Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
Khai Thi 2 Tiep Theo 3
Khai Thi 2 Tiep Theo 3
Khai Thi 2 Tiep Theo 3 Khai Thi 2 Tiep Theo 3
Trở về
Khai Thi 2 Tiep Theo 3
Khai Thị 2 (tiếp theo 3)
Khai Thi 2 Tiep Theo 3
Khai Thi 2 Tiep Theo 3
 


NHÂN ÐỊA BẤT CHÂN, QUẢ THỌ KHỔ

(Vạn Phật Thành ngày 8 tháng 7 năm 1983)

Câu "nhân địa bất chân, quả thọ khổ" này rất có ý nghĩa; bởi vì bất luận chuyện gì mình làm, hãy làm chân thật. Nếu không chân thật, chuyên dùng thủ đoạn mánh khóe lừa bịp kẻ khác, thì cũng như bịt tai mà ăn cắp chuông, tự mình lừa mình thôi!

Vô luận là người xuất gia Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, hay tại gia Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, hoặc Lạt Ma, bất luận làm gì nếu có tâm lừa người thì tương lai nhất định sẽ rớt xuống địa ngục. Ở đời mà không chân thật thì sẽ chiêu cảm quả báo quanh co, rắc rối, tương lai sẽ chịu đủ điều khổ.

Ở Vạn Phật Thành, trong mọi thời khắc, mình phải chú ý đến nhân, quả. Ðừng làm điều sai trái với luật nhân quả. Nếu mình biết rõ luật lệ mà còn cố phạm thì nhất định sẽ thọ lãnh quả báo rất nghiêm trọng. Cho nên các vị phải để ý, đừng làm chuyện sai trái với nhân, quả!

53

NẾU PHẬT GIÁO ÐỒ KHÔNG TRÌ GIỚI

TỨC LÀ MẠT PHÁP

(Vạn Phật Thành ngày 10 tháng 6 năm 1983)

 

Câu đối liễn ngày hôm nay là: "Phật Giáo đồ nhược bất trì giới tức Mạt Pháp"; nghĩa là nếu tín đồ Phật Giáo không trì giới thì tức là Mạt Pháp.

"Phật Giáo đồ" có nghĩa là Tăng Sĩ hay người xuất gia. Phật giảng Pháp, Tăng theo Pháp tu hành rồi truyền cho người khác. Tăng nhất định phải trì Giới, không trì Giới thì đó là Mạt Pháp; nên nói: "Nếu Phật Giáo đồ không trì giới tức là Mạt Pháp."

Hễ mình tùy tiện nói láo, sát sinh, làm chuyện tà dâm, trộm cắp, uống rượu tức là phạm vào năm giới căn bản, tức là Mạt Pháp. Dù Phật Pháp trụ thế mà mình không trì Giới, thì ngay chính bản thân mình đây đã tạo nên Mạt Pháp. Pháp nhờ vào Tăng mà truyền đạt, song phải cần lấy Giới làm gốc; Giới là nền tảng để thành Phật. Nền tảng này cũng giống như cái móng khi xây nhà. Bây giờ mình xây móng để dựng nhà Phật Pháp, thì chắc chắn phải lấy trì Giới làm bước khởi đầu.

Các vị phải đặc biệt chú ý! Ðừng nên sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, uống rượu. Không phải là mình không muốn làm mà vì bản tính mình không làm. Chẳng phải là do người ta ép buộc, mình mới không làm; mà vì trong thâm tâm mình luôn luôn thật thà tự ý nghiêm trì năm giới căn bản!

Chú thích: Hàng tuần, Hòa Thượng Tuyên Hóa đều có dạy lớp làm đối liễn cho tứ chúng ở Vạn Phật Thành. Nội dung của lớp là Hòa Thượng viết ra một câu, có khi dài 4 chữ, 7 chữ, hoặc nhiều chữ, hoặc một bài thơ, rồi đại chúng căn cứ vào câu ra đề ấy để làm một câu đối lại. Bài trên trích ra từ một trong những lớp dạy làm đối liễn ấy. Xem bài #77.

54

 

LÀM NGƯỜI CẦN PHẢI

HIẾU THẢO VỚI CHA MẸ

(Vạn Phật Thành ngày 16 tháng 9 năm 1983)

Con người và thú vật khác nhau ở điểm là con người có trí huệ, biết hiếu thảo, biết giữ tục lệ nề nếp, biết quý trọng lễ, nghĩa. Không hiểu quy củ, không biết hiếu thảo với cha mẹ, không hết lòng trung thành với tổ quốc, không biết những điều kiện căn bản làm người, thì mình với ngựa, dê, trâu, bò có khác gì? Nên mình phải chú ý! Nhất là học sinh trong thời đại này càng phải chú ý hơn nữa!

Hiếu thảo với cha mẹ là biết vâng lời cha mẹ và làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an ổn; chứ không phải là nuôi dưỡng cha mẹ, cho cha mẹ áo quần đẹp để mặc, rồi cho là đã hết lòng hiếu thảo rồi! Không phải như vậy!

Thế nào là trọn vẹn chữ hiếu? Ðầu tiên mình phải biết nghe lời dạy dỗ của cha mẹ, không chống đối, không làm ngược lại lời cha mẹ. Phải hết sức cung kính nghe theo lời cha mẹ dạy; lúc đối đáp với cha mẹ thì phải hết sức "hòa nhan duyệt sắc," nhỏ nhẹ, ngoan ngoãn. Cha mẹ sai bảo điều gì thì phải làm ngay, không được lười biếng hoặc tỏ thái độ không vui, không thích. Nếu mình có điều gì sai lầm, bị cha mẹ rầy la, thì phải hết sức vui vẻ mà tiếp nhận, không được có thái độ cứng đầu, không chịu lãnh hội lời chỉ bảo.

Trong thiên hạ, ai ai cũng muốn con cái trở nên người tốt nên mới dạy dỗ một cách nghiêm khắc. Trong Tam Tự Kinh có câu:

 

"Tử bất giáo phụ chi quá,

Giáo bất nghiêm sư chi đọa."

Nghiã là:

 

"Không dạy dỗ con cái là lỗi của cha,

Dạy mà không nghiêm khắc là lỗi của thầy."

 

Người xưa cũng dạy rằng: Bổng hạ xuất hiếu tử! (Dưới lằn roi vọt mới đào tạo được người con hiếu thảo!)

Ðó là quan điểm thời xưa, hiện tại có nhiều chỗ không hợp thời; nhất là ở nước Mỹ này, người Tây phương chưa hề nghe qua. Bởi vì ở Mỹ người ta nói giáo dục là phải thân ái, không được đánh đập con cái, phải để cho con cái tự do phát triển! Nói tóm lại, nếu quá nghiêm khắc thì cũng không tốt, mà quá phóng túng, tùy tiện, thì cũng không tốt; mình phải giữ trung dung thì mới hợp lý.

Người Trung Hoa vốn chú trọng về đạo hiếu. Ông Tăng Sâm, một đệ tử của Ðức Khổng Tử, có nói rằng:

 

"Phụ mẫu tại bất viễn du, du tất hữu phương."

 

Nghĩa là: "Khi cha mẹ còn thì mình không nên đi xa nếu đi thì phải có nơi có chỗ." Ðại ý là cha mẹ còn sống thì con cái không nên tìm cách đi chỗ nầy chỗ nọ; nếu có chuyện gì cần thiết phải đi đến những nơi xa xôi, thì phải cho cha mẹ biết địa chỉ chính xác để cha mẹ khỏi lo nghĩ. Làm cho cha mẹ lo nghĩ là không hiếu thảo. Cho nên tục ngữ có câu: Nhi hành thiên lý mẫu đảm ưu. (Con đi ngàn dặm, ở nhà mẹ lo âu.) Ðó là hình dung lòng mẹ rất quan tâm đến con cái vậy.

 

55

 

 

TỰ DO QUÁ MỨC

SẼ ÐEM LẠI ÐAU KHỔ!

 

Ở Trung Hoa vào thời đại Liệt Quốc và hiện tại ở Tây phương, con người không khác nhau gì mấy do vì tình trạng luân lý và đạo đức suy đồi.

Khi Khổng Tử soạn Thi thư, định Lễ nhạc, thì Ngài có quy định mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè. Bàn về năm mối quan hệ đó, Ngài dạy rằng vua tôi phải có Nghĩa, cha con phải có Thân, vợ chồng phải có Biệt, anh em phải có Bậc, bạn bè phải có Tín. Ngài lại giảng về tám đức: Hiếu, Ðễ, Lễ, Nghĩa, Trung, Tín, Liêm, Sỉ, và dùng tám đức này để duy trì quy củ trong xã hội.

Chúng ta đừng nên cho rằng lối sống tự do phóng túng của Tây phương là tốt, vì kỳ thật, nó dẫn dụ con người làm những điều không hợp với đạo đức. Các vị thử nghĩ coi, hành vi của những người "hippy" làm cho thiên hạ đại loạn. Nam, nữ không còn biết giữ gìn nề nếp, tha hồ phóng túng. Khẩu hiệu của họ là: "Hảo tắc tụ, bất hảo tắc tán." (Thích thì hợp, không thích thì tan.)

Tư tưởng như vậy khiến cho hôn nhân dễ bị sụp đổ, vì bị họ coi như đóng kịch mà thôi! Ða số những tuồng kịch đó kết thúc thật là bi đát, mà kẻ chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là người con gái.

Từ trước đến nay tôi không có ý phê bình, song ngày hôm nay có những người không giữ nề nếp xã hội, phá hoại thuần phong mỹ tục như vậy, cho nên tôi mới cảm khái nói vài lời bình luận.

Phàm những ai đến đây tu hành thì không được học thói "hippy" phóng túng, tùy tiện, thích gì làm đó. Những hành vi như vậy thật là gieo họa cho quốc gia và tai ương cho dân chúng, nên tôi không thể làm thinh không nói ra. Những hành động như trên chính là những hành vi đưa đến cảnh vong quốc, diệt chủng!

 

56

 

 

"HIPPY" TỪ ÐÂU ÐẾN?

(Vạn Phật Thành ngày 17 tháng 9 năm 1983)

 

Những hành vi không tốt của những người "hippy" từ đâu mà phát sinh ra? Nói tóm tắt thì từ nơi pháp lịnh của đất nước, của quốc gia mà phát sinh ra! Bởi vì theo phong khí hiện tại, cha mẹ không thể nghiêm mình quản giáo con cái, thầy giáo cũng không thể trừng phạt học sinh vì sợ mang tiếng là ngược đãi con em, do đó đành để con em "tự do phát triển."

Các vị thử quan sát xem, bởi "tự do phát triển" nên tạo ra đầy dẫy kẻ "hippy," kẻ đồng tính luyến ái, và những thiếu niên bất lương, du đãng. Chúng giết người, đốt nhà, cướp đoạt, làm đủ chuyện điên đảo. Tất cả những hiện tượng đó đều do quan niệm "tự do phát triển" tạo thành! Trai, gái hết sức lăng loàn, cùng sống lõa lồ, ca hát, nhảy múa, uống rượu, hút ma túy, tạo thành một thế giới điên cuồng, thương phong bại tục; do đó, địa ngục Trụ đồng, Giường lửa là nơi họ sẽ rơi vào mà thọ khổ sau khi chết!

Nếu ở Vạn Phật Thành mà không chân chính tu hành, lại để cho cảnh giới bên ngoài lay chuyển, thì tôi thật đau lòng đến cực điểm! Nhìn những người đó mà tôi rơi lệ. Tôi dạy các vị phương cách để trở nên bậc hiền nhân quân tử, nhưng nếu các vị cam lòng đọa lạc, chạy theo trào lưu "tự do phát triển," thì quả thật các vị đã bị tư tưởng của bọn "hippy" này thâm nhiễm quá sâu rồi! Mong sao các vị từ nay về sau sẽ hết lòng hoán cải lỗi lầm, trở thành con người mới!

 

57

 

 

HỌC ÐƯỜNG LÀ THÁNH ÐỊA

(Vạn Phật Thành ngày 18 tháng 9 năm 1983)

 

Học đường là Thánh địa giáo dục nhân tài, giống như một lò luyện kim lớn, trong đó mọi thứ sắt, vàng, đồng được nung nấu, trải qua trăm ngàn lần trui luyện để cuối cùng trở thành thứ kim cang bất hoại. Kẻ thành tài thì tương lai sẽ phục vụ quốc gia, thành bậc lương đống, trụ cột cho đất nước. Cho nên vị giáo sư được dạy kẻ anh tài trong thiên hạ thì thật vô cùng sung sướng. Ðây là công việc mà thánh thần cũng không thể xâm phạm, cho nên mình phải tận tâm nỗ lực đảm trách nhiệm vụ này.

Hiện tại có nhiều trường học đã biến chất rồi. Không những đại học, trung học mà cả tiểu học, học sinh đa số là hút thuốc và dùng ma túy. Con em bây giờ có lòng hiếu kỳ, trước thì học hút thuốc lá, sau thì học ăn cắp đồ vật. Ăn cắp rồi thì đổi lấy tiền để mua ma túy mà hút; lại còn học thói nói láo, thói lừa dối người khác. Các vị là công dân của đất nước, chứng kiến tình huống như vậy mà không xót xa, thống thiết thì thật là không có tâm huyết vậy!

