Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
Bai Van Khuyen Phat Bo De Tam Tiep Theo 2
Bai Van Khuyen Phat Bo De Tam Tiep Theo 2
Bai Van Khuyen Phat Bo De Tam Tiep Theo 2 Bai Van Khuyen Phat Bo De Tam Tiep Theo 2
Trở về
Bai Van Khuyen Phat Bo De Tam Tiep Theo 2
Bài văn khuyến phát bồ đề tâm (tiếp theo 2)
Bai Van Khuyen Phat Bo De Tam Tiep Theo 2
Bai Van Khuyen Phat Bo De Tam Tiep Theo 2
Đại Sư Thật Hiền soạn
 

Bài Văn Khuyên Phát Bồ Đề Tâm

Đại Sư Thật Hiền Soạn

Hòa Thượng Tuyên Hóa Lược Giảng


PHẦN LƯU THÔNG


(Tiếp theo 2)


Nguyên Văn:

Như trên vậy mười nhân duyên đã hiểu rõ, tám tướng trạng đã biết, thì xu hướng có lối, phát tâm có chỗ. Chúng ta nay được thân người, ở xứ Hoa Hạ, sáu căn khỏe mạnh đầy đủ, tứ đại nhẹ nhàng an lạc, tín tâm đầy đủ, may mắn lại không có chướng. Huống chi chúng ta ngày nay còn được xuất gia, được thọ cụ túc giới, được gặp đạo tràng, được nghe Phật pháp, được chiêm bái xá lợi, được tu tập sám pháp, được gặp bạn lành, được nhân duyên thù thắng tốt đẹp. Nếu ngày nay không phát tâm rộng lớn, thì còn chờ đến ngày nào.

Cúi xin đại chúng thương cho tâm thành ngu muội của tôi, xót cho chí nguyện khổ sở của tôi, mà cùng lập nguyện ấy, đồng phát tâm này. Nếu chưa phát thì nay phát, phát rồi thì tăng trưởng, tăng trưởng rồi thì tương tục không gián đoạn. Chớ sợ gian nan mà khiếp sợ thối lui, đừng cho dễ mà khinh thường, hời hợt, đừng ham mau mà chẳng lâu bền, đừng biếng nhác giải đãi mà thiếu dũng mãnh, đừng uể oải mà không phấn khởi, đừng chần chờ mà kỳ hẹn mãi, đừng vì tối dốt mà cứ mãi vô tâm, đừng vì căn cơ cạn cợt mà tự khinh không có phần. Như trồng cây, trồng lâu thì rễ cạn ngày càng sâu; như mài dao, mài mãi thì dao cùn lụt cũng thành sắc bén; chẳng nên vì rễ cạn mà không trồng, mặc cây khô héo, đừng vì dao cùn lụt mà không mài, để dao vô dụng.

Giảng:

Như trên vậy mười nhân duyên đã hiểu rõ, tám tướng trạng đã biết : Ở trên đã hiểu rõ mười loại nhân duyên là báo ân Phật, ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân thí chủ, ân chúng sanh, nhớ khổ sanh tử, tôn trọng tánh linh của mình, sám hối nghiệp chướng, cầu sanh Tịnh độ, khiến chánh pháp tồn tại lâu dài ; cũng hiểu rõ tám pháp tà chánh, chân ngụy, đại tiểu, thiên viên. Thì xu hướng có lối, phát tâm có chỗ : ông đã biết được đường lối tu hành như thế nào ; làm như thế nào để khai phát tâm Bồ đề, cũng đã có chỗ.

Chúng ta nay được thân người, ở xứ Hoa Hạ : Ông nay đã có các thứ nhân duyên, đã được thân người, lại ở xứ Hoa Hạ là đất Trung Quốc. Sáu căn khỏe mạnh đầy đủ, tứ đại nhẹ nhàng an lạc : Lục căn mắt tai mũi lưỡi thân ý đều không có tật bệnh gì, sáu căn đều đầy đủ. Tứ đại đất nước lửa gió cũng đều điều hòa, cũng tức là không có bệnh tật gì. Tín tâm đầy đủ, may mắn lại không có chướng : Lại đầy đủ tín tâm không có ma chướng làm chướng ngại sự tu hành học đạo của mình.

