhà ban nãy đã biến mất từ lúc nào, tuyết rơi dày và lạnh hơn gấp bội khiến giấc mơ của tôi sụp đổ. Tôi cứ nhắm mắt, cầu mong chiếc xe sẽ dừng lại khi nó vừa đi qua một khu chợ nào đó.
Chiếc xe cuối cùng cũng tắt máy rồi dừng hẳn. "Nhanh lên… Nhanh lên… Tụi bay chậm chạp quá", người tài xế lại bắt đầu quát rồi lùa tất cả chúng tôi vào một cái cổng bé xíu. Mặt ai cũng đanh lại, một sự hụt hẫng ngập tràn.
Căn nhà chúng tôi đến vẫn còn trét xi măng, hoàn toàn vụn nát. Giữa 4 góc nhà, một vài người Việt khác đang cố chống chọi lại cái lạnh của cơn tuyết để đứng canh cửa. Trên bức tường, nhiều mảng xi măng đã bị thời gian rửa trôi để lộ ra lớp "ngũ tạng" bên trong đóng rêu đen quạnh.
Những ô cửa sổ đã bể rất lâu và người ta chắn lại bằng gỗ. Cánh cửa chính cũng gỉ sét, mỗi khi gió lùa qua khiến nó kêu lên ken két vang vọng khắp toà nhà. Căn nhà hoàn toàn trống rỗng như một đống phế thải, ngoại trừ bức tường rào cao 2 mét, phủ lớp sơn xanh đen mới toanh khiến tôi chắc chắn nó chỉ vừa mới được xây cách đây không lâu.
Nó thực sự là một ngôi nhà hoang.
Chúng tôi di chuyển lên tầng 2 bằng những chiếc ròng rọc cột tạm bợ bằng gỗ và dây thừng. Ai nấy đều mệt mỏi vì tá hành lý khổng lồ, lũ lượt đi qua từng căn phòng.
Khu tắm rửa tập thể ẩm ướt, được ngăn ra bởi những tấm màn cũ, rách bươm, nuôi nấng trên đó là hàng chục ngàn đám rêu cỏ mọc dại. Người tài xế chỉ tay vào căn buồng nhỏ đầy những chiếc giường tầng cũng đã gỉ sét như sắp gãy và quát: "Tụi bay sẽ ngủ chỗ này". Mùi ẩm mốc sộc lên mũi khiến tôi ngạt thở.
Đêm đó, nhìn qua cửa sổ, xen kẽ những rặng cây chạy dài vô tận vẫn là ngôi nhà giống hệt nơi chúng tôi ở. Thú thật, nếu không có tiếng động cơ của chiếc máy may kêu lên bạch bạch cả đêm ấy, chúng tôi sẽ chẳng biết ở đây có người sống. Tôi nằm vật ra giường, khóc.
Tôi muốn cầm điện thoại lên để gọi về cho mẹ. Nhưng rồi tôi nghĩ sẽ cho mẹ thấy cái gì ở căn phòng này? Mẹ sẽ tổn thương thế nào khi chứng kiến đứa con gái bé bỏng của mẹ thành ra thế này? Tôi lại bỏ điện thoại xuống, thầm thì đọc thần chú: "Đi mấy tháng có tiền xây nhà cho ba mẹ, con về".
Bên ngoài, tiếng máy may vẫn bạch bạch, bạch bạch, suốt đêm.
Ở Nga làm việc thế nào à? Chúng tôi không còn là con người nữa. Tôi chẳng còn biết buồn, vui, thất vọng, hạnh phúc là cảm giác gì trên cõi đời này nữa.
8h sáng, lên giây cót, chúng tôi lại là những con rô-bốt lập trình ngồi vào hàng dọc bàn máy may thẳng tắp. Tiếng kêu bạch… bạch… bạch… của 200 chiếc bàn đạp hoà vào nhau inh ỏi. Ai nấy đều đeo tai phone, mặt lạnh tanh. Kim đồng hồ nhích tới 3h sáng hôm sau, bảo vệ ra, lùa tất cả về phòng.
Trời Nga, 10 tháng mùa đông, chỉ toàn màn đen.