Nếu quan sát các trường học ở ngoài Vạn Phật Thành, các vị có chắc là sẽ tìm ra được một ngôi trường mà học sinh không hút thuốc, không dùng ma túy, không bán độc dược cần sa chăng? Thậm chí chưa từng nghe nói có ngôi trường nào như thế cả! Thầy giáo thì biết mà không quan tâm, còn để mặc học sinh muốn làm gì thì làm. Có những trường học lại là trung tâm buôn bán ma túy nữa, thật là nguy hại thay!

Song le, điều làm cho chúng ta đau lòng nhất chính là trường học biến thành nơi hẹn hò yêu đương giữa trai gái, là nơi chúng làm chuyện dâm loạn. Có nhiều phụ huynh khuyến khích con gái mình uống thuốc ngừa thai, đó là điều xưa nay hiếm có; trường học thì không quan tâm tới chuyện này, chỉ biết làm sao để thu học phí thôi. Rốt cuộc, học sinh học xong ra trường thì cũng chẳng có quan niệm gì về đạo đức cả, cũng không có quan niệm về trinh tiết và tiết tháo nữa.

Người nào cũng nói: "Tự do! Tự do! Tự do!" Ðó là "tự do" xuống địa ngục vậy! Cái phong khí không tốt đẹp như vậy đối với người đời thật trăm phần hại, chẳng một phần lợi. Nếu như các nhà giáo dục không đặt ra phương pháp để cải cách, thì hậu quả khó biết sẽ ra sao.

Vì vậy tại Vạn Phật Thành, bất luận là tiểu học, trung học hay đại học, con trai, con gái học riêng biệt. Ngay từ lúc chúng còn nhỏ phải bắt đầu dạy chúng về nền nếp tách biệt giữa trai và gái. Nhà đương cuộc cần phải thức tỉnh và mau mau nghĩ cách cải thiện phong khí suy đồi của học đường; bởi: Vong dương bổ lao, do vị vi vãn. Nghiã là: Dê tuy mất, nếu kịp sửa chuồng thì vẫn chưa quá trễ.

 

58

 

 

KHI PHÁT NGUYỆN

CẦN PHẢI THÀNH TÂM

 

Kẻ xuất gia tu Ðạo cần phải phát nguyện. Phát nguyện là để tinh tấn tu hành. Phát nguyện là để cảnh giác chính mình, sửa đổi điều ác mà làm điều thiện. Tu Ðạo mà không phát nguyện thì cũng như là hoa nở mà không kết trái vậy, đó là điều không thể được.

Nếu đã phát nguyện rồi tốt nhất cần phải hàng ngày lập lại, nói qua một lần nữa, bởi vì "ôn cố nhi tri tân"! Phải nhớ được nguyện mình từng phát là nguyện gì, mình cần phải làm điều gì, thì lúc đó nguyện mình đã phát mới không phải là lời hứa suông. Mình mới không tự lừa mình mà dối người, đồng thời không phải phát nguyện rồi quên mất đi.

Chư Phật và Bồ Tát trong quá khứ do chân thật phát nguyện nên các ngài mới chứng được Chánh Ðẳng Chánh Giác. Chư Phật và Bồ Tát tương lai cũng do phát nguyện mà đắc được Chánh Ðẳng Chánh Giác. Phật là bậc Ðại Trí Huệ, chúng ta là kẻ đại ngu si, nên cần phải học đại trí huệ của Phật. Chúng ta phải lấy tâm Phật làm tâm mình, lấy nguyện của Phật làm nguyện của mình, lúc nào cũng học bốn tâm vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả, và lúc nào cũng tu trì hạnh nhẫn nại những điều khó nhẫn nại, làm những việc người khác khó làm nổi.

Mọi việc mình làm đều phải chân thật thì mới tương ưng với Ðạo được. Vì vậy phát nguyện cần phải thành tâm, thành ý, không thể có hành vi dối trá hoặc tham cầu hư danh được. Ðó là điểm mà tôi hy vọng các vị chú ý. Phật A Di Ðà do phát 48 đại nguyện nên mới thành tựu được Thế giới Cực Lạc và nhiếp thọ được tất cả chúng sinh ly khổ đắc lạc, liễu sinh thoát tử. Chúng ta cần phải y theo Ngài và chư Phật cùng Bồ Tát trong quá khứ, mà mau mau phát nguyện. Có phát nguyện thì mới có thể thành được Phật quả!

Nếu như mình có lỗi lầm thì phải đau lòng cải hóa đi, đừng nên che đậy hoặc tô điểm thêm những lỗi lầm xấu xa của mình. Phải hết sức thẳng thắn sám hối trước đại chúng, nếu ngược lại thì chỉ thêm tội lỗi. Mình chạy theo tập khí lỗi lầm tức là "bội giác hợp trần." Hễ có thể sửa đổi lỗi lầm, hướng về điều thiện thì đó là "bội trần hợp giác."

Phát nguyện là để ngăn ngừa tội lỗi, sám hối là để tiêu trừ tội lỗi, cho nên nói: "Di thiên đại tội, Nhất sám tiện tiêu." (Tội lỗi đầy trời, Sám hối liền sạch.) Do đó, bắt đầu từ đây về sau, mình làm con người mới!

Cổ đức dạy rằng:

 

"Tùng tiền chủng chủng,

tỷ như tạc nhật tử.

Dĩ hậu chủng chủng,

tỷ như kim nhật sinh."

Nghĩa là:

 

"Ðủ thứ tội lỗi từ trước,

cũng giống như ngày hôm qua đã chết rồi.

Từ đây về sau,

mọi việc mình làm kể như một cuộc đời mới."

 

"Phát nguyện" và "sám hối" tuy hai danh từ khác nhau nhưng đại ý không có gì khác biệt, đại đồng tiểu dị mà thôi. Nếu có thể sửa đổi được những thói quen xấu xa tức là dũng mãnh cải hóa, dũng mãnh chấp nhận sai lầm, dũng mãnh đối đầu với thật tại. Lúc đó mới vượt qua được thử thách, không bị cảnh giới làm cho lay chuyển. Ðừng nên có ngã kiến quá sâu dày, đừng nên có ngã tướng quá nặng nề. Phải hiểu rằng chúng ta đều có giác tánh viên minh hết sức quang minh, lỗi lạc, "tròn đầy, xán lạn"; mọi tập khí, tội lỗi ở trong đó đều chẳng tồn tại được!

 

59

 

 

HỌC PHẬT PHÁP CẦN

DŨNG MÃNH SỬA ÐỔI LỖI LẦM

 

Các vị! Tu Ðạo nếu không sửa đổi lỗi lầm thì cũng như chẳng tu Ðạo. Học Phật Pháp mà không nhận tội lỗi rồi sửa đổi thì cũng như chẳng học.

 

Hành niên ngũ thập chi thời,

nhi tri tứ thập cửu chi phi.

(Tu năm mươi năm rồi mới biết sai lầm

trong suốt bốn mươi chín năm qua.)

 

Người nhận biết được những điều sai lầm của mình trong quá khứ là người có trí huệ, tương lai tiền đồ sẽ xán lạn. Nếu không biết được điều sai lầm trong quá khứ thì thật là hồ đồ vô cùng. Hễ mưu đồ cái hư danh thì liền bị khách trần làm cho mê muội, những người như vậy thật là đáng thương! Chúng ta không nên gởi nhờ Phật Tánh này nơi thân tứ đại vật chất, rồi chỉ biết truy cầu hưởng thụ mà không biết tu Ðạo.

Vì sao lại bỏ đi cái chân chính để chạy theo cái hư vọng? Vì sao lại bỏ gốc để chạy theo ngọn? Là vì mình không biết phản tỉnh, có lỗi mà không chịu sửa, không nhận thức được tự tánh này là thanh tịnh vô nhiễm, chẳng chút trần cấu. Rồi chỉ vì không thể nắm bắt được tự tánh nên đành xuôi tay theo dòng nước đục, trôi theo trào lưu ô nhiễm, khiến cho tự tánh bị vẩn đục, bổn hữu trí huệ bị vùi lấp; thật càng khó mà minh tâm kiến tánh đặng!

Chúng ta ở Vạn Phật Thành, cần đem lòng dạ hoen ố, vẩn đục này mà rửa sạch đi, để tự tánh quang minh xuất hiện. Rồi dùng tâm chính đại quanh minh để xử lý mọi việc, không thể dùng thủ đoạn để áp bức kẻ khác. Chúng ta cần phải nhớ rằng: Thị Ðạo tắc tiến, Phi Ðạo tắc thối. (Hễ là Ðạo thì tiến tới, Không phải là Ðạo thì thối lui.)

Và phải biết: Trạch thiện nhi tồn, Bất thiện nhi cải. (Chọn điều thiện mà giữ lại, Ðiều xấu thì sửa đổi đi.) Nếu được như vậy thì nhất định sẽ đạt tới địa vị Hiền Thánh!

 

60

 

 

NÓI CHUYỆN VỚI HỌC SINH

TRƯỜNG DỤC LƯƠNGVÀ TRƯỜNG BỒI ÐỨC

(Vạn Phật Thành ngày 23 tháng 9 năm 1983)

 

Ngày hôm nay các bạn học sinh nhỏ tuổi lên diễn đàn nói điều tâm đắc, tuy các em nói ngắn nhưng rất có ý nghĩa.

Có những em tuổi đời tuy nhỏ nhưng đã biết rằng nói láo là một hành vi gian dối. Hễ mình lừa người khác thì tương lai sẽ bị người khác lừa lại. Ðó là nhân quả tuần hoàn, là đạo lý của quả báo.

Có em còn đọc thuộc lòng được bài Ðại Ðồng của Ðức Khổng Tử làm cho tôi rất hứng thú. Hy vọng các em người Hoa, người Mỹ, người Việt, người Miên, người Lào, tất cả đều có thể đọc thuộc lòng bài Ðại Ðồng; và không những dùng Anh văn đọc được mà có thể dùng tiếng mẹ đẻ mà đọc được nữa.

Hôm nay tôi cho các vị biết tin này, người tị nạn tới đây nếu là các em học sinh, hễ ai muốn ở lại Vạn Phật Thành để học thì tôi rất hoan nghinh! Các em sẽ được học bổng miễn phí. Song các em phải sinh hoạt một cách độc lập; cha mẹ các em có thể ở ngoài làm việc, còn các em thì ở trong Vạn Phật Thành để học hành, đây là cơ hội khó kiếm được vậy!

Thời gian còn đi học là vàng ngọc bởi vì trí nhớ của mình còn tốt. Bởi vậy đọc sách gì cũng nên học thuộc lòng thì mới không quên mất được. Khi còn đi học thì mình phải nên hết sức nỗ lực, không nên ham chơi, không nên lãng phí để cho thời gian trôi qua. Người xưa nói rằng: "Nhất thốn quang âm, nhất thốn kim, Thốn kim nan mãi thốn quang âm." (Một tấc thời gian là một tấc vàng, Tấc vàng khó mua được tấc thời gian.)

Các em cần phải ghi nhớ điều đó! Nếu các em không dụng công học hành thì tương lai tiền đồ chẳng có hy vọng lắm đâu. Các em học tri thức, học kỷ năng, học làm người, học làm sao trở thành người tốt. Thế nào là học làm người tốt? Tức là học đừng có nổi giận, đừng có tranh cãi với bạn bè, đừng tham cầu, thì đó là người học sinh tốt!

Các em hãy nhìn xem, người đời ai cũng có lòng tham, ai cũng có điều sở cầu, và ai cũng có đủ thứ phiền não. Những thứ đó đều do tâm tham lam mà có. Tuy nhiên, cầu xin cũng phải cho hợp lý, không thể vọng cầu viễn vông được. Không thể tham tiền tài bất nghĩa, không thể cầu cái phước mà mình chẳng có phần, cũng đừng nên có tâm ích kỷ, tâm tự lợi. Phải lấy Sáu Tông Chỉ của Vạn Phật Thành làm mục tiêu thì tương lai ra ngoài phục vụ xã hội chẳng những không nhiễu loạn xã hội mà còn làm cho xã hội an bình nữa.

Tôi hy vọng các em sẽ làm người chính nhân quân tử quang minh lỗi lạc, tương lai sẽ trở nên bậc xuất chúng, anh tài. Các em đừng nên học thói lỗ mãng, tác phong vô lại, ham ăn mà lười học, lúc nào cũng làm chuyện lôi thôi, phá rối xã hội. Tôi cũng hy vọng các em đừng học thói "hippy," đừng nên hút thuốc, uống rượu, xì ke, ma túy. Các em cần phải làm cho mình có kiến thức học vấn sung mãn, thành kẻ có phẩm hạnh ưu tú.

Ở tại Vạn Phật Thành, các em được dạy tiếng Anh, tiếng Hoa, v.v... Học được các ngôn ngữ khác, đó là cơ hội rất hiếm có vậy. Các em đừng bỏ lỡ cơ hội, hãy nỗ lực học tập.

Từ đây về sau sẽ định rằng mỗi chiều Thứ Sáu các em sẽ tới diễn đàn này để luyện tập diễn giảng. Các em đừng nên sợ hãi, hãy nói cho lớn tiếng, và phải "lý trực khí tráng," nghĩa là luận lý cho vững, tác phong cho hiên ngang. Bởi vì:Thục năng sinh xảo.(Luyện tập thành thục thì trở nên tinh xảo.)