Huống chi chúng ta ngày nay còn được xuất gia : lại nữa chúng ta hôm nay lại được xuất gia, được thọ Cụ túc giới. Được thọ cụ túc giới, được gặp đạo tràng, được nghe Phật pháp : lại gặp được đại đạo trường Vạn Phật Thành, lại có người vì ông giảng kinh thuyết pháp. Được chiêm bái xá lợi, được tu tập sám pháp: Vạn Phật Thành của chúng ta cũng có Xá lợi của Phật ; lại được tu trì pháp hội "Ðại Bi Sám" v.v. Được gặp bạn lành, được nhân duyên thù thắng tốt đẹp : Lại gặp được rất nhiều bạn tốt, được đầy đủ các thứ nhân duyên thù thắng đặc biệt. Nếu ngày nay không phát tâm rộng lớn, thì còn chờ đến ngày nào? :  Nếu ông không phát tâm Bồ đề rộng lớn trong ngày hôm nay, thì còn đợi đến ngày nào nữa ?

Cúi xin đại chúng thương cho tâm thành ngu muội của tôi, xót cho chí nguyện khổ sở của tôi : Ðại sư Tỉnh Am nói, cúi xin đại chúng các ông ! thương xót cho tâm thành ngu si của tôi, thông cảm tôi, thương cho chí nguyện khổ tâm của tôi. Mà cùng lập nguyện ấy, đồng phát tâm này : Ðồng phát 48 đại nguyện, cũng là phát tâm nguyện này.

Nếu chưa phát thì nay phát : Nếu người chưa phát 48 nguyện này thì nay phát. Phát rồi thì tăng trưởng: Ðã phát 48 nguyện rồi thì càng ngày càng làm cho nó tăng trưởng rộng lớn lên. Tăng trưởng rồi thì tương tục không gián đoạn : Ðã càng ngày càng làm cho tăng trưởng, nay cần phải tương tục không gián đoạn phát tâm Bồ đề.

Chớ sợ gian nan mà khiếp sợ thối lui : Ông không nên sợ gian nan mà sanh lòng khiếp sợ thối lui. Đừng cho dễ mà khinh thường, hời hợt : Ông cũng không nên nhìn thấy những việc dễ dàng mà khinh thường hời hợt.

Đừng ham mau mà chẳng lâu bền : ông cũng không nên ham mau; nếu không, tâm đã phát cũng sẽ chẳng lâu bền. Cần có tâm lâu bền. Không nên làm để cầu lợi, nói tôi đầu cơ, lợi dụng thời cơ kiếm lợi, thì có thể tu thành Phật ! Không bao giờ đầu cơ kiếm lợi mà có thể thành Phật ! Quý vị! ở đây tôi lại nhớ trước kia dạy 42 Thủ Nhãn, có người tu được vài năm, cảm thấy không có chi thành tựu, bèn không tu nữa. Ðó gọi là thối lui, không thể lâu bền được. Đừng biếng nhác giải đãi mà thiếu dũng mãnh : ông không nên giải đãi biếng nhác, một chút tâm dõng mãnh cũng không có.

Đừng uể oải mà không phấn khởi : ông cần phải phấn chấn, phấn khởi, chớ nên ủ rũ chán nản, lôi thôi không dứt khoát, cần đoạn mà không đoạn. Đừng chần chờ mà kỳ hẹn mãi : ông cũng không nên chần chờ kỳ hẹn mãi, không dõng mãnh tinh tấn. Lần lựa chờ đợi, nói : "Ta nay không tu hành, đợi khi nào sắp xếp xong mọi việc rồi sẽ tu hành", tu hành học đạo thì không thể chờ đợi kỳ hẹn mãi.

Đừng vì tối dốt mà cứ mãi vô tâm  ông không nên vì mình ngu si mà không phát tâm Bồ đề. đừng vì căn cơ cạn cợt mà tự khinh không có phần : cũng không nên cho rằng căn cơ của mình cạn cợt, Phật đạo xa vời vợi không thể thành tựu, không có tư cách thành Phật. Không nên có tâm như thế !

