Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
50 năm “vương quốc nail” của người Việt 



Năm 1984, Thảo lên chuyến tàu vượt biển để đi khỏi Việt Nam. Cô chưa biết mình đến được đâu, nhưng cô phải đi vì lẽ sống. Dì của cô đang ở Mỹ nói rằng hãy cố vượt thoát và dì sẽ đợi, bảo lãnh cho cô. Năm đó Thảo chỉ mới 24 tuổi. Cô không có bằng đại học như những người trẻ tuổi bình thường khác trên thế giới, bởi gia đình cô bị xem là công dân loại hai, cha của cô đang ở trong trại cải tạo, mẹ cô tập buôn bán và xoay sở khó khăn để nuôi gia đình. Tự do là một lẽ, nhưng cô sẽ làm gì sống trên vùng đất mới xa lạ nếu đến được? Đó là câu hỏi mà Thảo cứ dằn vặt lo âu, mơ về một cuộc sống khác.
 
Một năm sau, khi Thảo đến được đất Mỹ, người dì đón cô và gặp ngay câu hỏi treo lơ lửng trong đầu cô suốt từ đó đến giờ. “Con có thể làm nghề gì đển kiếm tiền vậy dì?”. Kiếm tiền là một mệnh lệnh: Để tồn tại ở một quê hương thứ hai, gửi về cho gia đình, chia sẻ khó khăn với mẹ và em, trợ giúp cho cha đang bị giam cầm không biết khi nào mới về được. Nói nhanh và dứt khoát, dì của Thảo nói “làm nail”.
 
Cái nghề hết sức mới mẻ với người Việt Nam, đã khởi sự từ năm 1975 ở California. Không chỉ Thảo mà hàng ngàn, hàng chục ngàn người Việt đã đến và làm nghề để nuôi sống mình, nuôi sống gia đình ở Mỹ và ở cả Việt Nam. Trước khi người Việt Nam đến và dần chiếm lĩnh ngành công nghiệp làm đẹp trị giá ước tính đến $8 tỷ; người Mỹ, người Hoa và người Đại Hàn cùng chia nhau thị phần này. Thế nhưng cuộc lật đổ diễn ra trong hai thập niên. Đến 1995, người ta nhìn thấy các salon làm nail, cung cấp các thiết bị cho ngành nail, nhân lực lành nghề… đều do người Việt chiếm giữ.
 
Khác với các ngành nghề khác của người Việt, luôn có ngày để tưởng niệm tổ nghề. Thế nhưng “tổ” nghề nail lại là một người còn sống và vẫn ghi nhớ câu chuyện kỳ lạ và xúc động này. Đó là nữ diễn viên người Mỹ Tippi Hedren, người mẫu và người tranh đấu bảo vệ động vật. Khi bài viết này (năm 2023) đến với người đọc, bà đã vào tuổi 93. Ngoài việc bất ngờ trở thành “tổ” nghề nail của người Việt tỵ nạn Hoa Kỳ, Tippi Hedren còn được biết đến là người đã hết lòng vận động để đưa nữ diễn viên Kiều Chinh sang Mỹ khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, và cưu mang một thời gian.
 
Câu chuyện bắt đầu từ những người phụ nữ Việt Nam mệt mỏi chạy từ quê nhà đến trại tỵ nạn ở Sacramento từ những ngày cuối Tháng Tư 1975. Hầu hết đều là vợ con của các sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trước giờ, họ chỉ làm việc nội trợ, buôn bán… chứ ít khi bước vào làm việc tay chân. Hơn nữa, để bắt đầy kiếm sống và đòi hỏi phải lưu loát ngôn ngữ địa phương, đối với họ quả là đầy cam go.
 
Là một người hoạt động xã hội, và là thành viên của phong trào thiện nguyện Food for the Hungry, bà Tippi Hedren đã ghé qua trại và được yêu cầu là tìm hiểu gấp tình hình, tìm cách giúp hướng dẫn học nghề và tìm việc cho những phụ nữ Việt Nam đang lo âu. Trong một thiên phóng sự của đài BBC, bà Tippi Hedren kể rằng đi một vòng, bà nghĩ rằng những nghề học ngắn hạn, và có vẻ phù hợp với những người Châu Á là may vá và đánh máy văn phòng. Cuộc thử nghiệm bắt đầu. Hóa ra những thứ như may thì đòi hỏi phải giỏi mới có thể kiếm sống, còn gõ chữ thì lại đòi hỏi phải biết tiếng Anh, nhất là trong các trường hợp nghe băng ghi âm để đánh máy ra văn bản.
 
Trong lúc đi xem các mẫu may và văn bản của những người phụ nữ Việt Nam, lòng đang hụt hẫng, thì bà Tippi Hedren lại thấy nhiều người cứ chăm chú nhìn vào đôi bàn tay đã sơn giũa kỹ lưỡng của bà. “Móng tay bà làm đẹp quá, tụi tôi ít khi thấy được như vậy”, một người phụ nữ Việt Nam nói.
 
Lúc đó, trong đầu bà Hedren bừng sáng, bà nghĩ đến chuyện họ yêu thích cái gì đó, thì có thể sẽ chú tâm và làm giỏi. Lập tức bà Tippi Hedren thay đổi lựa chọn. Bà giao cho một trường thẩm mỹ địa phương đến, để giúp dạy nghề nail cho phụ nữ. Lúc đó, trại tỵ nạn có tên là Hope Village – Làng Hy Vọng, nằm ở Bắc California gần Sacramento. Khi những phụ nữ Việt Nam tốt nghiệp học phần làm nail, Hedren đã giúp họ kiếm việc làm tận cả miền Nam California.
 
“Tôi thương những người phụ nữ này nhiều đến mức tôi muốn điều gì đó tốt đẹp cho họ, nhất là sau khi họ mất tất cả mọi thứ, theo đúng nghĩa đen”, bà Tippi Hedren nói trong chương trình tài liệu của BBC. Qua những thước phim, người ta nhìn thấy bà vui và hãnh diện về điều mà mình làm được đến mức dựng một bảo tàng nhỏ, bên cạnh nhà mình. Bảo tàng bao gồm những kỷ vật của Hollywood, những  bức ảnh của những người phụ nữ ở Hope Village, cùng những giải thưởng từ ngành chăm sóc móng tay.
 
Nói với BBC, bà Tippi Hedren ngậm ngùi “nhiều người trong số họ đã mất cả gia đình và tất cả những gì họ có ở Việt Nam: nhà cửa, công việc, bạn bè của họ – mọi thứ đã biến mất. Họ mất cả quê hương của mình”.
 
Nhưng bà Tippi Hedren không biết rằng từ sự chia sẻ và yêu thương đó, bà đã góp phần làm thay đổi ngoạn mục ngành công nghiệp làm đẹp – làm nail trị giá hàng tỷ đô la của nước Mỹ. Chỉ với 20 người đầu tiên tốt nghiệp ngành nail, sau đó con số thợ nghề giỏi người Việt đã phát triển khắp nơi, nâng cấp thẩm mỹ và cải tiến quy trình làm đẹp, cũng như khiến giá cả làm nail không còn quá xa vời với những mọi phụ nữ có thu nhập bình thường.
 
(Bản FB được chia làm hai phần, phần hai sẽ được post vào giờ này ngày mai. Ngoài ra, quý độc giả có thể vào link đính kèm để đọc toàn bài ngay bây giờ)
 

Tuấn Khanh

____________


Đỗ Hứng gởi