tham thiền không nên bị cảnh chuyển
Giảng ngày 07/06/1987
Ngồi thiền là tập định, tập định tức là ngồi thiền. Có người hỏi :"Ðả tọa tham thiền là một hay là hai ?" Thực ra đả tọa và tham thiền tuy danh từ không giống, nhưng ý nghĩa là một. Tham thiền là phải thật hiểu biết, sáng suốt không còn hồ đồ nữa, sở dĩ người hồ đồ là vì tâm chuyển theo cảnh. Cảnh giới đến không nhận thức được, cảnh giới tốt đến thì bị cảnh giới tốt chuyển ; cảnh giới xấu lại cũng bị cảnh giới xấu chuyển. Mỗi ngày chúng ta tiếp xúc đều là cảnh giới. Mắt thấy sắc đẹp liền động tâm ; mũi ngửi hương cũng bị động ; lưỡi nếm vị cũng bị động, thân xúc giác cũng bị động ; ý duyên pháp cũng bị động. Ðó đều là chuyển theo cảnh, biểu hiện không có định lực. Nếu có định lực thì luôn luôn sáng suốt. Không phải nghe người khen thì bạn cảm giác như mật ngọt ; nghe người chê thì bạn cảm giác đắng như "huỳnh liên", đó đều là bị cảnh chuyển.
Nếu có trí huệ chân thật thì không bị cảnh chuyển. Nếu không bị sáu căn, sáu trần, năm dục chuyển thì đó là có định lực, mới là chân chánh đả tọa tham thiền. Nếu ngồi thiền rồi, sau lại có nhiều tâm tham, tâm tranh, tâm cầu, tâm ích kỷ, tự lợi và nói dối. Ðây là sáu thứ bệnh, không những không giảm bớt, mà lại tăng thêm, tức chưa hiểu cách thức dụng công, như vậy rất dễ bị ngoại duyên cảm nhiễm.
Hiện nay trên thế giới có chứng "Ái tử bệnh" (AIDS) truyền nhiễm, không thuốc chữa, rất dễ truyền nhiễm. Tại sao truyền nhiễm một cách nhanh chóng ? Vì người thế gian không có định lực. Nếu người có định lực thì tự nhiên có lực đề kháng (chống lại), sinh ra tinh thần đại vô úy, cái gì cũng không sợ. Ðịnh lực có thể trị hết thảy bệnh tật, nếu có định lực thì cảnh giới bên ngoài không thể cảm nhiễm bạn được. Ðây không phải là nói có thần thông gì hết, mà là có một thứ sức lực vô hình, có thể tiêu trừ hết thảy tai nạn. Tại sao con người bị cảnh giới làm ô nhiễm ? đều vì không có định lực, mà bị truyền nhiễm. Hiện tại con người chỉ biết có "Ái tử bệnh" nhưng không biết chỉ có định lực mới trị được gốc của nó. Trong Chứng Ðạo Ca có nói rằng :
"Ði cũng thiền, ngồi cũng thiền,
Nói năng động tĩnh thể an nhiên,
Ngộ gặp đao bén thường thản nhiên,
Uống nhằm thuốc độc cũng nhàn nhàn".
"Thể an nhiên" tức là biểu hiện của định lực. Cho nên Tăng Triệu Pháp Sư trước khi bị lâm hình chém đầu, Ngài nói bài kệ rằng :
"Tứ đại vốn không,
Ngũ ấm nguyên vô ngã,
Tương đầu lâm bạch nhận,
Do như trảm xuân phong".
Nghĩa rằng :
"Bốn đại vốn là không,
Năm ấm không thật ngã,
Ðưa đầu kề đao nhọn,
Cũng như chém gió xuân".
Ðến lúc này thì bạn còn sợ cái gì ? Chánh khí thản nhiên đề kháng hết thảy cảnh giới bên ngoài đến, các vị tham thiền đả tọa, đem thân thể này tu kiện khang, thì hết thảy bệnh tật cũng không thể xâm nhập bạn được.