Ở đây đưa ra ví dụ, Như trồng cây, trồng lâu thì rễ cạn ngày càng sâu : như trồng cây, khi mới trồng thì rễ của nó rất cạn ; nhưng khi trồng lâu rồi, ngày này qua ngày kia thì rễ của nó cắm sâu vào lòng đất.Như mài dao, mài mãi thì dao cùn lụt cũng thành sắc bén : Lại thí dụ mài dao, vốn là dao rất cùn, nhưng mà mài lâu ngày thì nó cũng thành con dao sắc bén.

Chẳng nên vì rễ cạn mà không trồng, mặc cây khô héo : ông không nên vì mới trồng cây rễ rất cạn mà không trồng nữa, mặc cho cây khô héo, ông không trồng nó thì nó sẽ chết khô. Đừng vì dao cùn lụt mà không mài, để dao vô dụng : Cũng không nên vì dao cùn mà không dùng đá mài mài nó, quăng nó vào một góc, nói dao này rất cùn không dùng nữa.

Nguyên Văn:

Lại nữa, nếu cho tu hành là cực khổ mà không biết biếng nhác lại còn khổ hơn. Tu thì khó nhọc tạm thời mà an vui vĩnh kiếp, còn biếng nhác thì một đời tạm nhàn nhưng lắm kiếp chịu sự khổ đau. Huống chi lấy pháp môn Tịnh độ làm thuyền tàu thì lo gì thối chuyển, lại được vô sanh làm sức nhẫn thì sợ gì khó khăn. Nên biết, kẻ tội nhân trong cõi địa ngục mà còn phát Tâm Bồ đề từ bao kiếp trước, huống chi đã làm người, lại làm con Phật, mà không lập đại nguyện ngay trong đời này. Từ vô thỉ đến nay hôn mê mờ mịt, việc gì đã qua rồi đã không thể cản ngăn, mà ngày nay tỉnh ngộ, những việc trong tương lai còn có thể theo. Mê mà chưa ngộ, cố nhiên đáng thương; còn biết mà không làm, mới càng đáng tiếc. Nếu sợ cái khổ địa ngục thì sự tinh tấn tự sinh, nhớ cái vô thường tấn tốc thì tính biếng nhác không khởi. Lại nữa cần lấy Phật pháp làm roi dục, lấy thiện hữu làm tay dắt, trong khoảnh khắc cũng không tách rời, suốt cả một đời vẫn cố nương theo, thì không còn lo lắng  bị thối chuyển nữa. Chớ bảo một niệm phát nguyện là nhỏ nhặt, đừng cho nguyện suông là vô ích. Tâm chân thì sự thật, nguyện rộng thì hạnh sâu. Hư không chẳng rộng lớn, tâm vương mới lớn. Kim cương đâu có cứng chắc, nguyện lực mới chắc nhất. Ðại chúng nếu không chê bỏ lời tôi, thì quyến thuộc Bồ đề từ đây kết hợp, bạn hữu Liên xã từ đây kết giao, sở nguyện cùng sanh Tịnh độ, cùng thấy Di đà, cùng giáo hóa chúng sanh, cùng thành Chánh giác. Như vậy thì biết đâu ba mươi hai tướng tốt và trăm phước trang nghiêm sau này chẳng bắt đầu từ sự phát tâm lập nguyện trong ngày hôm nay. Nguyện cùng đại chúng chung nhau nỗ lực, như thế thật vô cùng may mắn.

Giảng:

Lại nữa, nếu cho tu hành là cực khổ  : Nhược là giả thiết. Giả như ông cảm thấy tu hành là một việc cực khổ, không chịu nỗi ! Ăn một bữa cũng cảm thấy rất khó khăn, không ăn thịt thì cảm thấy rất thèm, điều này không được làm, điều kia cũng không được làm, há chẳng phải là không được tự do chăng ? Mà không biết biếng nhác lại còn khổ hơn : Nhưng ông lại không biết, nếu ông không tu hành, giải đãi biếng lười còn khổ hơn tu hành. Khổ của tu hành chỉ là cực khổ nhất thời, mà được an vui vĩnh viễn ; nhưng nếu ông không tu hành thì vĩnh viễn ở trong biển khổ. Nhất thời ông cảm thấy : Ở nhà tốt mặc đồ đẹp, ăn món ngon, vui chơi hưởng thụ, nhưng đó chỉ là tạm thời, không phải là vĩnh viễn ; nếu ông tạo tội nghiệp, vĩnh kiếp đều là khổ đau.

