Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
Trở về
 
 
 

thanh tâm quả dục

Giảng ngày 22/8/1987

Lý Bạch có nói rằng :"Trong trời đất, vạn vật chỉ sống tạm trú. Thời gian trăm đời như khách qua đường. Phù sinh như giấc mộng, vui sướng được bao lâu ? ".
Con người sống trong khoảng giữa trời đất, là một trong tam tài. Tam tài là : Thiên, địa, nhân (trời, đất và con người). Tam quang là : Nhật, nguyệt, tinh (mặt trời, mặt trăng và sao). Chữ trời do chữ nhị và chữ nhân hợp thành, chữ nhị đại biểu cho âm dương hai khí, chữ nhân có hai phẩy cũng tượng trưng cho âm dương hai khí. Cho nên cổ nhân nói :"Thiên là một đại thiên, người là một tiểu thiên". Trời và người tương thông với nhau. Nếu có thể hợp đức với thiên đîa, thì nhật (mặt trời), nguyệt (mặt trăng) hợp thành minh (sáng). Tứ thời hợp tự, quỷ thần hợp cát hung, liền là Thánh nhân. Tại sao chúng ta hiện tại chưa hợp đức với thiên đîa, nhật nguyệt hợp minh, tứ thời hợp tự, quỷ thần hợp cát hung ? Vì bị khách trần phiền não chướng ngại.

Khách trần là gì ? Khách trần là đến từ bên ngoài, cho nên nói là "Khách", nếu là chủ nhân, thì không gọi là khách. Từ bên ngoài vào, lại muốn chiếm đoạt ông chủ, nhiễu loạn chủ nhân, khiến làm mất đi chủ tể, không có trí huệ. Khách trần tổng cộng có năm thứ : Tài, sắc, danh, ăn và ngủ. Dục là thứ nhiễm ô. Tự tính chúng ta vốn sáng suốt như như bất động, liễu liễu thường minh, nhưng hiện tại bị dục niệm năm dục làm nhiễm ô, chi phối con người trở thành hồ đồ, thấy sắc thì tham sắc, thấy tài thì tham tài, thấy danh thì tham danh, thấy thức ăn ngon liền sinh tâm tham ăn đồ ngon, hoặc đã no, hoặc chưa no, lại cảm thấy mệt, liền muốn đi ngủ. Con người ở trong trận năm dục thoát ra không được, đánh không vỡ. Ngủ vẫn còn tưởng nhớ năm dục, tỉnh dậy lại cũng vì năm dục mà bận rộn, không được nghỉ ngơi, bận rộn đủ rồi thì ngủ, ngủ tỉnh rồi lại bận rộn nữa. Cổ nhân có nói :"Tri túc thường lạc", nếu không biết tri túc (biết đủ) thì khổ mãi. "Năng nhẫn tự an", nếu không thể nhẫn nại được thì thường không được an lạc.
Ngồi thiền thì phải thanh tâm quả dục, đây là bước đầu của việc công phu tu hành. Thanh tâm là làm cho khách trần trầm tĩnh xuống. Giống như một chén nước đục, nếu bạn khuấy động lên thì nước sẽ đục, không thể nhìn rõ được, nhưng nếu để yên một lúc thì bụi bặm từ từ lắng xuống đáy. Ðây là công phu bước đầu hàng phục khách trần phiền não. Thân thể chúng ta ngồi trong chốc lát, hơn tạo Hằng sa tháp bảy báu. Vì trong lúc tĩnh tọa trong một sát na, có thể hàng phục khách trần, khiến năm dục bụi trần lắng xuống đáy. Cho nên có câu :

"Tâm tịnh nước hiện trăng,
Ý định trời trong xanh".

Lại nói rằng :

"Tâm bình, trăm nạn tiêu,
Ý định vạn điều tốt".
"Tâm ngừng bặc niệm giàu sang thật,
Tư dục đoạn sạch ruộng phước thật".

Nếu còn một phần tư dục thì vẫn còn là kẻ nghèo, vẫn còn lòng tham ! Tại sao con người lại tham ? Vì cảm thấy mình không đủ, nếu cảm thấy đủ thì không tham. Không tham mới là chân khoái lạc, cho nên "Tri túc thường lạc". Không biết tri túc thì thường khổ, thường lo lắng. Bạn ôm giữ những gì đã có nhưng lại sợ mất, còn những gì chưa có, lại trăm phương ngàn kế muốn đoạt được. Suốt ngày đến tối phiền não đầy dẫy, đó là nhiều khổ. Người sống thì tham cái này, tham cái kia, đến chết rồi thì làm thế nào đây ? Cho nên cổ nhân nói :

"Nếu người muốn đừng chết,
Hãy hạ thủ công phu".

Chúng ta ngồi thiền là vì việc gì ? Là vì "giả chết", phải thanh tâm quả dục, làm người sống như đã chết, mới được lìa khổ được vui, liễu sinh thoát tử.
Mọi người hãy nhìn xem, người đi học thì có phiền não của người đi học, người làm việc thì có phiền não của người làm việc, nông phu thì có phiền não của người nông phu, làm quan thì có phiền não của người làm quan, đừng cho rằng làm quan thì rất đắc ý. Mỗi người đều có phiền não riêng, nhưng lại vui chơi say đắm trong phiền não, còn cảm thấy rằng quá sung sướng thật là đáng thương xót!

Chúng ta sinh ra trong hồ đồ, chết đi cũng hồ đồ, ngủ cũng hồ đồ, tỉnh lại cũng hồ đồ. Sống như thế có giá trị gì ? Ðó có phải là không muốn làm người chăng ? Không phải, nhưng bạn có muốn biết sinh từ đâu đến ? Chết đi về đâu chăng ? Có người nói :"Tôi biết làm thế nào để chết đi, hoặc uống thuốc độc, hoặc nhảy xuống sông, hoặc thắt cổ. Không biết phải vậy chăng ?". Ðó gọi là tự tử, không những không được giải thoát mà còn tăng thêm tội nghiệp. Do đó, ngồi thiền phải nghĩ tưởng biện pháp, tương lai lâm chung thì thân đừng bệnh khổ, tâm không tham luyến (Tài, sắc, danh, ăn, ngủ), ý không điên đảo, như nhập thiền định, hoặc cười mà đi, hoặc tự nhiên mà đi, hoặc thấy Phật Di Ðà tay cầm hoa sen đến tiếp dẫn, biết trước giờ phút lâm chung, biết trong cuộc đời những gì đáng làm đã làm xong. Tu hành thì phải vì như thế, nếu không biết những sự việc như thế thì hồ đồ cả một đời, cũng không được nói chết rồi thì hết. Một đời hồ đồ đã qua, đời sau tái sinh lại hồ đồ nữa, như vậy thì vĩnh viễn vẫn hồ đồ, thật là đáng thương xót !
Chúng ta ngồi thiền, học Phật là muốn không hồ đồ, muốn chân chính hiểu biết về bản thân bộ máy hóa học này, làm thế nào kiến lập lại bộ hóa học, nghiên cứu chân khoa học sở dĩ nhiên. Bạn đi tìm khoa học bên ngoài là bỏ gốc theo ngọn. Nếu bạn hiểu bản thân rồi thì đắc được trí huệ. Học Phật tức là học đại trí huệ, làm bậc đại trượng phu trong nhân gian.

Trở về