Hồi mới sang, tôi 49 ký, một tháng sau khi bị nhốt trong cái nhà hoang ấy, tôi tụt hẳn 10 ký. Mở mắt ra, 4 bức tường. Ngồi vào bàn đạp, 4 bức tường. Nhắm mặt lại, 4 bức tường. Chúng tôi chưa bao giờ biết đằng sau bức tường rào cao 2 mét ấy, Nga đang là mùa nào, đẹp ra làm sao. Tôi hoàn toàn vô cảm.
Sau 6 tháng bị nhốt, 20 người chúng tôi vẫn không biết mặt ông chủ là ai, không nhận được một đồng bạc tiền lương nào cả.
Vài lần, mấy anh chị hỏi, người quản lý giải thích: "Trừ xong số nợ đưa tụi bay sang đây rồi tụi tao mới trả tiền". Nhưng nợ bao nhiêu chẳng ai rõ. Nhiều người đứng dậy, sấn tới thì bị bảo vệ đè ra, đấm đá tới tấp vào người cùng tiếng gầm thét: "Mày muốn chống đối hả?", "Chống đối hả?". Họ xem chúng tôi như những con thú không hơn không kém.
Chúng tôi còn bị chắt bóp tiền ăn nữa. Mỗi tháng họ bảo tiền ăn uống hết khoảng 3 triệu đồng. Nhưng quanh năm, chúng tôi chỉ ăn khoai tây. Khoai tây luộc, khoai tây chiên, hấp, nấu soup,… ngấy đến tận cổ. Nhiều lúc, ngồi lẳng lặng bên ô cửa kính, nhìn tụi chim chao nghiêng trên cành cây, bay vút lên trời trắng xoá, gương mặt chúng hạnh phúc như đầy thách thức, tôi lại giận giữ, nuốt trọn củ khoai tây như nuốt cục đá rồi quay lại với bàn may.
16 tiếng nữa trôi qua, hết một ngày, tôi đứng dậy, loạng choạng như sắp té. Nhưng đám bảo vệ chẳng mấy quan tâm, chúng quát tháo rồi nẹp tay tôi đưa vào hàng, lùa về phòng. Tối đó, tôi nằm vật ra giường, giả vờ ngủ, chẳng màn tới tin nhắn người bạn trai ở quê nhà tên Nam gửi: "Mấy nay em sao rồi. Sao không nhắn tin cho anh".
Tuyết ngoài trời rơi dày đặc, tháng 10, nước Nga, mặt trời không thể mọc.
Vài ngày sau, một vài người không chịu đựng được cảnh áp bức của "hợp đồng nô lệ đen", nửa đêm, họ đập cửa nhảy ra ngoài. Tôi nhìn từng người bay đi, bay đi khỏi khung cửa sổ. Chỉ cần bay ra khỏi bức tường rào 2 mét ấy, chúng tôi sẽ là những chú bồ câu tự do tung cánh. Còn nếu bị bắt trở về, chúng tôi sẽ bị đánh đập người không ra người, ma không ra ma. Đó chỉ là một chuyến đi may rủi.
Lâu lâu, tôi vẫn nghe tin một vài người Việt chịu chết trong "cái lồng nô lệ" đó. Có một mùa đông, căn nhà liền kề chúng tôi bốc cháy ngun ngút. Công nhân, ông chủ gì thì trong đám cháy cũng thành lũ chuột nhắt tái mặt, bỏ chạy tán loạn. Bên trong ngọn lửa rực đỏ, đám công nhân chúng tôi tận mắt chứng kiến một anh công nhân đứng rỉ khóc, ném lá thư tuyệt mệnh rồi gục ngã. Nghe đâu, vài ngày trước, anh đứng dậy tranh đấu vì cái "hợp đồng đen" thì bị tốp bảo vệ đánh, giam lỏng. Muốn về mà không được về, ở thì như địa ngục. Thế là anh chết.
Chúng tôi sau này chỉ dám đặt một tấm biển tên anh bên cạnh toà nhà cháy rụi. Mỗi lần đi làm về, ngang qua, tôi vẫn thấy anh đứng ở cửa sổ tầng 2, khóc tức tưởi. Tôi vừa sợ vừa thương.
