Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
8 TỶ NGƯỜI
 
 
 
 
Dân số thế giới trong vài thập niên qua tính ra trung bình cứ khoảng 11, 12 năm thì lại thêm một tỷ người. Vào ngày 11 tháng 7 năm 1987, dân số thế giới đạt mức 5 tỷ người, và 12 năm sau, ngày 12 tháng 10 năm 1999, con số đó tăng lên thành 6 tỷ. Rồi đúng 12 năm sau nữa, ngày 31 tháng 10 năm 2011, dân số thế giới tăng thêm một tỷ thành 7 tỷ người.
 
Một điều thực tế là trong khoảng một thập niên qua, tỷ lệ sinh sản trên thế giới nói chung giảm sụt và dân số ở một vài quốc gia có thu hẹp lại. Tuy nhiên, theo bản phúc trình mới đây của Liên Hiệp Quốc cho biết dân số thế giới sẽ đạt 8 tỷ vào ngày 15 tháng 11 sắp tới đây. Liên Hiệp Quốc cũng dự đoán, mặc dù sự tăng trưởng có chậm lại đôi chút, cho đến giữa thập niên 2080 dân số toàn cầu sẽ đạt mức 10.4 tỷ và dừng lại ở đó cho tới cuối thế kỷ 21. Vậy sự tăng trưởng dân số như nói ở trên sẽ xảy ra ở những đâu?
 
Năm 1950, tính trung bình cứ mỗi phụ nữ trên thế giới cho ra đời năm đứa con. Và trong khi nhiều gia đình tiếp tục đổ xô đến các thành phố và phụ nữ được học hành cao hơn cũng như được tiếp cận dễ dàng với các phương pháp ngừa thai, số con trung bình của mỗi phụ nữ bắt đầu giảm xuống. Tỷ lệ sinh sản toàn cầu rớt xuống mức 2.3 năm 2021, và dự đoán tiếp tục rớt xuống tới mức 2.1 – tức tỷ lệ số sinh sản chỉ xấp xỉ vừa đủ để bù đắp số tử vong ở các nhóm dân số có tỷ lệ tử vong thấp – vào năm 2050. Dự báo dân số của Liên Hiệp Quốc vào năm 2100 thấp hơn 500 triệu so với dự báo mà tổ chức này đưa ra vào năm 2019, phần lớn lý do là vì phụ nữ Trung Quốc sinh con ít hơn so với dự kiến. Nhân loại sẽ tiếp tục có thêm nhiều em bé sơ sinh trong thời gian tới: số trẻ sơ sinh dự kiến sẽ tăng từ 134 triệu vào năm 2021 lên 138 triệu một năm vào các năm 2040-45. Mặc dù vậy, dân số thế giới đang già đi. Trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2019, tuổi thọ trung bình tăng gần 9 năm lên 72.8 tuổi. Tỷ lệ của nhóm người tuổi từ 65 và lớn hơn sẽ tăng từ 10% trong năm nay lên 16% năm 2050.
 
Mặc dù tỷ lệ sinh đẻ vẫn đang tiếp tục giảm và tuổi thọ kéo dài ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, nhưng sự khác biệt về cơ cấu tuổi tác và tốc độ thay đổi dân số giữa các quốc gia và khu vực sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn về sự tương quan dân số của các quốc gia. Ấn Độ được dự kiến sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành quốc gia có dân số đông nhất thế giới vào năm tới. Khu vực Đông Á, trong đó có Trung Quốc, sẽ sụt giảm về dân số trong tương lai gần, nhưng khu vực Nam Á, trong đó có Ấn Độ, dân số sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những thập niên tới. Dân số châu Âu đã bắt đầu giảm từ năm ngoái. Cho đến cuối thế kỷ 21 này, dân số nước Đức được dự kiến sẽ ít hơn 70 triệu, là con số thấp hơn so với thập niên 1950. Nói chung, ở những quốc gia có lợi tức cao, bất kỳ sự tăng trưởng dân số nào sẽ phải đến từ các nhóm di dân. Tuy nhiên, dân số của khu vực Phi châu sẽ tăng mạnh nhất, một phần là vì dân số của khu vực này vẫn còn khá trẻ. Tỷ lệ dân số của khu vực châu Phi cận Sahara so với dân số toàn cầu sẽ tăng từ một phần bảy như hiện nay lên tới hơn một phần năm vào năm 2050. Một nhóm nhỏ bao gồm chỉ tám quốc gia trên thế giới nhưng sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng dân số dự kiến vào năm 2050: Cộng hoà Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Phi Luật Tân và Tanzania.
 
Ở phía bên kia của sự phân bố dân số, có 61 quốc gia được dự đoán sẽ có mức dân số giảm ít nhất 1%. Trong danh sách đó, Bulgaria, Latvia, Lithuania, Serbia và Ukraine được dự đoán sẽ mất ít nhất 20% dân số.
 
Riêng tại khu vực Bắc Mỹ được Liên Hiệp Quốc dự báo dân số sẽ đạt mức cao nhất vào cuối thập niên 2030 và sau đó bắt đầu giảm dần do mức sinh sản thấp liên tục. Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng tới dân số của Hoa Kỳ.
 