Luyện tập một thời gian lâu thì tự nhiên có thể nói thao thao bất tuyệt. Sau này các em sẽ thuyết giảng được những đạo lý cao thâm, trở thành những diễn thuyết gia mà mọi ngưòi nhất định sẽ phải hoan nghinh. Hiện tại là cơ hội để các em tập luyện. Hàng ngày, nếu các em có thể tuyên dương chân lý, nói như nước chảy, vấn đề nào cũng có thể giảng đặng thì các em rất chóng trở thành những nhân tài để hoằng Pháp. Ðây là thời gian tốt đẹp nhất rất khó gặp vậy, các em đừng cô phụ lòng tôi. Cổ nhân nói rằng:

 

"Thư sơn hữu lộ, cần vi kính,

Học hải vô nhai, khổ tác châu."

(Núi sách có nẻo: đường vào là siêng năng.

Biển học không bến: dùng gian khổ làm thuyền.)

 

Nếu các em có thể dùng tinh thần này mà dụng công học tập thì tương lai nhất định sẽ có cống hiến lớn cho quốc gia.

 

61

 

 

QUÂN TỬ BIẾT CÁCH TẠO VẬN MẠNG

(Vạn Phật Thành ngày 1 tháng 10 năm 1983)

 

Rất nhiều sự việc trên thế gian mình cho rằng tốt, nhưng bên trong thực sự có nhiều điều chẳng tốt phát sinh. Hiện tại bạn cho là hết sức vui sướng, nhưng tương lai có thể làm cho bạn thống khổ. Cho nên nếu muốn tránh sự phiền não không gì bằng giữ Trung Ðạo. Trung Ðạo có nghĩa là không nhiều quá mà cũng không ít quá, không có phiền não mà cũng không có vui thú. Sách Trung Dung có nói rằng:

 

"Hỷ nộ ai lạc chi vị phát, vị chi Trung;

Phát nhi giai trung tiết,vị chi Hòa."

Nghiã là:

 

"Vui, giận, buồn, sướng khi chưa sinh thì gọi là Trung;

Khi phát ra rồi mà giữ ở mức trung thì gọi là Hòa".

 

Nếu hiểu đạo lý này thì bất luận làm gì mình cũng không thái quá, cũng không mê muội, không điên đảo. Cần phải biết rõ ràng đen là đen, trắng là trắng, thiện là thiện, ác là ác, phân chiết minh liễu thì mới không lẫn lộn thiện với ác. Những điều mà chúng ta gặp trong kiếp này đều là do nghiệp lực kiếp trước tạo thành. Hiện tại muốn cải biến vận mệnh của mình thì cần phải tạo nhiều công đức. Có câu rằng:

 

"Quân tử hữu tạo mệnh chi học.

Mệnh do ngã lập,

Phước tự kỷ cầu.

Họa, phước vô môn,

Duy nhân tự chiêu."

Dịch là:

 

"Người quân tử biết cách tạo vận mạng.

Mạng do ta làm,

Phước tự ta cầu.

Họa, phước không có cửa,

Chỉ do ta chuốc lấy."

 

Người học Phật nhất định phải nhận thức rõ ràng định luật nhân quả báo ứng; không thể tùy tiện tạo ác nghiệp, trồng ác nhân, cũng không được làm sai đạo lý nhân quả. Vì thế phải mười phần cẩn thận, nếu chờ đến lúc thọ quả báo thì hối hận đã muộn rồi!

 

62

 

 

SỰ BẤT ÐỒNG GIỮA PHẬT VỚI MA

(Vạn Phật Thành ngày 9 tháng 10 năm 1983)

 

Phật thì không có tâm sân hận, ma thì chắc chắn có tâm sân hận; đó là chỗ bất đồng.

Phật thành Phật là do ma giúp mà thành. Bởi vì khi Ngài ngồi dưới cây Bồ Ðề sắp sửa thành Ðạo thì ma vương sinh lòng giận dữ, bèn phái ma binh, ma nữ lại uy hiếp, dẫn dụ Ngài. Song Phật không động tâm, trái lại, Ngài dùng Ðịnh lực khắc phục ma lực, rồi giác ngộ thành Phật. Do đó, Phật thì không có lòng giận dữ oán ghét gì ma cả. Ma thành ma là bởi chúng có lòng dạ tranh đấu cang cường; cho nên có câu rằng:

 

"Tranh thị thắng phụ tâm,

Dữ Ðạo tương vi bội,

Tiện sinh tứ tướng tâm,

Do hà đắc Tam Muội?"

Dịch là:

 

"Tranh là tâm hơn thua,

Ði ngược lại với Ðạo,

Khiến sinh ra bốn tướng,

Làm sao được Tam Muội?"

 

Ma tranh không được hạng nhất thì sinh ra lòng giận dữ, lòng ganh tị, lòng chướng ngại; cho nên người nào có tư tưởng, hành vi như vậy thì đều là ma, vĩnh viễn khó thành Phật được. Thần thông của ma so với thần thông của Phật cũng chẳng kém gì; song, thần thông của Phật là chánh phái, còn thần thông của ma là tà phái. Vì "tà không thắng chánh" nên ma rốt cuộc không thể thắng Phật, do đó nó đành phải cam tâm cúi lạy, dập đầu quy y Phật. Song Phật thì từ bi thương xót chúng sinh, tuyệt đối Ngài không đối đầu với ma mà chỉ dùng đạo đức để cảm hóa, làm chúng cảm phục.

Trong Tám Tướng Thành Ðạo, có tướng gọi là "Hàng Ma"; thực sự gọi là "Cảm Hóa Ma" thì có lẽ đúng hơn bởi vì Phật không dùng phương pháp, thủ đoạn gì để áp bức, cưỡng bách, hàng phục ma cả. Nếu như Ngài mà "hàng phục" ma thì tức là Ngài có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả; mà có bốn tướng này thì chẳng thành Phật đặng!

Vậy Phật làm sao khiến Ma vương phải đầu hàng? Ngài dùng Từ, Bi, Hỷ, Xả, bốn tâm vô lượng. Hễ Ma vương lại để hại Ngài, Ngài dùng tâm từ bi mà đối đãi, dùng đức hạnh mà cảm hóa. Phật biết được lý "tiền nhân hậu quả"; Ngài biết sở dĩ ma đến quấy phá là vì trong quá khứ Ngài đã từng tạo oán cừu, nên bây giờ Ngài không tranh cãi, mà chỉ an tâm chấp nhận chúng ma đến quấy nhiễu.

Ma làm sao trở thành ma được? Do vì có hận, oán, não, nộ, phiền (6) năm thứ độc này mà ra! Năm độc khí này giúp cho chúng thành ma, vì vậy ma lúc nào cũng tạo phiền não cho người khác, nhất là đối với người tu Ðạo. Chúng thấy kẻ tu hành như là cái gai trong mắt, nhất định phải tìm cách phá hoại Ðạo nghiệp của người xuất gia. Khi có người xuất gia, tu hành thành Phật, thì chúng ma thiếu đi một kẻ quyến thuộc, do đó chúng tận lực phá hoại.

Phàm là người xuất gia thì phải hết sức cẩn thận đề phòng, đừng để trúng kế của ma mà rớt vào bẫy, vĩnh viễn khó thoát thân được. Nên kẻ tham Thiền phải nhận rõ cảnh giới, nếu không sẽ bị ma khống chế. "Tẩu hỏa nhập ma" (hỏa hầu tiêu tán, ma liền xâm nhập) là điều mười phần nguy hiểm!

Sao gọi là Phật? Sao gọi là ma?

Phật thì theo đạo lý, hợp lẽ phải; theo đạo lý tức là hợp nhân quả. Ma thì chẳng đếm xỉa đến đạo lý, không biết đến chuyện nhân quả. Theo nhân quả thì hợp lý, không theo nhân quả thì không hợp lý. Do đó, Phật với ma khác biệt rõ ràng nhất là ở điểm này. Phật thì có lòng từ bi, còn ma thì đầy dẫy tâm sân hận.

 

63

 

 

TÁM ÐỨC TÍNH CĂN BẢN LÀM NGƯỜI

(Vạn Phật Thành ngày 12 tháng 10 năm 1983

cho các em học sinh)

 

Các bạn trẻ, các em có biết điều căn bản làm người là gì chăng? Tức là phải có tám đức tính: Hiếu, Ðễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ. Ngày hôm nay tôi sẽ giải thích một cách đơn giản ý nghĩa của mỗi đức tính cho các em nghe:

1. Hiếu: tức là hiếu thảo. Hiếu thảo với cha mẹ là điều căn bản của bổn phận làm con. Hiếu thảo nghĩa là báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ, và hiếu thảo cũng có nghĩa là biết vâng lời cha mẹ chỉ dạy.

2. Ðễ: tức là kính trọng. Kính trọng người lớn hơn mình, vì mình làm em nên có bổn phận phải kính trọng anh chị mình.

3. Trung: tức là trung thành. Hết lòng trung thành với đất nước của mình, đó là trách nhiệm của người công dân, có tận trung thì mình mới báo đền được công ơn của đất nước.

4. Tín: tức là tín nhiệm. Ðối với bạn bè phải có tín nhiệm, hứa với bạn chuyện gì thì phải làm chuyện đó, không thể thất tín, sai hẹn.

5. Lễ: tức là lễ phép. Ðối với mọi người, mình phải có lễ phép, phải hết sức khiêm nhường. Nếu không có lễ thì mình chỉ là thú vật mà thôi. Cho nên các bạn nhỏ, khi gặp thầy cô thì phải biết chào hỏi, về nhà gặp cha mẹ phải biết lễ phép.

6. Nghĩa: tức là nghĩa khí. Thấy điều gì có nghĩa thì phải dũng cảm mà làm. Khi thấy ai gặp tai nạn thì mình phải tận lực giúp đỡ, giải quyết vấn đề giúp họ. Với bạn bè thì mình phải có đạo nghĩa; khi giúp ai không cần có điều kiện gì cả, tuyệt đối không có tâm mưu đồ, mong đền ơn đáp nghĩa.

7. Liêm: tức là liêm khiết. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham cầu, cũng chẳng muốn hưởng tiện nghi. Hơn nữa mình phải có tinh thần "chí công vô tư," và biết quên mình mà làm chuyện ích chung.

8. Sỉ: tức là hổ thẹn. Gặp chuyện gì không hợp đạo lý, đi ngược lại với lương tâm của mình, thì tuyệt đối chẳng làm. Con người nếu không biết hổ thẹn thì giống như cầm thú vậy.

Hiếu, Ðễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ là tám đức tính căn bản để làm người, các em đừng quên. Trong tương lai ra đời phục vụ xã hội, các em phải: Ngôn tất trung tín, Hành tất đốc kính. (Lời nói phải trung tín, Hành vi phải cung kính.)

Hễ các em nói lời nào thì nhất định phải giữ chữ tín, đừng có nói dối; làm việc gì thì cũng phải hết sức cung kính, chân thật, tuyệt đối đừng làm cho có lệ mà thôi.

 

64

 

 

LẤY VIỆC GIÚP ÐỜI LÀM TRÁCH NHIỆM

 

Các vị cần phải lập chí lớn, làm chuyện lớn! Ðừng nên nghĩ chuyện làm quan lớn để kiếm nhiều tiền vì đó chỉ là riêng mình hưởng thụ, đối với thế giới nhân loại không có cống hiến gì cả. Mình phải nghĩ làm thế nào để xã hội được sung sướng hạnh phúc, làm thế nào để lợi ích quốc gia, làm thế nào để lợi ích toàn nhân loại. Nghĩ như vậy thì mới là kẻ đại trượng phu, là bậc anh hùng hào kiệt!

Các vị đừng ham muốn học làm thầy thuốc chỉ để làm giàu, rồi dù kẻ không có bịnh cũng cứ chích thuốc bừa để kiếm tiền, như vậy là sai với đạo lý nhân quả, tương lai sẽ đọa địa ngục. Ðừng ham làm luật sư vì nghĩ rằng nghề này kiếm ra nhiều tiền; rồi chỉ cần được trả tiền thì dù người có tội mình cũng sẽ biện hộ cho hết tội. Nếu đem pháp luật biến thành trò hề trẻ con, thì kẻ bị thua thiệt làm sao có chỗ để kêu oan? Cũng đừng ham làm nhà khoa học chỉ vì muốn kiếm được nhiều tiền mà phát minh những thứ vũ khí giết người, giết hại trăm ngàn vạn kẻ khác.

Tiền là thứ làm hại con người, làm cho con người tàn sát lẫn nhau. Người thân biến thành sơ, anh em vì tranh giành gia sản mà biến thành cừu hận; thậm chí vì tiền mà con giết cha!

Gần đây, ở Los Angeles đã xảy ra một chuyện con giết cha như sau: Có một ông nhà giàu, tài sản lên đến 600 triệu đồng; có lẽ ông ta đã kiếm ra tiền một cách không được chính đáng lắm. Y có hai người con, cả hai đều là thanh niên bất lương, bởi vì tiền cho nên chúng đã mưu sát cha mình. Các vị coi đó, tiền là vật tốt sao?

Chúng ta phải coi tiền như là phân, là đất, đừng nên bị tiền làm cho mê muội, cũng không cần phải vì tiền mà nói láo. Mình phải biết an phận thủ thường, tận lực làm việc, vì nhân loại mà tạo điều hạnh phúc. Cho nên có câu: Hy sinh tiểu ngã, nhi thành đại ngã. (Hy sinh cái "tôi" nhỏ bé này để thành tựu lý tưởng cao cả.) Ðó là chí nguyện vĩ đại, các vị hãy khuyến khích lẫn nhau.