"Ba má, con muốn được trở về".
Đêm đó, sau một ngày làm việc mệt mỏi, tất cả chúng tôi đều thiếp đi nhanh chóng trên cái ổ chuột của riêng mình. 4 giờ sáng, nhóm bảo vệ chạy lên, hét toáng: "Công an tới. Công an tới. Trốn hết mau… Tống hết vào trại bây giờ…".
Bọn tôi chẳng kịp thu gom gì cả. Tất cả tán loạn chạy nhào vào nhau, đi tìm những cái hầm để ẩn nấp. Tốp bảo vệ đứng trước cái lỗ nhỏ cạnh lò sưởi rồi nhét chúng tôi vào đó. Tất cả phải bò đi như những con gián để tìm đường vào hầm.
Lúc đó, tôi nhìn anh Vinh, chị Hường, chị Vân, Toàn,… chẳng ai nói gì nhưng cả 5 đều hiểu: "Đến giờ rồi".
Vài ngày trước, anh Vinh đã lên kế hoạch chờ ngày cảnh sát ập vào, cả bọn sẽ cùng nhau bỏ chạy ra phía cửa đối diện, 5 đứa đều gật đầu. Nhưng đến lượt chị Hai, chị lại nhìn tôi sợ sệt, nước mắt lưng tròng, lắc đầu. Bên ngoài, tiếng chiếc búa tạ đập vào tường vang lên inh óc, bức tường đổ sầm như sấm và gọng súng bắn chỉ thiên nở tung như những đốm pháo hoa.
Tôi chẳng đủ thời gian để nghĩ tới chị Hai. Chúng tôi chạy về phía khung cửa sổ, đập toang nó rồi nhảy xuống. Sau lưng, tụi bảo vệ gào thét: "Tụi nó bỏ chạy rồi… Tụi nó bỏ chạy rồi…".
Lần đầu, tôi thấy tôi gan dạ như thế.
Đến bức tường, anh Vinh quỳ xuống làm trụ, rồi tôi, chị Hường, chị Vân, Toàn lần lượt bước lên cái lưng gầy sọp của anh trèo lên tường. Bầu trời tối đen như mực. 5 chúng tôi, đứng trên bức tường, anh Vinh hô vang 1…2…3, 5 đứa nắm tay nhảy xuống đất. Lần đầu gió Mát-xcơ-va buốt nhức lại giúp đỡ chúng tôi như vậy. Như những cánh tay mẹ, gió tung chúng tôi lên rồi nâng chúng tôi bay giống như chim - tôi cảm giác vậy.
Chúng tôi chạy, cứ nắm tay nhau chạy, cứ cắm đầu gằm mặt mà chạy. Bỏ mặc phía sau, tiếng bảo vệ gào thét: "Bắt tụi nó lại…". Phía bên cửa sổ, chị Hai vẫn đứng đó, nước mắt tuôn đỏ cả mặt. Tôi quay lại nhìn chị rồi thầm thì: "Em sẽ quay lại đưa Hai đi. Em hứa", rồi cả 5 chúng tôi, chân đất, áo mỏng tan, chạy trong những cơn gió Mát-xcơ-va.
***
5 đứa chúng tôi cứ nắm tay nhau không buông, chạy miệt mài suốt con đường vô định. Không ai biết đã chạy được bao lâu, bao xa. Tới bờ, anh Vinh nắm tay chúng tôi lội từ từ qua sông.
Bên kia bờ, một người bạn của anh đã đợi sẵn rồi tống chúng tôi lên xe vội vã, lao đi vun vút, bỏ mặc lại những dãy nhà tồi tàn, tiếng ồn ào inh óc và cả gương mặt của Hai lúc nhìn tôi trào nước mắt.
Chúng tôi, lúc đó, chỉ nghĩ sau đêm ấy, cánh cửa tương lai sẽ mở ra với tất cả. Tôi, anh Vinh, chị Hường, chị Vân, Toàn,… mỉm cười suốt chặng đường.
Nhưng khi xe tắt máy, dừng lại hẳn. Tất cả nhận ra rằng: Ở nước Nga, không có một cánh cửa thiên đường nào mở ra cho chúng tôi.