Tu thì khó nhọc tạm thời mà an vui vĩnh kiếp : tu hành chỉ là nhất thời, cảm thấy không được hưởng thụ. Nhưng nếu ông tu hành thành công thì vĩnh viễn an lạc trong thế giới Cực lạc, không còn chịu sự khổ đau.Còn biếng nhác thì một đời tạm nhàn nhưng lắm kiếp chịu sự khổ đau : ông giải đãi chính là làm biếng trốn việc, sống cầu an qua ngày đoạn tháng, đó chỉ là một đời này cảm thấy được hưởng phước, hưởng thụ, nhưng sau này vĩnh viễn vĩnh viễn, hoặc là đọa địa ngục sanh, hoặc là sanh vào ngạ quỷ, làm súc sanh chịu sự đau khổ.

Huống chi lấy pháp môn Tịnh độ làm thuyền tàu thì lo gì thối chuyển ? : Huống chi lấy pháp môn Tịnh độ làm chiếc thuyền đưa chúng ta ra khỏi biển khổ, thì không phải lo lắng chịu cảnh khổ đau nữa. Thối chuyển thì sẽ nhận lấy cảnh khổ đau. Lại được vô sanh làm sức nhẫn thì sợ gì khó khăn ? : Ông được Vô sanh pháp nhẫn. Vô sanh pháp nhẫn thì không cảm thấy có gì là đau khổ để nhẫn, cũng không có gì an vui mà mong cầu ; đã không nhẫn, cũng không ham cầu. Vô sanh pháp nhẫn này, không thấy khổ, cũng không thấy vui, cũng không thấy sanh, cũng không thấy diệt, vậy ông còn sợ gian nan chi nữa ? không nên sợ gian nan cực khổ!

Nên biết, kẻ tội nhân trong cõi địa ngục mà còn phát Tâm Bồ đề từ bao kiếp trước : ông nên biết kẻ tội nhân đọa vào địa ngục, vì xưa kia họ cũng đã phát tâm Bồ đề ; cho nên tuy đọa địa ngục nhưng lại rất nhanh thoát khỏi cảnh địa ngục, lìa khổ được vui. Vậy thì Huống chi đã làm người, lại làm con Phật, mà không lập đại nguyện ngay trong đời này : đã là như thế, họ ở địa ngục phát tâm Bồ đề đều có thể lìa khổ được vui ; huống chi chúng ta là con người tốt, lại là đệ tử tốt của Ðức Phật, tại sao không thể phát đại nguyện trong đời này ?

Từ vô thỉ đến nay hôn mê mờ mịt, việc gì đã qua rồi đã không thể cản ngăn : từ vô lượng kiếp cho đến hôm nay, chúng ta đều không hiểu, hôn mê mờ mịt ; nhưng việc quá khứ thì không cách nào vãn hồi.Mà ngày nay tỉnh ngộ, những việc trong tương lai còn có thể đuổi theo : mà nay chúng ta đã hiểu rõ, đã giác ngộ. Ðã hiểu rồi thì những việc trong tương lai còn có cơ hội vãn hồi.

Mê mà chưa ngộ, cố nhiên đáng thương : Nếu ông vẫn còn ở trong mê muội, không được giác ngộ, cố nhiên rất đáng thương xót ! Nhưng đó là vì ông ở trong mê, cũng không biết là mê. Còn biết mà không làm, mới càng đáng tiếc : mà ông đã biết đã hiểu thì nên phát nguyện ; nếu không phát nguyện thì càng đáng thương hơn !

Nếu sợ cái khổ địa ngục thì sự tinh tấn tự sinh : Nếu ông sợ quả báo khổ trong địa ngục thì tự nhiên sẽ tinh tấn dõng mãnh thêm. Nhớ cái vô thường tấn tốc thì tính biếng nhác không khởi : nếu biết vô thường tấn tốc sẽ đến tìm chúng ta thì sự biếng nhác giải đãi sẽ không khởi lên.