Ởấ trường, đầu tiên các em học sinh phải học làm sao để nên người, không nên học cách nịnh bợ, a dua, xảo trá. Mình không nịnh hót người khác, cũng không thích người khác nịnh hót mình. Phải học làm sao để có học vấn chân thật, biết cách lập ngôn, lập công, lập đức, trở thành bậc anh tài xuất chúng.

Ðiều tôi nói với các em ngày hôm nay hy vọng các em nhớ lấy, đừng để nghe tai này rồi lọt qua tai kia!

 

65

 

 

CÓ CHÍ THÌ NÊN

(Vạn Phật Thành ngày 13 tháng 10 năm 1983)

 

Sau khi xuất gia, tôi phát nguyện rằng trước tiên sẽ đem kinh Phật diễn thành thể văn dễ hiểu, và sau đó sẽ dịch sang tiếng Anh. Tuy tôi không biết tiếng Anh nhưng tôi muốn tìm đủ phương pháp để phiên dịch kinh điển, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Sau khi tới Mỹ rồi thì nhân duyên thành thục, mùa hè năm 1968 tôi thành lập Ban Phật Học Giảng Tập mùa hè, mở khóa giảng Kinh Lăng Nghiêm; rồi tiện dịp bắt đầu phiên dịch kinh điển từ tiếng Hoa ra tiếng Anh. Ðến nay, nhiều bộ kinh đã được phiên dịch, song không nhất định là hoàn toàn chính xác, dù sao chúng tôi cũng đã hết sức nỗ lực.

Hiện tại, người hiểu Phật Pháp đã nhiều và người có khả năng phiên dịch cũng nhiều nữa, cho nên các vị hãy đem kinh điển đã dịch xưa kia ra sửa chữa lại, làm sao cho thật hoàn hảo, chính xác, khế hợp với ý của Phật. Ðó là ý nguyện của tôi, hy vọng các vị hợp lực cùng nhau hoàn thành công đức này.

 

66

 

 

BÀI TRỪ SẮC THÁI MÊ TÍN

(Vạn Phật Thành ngày 15 tháng 10 năm 1983)

 

Tôi có cảm giác rằng Phật Giáo Trung Hoa còn tồn tại rất nhiều hình thái mê tín, đầy dẫy chuyện không hợp lý, khiến người đời sinh hoài nghi và chẳng tin Phật. Những điều như vậy chắc chắn phải cải cách; nếu không sửa đổi một cách triệt để thì tiền đồ của Phật Giáo trong tương lai sẽ như thế nào?

Thí dụ như những kẻ tới chùa thắp hương, họ nghĩ rằng thắp càng nhiều thì công đức càng lớn, kỳ thật đó là quan niệm sai lầm. Cúng hương cho Phật là biểu thị lòng cung kính; chỉ cần mình thành tâm thắp một cây nhang là đủ rồi, cần gì phải thắp nhiều! Nếu tâm không thành thì thắp bao nhiêu nhang cũng chẳng được cảm ứng. Phật không phải là kẻ thích ngửi mùi hương, nếu Phật thích hương thơm thì cũng giống như phàm phu, chẳng có gì khác biệt. Cái phong khí như vậy cần phải sửa đổi, nếu không thì người ta hoài nghi rằng Phật tham ngửi mùi hương thơm. Cho nên vô tình mà mình đã làm đức cao thượng của Ngài bị ô nhiễm, thật là tội lỗi vô cùng!

Có những kẻ thiếu hiểu biết tới chùa lễ Phật, đó là chuyện tốt, song họ không biết lạy Phật có ý nghĩa gì. Họ chỉ biết cầu Phật phù hộ cho thăng chức, phát tài, bình an hạnh phúc, rồi cầu xin con trai con gái, cầu danh cầu lợi, cầu xin đủ chuyện; những thứ cầu đó đều là biểu hiện của lòng ích kỷ, tự lợi, chẳng hề nghĩ tới làm lợi ích cho người và cho đời gì cả. Nếu cầu Phật và Bồ Tát thì sẽ có ứng nghiệm vì các ngài không làm chúng sinh thất vọng, song có lòng mong cầu không đáy như vậy thì thật là sai lầm lắm!

Khi thấy tình hình như vậy tôi cảm xúc vô cùng. Mình phải chỉ bày những người thiếu hiểu biết đó cách lạy Phật, dạy họ rằng phải vì tín ngưỡng mà lạy Phật, vì toàn thế giới, vì cầu hòa bình mà lạy Phật. Dạy cho họ khẩn cầu bằng tấm lòng chính đại quang minh, vì người khác, chẳng vì mình, thì đó mới đúng là hành vi của người Phật tử!

Có những Thầy thiếu tri thức, tuyên truyền rằng nếu đốt vàng mã, đồ giấy, tiền giấy thì có công đức rất lớn, và cho người chết có tiền chi xài, có thể hối lộ bọn cai ngục làm giảm hình phạt. Bà con khi nghe các Thầy nói vậy thì liền mua vàng mã, tiền giấy để đốt, càng nhiều càng tốt, tin rằng Thầy nói là đúng, vì người xuất gia không biết nói láo! Nhưng bà con nào biết chuyện bí mật ở bên trong, những Thầy đó đứng phía sau để thủ lợi mà mình nào hay? Nên các vị phải hết sức sáng suốt mà suy xét, đừng để họ làm chuyện gian trá, lừa bịp tiền bạc. Thủ đoạn như vậy thật là tệ hại, thấp hèn.

Do đó, tôi muốn cải cách tập tục đốt vàng mã tiền giấy, mù quáng mê tín, để Phật Giáo đừng chịu tiếng oan rằng: đạo Phật là tôn giáo đề xướng và chủ trương chuyện đốt vàng mã, tiền giấy!

 

67

 

 

LÒNG THAM KHÔNG ÐÁY

CỦA CON NGƯỜI

(Vạn Phật Thành ngày 16 tháng 10 năm 1983)

 

Con người ai cũng có tâm tham: tham tài, tham sắc, tham danh, tham ăn, tham ngủ. Tham không đáy, chẳng biết dừng lại.

Khi con người thấy nhan sắc, hình tướng mỹ lệ, nghe âm thanh thánh thót, nếm hương vị ngon ngọt, thì tự nhiên mê đắm, rồi chắc chắn sẽ tìm đủ mọi cách chiếm cho được mới thôi. Vì nhất thời hưởng thụ mà người ta dùng mọi thủ đoạn bất chính để tranh đoạt, dù sẽ phải ân hận suốt đời; thật là đáng tiếc thay! Cổ nhân nói:

 

"Tri túc thường lạc,

Năng nhẫn tự an."

Nghĩa là:

 

"Biết đủ thì sung sướng,

Biết nhịn thì yên thân."

 

Thật là đúng thay!

Các bạn học sinh! Khi học hành thì phải nỗ lực mà học, khi rảnh rỗi chơi giỡn thì phải hết sức vui đùa; không thể làm mà không chơi, chơi mà không làm. Mình phải phát triển một cách quân bình, thì mới có ích lợi cho thân và tâm; cho nên Ðức Phật dạy rằng:

 

"Bất thiên Không,

Hữu nhị biên, thị vi Trung Ðạo."

Nghĩa là:

 

"Không lệch qua hai bên

Có và Không, chính là Trung Ðạo."

 

Mình phải biết giữ đạo lý Trung Dung, không nhiều quá cũng không ít quá, lúc nào cũng vừa đủ. Trong khi đang học hành đừng nên nghĩ rằng:

-Tại sao mình phải học?

-A! Ðể kiếm tiền.

-Vì sao phải kiếm tiền?

-Ðể hưởng thụ, để thỏa mãn sự hưởng thụ vật chất.

Nghĩ như vậy tức là mình đã bỏ gốc mà chạy theo ngọn, bỏ điều gần mà đuổi theo điều xa xôi, và quên mất những điều căn bản làm người, không biết thế nào là hiếu thuận với cha mẹ, thế nào là cung kính với thầy giáo, thế nào là có đức hạnh, thế nào là làm người tốt. Ðó là những điều căn bản làm người mà mình lại hoàn toàn quên mất!

Cho nên, nguyên nhân làm thế giới sụp đổ chính là lòng tham không đáy của con người! Nếu ai cũng không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối, thì thế giới chẳng còn khổ não nữa!

Các bạn học sinh! ỞVạn Phật Thành, Sáu Tông Chỉ này là tiêu chuẩn để mình học cách xử thế. Nếu mình chăm chỉ thực hành Sáu Tông Chỉ đó, thì mình sẽ trở nên con người khác biệt với thế tục. Mình không tranh danh, cũng không đoạt lợi; được vậy thì mọi phiền não thống khổ sẽ tiêu tan hết.

Các em phải nhận trách nhiệm sửa đổi những phong tục tập quán xấu, làm cho thế giới suy sụp hiện tại trở thành thế giới tốt đẹp. Làm sao để sửa đổi? Tức là phải dùng Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; phải dùng năm đức tính này để cải biến và tạo thành một thế giới mới. Ðó gọi là "an thiên lập địa", làm cho thế giới an lạc vậy!

 

68

 

 

BA THỨ ÐỘC TÁC HẠI

CON NGƯỜI NẶNG NỀ NHẤT

 

Con người nếu có lòng tham thì vĩnh viễn không thể sung sướng được. Không tham thì sẽ sung sướng, bởi vậy mình cần phải "chỉ tham," tức là dứt lòng tham:

 

"Tham tâm hữu như vô để khanh,

Ðiền chi nan mãn, Sân hận sanh.

Ngũ dục phân trần điên đảo tưởng,

Si nhiên bất giác, Pháp khí băng."

Dịch là:

 

"Lòng Tham lam như hố sâu không đáy,

Không thỏa mãn được thì sanh Sân hận.

Năm dục phừng phừng, suy nghĩ đảo điên,

Si mê chẳng biết, Pháp khí tiêu tan."

 

Do khởi lòng tham nên có rất nhiều người thân tàn danh hoại, nhiều kẻ khiến cho nước mất nhà tan. Quả thật tham lam là thứ hại người, chúng ta không thể chẳng cẩn thận, đắn đo.

Khởi sân hận thì mình phải biến nó thành không có, vì lửa sân có thể thiêu hủy mọi công đức. Do đó, người tu Ðạo trước tiên phải học pháp môn Nhẫn Nhục Ba La Mật; tu tới chỗ công phu chín mùi thì có thể hóa sân hận thành từ bi. Lòng sân hận cũng giống như nước đã biến thành băng, và tu là đem băng hóa thành nước, vì nước có thể lợi ích vạn vật.

Khởi si mê thì mình cần phải trừ đi để cho trí huệ hiện tiền. Vì sao mình có rất nhiều vọng tưởng? Là vì mình quá sức ngu si, mà gốc của sự ngu si chính là vô minh. Do vô minh tác động khiến mình khởi dục niệm, sinh ra đầy dẫy vọng tưởng. Khi lý trí không khống chế nổi tình cảm thì mình làm chuyện điên đảo; đó là điều hết sức nguy hiểm, khiến cho mình dễ mất đi Ðạo nghiệp. Cho nên, mình phải trừ sạch vọng tưởng thì ngu si sẽ tự nhiên tiêu diệt.

Tóm lại, lúc nào ba độc Tham, Sân, Si, mà trừ tận gốc thì lúc đó thân tâm mình sẽ thanh tịnh, không còn phiền não. Hết phiền não thì đạt được cảnh giới an nhàn. Lúc đó thì vô ưu, vô lự, vô quái, vô ngại; thật là vô cùng tự tại tiêu dao! Bởi vậy cho nên ý nghĩa rất là sâu sắc, hy vọng các vị để tâm nghiên cứu tường tận thì sẽ được lợi ích không nhỏ.

 

69

 

 

Ở VƯỜN LAN MÀ

CHĂNG BIẾT LAN THƠM

(Vạn Phật Thành ngày 16 tháng 10 năm 1983)

 

Chúng ta ở trong đạo tràng này ngày ngày học Pháp, hành Pháp, ngày ngày được khói hương xông ướp, dần dà Pháp với mình hợp lại làm một!

Phật Pháp có năm thứ hương gọi là Ngũ Phần Giới Hương: Giới Hương, Ðịnh Hương, Huệ Hương, Giải Thoát Hương, Giải Thoát Tri Kiến Hương. Ðược năm thứ hương này xông ướp một thời gian lâu thì tự nhiên mình sẽ khai ngộ. Kẻ mới tới thì cảm thấy mọi chuyện ở chùa đều chẳng tốt; hương là hương, mà ta là ta, chẳng có quan hệ gì. Nhưng nếu ở đây lâu và thường được hương xông ướp thì tự nhiên mình sẽ hòa với hương khí làm thành một thể; cho nên cổ nhân nói rằng:

 

"Dữ thiện nhân cư,

Như nhập chi lan chi thất,

Cửu nhi bất văn kỳ hương.

Dữ bất thiện cư,

Như nhập bào ngư chi tứ,

Cửu nhi bất văn kỳ xú."

Nghĩa là:

 

"Ở với người tốt,

Thì cũng giống như vào vườn lan,

ỞƯ lâu thì mình không còn biết mùi thơm.

Còn ở với người xấu,

Thì cũng giống như vào chợ cá,

Ở lâu thì mình không còn biết mùi tanh nữa."

 

Vì sao vậy? Bởi vì con người mình và hoàn cảnh bên ngoài đã hợp thành một thể rồi!