Hôm đó, chúng tôi chỉ kịp mua cho mình vài dụng cụ cá nhân, đã bị bắt ngồi vào bàn đạp ngay lập tức. Trong cái đôm mới, tiếng bàn đạp lại vang lên bạch…bạch…bạch… buốt nhức cả đêm. Tôi rùng mình.
Công việc mới ư? Nó vẫn vậy, chỉ là cái "cổng địa ngục" được trang trí đàng hoàng hơn xíu. Chúng tôi cúi đầu làm việc 16 tiếng/ngày, thức dậy và đi ngủ lúc nước Nga tối đen như mực. Một tháng chạy cảnh sát 2 lần và sống chui rúc trong những cái hầm như bọn gián. Nhưng ông chủ ở đây trả lương đủ theo tháng, tôi vui hơn.
5 tờ (500 đôla) đầu tiên tôi nhận được sau 8 tháng xa bố mẹ, qua gần 2 cái mùa đông ở Nga. Hôm đó, tôi nhảy cẫng lên vui mừng, tức tốc gửi về cho ba má. Bên điện thoại, ba tôi khóc ròng: "Khổ quá thì về nghen con", tôi phải vội cúp máy, gục xuống bàn, ri rỉ khóc.
14 tháng sau, công an lại ập vào lần nữa, lúc nửa đêm. Ở xưởng mới, công nhân đông hơn. Những người nhanh chân đã nêm chật kín tất cả cửa hầm, để lại bà bầu, tụi nhỏ con đứng trơ trọi.
Tôi cứ đứng như trời trồng giữa xưởng, nghĩ rằng hôm nay sẽ là ngày mình bị tóm. Vào trại dưỡng, rồi trả về Việt Nam khi đi hơn một năm, chỉ kiếm được 500 đôla đầu tiên. Hàng xóm sẽ nói gì? Bố mẹ tôi sẽ thất vọng nhường nào? Tôi cứ đứng đó, quẩn quanh trong mớ hỗn độn cho đến khi anh Vinh, chị Hường chạy, kéo tôi chạy đi bằng một cánh cửa khác, "Mày bị ngu à" - anh Vinh thét lên.
Chúng tôi chạy thẳng ra cửa khi viên cảnh sát vừa đẩy vào, vùng ra ngoài rồi cả bọn lại cắm đầu gùi mặt chạy.
Tôi chạy. Chạy. Chạy. Chạy. Chạy cho đến khi hụt hơi, không thở được, đôi chân cứng ngắt. Nhìn xuống, tuyết đã ngập nửa bụng, tê tái. Tôi chẳng còn thấy thân thể này thuộc về mình nữa. Chân tôi giờ đã là hai que củi. Môi tôi giờ đập vào nhau canh cách như hai thanh đá. Tôi nhìn quanh, không ai ở cạnh tôi cả. Tuyết đằng trước, tuyết phía sau, tuyết trên đầu, tuyết trắng xoá cả một khoảng trời dài, chỉ tuyết.
Lúc đó, tôi mới biết rằng mình đã chạy lạc vào cánh đồng phủ tuyết. Dưới làn tuyết nhẹ nhàng, êm ái ấy, những lớp bùn nhão nhoẹt đang bắt đầu túa ra bám lấy tôi không buông. Tôi không còn đủ sức nhấc chân lên nữa. Tuyết càng rơi dày, lấp đầy người tôi mất rồi.
Tôi nghĩ mình sẽ chết lúc đó. Môi tôi. Vai tôi. Da thịt tôi. Cả nước mắt tôi cũng đông cứng trong tuyết. Lần đầu tiên sau một năm rưỡi yêu thích mùa đông ở Nga, tôi nghĩ mình có thể sẽ chết trong nó. Tôi lạnh quá rồi, não cũng tê dại lại. Đêm này, tôi sẽ chết. Cánh đồng rộng phủ đầy sự chết chóc chạy dài gần như vô tận.
