kiên nhẫn hằng tâm lại tham thiền
"Tổn pháp tài, diệt công đức, Mạc bất do tư tâm ý thức, Thị dĩ thiền môn liễu khước tâm, Ðốn ngộ vô sinh tri kiến lực".
Người tu hành vì sao không thành tựu ? Ngồi cũng không tương ưng, tu pháp gì cũng không tương ưng. Tại sao chúng ta muốn làm công đức, công đức lại không có ? Vì tâm ý thức của chúng ta tác quái. "Tâm" thì khởi vọng tưởng, "ý" thì so đo tính toán, "Thức" thì khởi phân biệt. Vì "niệm" không có chuyên nhất, cho nên không có tĩnh lự.
Tọa thiền gọi là "tĩnh lự". Tĩnh lự thì phải dẹp hết các vọng tưởng. Nhưng vọng tưởng chúng ta không phải dễ mà dẹp hết được, nghiệp phong vô hình khi khởi thì nổi sóng bà đào, như sóng trong biển không khác, hết cái này rồi cái khác. Bạn nói vọng tưởng có hình tướng chăng ? Vọng tưởng không có hình tướng. Bạn cảm giác có vọng tưởng, nhưng truy cứu tỉ mỉ, thì nó không có gốc rễ. Chúng ta bình thì vọng tưởng rối rít như sóng trong biển, liên tiếp không ngừng, có lúc thì nhiều một chút, có lúc ít một chút, bất quá chúng ta không phân biệt được, vì sự sinh sống cho nên không biết có vọng tưởng. Lúc bạn tĩnh tọa đôi chút thì sẽ biết trong tâm có rất nhiều vọng tưởng. Trong tâm nghĩ bất quá nhiều việc xảy đến, như sóng trong biển đếm không xuể.
"Tổn pháp tài, diệt công đức", "Ðều do tâm ý thức ấy". Tâm niệm của chúng ta không chuyên nhất, tâm phân biệt quá nhiều, trong tám thức luôn luôn phân biệt phải quấy, dấy lên lặng xuống không cố định, tâm phân biệt của con người không có số lượng, trong tâm khởi vọng tưởng cũng không có số lượng, vì tâm, ý thức bận rộn khởi vọng tưởng. Do đó làm một chút công đức pháp tài cũng bị tổn, công đức cũng thiệt thòi.
"Thị dĩ thiền môn liễu khước tâm". Thiền môn tức là pháp môn thiền tông, không dùng tâm ý thức để làm công đức, chỉ mong sao tâm được chuyên nhất, tâm được thanh tịnh, khiến cho tâm sạch sẽ, một bụi trần cũng không nhiễm. Cho nên trong thiền tông tham thoại đầu có tham câu :"Bản lai diện mục của mình trước khi cha mẹ sinh ra như thế nào ?" Thực ra niệm câu thoại đầu này cũng là vọng tưởng. Vì sao lại muốn tìm ? Nếu trong tâm chúng ta không có một ý niệm thì cũng giống như không có vòng "cẩn cô" trên đầu Tôn Ngộ Không. Vì Tôn Ngộ Không chuyên chạy nhảy khắp nơi. Tôn Ngộ Không là một con khỉ, tâm của bạn cũng thế, nhảy nhót lung tung. Thiền tông cũng tham câu :"Niệm Phật là ai ?", tìm ai đang niệm "Nam mô A Di Ðà Phật". Có người nói :"Tôi đang niệm". Bạn đang niệm ? Bạn đã thấy qua người niệm Phật chăng ? Bạn có nhận thức được mình chăng ? Thân của bạn chỉ là bốn đại hòa hợp mà thành. Ðem đất, nước, gió, lửa phân tích ra thì ai là bạn ? Bạn lại như thế nào ? Cho nên tham câu "Niệm Phật là ai ?" cũng giống như khoan lỗ, khoan chừng nào xuyên qua thì thôi. Tham "Niệm Phật là ai ?" là một pháp môn, tham đến "Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ", lúc đó "Rõ ràng hoa liễu lại một thôn". Có thể cải câu nói lại rằng "Thiền môn không bị tâm, ý, thức chi phối".
"Ðốn ngộ vô sinh tri kiến lực". Lúc đó bạn mới có thể hiểu giác ngộ trí huệ và kiến giải vô sinh. Nếu bạn không hiểu đạo lý này, ngồi thiền cứ khởi vọng tưởng thì không thể khai ngộ. Muốn khai ngộ thì phải chuyên nhất, ngưng hết vọng tưởng trong tâm, thì chân tâm mới hiển lộ, mới có thể đắc được chân chánh trí huệ. Khai ngộ là hiểu biết, không giống như lúc trước hồ đồ. Cho nên chúng ta tham thiền không nên sợ lưng ê, chân đau, phải đem chí nguyện sắt đá ra, phải dùng kiên nhẫn và tâm thường hằng để tham thiền, phải thường hằng không đổi, kiên cố bất khuất, thời thời khắc khắc đều nỗ lực dụng công. Ðại đức cao Tăng xưa kia một khi ngồi mấy chục năm, có thể thấy rằng tu hành không giản đơn dễ dàng, hôm nay như thế này, mai như thế nọ, ngồi một ngày mà có thể khai ngộ. Cho nên mọi người phải đem tâm nhẫn nại ra, tham gia thiền thất. Phải chuyên nhất như thế nào ? Ví như bạn gái tìm bạn trai, hoặc bạn trai tìm bạn gái, phải chuyên tâm nhất chí. Nếu có thể dùng tâm thành, tâm kiên cố, từ từ tham thiền, thì không có lý nào mà không thành công.
|