Những người có thiện căn được hương xông ướp thì có thể đột nhiên đại ngộ, cũng gọi là khai ngộ. Khai ngộ thì có gì tốt? Tức là mình hiểu được thấu suốt tất cả mọi sự việc, không còn hồ đồ, rồi phá thủng vô minh, khiến trí huệ hiển hiện. Vô minh cũng giống như một cái thùng đen thui, chẳng thấy được gì cả. Khi đã khai ngộ thì quang minh xuất hiện, phá tan cái màn hắc ám đó, và mình thấy được rõ ràng mọi chuyện.

 

70

 

 

THẾ NÀO LÀ

TAM TẠNG KINH MƯỜI HAI BỘ?

(Vạn Phật Thành ngày 17 tháng 10 năm 1983)

 

Tam Tạng tức là Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng. Kinh Tạng nói về cái học của Ðịnh, Luật Tạng nói về cái học của Giới và Luận Tạng nói về cái học của Huệ.

Sau khi Ðức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, Tôn giả Ma Ha Ca Diếp lãnh đạo 500 vị chứng quả A La Hán ở nơi Thất Diệp Quật để kết tập Ba Tạng Kinh Ðiển. Bấy giờ, Tôn giả A Nan ghi lại lời Pháp mà Ðức Phật đã dạy lúc còn tại thế và làm thành Kinh Tạng; Tôn giả Ưu Bà Ly đem những giới luật mà Ðức Phật đã dạy sắp xếp lại thành Luật Tạng; Tôn giả Ma Ha Ca Diếp đem tâm đắc của các vị đệ tử học Kinh, nghiên cứu Luật, mà kết tập lại thành Luận Tạng.

Mười hai bộ tức là 12 đề mục phân biệt văn thể của Kinh, được tóm tắt trong bài kệ sau đây:

 

Trường Hàng, Trùng Tụng tịnh Cô Khởi,

Tỷ Dụ, Nhân Duyên, dữ Tự Thuyết,

Bổn Sự, Bổn Sinh, Vị Tằng Hữu,

Phương Quảng, Luận Nghị cập Thọ Ký.

 

1. Trường Hàng: Kinh thuộc loại này thì viết bằng văn xuôi từng hàng, từng hàng.

2. Trùng Tụng: tức là nghĩa lý ở văn xuôi được diễn tả bằng thể kệ tụng, để lập lại ý chính.

3. Cô Khởi: là những bài kệ, bài tụng viết ra độc lập, chẳng liên quan gì tới ý văn phía trước và phía sau của Kinh.

4. Tỷ Dụ: là dùng ví dụ để thuyết minh nghĩa lý của kinh văn.

5. Nhân Duyên: là phần tường thuật các nhân duyên liên quan đến những chuyện xảy ra.

6. Tự Thuyết: thường thì có người thỉnh Pháp, Ðức Phật mới thuyết Pháp; duy chỉ có bộ Kinh A Di Ðà thì không có người thỉnh mà Ðức Phật tự thuyết.

7. Bổn Sinh: là phần Ðức Phật kể về quá khứ kinh lịch khi Ngài hoằng Pháp lợi sinh.

8. Bổn sự: là phần kể lại những việc mà các vị Bồ Tát, A La Hán đã làm lúc tu nhân.

9. Vị Tằng Hữu: là nói về những chuyện thần thông biến hóa mà xưa nay chưa từng nghe thấy.

10. Phương Quảng: là phần kinh phương chính quảng đại nói đến cảnh giới viên dung vô ngại.

11. Luận Nghị: là phần báo cáo về sự nghiên cứu Kinh, Luật của các vị đệ tử, hoặc là phần ghi chép lời thảo luận của Ðức Phật và các đệ tử.

12. Thọ Ký: là phần đề cập đến việc Ðức Phật thọ ký cho những vị Bồ Tát, như lúc nào thì họ thành Phật, khi nào thì họ sinh Tịnh độ, thành Phật ở cõi Tịnh độ nào, hay là những dự ngôn v.v....

Tôi giới thiệu mười hai bộ Kinh Tam Tạng đơn giản như vậy để các vị có một ấn tượng sơ khởi. Chúc các vị thâm hiểu Kinh Tạng, và phát trí huệ rộng lớn như biển.

 

71

 

 

ÐỨC LỤC TỔ

Ở ẨN NƠI NHÓM THỢ SĂN

 

Lúc Lục Tổ Huệ Năng ở chùa Ðông Sơn tại Hoàng Mai thì Ngài được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền tâm ấn. Ðức Ngũ Tổ dạy Ngài phải mau mau trở về Quảng Ðông mà giấu mình, làm kẻ ẩn sĩ, không tranh giành với đời, đừng để lộ tông tích, cũng đừng mưu cầu danh vọng. Vì nhân duyên đó nên Lục Tổ mới trốn đi; song, không phải Ngũ Tổ dạy Ngài trốn lánh nơi sơn động đừng cho ai thấy. Ðó là điểm mà mình cần phải phân biệt cho rõ ràng.

Ðức Lục Tổ trốn ở chỗ nào? Ngài gặp chỗ nào thì ở chỗ đó, lẩn trốn trong nhóm thợ săn và ở chung với họ hơn mười lăm năm. Ngài che giấu tông tích để tu hành và hòa đồng với thế tục mà dụng công tu Ðạo. Không ai đoán nổi được Ngài chính là kẻ đắc Pháp. Bấy giờ Ðức Lục Tổ còn chưa xuất gia, Ngài chỉ là một vị cư sĩ.

Chúng ta là người tu Ðạo, bất luận gặp trường hợp nào mình cũng phải "thao quang hối tích," nghĩa là che đậy công phu tu hành của mình, không nên để lộ liễu chân tướng. Như vậy thì mới có thể tu hành được. Ngược lại thì rất khó mà tu hành.

Các vị không thể đi đến chỗ nào cũng tự quảng cáo là mình có công phu như thế nọ thế kia, là mình đã tham Thiền bao nhiêu năm như vậy như kia. Chạy hết chỗ này qua chỗ khác rêu rao về sự tu hành của mình thì không phải là hành vi của kẻ xuất gia, của người tu Ðạo!

Các vị phải hết sức chân thật mà tu hành, không được tự quảng cáo cho mình, muốn người ta phải ngẩng đầu ngước lên nhìn mình kính nể; bởi vì đó là điều hết sức sai lầm, làm mất tư cách của người xuất gia! Tục ngữ có câu:

 

"Hữu xạ tự nhiên hương,

Hà nhu đại phong dương?"

Nghĩa là:

 

"Có xạ hương thì tự nhiên có mùi thơm,

Cần gì đợi có gió lớn thổi mới thơm?"

 

72

 

 

PHÁ BỎ TRI KIẾN NHÂN NGÃ,

CHIA RẼ PHẬT GIÁO

 

Hiện tại tôi cảm thấy nhiều chuyện tôi làm khi xưa sai lầm rất nhiều. Thế nào là những chuyện sai lầm? Phật Giáo đề xướng "vô ngã" nhưng tôi lại thường có cái "ngã"; bởi vì có cái "ngã" cho nên không biết đến người khác. Căn bản là phải "quên mình, quên người" mới đúng; song, tôi thì lại "nhớ mình, quên người"! Do vì quên bẵng người khác nên không biết được họ đã làm rất nhiều việc cho đạo Phật; đó là một điều sai lầm khiến tôi áy náy vô cùng.

Hiện tại, Phật Giáo Tây phương bắt đầu phát triển, các vị phải đồng tâm nỗ lực, đoàn kết nhất trí ủng hộ Phật giáo, đồng lòng hiệp sức xiển dương Phật Giáo. Mình không nên bài bác lẫn nhau, phân tông chia phái, bênh chùa mình, chê chùa khác; càng không nên phân chia màu da, quốc tịch. Bất luận là Ðại Thừa hay Tiểu Thừa, tất cả nên cùng nhau đoàn kết lại, chân thật tu hành để Phật Giáo càng ngày càng phát triển!

Các vị phải đem cái "ngã" dẹp đi, coi người và mình đồng một thể, phải tự mình làm gương cho kẻ khác, như vậy thì tiền đồ Phật Giáo mới trở nên xán lạn đặng. Cứ bước từng bước như vậy mà cảm hóa người khác; đừng dùng thế lực để uy hiếp mà phải dùng đạo đức để khiến người ta kính phục. Không ra oai, dọa nạt cho người ta sợ; càng không nên cống cao ngã mạn, tự cao tự đại, cho rằng mình giỏi hơn mọi người. Vì làm như vậy tức là vẫn còn ngã kiến, ngã chấp, ngã mạn, ngã tướng; những thứ đó nếu chưa trừ diệt thì sẽ là chướng ngại trên đường Ðạo, khiến Phật Giáo phải suy yếu dần dần và mình sẽ có tội với Phật.

Các vị phải lấy sự phục hưng Phật Giáo làm trách nhiệm của mình, không sợ gian khổ, không sợ khó khăn. Hãy vì Phật Giáo mà nỗ lực, tình nguyện hiến thân cho Ðạo mà chẳng có ý mưu đồ, tính toán. Nếu ai cũng được như vậy thì Phật Giáo làm sao không có ngày phục hưng được? Chúng ta phải giữ gìn tôn chỉ: "Lỗi của kẻ khác là lỗi của chính mình." Phải có được tư tưởng như vậy thì mới không sinh ra tâm phân biệt, chia rẽ, thì mới không có cái nhìn sai lệch. Tôi thường nói rằng:

 

"Chân nhận tự kỷ thác,

Mạc luận tha nhân phi.

Tha phi tức ngã phi,

Ðồng thể danh Ðại bi."

Nghĩa là:

 

"Nhận thật rằng mình sai,

Ðừng bàn tới lỗi người.

Lỗi người là lỗi ta,

Ðồng thể mới Ðại bi."

 

Làm được như vậy thì nhất định khắp nơi đều hòa bình, tuyệt đối chẳng có tâm tranh chấp; bởi:

 

"Sự sự đô hảo khứ,

Tỳ khí nan hóa liễu.

Chân năng bất sinh khí,

Tựu thị vô giá bảo.

Tái nhược bất oán nhân,

Sự sự đô năng hảo.

Phiền não vĩnh bất sinh,

Oan nghiệt na lý trảo?

Thường tiều nhân bất đối,

Tự kỷ khổ vị liễu!"

Dịch là:

 

"Chuyện gì cũng êm xuôi,

Tính nóng là khó nguội.

Nếu thật chẳng nổi nóng,

Chính đó, báu vô ngần.

Nếu lại không oán người,

Mọi việc sẽ êm xuôi.

Vĩnh viễn không lo phiền,

Oan nghiệt sao truy đuổi?

Cứ lén nhìn lỗi người,

Khổ mình vẫn chưa nguôi!"

Hồi xưa tôi chỉ thấy cái sai của người khác nên tôi rất đau khổ. Nay thì tôi coi mọi người đều đúng, cho nên tôi rất thoải mái. Câu "khẩu đầu thiền" của tôi là: "Mọi sự đều O.K.!" Như vậy, tất cả mọi chuyện sẽ được nhiều lợi ích, may mắn và thông suốt.

 

73

 

 

NGƯỜI TU ÐẠO

CẦN VƯỢT QUA KHẢO NGHIỆM

(Vạn Phật Thành ngày 25 tháng 10 năm 1983)

 

Kẻ học Phật Pháp nhất định phải diệt sạch tâm ích kỷ, tự lợi, đừng để bị tổn hại đến định lực của mình, mà phải chuyển thành tâm "vì Pháp quên mình," chỉ cần được nghe Phật Pháp thì dù phải bố thí thân thể, tánh mạng cũng không mảy may nuối tiếc hay hối hận. Các vị phải biết rằng:

 

"Ðạo cao nhất xích,

Ma cao nhất trượng.

Ðạo cao nhất trượng,

Ma tại đầu thượng."

Nghĩa là:

 

"Ðạo cao một gang,

Ma cao một tầm.

Ðạo cao một tầm,

Ma trên đầu ta."

 

Các vị càng muốn dụng công tu hành thì càng chịu nhiều khảo nghiệm để coi thử các vị có nhận thức được hay không. Người muốn tu Ðạo nhất định trước hết phải trừ lòng tham, chẳng còn lòng sân, và không có phan duyên.

Không phan duyên nói chung là không dùng thủ đoạn để thu nhận tiền bạc hay đồ vật của kẻ khác. Các vị nhất định phải trừ sạch lòng tham lam, sân giận, và ngu si; bởi vì nếu còn ba thứ độc này thì còn sinh ra đủ thứ phiền não!

Mỗi người không ai biết được nghiệp chướng của chính mình, nhưng khi bắt đầu chân chính tu hành thì thường sinh ra đủ thứ ma chướng; đó là vì:

 

"Yếu học hảo, oan nghiệt trảo,

Yếu thành Phật, tiên thọ ma."

Nghĩa là:

 

"Muốn học giỏi, oan nghiệt tìm,

Muốn thành Phật, trước gặp ma."

 

Hiện tại (1979), một vị "Tam bộ nhất bái" là Thầy Hằng Triều vừa mới xuất gia, lên đường đi "ba bước một lạy." Vừa biết thế nào là dụng công hành Ðạo, phản bổn hoàn nguyên, thì bỗng nhiên mẹ của Thầy sinh bịnh, phải vào nhà thương giải phẫu. Chuyện giải phẫu không phải là ngặt nghèo, nhưng khiến tâm Thầy nổi lên đủ thứ vọng tưởng, nên lạy Phật mà trở thành lạy vọng tưởng! Thật là một sự thử thách ghê gớm. Nếu tâm không vững thì sẽ bị cảnh giới làm lay chuyển. Song, tuy bên trong thì tâm động nhưng bên ngoài thì thân vẫn lễ lạy; và Thầy đã dùng ý chí kiên cường để khắc phục những vọng tưởng đó.

