Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
Trở về
 
 
 

tám gió thổi không lay

Giảng ngày 20/06/1987

Ngồi thiền tức là "Tư duy tu". Từ ba chữ này quán ra thì thấy rằng ngồi thiền không thể không có vọng tưởng, nhất định có vọng tưởng, cũng giống như sóng nước. Tại sao trong nước lại có sóng ? Vì có gió. Tại sao chúng ta ngồi thiền lại khởi vọng tưởng ? Vì trong tự tính tồn tại hư vọng, hư vọng này như gió, còn vọng tưởng thì như sóng trong nước.

Hiện tại ngồi thiền phải tĩnh lự, tức là phải ngưng bặc vọng phong (gió vọng tưởng). "Tư duy tu" tức là phải giảm bớt vọng tưởng, ngưng bặc sóng trong tâm. "Tĩnh" tức là khiến cho tâm bất động. "Lự" tức niệm lự. Niệm lự không khởi thì sinh định lực, định lực phát sinh thì trí huệ hiện tiền, có trí huệ rồi, thì thấy rõ thật tướng của các pháp, tức "Một niệm không sinh toàn thể hiện". Tĩnh lự đến cực điểm, một tơ hào vọng tưởng cũng không có, thì liền nhập định, trí huệ vốn có sẽ hiện tiền, mới thật hiểu biết đạo lý căn bản làm người, mà không bị vật bên ngoài làm giao động tâm của bạn, mới cho rằng :"Như như bất động, liễu liễu thường minh". Lúc này tám gió : Khen, chê, khổ, vui, được, mất, được khen, bị chê không thể lay động tâm của bạn.

Nếu người khen bạn, chê bạn hoặc gặp cảnh khổ (nghịch) hoặc cảnh vui (thuận), hãy thản nhiên giữ thái độ "thuận nghịch đều tinh tấn, khổ vui tâm không động". Lợi là việc lợi ích cho mình, mất là khiến bạn tổn thất ; bị chê là hủy báng ; được khen là tán thán. Nếu được "Tám gió thổi không lay thì ngồi thẳng trên hoa sen". Không bị tám gió thổi lay động thì là biểu hiện "Tư duy tu", "Tĩnh lự", không vì vật bên ngoài làm lung lay, mới hiểu rõ ngồi thiền như thế nào.
Chúng ta ngồi thiền phải càng ngày càng tinh tấn, không thể lâu ngày rồi sinh ra giải đãi, nếu giải đãi thì không thể nào thành tựu. Cũng như đi học, phải sớm tối cố gắng, trải qua mười năm "Trước cửa lạnh" nhưng vẫn thản nhiên. Cho nên :

"Mười năm khổ nhọc không người hỏi,
Khi thành danh rồi thiên hạ biết".

Người xưa lại nói rằng :

"Không thọ một phen luyện khổ công,
Sao được hương thơm ngát lỗ mũi".

"Mười năm khổ nhọc không người hỏi", phải chăng nghĩ rằng mình tương lai một khi thành danh thiên hạ đều biết ? Không phải, họ luôn luôn tha thiết mài dũa kinh sử, không nghĩ rằng phải làm cho thiên hạ đều biết, nếu có ý nghĩa như thế tức là sai lầm.

Người tu "luyện khổ công" cũng không nghĩ tương lai "hương thơm ngát lỗ mũi". Tuy nhiên họ hiểu rõ ý nghĩa này, nhưng cũng không khởi vọng tưởng như vậy. Nếu khởi vọng tưởng như thế thì vĩnh viễn không được thiên hạ biết, cũng không được thơm ngát lỗ mũi. Do đó chúng ta làm việc phải chân thật, phải đạp vững trên mặt đất, không thể cho rằng do may mắn mà được, không làm mà mong thu hoạch, đây đều là tư tưởng sai lầm. Muốn làm việc được thành công thì không thể ngồi đợi. Làm việc không phải là không phí công phu, không làm mà mong thu hoạch. Ví như ăn cơm, đói thì phải từ từ ăn vào mới no. Không thể nuốt vào mà không nhai kỹ, không những không thể trị bệnh đói mà còn khó tiêu hóa.
Chúng ta ngồi thiền phải càng ngày càng tinh tấn, như thế mới đúng là tư duy tu, là tĩnh lự.

Trở về