Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
9 lời hứa từ bài diễn văn tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 của cựu TT Trump
 
 
Florida — Cựu Tổng thống Donald Trump đã đề ra một tầm nhìn sâu sắc cho Hoa Kỳ trong bài diễn văn mở đầu chiến dịch tranh cử hôm 15/11, đề ra cách giải quyết các chủ đề bao gồm tham nhũng trong chính phủ, giáo dục công lập, và quốc phòng.
 
Trình bày trước đám đông gồm những người ủng hộ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình hôm 15/11, ông Trump đã mô tả một tầm nhìn rộng lớn cho quốc gia. Đến cuối bài diễn văn của mình, vị tổng thống thứ 45 này chuyển sang một danh sách gồm các đề nghị chính sách cụ thể, với nhan đề “Nghị trình Vĩ đại của Quốc gia.”

Trước đây ông Trump đã thảo luận về một số đề mục trong nghị trình này, chẳng hạn như áp đặt giới hạn nhiệm kỳ đối với các thành viên Quốc hội và xây dựng một lá chắn hỏa tiễn. Các đề mục khác dường như hoàn toàn mới, trong đó có một đề nghị cắt giảm tài trợ của liên bang dành cho các trường công lập dạy thuyết chủng tộc trọng yếu và hệ tư tưởng về giới.
Vị cựu tổng thống cho biết sẽ có “nhiều điều nữa diễn ra trong những tháng sắp tới,” điều này dường như cho thấy danh sách những lời hứa sẽ mở rộng khi chiến dịch tranh cử của ông tạo được đà tiến lên.
 
Thuyết chủng tộc trọng yếu và ‘sự điên rồ về giới’
 
Dưới một chiếc ô bảo vệ quyền của các bậc cha mẹ mở rộng hơn, ông Trump hứa sẽ cắt giảm ngân sách của liên bang dành cho những trường công lập nào giảng dạy thuyết chủng tộc trọng yếu (critical race theory, CRT) gần với chủ nghĩa Marx và hệ tư tưởng về giới.

CRT và cái gọi là giáo dục giới tính xuất hiện từ những nhánh cấp tiến của giới hàn lâm cánh tả để trở nên gần như có mặt ở khắp nơi trong các trường công lập Hoa Kỳ. Việc phát sinh những hệ tư tưởng này và các hệ tư tưởng thiên tả khác đã làm dấy lên một phong trào phản đối cấp cơ sở trên toàn quốc của các bậc cha mẹ theo phái bảo tồn truyền thống.

Với tư cách là tổng thống, ông Trump đã ban hành một lệnh cấm đào tạo CRT cho nhân viên liên bang. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden, một thành viên Đảng Dân Chủ, đã hủy bỏ lệnh cấm này.

Ông Trump nói: “Khi tôi trở lại Tòa Bạch Ốc, các trường học của chúng ta sẽ ngừng thúc đẩy thuyết chủng tộc trọng yếu — như đã từng bị cấm — giáo dục công dân theo xu hướng cấp tiến và sự điên rồ về giới. Hoặc nếu họ làm thế, thì họ sẽ bị mất tất cả nguồn tài trợ từ liên bang. Nhưng chúng ta sẽ khiến họ phải dừng lại.” 
 
Nam giới tham gia vào các môn thể thao dành cho nữ giới
 
Trong bài diễn văn đầu tiên trước công chúng sau khi rời khỏi Tòa Bạch Ốc hồi năm 2021, vị cựu tổng thống đã nêu lên chủ đề nam giới thi đấu trong các môn thể thao dành cho nữ giới. Vào thời điểm đó, ông nói rằng thật “điên rồ” khi cho phép nam giới thi đấu các môn thể thao dành cho nữ giới.
Theo Movement Advancement Project (Dự án Thúc đẩy Phong trào), 18 tiểu bang đã ban hành luật cấm nam giới thi đấu các môn thể thao dành cho nữ giới. Idaho là tiểu bang đầu tiên ban hành lệnh cấm hồi tháng 03/2020. Tiếp đến, chín tiểu bang khác, trong đó có Texas và Florida, đã ban hành lệnh cấm hồi năm 2021.