Tôi cố dùng 2 bàn tay run rẩy chụm vào nhau để cầm điện thoại, hét lên: "Em ở đây… tới cứu em...". Giọng tôi tuyệt vọng vô cùng, môi đập vào nhau như 2 cục đá và không thể đáp trả tiếng gọi của anh Vinh: "Em ở đâu… Huyên. Em ở đâu… Ở đâu… Huyên, em ở đâu???", anh gần như gào khóc qua điện thoại.
Tôi bấm định vị điện thoại gửi đi rồi nằm vật ra lớp tuyết mềm.
Tôi không biết nữa. Tôi nhớ ba, nhớ má, nhớ chị Hai, nhớ Nam. Tôi chỉ muốn gào lên:"Con xin lỗi, con xin lỗi ba mẹ nhiều…", nhưng tuyết đã đông tôi luôn rồi. Lần đầu tiên tôi nhớ Việt Nam quá, nhớ cái con đường lầy lội trước nhà mỗi khi Nam đưa tôi về vẫn càu nhàu "Sao mãi chưa làm đường?", nhớ cái cổng rào dâm bụt nở hoa đỏ chót mà ba tôi chăm mỗi ngày chờ tôi đi học về.
"Con xin lỗi… Con xin lỗi… Con chết mất… Con muốn trở về Việt Nam để chết…".
Tuyết vẫn rơi, mềm mại, óng ả và tuyệt vọng.
30 phút sau, anh Vinh, chị Hường, chị Vân, Toàn cùng 5-6 người thanh niên tìm thấy tôi. Họ đào tuyết túm chân tôi kéo lên. Rồi họ khuân tôi lên vai, nhấc từng bước thật chậm rãi trên cánh đồng. Tôi mơ màng, thiếp đi.
Hôm đó, tôi được cứu sống. Nhưng cái chân của tôi thì phồng rộp lên vì bỏng tuyết. Tôi phải nghỉ làm cả tuần, quanh quẩn bên 4 bức tường. Vài hôm sau, tỉnh lại, tôi quyết định đi xăm trên cánh tay mình hình 2 con chim bồ câu với ý nghĩa: "Tôi muốn tự do".
Sau cái đêm cảnh sát ập vào, xưởng chúng tôi bị phá. Ông chủ bỏ trốn, quỵt luôn 3 tháng tiền lương cuối cùng của tôi. Tôi lại trở thành kẻ không quần áo, không giấy tờ, không tiền bạc,… vòng vèo đi trên những mùa đông nước Nga.
Một mùa Tết nữa lại trôi qua, tôi khoá facebook, tắt điện thoại, nằm vật ra giường khóc mỗi đêm. Qua Tết, tôi cố tình up vài tấm ảnh vui tươi chụp chỗ này chỗ nọ để chứng minh mình cũng đi chơi Tết. Bạn bè vào comment: "Vui vẻ quá!" , "Thích quá", "Nga đẹp quá", tôi gào lên khóc.
Tôi muốn trở về Việt Nam! Tôi muốn gặp ba má, gặp Lệ, Thảo, gặp Nam! Tôi muốn được ăn khoai lang, xoài xanh đến bội thực. Nhưng đi rồi về, 3 năm chẳng có chút tiền bạc, bố mẹ chắc sẽ đau buồn lắm! Tôi lại cắn răng, niệm chú: "Chừng nào xây nhà được cho ba rồi con về!"
Qua năm, tôi và Nam chia tay. Nam là tuýp người không chịu được cô đơn. Tôi biết điều đó, nên chưa bao giờ trách anh. Hơn một năm sau thì anh có người mới. Tôi cũng nhiều lần muốn nói chuyện với anh rõ ràng. Nhưng rồi thôi. Một đêm, cô gái cả 2 chúng tôi đều quen biết up tấm ảnh lên facebook, cánh tay ấy, lông mày ấy, quen thuộc ấy. Tôi khóc.
Nhưng chuyện tình yêu cũng qua mau thôi. Khi lành lặn vết thương, chúng tôi lại tiếp tục đi tìm xưởng mới, lại ngồi vào máy may 16 giờ/ngày như rô-bốt. Công an vẫn ập đến kiểm tra xưởng mỗi tháng và chúng tôi vẫn sống chui rúc trong hầm như gián.