Lại nữa cần lấy Phật pháp làm roi thúc giục, lấy thiện hữu làm tay dẫn dắt : ông nên dùng Phật pháp để làm roi giục mình, khích lệ mình, khuyên nhắc mình ; lại thêm bạn lành cùng nhau giúp đỡ, cùng nhau dắt dìu. Trong khoảnh khắc cũng không tách rời, suốt cả một đời vẫn cố nương theo : Dù trong khoảng thời gian rất ngắn cũng không lìa pháp môn này, không lìa Phật pháp. suốt đời nương theo Phật pháp. Thì không còn lo lắng bị thối chuyển nữa ! Nếu được như thế thì sẽ không thối thất tâm Bồ đề.

Chớ bảo một niệm phát nguyện là nhỏ nhặt, đừng cho nguyện suông là vô ích : ông chớ bảo rằng một niệm phát nguyện thì rất nhỏ nhặt, không gì quan trọng ; cũng không nên nói rằng đó là phát cái nguyện lực hư vọng, không có ích lợi gì. Tâm chân thì sự thật, nguyện rộng thì hạnh sâu : Nếu tâm ông phát nguyện chân chánh, thì đó là sự thật. Nếu phát nguyện quảng đại thì hạnh nguyện của ông sẽ càng tinh tấn, càng sâu rộng. Hư không chẳng rộng lớn, tâm vương mới lớn : Hư không còn chưa được xem là lớn, tâm vương của ông mới là lớn ; tâm vương thì không có hạn lượng. Kim cương đâu có cứng chắc, nguyện lực mới chắc nhất: trên thế giới này kim cương là kiên cố cứng chắc nhất, nhưng cũng không sánh bằng nguyện lực của ông ; ông không nên quên nguyện lực của ông đó mới là kiên cố nhất.

Ðại chúng nếu không chê bỏ lời tôi : Nếu có thể nghe lời của tôi, không quên lời của tôi, Thì quyến thuộc Bồ đề từ đây kết hợp : thì quyến thuộc Bồ đề từ đây kết hợp với nhau, đều làm bà con thân thích.

Bạn hữu Liên xã từ đây kết giao : mọi người cùng nhau phát nguyện, cùng nhau niệm Phật thì bạn hữu Liên xã từ đây kết giao. Sở nguyện cùng sanh Tịnh độ, cùng thấy Di đà : Mọi người cùng vãng sanh Tịnh độ, cùng nhìn thấy Ðức Phật A Di Ðà. Cùng giáo hóa chúng sanh, cùng thành Chánh giác : Sau đó lại cùng nhau giáo hóa chúng sanh, đồng thành Phật đạo.

Như vậy thì biết đâu ba mươi hai tướng tốt và trăm phước trang nghiêm sau này chẳng bắt đầu từ sự phát tâm lập nguyện trong ngày hôm nay ? : Làm sao có thể biết được vị lai chúng ta có thể thành Phật, được ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm giống như Phật, chẳng phải bắt đầu từ sự phát tâm Bồ đề, lập nguyện Bồ đề trong ngày hôm nay sao ? chúng ta sau này thành Phật đều bắt đầu từ ngày hôm nay.

Nguyện cùng đại chúng chung nhau nỗ lực! Như thế thật vô cùng may mắn :  Nguyện cùng đại chúng chung nhau nỗ lực, cùng nhau phát nguyện không thối thất tâm Bồ đề, cùng nhau dõng mãnh tinh tấn hướng về phía trước. Nếu có thể được như thế thật là may mắn, thật là kiết tường !

Bai Van Khuyen Phat Bo De Tam Tiep Theo 2

Ghi chú của Vạn Phật Thánh: Thượng Nhân năm 1979 và 1985 tại Vạn Phật Thánh Thành và Kim Sơn Thánh Tự giảng thuật "Khuyên Phát Bồ Ðề Tâm Văn", khuyến khích đệ tử phát tâm Bồ đề. Vì lúc đó thiết bị ghi âm sơ sài thiếu kém, cho nên một số phần bị thiếu sót. Nay để cho đại chúng được nghe lại lời dạy của Thượng Nhân, chúng tôi đã dùng các bài giảng ghi âm năm 1985 viết ra lại, có những phần băng ghi âm của năm đó bị thiếu sót không cách nào lấy được nguyên âm, chúng tôi đã dùng bài giảng năm 1979 để thay thế.


Tải về xem

Trở về
Bai Van Khuyen Phat Bo De Tam Tiep Theo 2