“Lấy một ví dụ, chúng ta sẽ không để nam giới tham gia các môn thể thao dành cho nữ giới. Điều đó thích hợp chứ? Không có nam giới. Không có nam giới,” ông Trump nói. “Chúng ta đã gặp những vấn đề rất lớn, rất lớn, hơn nữa điều đó rất bất công đối với phụ nữ. Thật là rất, rất không công bằng.”
 
Các quy định về COVID-19
 
Ông Trump hứa sẽ dỡ bỏ các quy định liên quan đến đại dịch của Tổng thống Biden và tái chiêu mộ những quân nhân đã bị sa thải vì từ chối chích vaccine COVID-19, và hoàn trả đầy đủ tiền lương.

Tuy rằng một phần chế độ quy định của Tổng thống Biden đã bị tòa án bãi bỏ, nhưng yêu cầu đối với nhân viên liên bang và các quân nhân vẫn còn được áp dụng, gây ảnh hưởng cho khoảng 3.5 triệu người.

Tính đến tháng trước, 1,760 binh sĩ đã ly khai khỏi Lục quân vì từ chối chích vaccine COVID-19. Hải quân cho biết 1,893 binh sĩ đã rời khỏi quân ngũ.

Ông Trump nói: “Chúng tôi sẽ bãi bỏ mọi quy định COVID của ông Biden và tái chiêu mộ mọi binh sĩ ái quốc đã bị sa thải khỏi quân đội của chúng ta — với một lời xin lỗi và khoản hoàn trả đầy đủ.”
 
Lá chắn hỏa tiễn
 
Ông Trump đã thúc đẩy một lá chắn hỏa tiễn toàn diện kể từ khi còn đương chức. Với tư cách là tổng tư lệnh, hồi năm 2019 ông đã tuyên bố rằng mục tiêu của bộ máy quân sự này là “bảo đảm chúng ta có thể phát hiện và tiêu diệt bất kỳ hỏa tiễn nào được phóng để chống lại Hoa Kỳ — ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi nào.”

Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, vào thời điểm những nhận xét đó được tuyên bố, quân đội đã đưa ra một chiến lược phòng thủ hỏa tiễn thu hút sự chú ý của các chuyên gia vì [Hoa Kỳ] xem Trung Quốc và Nga là những mối đe dọa phải đối đầu một cách quyết đoán.

Trong bài diễn văn tại Mar-a-Lago, ông Trump đã thảo luận cụ thể về mối đe dọa từ các loại hỏa tiễn hạt nhân, cho thấy Nga và Trung Quốc là những mối đe dọa mà ông đang giải quyết. Iran và Bắc Hàn chưa cho thấy rõ rằng họ có hỏa tiễn đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân đang hoạt động.

“Như các sự kiện ở hải ngoại đã cho thấy, để bảo vệ người dân của chúng ta khỏi mối đe dọa khó mà hình dung nổi từ vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn siêu thanh, Hoa Kỳ cũng phải xây dựng một lá chắn phòng thủ hỏa tiễn tối tân thế hệ tiếp theo,” ông Trump nói. “Chúng ta cần có lá chắn này.”
 
Cải tổ FBI và DOJ
 
Không có gì ngạc nhiên khi vị cựu tổng thống lựa chọn xem FBI và Bộ Tư pháp (DOJ) là mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ, khi xét đến việc ông và các cộng sự phải trải qua một loạt các công kích như một phần của chiến dịch thông tin sai lệch vốn ám chỉ một cách sai lầm về một âm mưu giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Nga.

FBI đã sử dụng một hồ sơ hiện đã được phơi bày, do bà Clinton tài trợ, về các tuyên bố chống lại ông Trump như một phần lý do để mở ra một cuộc điều tra về chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng như đề nghị có lệnh giám sát đối với ông Carter Page, một cựu quan chức của chiến dịch tranh cử này. Cuộc điều tra đó đã tiến triển thành cuộc điều tra của biện lý đặc biệt Robert Mueller.

Sau một cuộc điều tra chuyên sâu và mang tính xâm nhập cao vốn gây cản trở cho nghị trình của ông Trump, ông Mueller đã không đưa ra được cáo buộc nào chống lại vị tổng thống này và đã truy tố một số cộng sự của ông Trump về tội cản trở quy trình điều tra.

