Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
Trở về
 
 
 

điều phục con khỉ

Giảng ngày 29/08/1987

Tu hành, ai cũng đều có vọng tưởng, trong tâm ai cũng đều có con khỉ. Cho nên "Tâm viên ý mã". Tại sao đem tâm so sánh với con khỉ ? Vì con khỉ hay nhảy nhót, không khi nào yên được. Vọng tưởng con người cũng lăng săng, không có lúc nào ngừng, chạy đông tây nam bắc, không ở lại khoảng giữa, vì không ở lại khoảng giữa cho nên hướng ngoại truy cầu, mà quên mất chính mình. Có người hỏi Khổng Tử :"Ví như có người dọn nhà, mà quên mang theo vợ con đi, việc này có thể chăng ?" Khổng Tử đáp :"Không những quên mất vợ con mà chính thân mình cũng quên luôn". Người ngày nay cũng đều quên thân, cũng quên tâm luôn. Không đếm xỉa đến tự tính, như vậy tâm luôn chạy bên ngoài, không biết thu hồi lại, suốt ngày bận rộn, bôn ba, từ sáng đến tối cũng không biết bận chuyện gì. Ðây là quay lưng với giác ngộ mà hợp với trần lao, nhận giặc làm con, quên mất bổn phận của mình, Phật tính vốn có cũng không nhớ tới, từ khi sinh ra đến khi chết, cả một đời cũng không nhận ra, đều sống trong mộng huyễn bọt bóng, sống trong sự say sưa chết đi trong giấc mộng, tìm không được ông chủ nhân của chính mình.

Hiện tại ngồi thiền là vì hàng phục tâm. Kinh Kim Cang có nói :"Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm", tức là dạy bạn đừng chấp trước, mà hãy điều phục tâm viên ý mã của bạn, thì đó là sơ bộ đi trên con đường giác ngộ. Nếu hàng phục không được, thì dù trải qua số kiếp nhiều như bụi, cũng khó mà ra khỏi luân hồi, ví như nấu cát mà muốn thành cơm, không có lý vậy. Do đó, chúng ta tu hành sống với đại chúng thì giữ khẩu nghiệp, ngồi một mình thì nhiếp tâm, nếu cùng với đại chúng thì không nên nói nhiều. Nếu một mình thì phải đề phòng tư tâm vọng tưởng. Lâu dần thì tâm từ từ sẽ chuyên nhất. Cho nên :"Trụ tâm một chỗ, không việc gì mà chẳng xong".

Ðến lúc, đại trượng phu sẽ hoàn tất mọi sự, những gì cần làm đã làm xong, phạm hạnh đã vững, không thọ thân sau nữa, liền thoát khỏi luân hồi, dứt sinh tử. Tại sao bạn chưa dứt sinh tử ? Vì bạn không chế tâm tại một chỗ, còn tham đồ hư danh, chấp trước cảnh bên ngoài, cho nên thường thường dụng công phu không tiến bộ. Có chân công phu thì không lo không sầu, không nghĩ, không biết. Cho nên có câu :

"Dưỡng thành đại chuyết phương vi xảo,
Học đáo như ngu thỉ kiến kỳ".

Nghĩa rằng :

"Luyện thành khờ khạo mới là khéo,
Học đến như ngu mới thấy kỳ".

Trở về