Các vị thử nghĩ coi, tu hành không phải là chuyện dễ! Thầy Hằng Triều cảm thấy rằng đối với những cảnh giới khác thì Thầy có thể giữ tâm không bị lay chuyển, song đối với cảnh giới này (mẹ bị bệnh) thì Thầy có phần nào không giữ tâm cho vững được. Tuy chịu không nổi nhưng Thầy vẫn tiếp tục cuộc hành trình "Ba bước một lạy," tỏ ra không bị cảnh giới làm cho lay chuyển.

Các vị tu Ðạo cần chú ý! Không thể khởi vọng tưởng được! Vọng tưởng là tảng đá cột chân người tu hành; có vọng tưởng gì thì tự nhiên có cảnh giới ấy tới khảo nghiệm. Cho nên tôi thường nói:

 

"Nhất thiết thị khảo nghiệm,

Khán nhĩ trẫm ma biện.

Ðối diện nhược bất thức,

Tu tái tùng đầu luyện."

Nghĩa là:

 

"Tất cả là thử thách,

Coi bạn xử làm sao.

Ðối mặt mà chẳng biết,

Phải luyện lại từ đầu."

 

Cũng giống như trai không buông bỏ được vợ, gái không buông bỏ được chồng, con không buông bỏ được cha mẹ, cha mẹ không buông bỏ được con cái; đó đều là những hoàn cảnh để khảo nghiệm mình. Cũng chính vì chỗ không buông bỏ được đó mà mình chẳng tu hành đặng. Khi cảnh giới đến thì mình không dễ gì vượt qua cửa ải này được. Có câu rằng: Tu Ðạo như bà bách xích can, Hạ lai dung dị thượng khứ nan. Nghĩa là: Tu Ðạo như trèo sào trăm thước, Tuột xuống dễ nhưng trèo lên khó.

Các vị suy nghĩ coi làm thế nào bây giờ? Nếu không tiến lên trước thì mình sẽ lùi lại phía sau. Tiến lên trước thì sẽ thăng tiến dễ dàng, lùi về phía sau thì rất dễ bị đọa lạc. Ði lên là con đường thiện, đi xuống là con đường ác; thật là:

 

"Nan! Nan! Nan!

Tu hành nhất tự linh nhân hàn.

Tu tảo khởi, ưng vãn miên,

Triều triều dạ dạ bất đắc nhàn."

Nghĩa là:

 

"Khó! Khó! Khó!

"Tu hành" hai chữ lạnh rét run.

Thức thật khuya, dậy lại sớm,

Ðêm đêm ngày ngày chẳng đặng nhàn!"

 

Các vị nói coi, khó hay không khó?

 

74

 

 

NGƯỜI TU ÐẠO

CẦN GIỮ GÌN THÂN TÂM

 

Người xuất gia tu Ðạo lúc nào cũng cần giữ gìn thân tâm, không thể tùy tiện phóng dật, bê bối! Ở trong đạo tràng tu hành một ngày mà không tiến bộ tức là đã thối lui, cho nên nói rằng:

 

"Nhất nhật vô quá khả cải, Nhất nhật vô công khả tạo!

 

Nghĩa là: "Một ngày có lỗi mà không sửa là một ngày chẳng tạo thêm công đức! Người xuất gia cần nghiêm giữ bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi:

 

"Hành như phong,

Tọa như chung,

Lập như tùng,

Ngọa như cung."

Nghiã là:

 

"Ði như gió thoảng,

Ngồi như chuông đồng,

Ðứng thẳng như cây tùng,

Nằm như cung giương ra."

 

Khi đi, thì phải giống như làn gió thổi nhẹ đến nỗi mặt nước trên sông không dấy động; đừng đi như cơn gió lốc vô cùng hung hãn làm cho mặt biển sóng dậy như cồn, dâng cao trăm trượng. Khi ngồi, thì phải ngồi như chuông, hết sức vững vàng; đừng ngồi giống như cái chuông đang lắc, hết lắc qua phải lại lắc qua trái, không bao giờ ngừng cả. Khi đứng, đầu và thân phải cho thẳng và nghiêm chỉnh, giống như cây tùng vậy. Cây tùng thì mọc thẳng, cao, đơn độc, không dựa vào cái gì khác. Khi nằm, thì phải nằm ở thế "kiết tường," tức là hông bên mặt ở phía dưới, cũng giống như cây cung trong tư thế được giương ra. Người xuất gia phải đặc biệt chú ý đến bốn oai nghi này.

Người tu hành không nên bạ đâu nói đó, mà phải hết sức thận trọng, ôn tồn. Ðến chỗ nào thì cũng phải làm gương cho kẻ khác, không thể cười đùa, nói càn nói bậy, vì như thế tức là không tôn trọng quy củ của đạo tràng. Người khác thấy được hành vi như vậy sẽ phê bình là những người xuất gia trong Vạn Phật Thành không thông hiểu quy củ. Với thái độ như vậy thì làm sao tu Ðạo, làm sao thành tựu được Ðạo nghiệp?

Ðừng nên vì một, hai cá nhân chẳng giữ gìn quy củ mà khiến cho danh dự của Vạn Phật Thành bị hoen ố, hủy hoại! Vạn Phật Thành là ngọn đèn sáng của Phật Giáo trên thế giới, bởi vậy, mỗi người trong đại chúng, nhất cử nhất động, nhất ngôn nhất hành, đều phải nên đặc biệt cẩn thận!

Người xuất gia tu Ðạo lúc nào cũng phải tự kiềm chế chính mình, không nên nghĩ vẩn vơ, vọng tưởng. Bất luận là vọng tưởng tốt hay vọng tưởng xấu, thảy đều phải quét sạch đi, do đó có câu "nhất niệm bất sanh." Ðạt tới cảnh giới này thì mình mới tương ưng với Ðạo được. Nếu có vọng tưởng vô ích, cho dù thân thanh tịnh mà tâm huyên náo, thì dụng công tu Ðạo thế nào được? Làm sao mà thành tựu được? Ðó thật là phí thời gian chứ nào phải tu Ðạo!

Kẻ chân chính tu hành thì tuyệt đối không có vọng tưởng. Có vọng tưởng thì có chướng ngại. Có chướng ngại thì không thể tiến bộ, rất dễ làm mình thối thất Ðạo tâm.

Tại Vạn Phật Thành, bất luận là người xuất gia hay tại gia, nếu không có chuyện cần thì đừng tới phòng ngủ của kẻ khác. Bởi vì bạn đến phòng tôi nói chuyện này chuyện nọ, rồi tôi tới phòng bạn nói chuyện thị phi thế nọ thế kia, thì sẽ lãng phí thời giờ, vô ích. Bạn không tu hành thì cũng được, nhưng bạn không thể chướng ngại kẻ khác tu hành! Chướng ngại người tu hành thì tương lai sẽ bị đọa địa ngục Vô Gián, vĩnh viễn chẳng thể khôi phục được thân người!

Ðã phát tâm tu Ðạo thì mình cần phải giữ tâm chuyên nhất, đặc biệt tiếc nuối thời gian, cho nên nói rằng: "Nhất thốn quang âm nhất thốn kim, Thốn kim nan mãi thốn quang âm."(Một phút thời gian, một tấc vàng, Vàng sao mua đặng phút thời gian?)

Lại nói rằng: "Thất lạc thốn kim dung dị đắc, Quang âm quá khứ nan tái tầm." (Tấc vàng mất đi dễ kiếm lại, Thời gian qua mất khó lòng tìm!)

Các vị cần phải nuối tiếc thời gian! Phàm là người tu Ðạo thì phải tranh thủ thời gian, đừng để lãng phí. Biết đâu trong một phút nào, một giây nào đó, các vị có thể có cơ hội khai ngộ!

Ở Vạn Phật Thành, trong lúc ăn cơm không được nói chuyện. Trước khi ăn, đại chúng niệm bài tụng cúng dường có câu: "Tán tâm tạp thoại, Tín thí nan tiêu." Nghĩa là nếu tâm tán loạn, nói tạp nhạp, thì sẽ khiến cho đồ cúng dường của thí chủ khó tiêu hóa đặng. Tuy niệm như vậy nhưng tại sao mình không giữ quy củ? Người ta nói rằng: "Vô quy củ bất thành phương viên." (Không có quy củ thì chẳng thành nề nếp được.)

Không giữ quy củ thì làm sao có trí huệ? Làm sao khai ngộ được? Cho nên Ðức Khổng Tử từng nói rằng: "Thực bất ngôn, Tẩm bất ngữ." (Ăn thì không nói, Ngủ thì không mớ.)

Ở trong Trai Ðường, khi ăn không nên nói năng ồn ào, chỉ nên chăm chú ăn; như thế thì không những hợp với quy củ mà còn hợp vệ sinh nữa. Vì ăn từ từ, nhai kỹ lưỡng thì dễ tiêu hóa, có lợi cho sức khoẻ!

 

75

 

 

KHÔNG TU GIỚI, ÐỊNH

THÌ CHĂNG SINH TRÍ HUỆ

(Vạn Phật Thành ngày 17 tháng 10 năm 1983)

 

Không tu Giới mà muốn được Trí Huệ thì thật vô lý. Tu Giới thì lời nói phải đi đôi với việc làm, việc làm theo sát với lời nói, lúc nào cũng nghiêm giữ quy luật, không làm điều gì ra ngoài khuôn phép. Giới là sợi dây dọi, là cây thước đo của người xuất gia.

Tại sao có nhiều quy luật như vậy? Tại vì người tại gia không giữ quy củ, nên nếu xuất gia thì cần phải có pháp độ, quy tắc. Không giữ Giới thì đương nhiên sẽ không có được Ðịnh lực. Giới, Ðịnh không viên mãn thì tuyệt nhiên chẳng phát chân chính Trí Huệ. Nếu có thì cũng là một loại Thế Trí Biện Thông gọi là "tiểu thông minh," chỉ khiến cho mình đi vào con đường khúc khuỷu, chật hẹp. Cái thông minh láu lỉnh đó không thể gọi là chân chính trí huệ; đối với Ðại Trí Huệ, thì đó chỉ là thứ thông minh xảo trá của loài quỷ!

Chẳng có mảy may hiểu biết sai lầm hay tà kiến thì mới là chân chính trí huệ. Nếu là người thật có trí huệ thì chuyện gì cũng không sợ bị thua thiệt, bất cứ chuyện gì chỉ nhìn qua là thấu suốt ngay.

Việc mà kẻ phàm phu không làm nổi chính là "đoạn dục, khử ái," cắt đứt ái và dục. Tại sao họ không làm nổi? Là vì họ không có chân chính trí huệ nên bị vô minh, ngu si chi phối. Nếu mình có chân chính trí huệ thì mọi sự đều được giải quyết một cách tự nhiên, tốt đẹp.

 

76

 

 

CHA MẸ LÀ TẤM GƯƠNG CHO CON CÁI

 

Thế giới tốt hay xấu là do gia đình mà ra. Gia đình giáo dục có nề nếp thì tương lai con cái sẽ xán lạn; còn gia đình giáo dục không có nề nếp thì tương lai con cái sẽ đen tối. Tuy không thể luận chi tiết nhưng đại khái thì thật trạng không có sai lệch bao nhiêu; cho nên, kẻ làm cha mẹ phải cẩn thận trong mọi hành động, mọi việc làm, không thể tùy tiện muốn làm gì cũng được.

Cha mẹ nếu không tự kiểm nghiệm hành vi thì rất dễ ảnh hưởng con cái, khiến con cái hư hỏng. Con cái không được dạy dỗ thì tương lai sẽ trở thành những phần tử xấu của xã hội, của quốc gia. Vì thế, cha mẹ phải chịu trách nhiệm về giáo dục bằng cách "dĩ thân tác tắc," tự làm gương cho con mình. Mỗi một hành động đều phải hết sức quang minh lỗi lạc, phải quên mình vì người và phải có lòng bi mẫn đối với người khác. Con cái thấy tấm gương tốt như vậy thì tự nhiên sẽ trở thành những công dân ưu tú, và tương lai sẽ giúp an định xã hội, điều khiển đất nước.

Ðời nay, những kẻ thiếu hiểu biết đã làm những việc thật đáng phải kinh ngạc. Họ dụ dỗ những thanh niên nhẹ dạ vào đường sa đọa mà những thanh niên ấy chẳng hề hay biết, còn tự cho là mình làm chuyện đúng đắn. Nên có câu:

 

"Nhất thất túc thành thiên cổ hận,

Tái hồi đầu dĩ bách niên thân."

Dịch là:

 

"Ði sai một bước, ôm hận ngàn thu,

Hối lỗi quay về, trăm tuổi đã qua!"

 

Phong khí xã hội như vậy thật là xấu xa đến cực điểm. Nếu cha mẹ mà ty tiện, hạ lưu, thì con cái cũng thành hạ lưu, ty tiện. Phàm là kẻ tu Ðạo, học Phật, thì không nên a dua với kẻ xấu, mà phải giữ thân cho thanh bạch, phải học tập tác phong của bậc chính nhân quân tử, hầu cải biến phong khí của xã hội đương thời. Các vị tuyệt đối phải biết an phận thủ thường, không tham gia vào những tổ chức bất lương, cũng không tán thành những chuyện hưởng thụ dục lạc không chính đáng. Như vậy thì mới có thể ảnh hưởng được kẻ khác cải tà quy chánh.