Các cuộc điều tra sau đó nhằm giải quyết cuộc điều tra nói trên của FBI đã phơi bày một kiểu thiên vị và thất bại lan rộng đến tận các cấp cao nhất của cơ quan này.

Sau khi ông Trump rời khỏi nhiệm sở, DOJ và FBI đã mở một trong những cuộc điều tra và truy tố lớn nhất trong lịch sử chống lại những người biểu tình tham dự cuộc biểu tình hôm 06/01/2021 ở Hoa Thịnh Đốn và tiến vào Điện Capitol Hoa Kỳ. Tại các cuộc tập hợp hồi đầu năm nay, vị cựu tổng thống đã gợi ý rằng ông sẽ ân xá cho tất cả các tù nhân của sự kiện ngày 06/01.

“Nhưng như tôi đã nói trước đây, những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nền văn minh của chúng ta không phải là từ ngoại quốc, mà là từ bên trong,” ông Trump nói. “Không có gì nghiêm trọng hơn việc vũ khí hóa hệ thống tư pháp, FBI và DOJ. Chúng ta phải tiến hành một cuộc đại tu từ trên xuống dưới để dọn sạch sự hủ bại và tham nhũng đang ngày một tồi tệ hơn của Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.”
 
Giới hạn nhiệm kỳ
 
Giới hạn nhiệm kỳ là một phần trong lời hứa tranh cử của ông Trump kể từ năm 2016, khi ông kêu gọi giới hạn nhiệm kỳ 6 năm đối với các thành viên Hạ viện và 12 năm đối với các thành viên Thượng viện.

Tổng thống đề cập ngắn gọn rằng ông đã vận động cho [chính sách] giới hạn nhiệm kỳ hồi năm 2018. Hôm 15/11, tại dinh thự Mar-a-Lago, ông cho biết luật này là một phần trong kế hoạch chung của ông nhằm “loại bỏ tham nhũng” ở Hoa Thịnh Đốn.

“Để tiếp tục loại bỏ tham nhũng, tôi sẽ thúc đẩy một sửa đổi Hiến Pháp nhằm đặt ra giới hạn nhiệm kỳ cho các thành viên Quốc hội. Đến lúc rồi. Đã đến lúc phải làm vậy,” ông Trump nói.

Ý tưởng đưa ra luật nhằm giới hạn nhiệm kỳ đã có một lịch sử lâu dài. Giới hạn hai nhiệm kỳ đối với tổng thống Hoa Kỳ đã được quy định trong Tu chính án thứ 22 của Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Mặc dù nhận được đông đảo sự ủng hộ trong những năm 1990, nhưng luật giới hạn nhiệm kỳ hầu như không thể ban hành vì các thành viên cao cấp của Quốc hội khó có khả năng ủng hộ hoặc bỏ phiếu cho luật mà không vì các lợi ích tốt nhất của họ.
 
Cấm vận động hành lang suốt đời
 
Một lần nữa nhìn lại năm 2016, ông Trump hứa sẽ ban hành lệnh cấm vận động hành lang suốt đời đối với các cựu thành viên Quốc hội và thành viên chính phủ của tổng thống.

Với tư cách là tổng thống đắc cử, ông Trump đã đưa ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động vận động hành lang, trong đó có lệnh cấm [vận động hành lang trong vòng] năm năm đối với các thành viên chính phủ chuyển sang làm việc cho khu vực tư nhân. Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ trong năm 2020, Tổng thống Trump đã hủy bỏ sắc lệnh quy định các quy tắc đạo đức trong việc vận động hành lang.

Tương tự như vậy, Tổng thống Bill Clinton đã thu hồi lệnh cấm vận động hành lang trong vòng năm năm của chính ông hồi tháng 12/2000.

“Giờ đây tôi thấy những gì họ làm. Họ rời khỏi Tòa Bạch Ốc hoặc rời khỏi Quốc hội, và họ được trả hàng triệu triệu triệu dollar mỗi năm. Không được, quý vị phải có một lệnh cấm,” ông Trump nói.
 
Cấm giao dịch chứng khoán
 
Đề nghị của ông Trump về lệnh cấm các thành viên Quốc hội giao dịch cổ phiếu có thể thu hút sự ủng hộ từ lưỡng đảng. Với sự hậu thuẫn của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), Đảng Dân Chủ đã ban hành luật về nội dung này có hiệu lực hồi tháng Chín.