Hiện tại, dân số Hoa Kỳ đang đứng ở mức 337 triệu và được dự đoán sẽ đạt mức 375 triệu năm 2050, và sẽ là quốc gia có dân số đông đứng thứ ba trên thế giới, sau Ấn Độ và Trung Quốc
 
Các thảm họa, cho dù là tự nhiên hay do con người tạo ra, không có ảnh hưởng lâu dài đến tỷ lệ sinh sản và tử vong. Các nhà nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc coi các tai họa đang xảy ra hiện nay trên thế giới – như đại dịch Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine – chỉ là một sự gián đoạn ngắn hạn không có ý nghĩa lâu dài đối với sự tăng trưởng dân số của thế giới. Tuy nhiên, các chính sách tốt từ chính phủ có thể có ảnh hưởng rất lớn. Trong 40 năm qua, quốc gia Bangladesh đã nâng cao khả năng đọc và viết cũng như tạo thêm công việc làm cho phụ nữ, kết quả là đã cắt giảm tỷ lệ sinh sản từ hơn sáu đứa con xuống chỉ còn khoảng hai đứa như hiện nay. Tại Pakistan, mà trước đây Bangladesh từng là một phần của quốc gia này, khả năng đọc và viết của phụ nữ nước này tăng chậm hơn nhiều. Và kết quả là tỷ lệ sinh sản của họ chỉ giảm hai phần ba so với Bangladesh.
 
Tỷ lệ sinh sản giảm sụt có khả năng gây ra nhiều vấn đề. Số người đi làm ít hơn sẽ phải hỗ trợ cho số người nghỉ hưu đông hơn; xã hội có thể ít có sáng kiến và phát minh mới hơn, và do đó sẽ phát triển chậm hơn. Tuy nhiên, dân số tăng trưởng nhanh quá ở một số quốc gia cũng bị xem là nguy hiểm, đặc biệt nếu những quốc gia mà nền kinh tế không phát triển đủ nhanh để tạo đủ công ăn việc làm và sử dụng tiềm năng của những người trẻ cho có hiệu quả. Tại Angola, một quốc gia Phi châu, nơi dân số tăng khoảng 3% mỗi năm kể từ thập niên 1970, con số người dân sống dưới mức $1.90 một ngày đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2008 đến 2018. Dân số thế giới tăng thêm hai tỷ người như Liên Hiệp Quốc dự kiến cho đến cuối thế kỷ sẽ gây ra tình trạng tăng khí thải nhà kính, khiến cho nỗ lực giải quyết vấn nạn biến đổi khí hậu lại càng thêm khó khăn hơn.
 
Trước đây, đặc biệt là trong thế kỷ 20 khi dân số thế giới bùng phát mạnh, các nhà nghiên cứu vẫn thường đưa ra một cái nhìn tương lai đầy đen tối đang chờ nhân loại ở phía trước: các nền văn minh của loài người liên tục đứng trên bờ vực của nạn đói, người dân chen chúc nhau sống trong điều kiện tồi tệ, luật kiểm soát dân số hà khắc được áp đặt trên toàn thế giới. Một thí dụ là nhà sinh học Paul Ehrlich của Đại học Stanford ngay từ cuối thập niên 1960 đã đưa ra tiên đoán là sẽ có hàng trăm triệu người dân trên thế giới bị chết đói do nạn nhân mãn.
 
Tất cả những nỗi lo sợ đó đã không xảy ra. Thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay, mặc dù dân số đang tiến gần tới 8 tỷ, vẫn không có vẻ gì giống như cái thế giới mà những nhà nghiên cứu có cái nhìn bi quan đã từng dự đoán.
 
Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu dân số vẫn còn tranh luận sôi nổi về mức độ thay đổi trong xu hướng dân số. Các nhà nghiên cứu vẫn còn bất đồng về việc liệu dân số toàn cầu hiện có đang trên đà bắt đầu giảm vào giữa thế kỷ này; cũng như bất đồng về dân số toàn cầu bao nhiêu thì được cho là con số lý tưởng, hoặc liệu việc nhắm đến một con số như vậy có thể được chấp nhận về mặt đạo đức hay không.
 
Trong khi các nghiên cứu mang tính hàn lâm vẫn đang cố đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên, điều quan trọng là các nhà nghiên cứu đã đạt được một vài sự đồng thuận: Tỷ lệ sinh sản trên thế giới nói chung đang giảm nhanh chóng. Sự tăng trưởng dân số toàn cầu đã chậm lại kể từ thập niên 1960, và dân số toàn cầu gần như chắc chắn là rồi đây sẽ bắt đầu giảm. Thế giới hoàn toàn không như một số người trước đây đã từng tuyên bố là đang trên đà đạt mức 14 tỷ người vào năm 2100.
 
Vậy chúng ta có nên thở phào hay tiếp tục lo lắng, hoặc cứ vô tư với triết lý sống: trời sinh voi sinh cỏ.
 
Huy Lâm

___________



Đỗ Hứng gởi