 

 

77

 

 

NỀN VĂN HÓA CỐ HỮU

CỦA TRUNG QUỐC

(Vạn Phật Thành ngày 5 tháng 11 năm 1983)

 

Ở Trung Hoa, làm câu đối thì âm, vận, bằng, trắc, phải cho đúng. Song hiện nay nếu dạy môn học này cho người Tây phương thì đa số chẳng hiểu rõ âm vận. Nay các vị bắt đầu học, tôi không có yêu cầu quá cao; tôi sẽ dạy cho các vị một phương pháp tuần tự mà làm. Trước hết, phải tạo nền tảng cho thiệt vững, sau đó chú ý tới vần bằng trắc cũng không muộn.

Ðối liễn là một môn học không được truyền dạy nữa nên rất nhiều học sinh hiện giờ ở Trung Hoa không biết làm, hoặc coi thường chuyện làm câu đối. Kỳ thật, môn học này là biểu hiện trí huệ của nhân loại. Ðối liễn cũng là một bộ môn đặc sắc cao độ của nền văn hóa Trung Hoa mà văn hóa Tây phương không thể nào sánh bằngđược. Lý do là vì câu đối phải căn cứ theo triết lý âm dương, thiên địa, càn khôn, nam nữ... diễn biến mà thành. Ðối liễn vừa tinh luyện, vừa có ý nồng hậu phong phú, đồng thời lại có tác dụng khai tâm mở trí.

Trung Quốc bây giờ bắt đầu chú ý trở lại chuyện làm câu đối. Ðời nhà Thanh có ông Kỷ Hiểu Lam là người rất sành làm câu đối. Thời cận đại thì văn hóa trở thành Bạch thoại (văn nói, đàm thoại), khiến Cổ văn bị lơ là. Nay các vị học môn Cổ văn, có nhiều người làm câu đối sẽ không thuần thục lắm, hoặc không có vần điệu lắm. Song, tôi sẽ sửa cho các vị, và vẫn giữ tối đa ý nghĩa cùng tư tưởng của câu đối các vị làm ra. Các vị đừng coi thường môn học đối liễn này bởi vì đó cũng là một cảnh giới vô cùng vô tận vậy.

 

78

 

 

CHÚNG SINH ÐÁNG THƯƠNG XÓT,

KHÔNG BIẾT TỰ CỨU

(Vạn Phật Thành ngày 29 tháng 8 năm 1982)

 

Con người là một phần của Phật, một phần linh tánh của Phật chớ không phải toàn thể. Ví như Phật phóng hào quang từ một lỗ chân lông, thì trong hào quang đó biến hóa ra vô lượng chúng sinh; hoặc nơi hơi thở của Ngài phóng hào quang, thì cũng biến hóa ra vô lượng chúng sinh. Hào quang của Phật có thể biến hóa ra chúng sinh, cho nên nói rằng: "Nhất thiết chúng sinh, Giai hữu Phật tính, Giai kham tác Phật."

Là người, thường trong mỗi hơi thở của mình cũng có vô số vô lượng vi sinh vật. Khi những vi sinh vật trong hơi thở của mình hô hấp, chúng cũng biến hóa ra vô lượng những chúng sinh khác. Cho nên, chúng sinh do Phật biến hóa ra khi tu hành sẽ thành Phật; còn chúng sinh do chúng sinh biến hóa ra, thì tuy khác đôi chút, nhưng rồi cũng có ngày thành Phật.

Loài súc sinh cũng có thể biến hóa ra những loài chúng sinh khác bởi vì chúng cũng có hô hấp. Trong mỗi hơi thở của chúng ẩn núp không biết bao nhiêu là vi sinh vật, mà khi được trợ duyên thì chúng sẽ biến hóa thành các loài chúng sinh khác; nếu không có trợ duyên thì chẳng biến hóa đặng.

Trong thân ta có vô lượng loại vi trùng, mỗi vi trùng là một chúng sinh. Trong mỗi con vi trùng lại có vô lượng con siêu vi trùng khác nữa; thật là: "Sinh sinh bất dĩ, Hóa hóa vô cùng!"

Lấy đó mà suy gẫm, chúng sinh lớn có thể biến hóa lớn, chúng sinh nhỏ có thể biến hóa nhỏ, mỗi thứ mỗi kiểu. Vì vậy, chúng sinh trong thế giới thì có vô lượng vô biên, càng sinh sôi nảy nở càng nhiều. Sinh sôi nảy nở cho đến khi thế giới không dung chứa được nữa, thì thế giới sẽ bị hủy diệt. Song, thế giới này bị hủy diệt thì có thế giới khác được tạo thành. Luôn luôn có chúng sinh khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo; rồi ở trong vòng điên đảo, hồ đồ như vậy.

Chúng sinh không muốn giác ngộ, lại còn cho là mình thanh tịnh, sáng suốt; cho nên sách Trung Dung nói: "Nhân giai viết dư tri, khu nhi nạp chư cổ quắc hãm tỉnh chi trung, nhi mạc chi tri tỮ dã. Nghĩa là: "Con người tự cho mình có trí huệ, chừng khi bị đẩy rớt xuống hầm rồi, thì chàng ta cũng không biết là cần phải thoát ra!" Như vậy thì thử hỏi trí huệ này có phải là ngu si chăng?

Chúng sinh cần ăn để sống. Như con cá heo được tập luyện nên biết nhảy, biết múa, biết nghe lời; đó là vì nó muốn ăn! Cho ăn thì nó làm theo lời mình, biểu gì làm đó ngay. Bởi vì tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, năm thứ dục chi phối, nên mình điên đảo mê mờ, không biết quay đầu về nhà. Rồi trên con đường nguy hiểm như vậy mình càng chạy càng xa nhà, càng xa thì càng lạc lối, lênh đênh trong biển sinh tử mà không biết quay đầu về bến. Thật đáng thương xót lắm thay!

Chúng sinh nếu không mê tiền thì cũng mê sắc; chính hai món dục này làm cho ai nấy đều quay cuồng, không thoát ra nổi. Nếu không thế thì lại say mê ăn uống, danh vọng, hoặc ngủ nghỉ. Ðó là những vọng chấp của chúng sinh. Bởi có vọng chấp nên không phá trừ được vòng điên đảo, hồ đồ. Người nào thấu rõ được sự mê đắm rồi buông bỏ đi, thì có thể được tự tại!

 

79

 

 

XUẤT GIA LÀ XUẤT CÁI GÌ?

(Vạn Phật Thành ngày 1 tháng 9 năm 1982)

 

Ðức Phật tuy là một vị Thái tử nước Ấn Ðộ nhưng đối với phú quý thế gian Ngài lại sinh lòng nhàm chán rất sâu đậm, nên Ngài muốn bỏ ngôi vua để xuất gia tu Ðạo. Ngài cũng muốn làm cho tất cả chúng sinh biết rằng tất cả mọi pháp của thế gian đều là vọng tưởng.

Thế giới này do đâu mà thành? Là do vọng tưởng của chúng sinh tạo thành, và trong tương lai thì cũng sẽ do vọng tưởng của chúng sinh mà tiêu hoại; cho nên có câu: Như thị nhân, như thị quả. (Hễ có nhân thì có quả.)

Ở trên thế gian, mọi thứ đều là vô thường biến hoại. Bồ Tát nhàm chán pháp thế gian, Phật lại càng xa lánh pháp thế gian hơn nữa. Ngài không sinh lòng nhiễm ô chấp trước pháp đó. Ngài vĩnh viễn đoạn tuyệt lòng tham ái, dục vọng thế gian. Ðiều mà người đời tham thì Phật không tham, điều người đời yêu thích thì Phật không yêu thích, bởi vì Ngài không có tham ái cho nên Ngài không có phiền não.

Phiền não mà chúng ta có bây giờ là do đâu mà sinh ra? Là do tham với ái mà sinh ra! Nếu mình không tham thì không có lòng ích kỷ, nếu không có lòng ích kỷ thì mình không có phiền não.

Tại sao mình phải tham? Tại vì mình bị dục niệm chi phối, khiến cho mình phát sinh ra lòng tham ái. Nếu có lòng tham ái mà không thể nào thỏa mãn được thì sẽ sinh ra phiền não; có phiền não thì có điên đảo; có điên đảo thì có ô nhiễm. Bây giờ mình tu hạnh thanh tịnh tức là phải làm sao để diệt trừ tất cả mọi thứ ô nhiễm.

Phật lúc nào cũng tìm cách làm lợi ích cho chúng sinh. Lúc ở trong vương cung thì Phật không tham trước mọi thứ vinh hoa phú quý; lúc xuất gia thì Ngài dẹp bỏ hết những oai nghi của người thế tục, không cùng người khác đấu tranh biện luận, cho nên Ngài đắc được Vô Tranh Tam Muội:

 

"Tranh thị thắng phụ tâm,

Dữ Ðạo tương vi bội,

Tiện sinh tứ tướng tâm,

Như hà đắc Tam Muội?"

Dịch là:

 

"Tranh là tâm hơn thua,

Ði ngược lại với Ðạo,

Khiến sanh ra bốn tướng,

Làm sao được Tam Muội?"

 

Phật an trụ nơi pháp Không Tranh. Ngài hoàn thành hạnh nguyện đã lập khi xưa, đầy đủ vô lượng công đức. Ngài dùng quang minh của Ðại Trí huệ để diệt trừ tất cả si mê trên thế gian, phá tan tất cả những sự đen tối vô minh. Ngài là phước điền vô thượng của chúng sinh ở thế gian, lúc nào cũng vì chúng sinh mà tán thán công đức của mười phương ba đời chư Phật, khiến chúng sinh được trồng phước, cầu huệ, và vun bồi tất cả thiện căn nơi Tam Bảo. Phật dùng con mắt trí huệ thấy được tất cả đạo lý chân thật, rồi lại vì chúng sinh mà tán thán công đức xuất gia.

"Xuất gia" là xuất Tam Giới gia (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), và cũng là xuất Thế tục gia. "Thế tục gia" là nhà của người đời; ra khỏi nhà người đời rồi tức là mình không còn quan niệm như người đời nữa.

"Xuất gia" cũng có nghiã là xuất Phiền não gia. Chúng ta, mỗi người trên thế gian này, đều đang ở trong cái nhà phiền não. Khi nóng giận thì mình cảm thấy rằng ăn bất cứ của ngon vật lạ nào cũng đều không có mùi vị gì cả, cho nên khi mình xuất gia là muốn xuất ra khỏi nhà phiền não.

"Xuất gia" còn có nghĩa là xuất Vô minh gia. "Vô minh" tức là không có hiểu biết rõ ràng, chuyện gì cũng không thấu suốt, làm chuyện gì cũng điên đảo cả. Do đó phải ra khỏi cái nhà vô minh.

Xuất gia cũng do nhiều động cơ khác nhau. Như ở Trung Hoa, có nhiều người vì lớn tuổi rồi mà không có thân thích để nhờ cậy, cho nên họ xuất gia để về sau có người săn sóc cho dễ dàng. Có kẻ thì vì hoàn cảnh bức bách nên xuất gia; hoặc là vì phạm pháp, giết người nên muốn đổi danh đổi tánh, đổi mặt đổi mày, làm người xuất gia để luật vua không tầm nã nữa. Có kẻ thì vì khó nuôi nên gia đình quyết định đem cho nhà chùa. Ðó là ba loại người xuất gia, có tu hành được hay không thì chưa biết; có thể họ tu được, mà cũng có thể họ chẳng tu được!

Lại có kẻ chân chánh vì vấn đề sinh tử, phát tâm Bồ đề, mà xuất gia. Hạng xuất gia như vậy nếu họ không bao giờ thối tâm thì đúng là chân chánh tu hành. Họ vì đau khổ nghĩ đến vấn đề sinh tử mà phát tâm đại Bồ đề, y chiếu theo lời Phật dạy mà tu hành.

Cho nên xuất gia có nhiều tâm trạng và hoàn cảnh khác nhau. Song, sau khi xuất gia rồi thì đừng có phạm lỗi lầm mà phải trở nên thanh tịnh, xa lìa mọi tội lỗi, khôi phục lại tâm thanh tịnh bản hữu của chính mình, vĩnh viễn ra khỏi nhà Tam Giới, ra khỏi nhà Phiền não, ra khỏi nhà Vô minh, ra khỏi nhà Thế tục.

Có người hỏi: Tại sao không có Phật đàn bà?

Trả lời: Không phải là không có Phật đàn bà. Cũng có vậy. Trong Kinh Pháp Hoa có nói rất rõ ràng rằng cô Long Nữ hiến ngọc xong thì lập tức thành Phật. Long Nữ là một cô gái, đem ngọc châu hiến Phật, hiến xong rồi thì lập tức ngay đó thành Phật. Như thế chứng minh rằng đàn bà cũng thành Phật vậy, song rất hiếm.

Còn vấn đề vì sao làm người nam, vì sao làm người nữ, thì đó là do ưa thích mà ra. Hễ ai có ý niệm thích làm con gái thì sẽ làm con gái, nếu có tư tưởng thích làm đàn ông thì sau này sẽ làm đàn ông. Ðó là nghiệp báo mà tự mình tạo ra, tự mình chịu quả, tùy theo nghiệp mà chuyển hóa. Song, cũng có người có khả năng chi phối nghiệp quả của chính họ. Họ không bị cảnh giới xoay chuyển, mà trái lại, họ có thể xoay chuyển càn khôn, làm cho nghiệp quả cải biến và làm chủ được chính họ.