Đề nghị của ông Trump được đưa ra sau một loạt bài được xuất bản hồi tháng trước trên tạp chí Wall Street Journal cho biết hàng trăm quan chức cao cấp của nhánh hành pháp sở hữu cổ phần trong các công ty đang vận động hành lang cho các cơ quan của họ. Hơn 60 quan chức đã giao dịch cổ phiếu trước khi cơ quan của họ công bố các hành động thực thi chống lại các công ty mà những quan chức đó nắm giữ cổ phiếu.

Trong bài diễn văn của mình, ông Trump không đề cập đến việc liệu ông có mở rộng lệnh cấm giao dịch đối với các quan chức thuộc hành pháp hay không.

“Chúng tôi muốn cấm các thành viên Quốc hội làm giàu bằng cách giao dịch cổ phiếu bằng các thông tin nội bộ,” ông Trump nói. “Và nhiều thành viên tuyệt vời của chúng tôi đồng tình với điều đó. Họ thực sự đồng tình với điều đó.”
 
Cải cách luật bầu cử
 
Cải cách luật bầu cử luôn là ưu tiên hàng đầu trong nghị trình của ông Trump kể từ hậu quả ồn ào của cuộc bầu cử năm 2020. Trong bài bài diễn văn đầu tiên sau khi rời khỏi Tòa Bạch Ốc hồi năm 2021, vị cựu tổng thống đã dành một thời lượng lớn cho chủ đề về tính liêm chính của cuộc bầu cử. Lời hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông tương thích với điều mà ông đã kêu gọi hồi tháng 02/2021: yêu cầu cung cấp căn cước của cử tri, bầu cử trong cùng một ngày, và [sử dụng] lá phiếu bầu bằng giấy. 

Ông Trump cũng cho biết ông muốn tất cả các phiếu bầu phải được kiểm đếm ngay trong đêm bầu cử. Trước khi ông Trump đọc bài diễn văn, các quan chức bầu cử ở hai tiểu bang Nevada và Arizona đã dành nhiều ngày để kiểm đếm phiếu trong hai cuộc đua vào Thượng viện. Cuối cùng, Đảng Dân Chủ giành chiến thắng trong cả hai cuộc đua này.

Mặc dù các cuộc bầu cử được tổ chức ở cấp tiểu bang, nhưng chính phủ liên bang vẫn có một lịch sử lập pháp lâu dài để quản lý các cuộc bầu cử. Sau khi nắm quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội hồi năm 2021, Đảng Dân Chủ đã thúc đẩy một cuộc cải cách sâu rộng cấp liên bang đối với các cuộc bầu cử, những gì họ kêu gọi đều đối nghịch với những gì ông Trump đang thúc đẩy. Đạo luật HR1, dự luật của Đảng Dân Chủ, buộc các tiểu bang thực hiện bỏ phiếu sớm, cấm yêu cầu căn cước của cử tri theo luật của tiểu bang, và yêu cầu các tiểu bang thực hiện ghi danh cử tri tự động, cùng với các điều khoản khác.

“Và tất nhiên, chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để mang lại sự trung thực, độ tin cậy, và sự tín nhiệm vào các cuộc bầu cử của chúng tôi,” ông Trump nói. “Để loại bỏ gian lận, tôi sẽ ngay lập tức yêu cầu cung cấp căn cước của cử tri, bỏ phiếu trong cùng ngày và chỉ những lá phiếu bầu bằng giấy, chỉ những lá phiếu bầu bằng giấy [mới được chấp nhận].

“Và chúng tôi muốn tất cả các phiếu bầu được kiểm đếm ngay trong đêm bầu cử. Họ chi hết số tiền đó để mua máy móc và tất cả những thứ này và phải hai tuần sau đó, ba tuần sau đó họ mới đưa ra kết quả. Tới chừng đó, mọi người đã quên mất là còn có một cuộc bầu cử. Điều này thật kinh khủng.”
 
Ivan Pentchoukov
 
Thanh Nhã và Thiên Thư biên dịch
 
________________

 
Alice Dupond gởi