Năm mới tuổi nào tốt, tuổi nào xấu?
Xin đáp: Tuổi nào cũng đều tốt hết, chẳng có tuổi nào xấu. Chỉ do phước nghiệp của mỗi người khác nhau, nên thế gian có sự phân biệt tuổi tốt, tuổi xấu (Sao, hạn). Đến đây người đã am hiểu Phật pháp, thì không còn thắc mắc nữa. Nếu còn thắc mắc, xin vui lòng đọc tiếp (hoặc có câu hỏi thì càng tốt).
Tại sao mỗi khi năm mới đến thì nhiều người cứ hỏi về tuổi tốt, tuổi xấu? Và tại sao năm đó, thì tuổi đó tốt, tuổi kia lại xấu, không giống nhau, có năm tốt, năm xấu? Như đã nói ở trên, là tại vì phước nghiệp của mỗi người mỗi khác, nên đưa đến có tốt, có xấu. Không ai hoàn toàn tốt hết, và cũng không có ai hoàn toàn xấu hết. Vì khi làm (tạo nghiệp) cũng có tạo nghiệp tốt, cũng có tạo nghiệp xấu, nên quả báo đến cũng có tốt, có xấu. Và quả báo đến thời gian khác nhau, có khi năm nay, có khi sang năm, hoặc những năm tới, hoặc có khi những kiếp sau, không nhất định được. Vì tuỳ theo nghiệp báo đến sớm hay muộn, có khi trong đời nầy, có khi những đời sau. Nhưng nhân quả không bao giờ mất, cho nên có câu:
"Sở tạo nghiệp bất vong
Nhân duyên hội ngộ thời
Quả báo hoàn tự thọ".
Nghĩa là:
Nghiệp tạo ra không bao giờ mất
Khi nào nhân duyên đầy đủ
Tự mình nhận lấy quả báo.
Người tu học Phật pháp, phải hiểu rõ nhân duyên quả báo cho rõ ràng, những gì mình tạo ra từ 3 nghiệp: Thân (giết, trộm, dâm). Miệng (nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, chửi mắng). Ý (tham, sân, si), đều gieo xuống "cái nghiệp" (gọi là nhân). Nếu ngược lại mười điều ác trên đây, gọi là 10 nghiệp thiện. Do vì mình tạo ra cái nghiệp không tốt trong nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, rồi mình quên mất. Nên đời nầy "cái quả" nó đến tìm mình, nhưng mình không muốn nhận nó, nên mình tìm cách "chạy trốn". Chạy trốn bằng cách nào? Tức là đi xem Thầy Bói, Tử Vi, Xem Tướng cát hung, Lắc Xăm, Bói Quẻ.... Nói chung rất nhiều cách, để mình tìm cách "Chạy trốn". Nhưng nhân gian có câu: "Chạy trời không khỏi nắng". Hoặc là "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa". Nếu mà chạy trốn được, thì trên thế giới nầy làm gì có sự trả thù, chết chóc, tai hoạ .v.v...xảy ra hằng ngày. Cho nên trong Kinh Pháp Cú có câu rằng:
"Dù trên trời, dưới biển
Dù hang sâu núi thẳm
Không chỗ nào trên đời
Trốn được quả nghiệp ác".
Nghiệp báo không cách chi trốn được, dù có thần thông như Đức Phật, Ngài Mục Kiền Liên.... cũng không thể nào tránh được nghiệp báo của chính mình. Bởi vậy người hiểu Phật pháp, chúng ta không nên trốn tránh cái nghiệp của mình, mà mình cần phải đối diện với thật tế, vui vẻ chấp nhận trả nghiệp cũ.
Tại sao bao nhiêu người cùng sinh năm Tý, cùng sinh năm Sửu, cùng sinh năm Dần .v.v... cho đến cùng sinh năm Hợi, nhưng số phận của mỗi người khác nhau? Đâu phải người cùng năm Tý, cũng đều nghèo khổ hết đâu? Hoặc cũng đều giàu hết đâu? và những tuổi khác cũng thế. Mà có người thế nầy, người thế kia, đó là do phước nghiệp của mỗi người mỗi khác. Quá khứ tạo ra cái nghiệp khác nhau, nên bây giờ quả báo khác nhau. Khi nghiệp xấu nó đến, thì khiến cho mình xui xẻo, gặp nhiều chuyện không tốt. Bởi vì những kiếp trước, chúng ta đã từng làm những chuyện không tốt, nên bây giờ mới gặp những chuyện không tốt. Và ngược lại, chúng ta gặp những chuyện may mắn, những chuyện tốt lành, đó là vì trong quá khứ chúng ta đã từng làm những nghiệp tốt, nghiệp thiện, nên bây giờ gặt hái những quả báo tốt. Quả báo rất phân minh rõ ràng, không thiên vị một ai. Cũng giống như gieo hạt giống vậy:
"Gieo hạt dưa thì được quả dưa.