Nếu mình tùy theo nghiệp thì mình không có năng lực khống chế nó. Nếu mình biết chuyển nghiệp, tức là mình có năng lực khống chế nó. Tại sao Bồ Tát lại phát nguyện? Là để khống chế giòng lưu chuyển của nghiệp. Các Ngài dùng đại nguyện để làm trụ cột, do đó mới xoay chuyển được nghiệp. Cho nên nói rằng các Ngài có thể chuyển nghiệp mà nghiệp không chuyển được các Ngài; các Ngài có thể chuyển cảnh giới mà cảnh giới không chuyển được các Ngài; các Ngài có thể chuyển quả báo mà quả báo không chuyển được các Ngài!

Thật ra, có thể khống chế được nghiệp, song phải có trí huệ. Nếu mình chỉ là thứ si mê, vô minh, chuyên làm chuyện điên đảo, thì không thể nào khống chế được nó.

Hỏi các vị rằng: "Vì sao các vị muốn làm chuyện điên đảo?" Các vị đáp: "Không biết." Vì không biết cho nên cứ chạy theo nghiệp!

Bởi vậy cho nên không phải là đàn bà không có khả năng thành Phật, cũng không phải rằng Phật là dương mà quỷ là âm. Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng Phật là thuần dương, quỷ là thuần âm, và con người là nửa dương nửa âm!

Không phải nam là hoàn toàn dương và nữ là hoàn toàn âm đâu! Nếu quả thật người nam là hoàn toàn dương thì chẳng cần kết hôn với người nữ làm gì, và nếu người nữ là hoàn toàn âm thì cũng không cần kết hôn với người nam làm gì. Bởi vì sau khi kết hôn rồi thì sẽ biến thành một nửa âm một nửa dương, không còn thuần âm hay thuần dương nữa.

Tu hành là tu đến chỗ vô lậu, tức là tới chỗ thuần dương. Nam là dương nhưng trong dương có âm; nữ là âm nhưng trong âm có dương. Do đó, sau khi kết hôn thì có năng lực sinh con đẻ cái là vì âm, dương kết hợp mới biến hóa được. Ðó là cảnh giới tương đối.

Không phải rằng nam là hoàn toàn dương hay nữ nhất định là hoàn toàn âm. Trong Kinh Dịch có nói rằng: "Nhất âm nhất dương, vị chi Ðạo. Thiên âm thiên dương, vị chi tật."

"Thiên" nghĩa là cực đoan, hễ thiên âm hay thiên dương thì có bịnh tật, tức là sai lầm rồi. Không có cực đoan thì gọi là Trung, không có biến cải thì gọi là Dung; đó là đạo lý Trung Dung. Do đó, người nam đừng cho rằng mình là hoàn toàn dương, vì nếu thế thì tại sao lại muốn kết hôn? Bởi người nam khi kết hôn rồi thì trong dương có âm, và người nữ khi kết hôn rồi thì trong âm lại có dương; đó là vấn đề âm dương trao đổi.

Bây giờ thế nào gọi là "người"? "Người" chỉ là cái tên giả. Trước kia tôi đã từng nói nhiều lần rằng lúc ban đầu chữ "người" được đặt ra để chỉ con người. Nếu lúc đầu dùng chữ "chó," thì bây giờ mình đã gọi con người là "chó" rồi! Cho nên dùng lâu thì thành thói quen, chữ "người" đó chỉ là một cái tên thôi.

Bây giờ đến câu "Nhất âm nhất dương vi nhân," nghĩa là một âm một dương là người. Trong dương có âm, trong âm có dương; trong mùa đông thì có ẩn tàng mùa hạ, cũng như trong mùa hạ cũng có ẩn tàng mùa đông. Trong mùa đông, tới một lúc nào đó sẽ sinh ra dương (đông chí); và trong mùa hạ, tới một lúc nào đó sẽ sinh ra âm (hạ chí). Một năm là sự biến hóa của âm, dương. Âm mà tới cực điểm thì thành dương, dương mà tới cực điểm thì trở thành âm. Vì vậy, con người sinh ra là dương, chết đi là âm, cũng đồng một đạo lý đó.

Chúng ta gọi mình là "con người"; nhưng lúc ban đầu nếu gọi con người là "con gà," thì chữ "gà" đó gọi quen rồi sẽ không ai cho là kỳ quái nữa. Cũng như đặt tên một đứa bé là "chó con"; khi nó lớn lên rồi, nếu ai gọi "chó con" thì nó biết đó là gọi tên nó. Ðó chỉ là một cái tên, và chỉ là cái tên giả thôi. Người họ Trương thì nói mình là họ Trương. Hỏi anh ta vì sao họ là Trương; thì đáp rằng bởi vì cha họ là Trương. Hỏi ông nội họ là gì; thì đáp rằng cũng họ Trương. Lại hỏi ông cố, ông tằng, ông tổ họ là gì, ở đâu lại; truy cho tận cùng thì anh chàng đó cũng không biết được tổ tiên của mình là họ gì nữa, bởi vì chỉ là cái tên giả mà thôi!

Do đó, đừng nên chấp trước, đừng nói rằng tôi như thế nọ hoặc tôi như thế kia. Bởi vì nói gì rồi cũng có cái "tôi" trong đó, tức là có lòng ích kỷ. Ðã có ích kỷ thì có phiền não. Nếu như không có cái "tôi" thì không có lòng ích kỷ, thế thì còn có gì phiền hà đâu?

Con người vì sao mà nóng giận? Là vì cho rằng người khác đối với mình không tốt, khinh mình, xử tệ với mình, rồi sinh ra nóng giận. Nhưng nếu họ làm gì có lợi cho mình thì mình lại vui vẻ, sung sướng. Ðó đều là bị vô minh làm cho mình động tâm vậy!

 

80

 

 

ĂN THỊT LÀ

NGUỒN GỐC CỦA TAI KIẾP!

(Vạn Phật Thành ngày 19 tháng 9 năm 1982)

 

Phật Giáo có ba thời đại là Chánh Pháp, Tượng Pháp và Mạt Pháp. Ðó là do nghiệp báo của chúng sinh chiêu cảm mà ra.

Ở thời Chánh Pháp, con người được phước báo rất lớn, rất dầy, và trí huệ cũng rất cao. Ở mặt đất thì nước giống như sữa vậy, rất bổ dưỡng, và nơi nào nước cũng rất tốt. Tới thời Tượng Pháp thì nước uống mất đi chất bổ dưỡng. Hiện tại thời Mạt Pháp thì nước không còn chất bổ nữa, trái lại trộn lẫn đủ thứ chất độc. Có người nói: "Chúng tôi uống nước đã có bỏ thuốc khử độc rồi." Tuy vậy nước vẫn còn độc, không cách gì trừ hết được.

Trên thế giới, hiện giờ chất độc càng ngày càng gia tăng, khiến cho không khí bị ô nhiễm. Vì người ta dùng chất độc quá nhiều nên độc tố thấm dần vào thân người, rồi trải qua sự biến hóa trong cơ thể, khi mình thở ra thì chất độc đó lại trở ngược về trong không khí. Hiện tại trong hư không đầy dẫy độc khí.

Chúng ta biết bom nguyên tử, bom khinh khí là thứ tối nguy hiểm, nhưng những thứ đó còn thua độc khí do miệng mình phóng ra. Bởi vậy thế giới này càng ngày càng trở nên vô cùng nguy hiểm. Vì bị độc khí đó xông ướp nên mỗi ngày con người giống như "sống trong cơn say, chết trong giấc mộng" vậy. Ăn uống, cờ bạc, rượu chè, lừa bịp, trộm cắp, không có chuyện xấu xa gì mà họ không biết làm. Ðó là tình trạng độc hại vô cùng, hết sức nguy hiểm vậy.

Bây giờ muốn thế giới tiêu hết chất độc thì phải có biện pháp gì? Tức là phải ăn chay, đừng ăn thịt! Ăn chay thì chất độc sẽ giảm bớt đi. Nếu muốn thế giới này hoàn toàn hết độc thì mọi người đừng ăn thịt, chỉ ăn chay. Bởi vì trong thịt có chất độc, mà chất độc này lại rất vi tế, nên dù ăn vào mình cũng không nhận biết được là có chất độc. Song, từ từ mình sẽ trúng phải chất độc của thịt, lợi hại đến độ không có thứ thuốc nào có thể cứu nổi, bởi vì trong thịt chất chứa sự oán hận rất sâu dày. Cho nên người xưa nói rằng:

 

"Thiên bách niên lai oản lý canh,

Oán thâm tự hải hận nan bình.

Dục tri thế thượng đao binh kiếp,

Thả thính đồ môn dạ bán thanh."

Dịch là:

 

"Ngàn năm oán hận ngập bát canh,

Oán sâu như biển, hận khó tan.

Muốn biết vì sao có chiến tranh,

Hãy nghe lò thịt, lúc nửa đêm!"

Miếng thịt trong tô canh tuy nhỏ, nhưng thật sự trong đó chất chứa sự thù hằn sâu như biển cả vậy. Người đập lộn với người, nhà này đánh nhau với nhà kia, nước này xâu xé nước kia, địa cầu này tiêu hủy địa cầu khác; gây nên chiến tranh như vậy đều là do ăn thịt mà ra. Tất cả những tai nạn đao binh, thủy hỏa, tật dịch lưu hành, đều là do ăn thịt mà thành. Nếu muốn hiểu rõ đạo lý thì lúc nửa đêm hãy tới nhà người đồ tể mà lắng nghe: lắng nghe tiếng rống đau đớn của con heo bị thọc huyết, lắng nghe tiếng khóc uất ức của con trâu hay con dê bị giết.

Tóm lại, con vật nào bị giết thì con đó khóc la rên siết. Lúc khóc la chính là lúc mà nó phóng độc khí ra. Một mặt phóng độc khí, một mặt khóc than nói rằng: "Tốt lắm! Bây giờ tụi bây giết tao, trong tương lai tao sẽ giết lại tụi bây. Nợ này chẳng bao giờ phủi sạch được! Tụi bây giết tao, tao sẽ giết lại tụi bây, tụi bây ăn thịt tao, tao sẽ ăn thịt lại tụi bây!" Do lòng oán hờn, thù hận chất chứa như vậy nên mới tạo thành đủ thứ tai họa.

Nếu con người ăn chay trường thì những oan nghiệt đó sẽ tiêu trừ, bao nhiêu đao gươm sẽ trở thành nhung gấm, sự hung hiểm sẽ trở thành kiết tường. Vì thế, mình phải tìm cách cứu vãn thời Mạt Pháp sắp tới đây!

 

DIỄN GIẢI

(1) Ðây là trạng thái bất động, không dấy khởi vọng niệm của bản tánh (như hồ nước phẳng lặng, không gợn sóng). Song, nơi bản tánh bất động ấy luôn bừng hiện trí huệ chiếu soi, quán sát mọi sự (như sự phản chiếu của mặt nước).

(2) Tam giới: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới là ba cõi phàm của những chúng sinh chưa thành Thánh cư ngụ.

(3) Tám tướng thành Ðạo: 1. _ Phật ở trời Ðâu Suất giáng sanh. 2._ Trụ thai. 3._ Xuất thai. 4._ Xuất gia. 5._ Hàng phục ma quân. 6._ Thành đạo. 7._ Chuyển Pháp luân. 8._ Nhập Niết-Bàn.

(4) 5 vị đệ tử đầu tiên của Phật là: 1._ Kiều Trần Như, 2._ Mã Thắng, 3._ Bạt Ðề, 4._ Thập Lực Ca Diếp, 5._ Ma Ha Nam Câu Lợi.

(5) Thủy Quả Hòa Thượng là tên gọi thân mật của Hòa Thượng Quảng Khâm (1892 - 1986). Ngài là vị Thánh Tăng của thế kỷ nầy. Bình sanh sống đạm bạc, khổ hạnh, thường chỉ dùng trái cây độ nhật. Ngài thường nhập định, song lấy pháp niệm Phật giáo hóa chúng sinh. Trước khi nhập tịch mấy ngày, Ngài triệu tập đệ tử để phân phú, giải đáp thắc mắc. Giây phút cuối cùng khi lâm chung, Ngài vẫn an nhiên sáng suốt, thốt ra lời bất hủ: "không có đến, cũng chẳng có đi" (bất lai diệc bất khứ) rồi mới nhắm mắt nhập tịch.

(6) Hận: lòng tức giận, thù hằn; cũng giống như ngọn lửa cháy phừng phực trong lòng.

-- Oán: lòng oán ghét. Khi ghét ai thì mình không muốn nói chuyện với y, luôn nghĩ xấu về y, luôn tìm lỗi lầm của y, và sẵn sàng trách móc khi có cơ hội.

--Não: rầu rĩ, tự đau khổ với lòng; khiến cách suy nghĩ và nói năng đầy dẫy tiêu cực, âm khí, không ai muốn gần gũi.

--Nộ: lòng giận dữ hiển hiện ra ngoài mặt, như ngọn lửa cháy rừng, không có gì có thể dập tắt nổi.

--Phiền: lòng đầy phiền toái, nóng bức, thúc giục, không yên ổn, cứ muốn làm điều nghịch lại với chân lý.


Tải về xem
Trở về
Khai Thi 2 Tiep Theo 3