Qua 3 năm, tôi không còn muốn bỏ chạy nữa. Một đêm, công an ập vào, tôi cứ ngồi chần ra giường, nửa buồn nửa vui… Buồn vì không có tiền đem về cho bá má, nhưng vui vì chỉ cần chịu ở trại vài tháng rồi tôi sẽ được về Việt Nam mà không tốn đồng bạc nào. Tôi ao ước họ bắt tôi đi. Tôi ao ước được trở về Việt Nam.
Nhưng rồi, viên cảnh sát lướt qua tôi như chưa từng thấy tôi tồn tại. Lúc đó, tôi hiểu rằng, họ - những người Nga xa lạ, cũng bắt đầu cảm thấy thương cảm cho cái thân hình ốm yếu, gầy sộp như con tép của tôi. Tối, chị Hường đề nghị với tôi cùng hành bộ sang Ba Lan làm nail. Nhưng tôi một mực từ chối. Tôi ao ước được trở về Việt Nam.
Một ngày cuối năm 2017, tôi gọi face-time về nhà cho ba. Hai ba con trò chuyện vui vẻ. Tôi hứa qua tháng sẽ gửi tiền về sớm để ba mua đồ chơi Tết. Ba khoe năm nay anh Hai ăn nên làm ra cho tiền ba má sắm thêm cái nọ cái kia, "con giữ lấy mà xài". Rồi tự nhiên đầu dây bên kia, ba oà lên khóc như một đứa trẻ.
"Ba nghe chị Hai nói hết rồi. Ba biết hết rồi. Nhưng ba sợ Huyên buồn. Ba không muốn nói. Con muốn về ba xin Hai cho tiền con về. Con về đây đói khổ ở với ba. Ba không chịu được nữa rồi". Bố nấc lên từng hồi.
Hôm đó, tôi khóc. Khóc tức tưởi. Khóc nghẹn ngào. Khóc như cho trôi chảy hết đi hơn 1.000 ngày ở Nga, cho cơn ác mộng trốn chạy, cho những mùa đông tuyết êm ái, mềm mại từng cắt da cắt thịt tôi. Tôi gật đầu, không thể đáp lại lời nào với ba nữa.
"Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này?"
25 Tết, chuyến bay từ Nga đưa tôi về Việt Nam. Háo hức tràn ngập. Trong hành lý của tôi vỏn vẹn 3 bộ đồ, ít bánh kẹo rẻ tiền tôi mua về quê làm quà. 26 Tết, tôi bay từ Hà Nội về sân bay Phù Cát.
Sân bay đông nghịt người thành phố về quê chơi Tết, tay nách xách mang nào quà nào bánh. Hoa mai nở vàng khắp nơi, câu đối đỏ chúc phúc treo lủng lẳng trên những bức tường trắng sáng. Ba đứng giữa dòng người, lọt thỏm.
3 năm, tóc ba đã bạc hết nửa đầu, lưng cong queo, khuôn mặt đã xô đẩy những vết chân chim… Nhưng ba không thể lẫn vào đâu được. Tôi chạy ào tới, ôm chầm lấy ba. Và cứ thế, 2 ba con tôi khóc nấc lên giữa sân bay, đông nghịt.
***
Qua năm sau, chị Hường và anh Vinh cùng nhau sang Ba Lan. Con đường hành bộ, nhồi nhét trên những chiếc xe thép hết ngày này tháng nọ. Nhưng tới cửa khẩu Pelarut họ bị bắt, trả về Việt Nam.
Sau lần ở Nga ấy, tôi và chị Hường vẫn giữ liên lạc. Giờ chị vẫn tiếp tục sang Nga, vẫn làm công nhân xưởng may, nhưng theo dạng trắng (có hợp đồng-PV). Nhiều lần tôi hỏi chị tại sao đã chịu bao đau khổ ở cái bàn may xứ ấy, chị vẫn đi. Chị liền cười trừ: "Vì chị có 2 đứa con không cha". Rồi đứa ở Việt Nam, đứa đang ở Mát-xcơ-va xa xôi lại khóc.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Huy Hậu ghi - Theo Trí Thức Trẻ, 01/11/2019
Hoang Nguyen gởi