Gieo hạt cam thì được quả cam".
Cho nên, khi mình làm gì? Phải hết sức cẩn thận, từ lời nói, hành động, suy nghĩ của mình. Một khi đã nói ra, suy nghĩ, đã tạo ra, thì sau này sẽ có quả của nó. Cho nên có câu:
"Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả", là vậy. Vì Bồ Tát sợ mình gieo xuống cái nhân không tốt, nên Bồ Tát sợ nhân. Còn chúng sinh chúng ta thì ngược lại, lúc gieo nhân thì không sợ, muốn nói gì thì nói bừa, chửi mắng người nầy, nói xấu người kia, nói cho "đã cái miệng", muốn làm gì thì làm, như giết người, trộm cắp, tà dâm, nói dối.....không việc gì mà không làm. Tha hồ mà làm những điều không tốt, rồi khi chết đi, đầu thai trở lại thì bị quả báo. Lúc này thì họ mới tìm cách "chạy trốn" nợ cũ, bằng cách xem bói, xem tướng, lắc xăm, bói quẻ....mục đích muốn cho năm mới mọi sự đều như ý. Nhưng chuyện đời đâu có ai được mọi sự đều như ý của mình mãi mãi. Cũng có lúc nầy, lúc nọ, lúc tốt, lúc xấu.
Cái tuổi của mỗi người, chẳng qua là mình sinh ra năm đó, lấy tên tuổi con vật đó, cho dễ tính toán, để biết tuổi mà thôi. Chứ thật ra tuổi con nào cũng vậy thôi, quan trọng là phước nghiệp của mình. Nếu phước của mình nhiều, thì mình sẽ đầu thai vào nhà vua chúa, trưởng giả quyền quý cao sang, để hưởng phước. Còn nếu phước của mình ít, thì sinh vào nhà bình dân, đủ ăn đủ mặc; còn nếu phước của mình quá ít nữa, thì sẽ sinh vào nhà khổ sở, thiếu ăn thiếu mặc, bệnh tật triền miên...Cho nên phước nghiệp quyết định tất cả, không ai lựa chọn được.
Vậy năm mới mình phải làm gì, để "tránh" những điều xui xẻo, không may? Lúc trước mình không hiểu Phật pháp, thì hay đi Xem Bói, Xem Tướng, Lắc Xăm, Bói Quẻ .v.v... Bây giờ mình hiểu chút Phật pháp căn bản rồi, không cần nữa, mà phải cố gắng làm các điều thiện, làm điều tốt; không làm điều xấu, không làm điều bất thiện (từ lời nói, tư tưởng và hành động). Nhưng nếu có những nợ cũ đến đòi, vui lòng trả cho xong, nợ mới không tạo nữa, thì sẽ không có chuyện xấu đến với mình. Cũng giống như vay nợ, mượn tiền thì phải trả, không trả thì nợ vẫn còn, đời này không trả, đời sau sẽ trả. Nghiệp cũng như thế, trả nghiệp cũ thì từ từ sẽ hết; không vay nghiệp mới thì tương lai sẽ tốt đẹp.
Hơn nữa có câu nói rằng: "Đức năn thắng số", mình có thể thay đổi được vậng mạng của mình, nếu làm nhiều điều phước đức. Do đó, nếu mình hiểu rõ ràng luật nhân quả, thì đối với tuổi tác, năm này năm nọ, không còn quan trọng nữa. Mà quan trọng là mình đang làm những nghiệp gì? Thiện hay ác? Hy vọng mọi người cố gắng từ nay về sau làm toàn những việc thiện, có lợi cho người và mình, không làm việc ác nữa, thì trong tương lai, ngày nào, tháng nào, năm nào, mọi việc tốt đẹp như ý cũng đều đến với mình, nếu được như thế thì năm mới thật sự có ý nghĩa.
Hằng Lý