thu hồi phóng tâm
Giảng tại Kim Sơn Tự ngày 04/04/1987
Con người mới sinh ra, đều không nghĩ gì hết, chỉ biết ăn. Do đó khi trẻ con đói, bạn không cho nó uống sữa, nó liền khóc lên. Con người lớn lên, từ từ học nghĩ, tức nhiên hình thành tập quán, bạn muốn nó không nghĩ cũng không dễ dàng được. Do đó, mục đích tham thiền là đừng khởi vọng tưởng. Cho nên "chế tâm một chỗ, không việc gì mà chẳng xong". Phải chế tâm lại một chỗ, thu hồi tâm lại.
Trước kia tâm phóng đi mà không biết trở về, bây giờ phải thu hồi nó lại, ngưng bặc tất cả vọng tưởng, nhưng không phải dễ. Bạn muốn nó đừng nghĩ, nhưng nó vẫn cứ nghĩ. Bình thường nghĩ đông nghĩ tây, tập quán thành tự nhiên. Khi có dịp ngồi tĩnh tọa, thì lúc đó bạn kêu nó đừng nghĩ tưởng thì khó vô cùng. Tuy nhiên khó cũng phải thu hồi "phóng tâm", khiến nó đừng tưởng nghĩ.
Nếu muốn tâm đừng nghĩ tưởng, trước phải tìm một vật gì cho nó. Vì tâm chúng ta cũng giống như con khỉ, chơi hết cái này lại chơi cái khác. Bạn muốn kêu nó đừng chơi, nhưng nó không thể dừng lại. Hiện tại muốn tìm một vật cho nó chơi thì hãy tham thoại đầu "Niệm Phật là ai ?" phải dùng tâm đi nghiên cứu, niệm Phật là người nào ? Ðây gọi là khởi "nghi tình". Cho nên "nghi ít ngộ ít, nghi nhiều ngộ nhiều, không nghi không ngộ", mà tham thiền thì phải khai ngộ.
Khai ngộ là gì ? Có một số bàng môn ngoại đạo, tự cho mình khai ngộ, bèn đăng báo quảng cáo cho rằng đó là tin tức mới. Ngày xưa, không có báo chí, do đó chưa nghe qua Tổ Sư ngày xưa phát biểu tin tức, nói qua họ đã khai ngộ. Khai ngộ không phải là tự mình nói, phải nhờ vị thiện tri thức chứng minh mới đúng. Nhưng hãy mở mắt thật to mà xem, hiện tại có được mấy vị thiện tri thức đã khai ngộ ? Do đó tự cho mình khai ngộ là hoàn toàn sai lầm.
Lúc trước tôi có gặp qua một người, y nói y đã khai ngộ. Tôi nói với y rằng :"Bạn nói bạn khai ngộ, vì bạn cho rằng đây là danh từ tốt đẹp, cho nên bạn mới mạo xưng khai ngộ, nếu như là một danh từ xấu thì bạn không thể nói bạn khai ngộ". Nếu bạn nghĩ mang danh từ khai ngộ là tốt, thì nhất định phải thật khai ngộ mới đúng. Không thể giả mạo tự xưng đã khai ngộ.
Ngồi thiền thì thu hồi phóng tâm lại. Hiện tại không biết tâm chạy đi đâu, cho nên phải tham "Niệm Phật là ai ?" tham đến khi hiểu được, thì liền chân chánh thấu hiểu, mà có chỗ khai ngộ. Tuy nhiên thật sự thấu hiểu, cũng không thể tự mình chứng minh, phải có vị thiện tri thức chứng minh con đường bạn đi là đúng, như thế mới có thể được.
Hiện tại mọi người đều luyện tập ngồi, tốt nhất là ngồi tư thế kiết già, nếu không thể ngồi kiết già được thì ngồi bán già. Phải ngồi đến hai chân chịu nghe lời, có thể ngồi một, hai đến năm, sáu giờ mà cũng không đau, thì lúc này tham thiền mới tiến bộ, mới có thể có chỗ lãnh hội, có sở khai ngộ. Khai ngộ không phải là chỉ dụng công một hai ngày. Cũng giống như đi học, phải học tiểu học mấy năm, rồi lên trung học. Xong trung học rồi mới đến đại học, xong đại học rồi đến bác sĩ, tiến sĩ, phải trải qua thời gian lâu dài. Tham thiền cũng thế. Do đó mọi người phải bỏ ra một phen thời gian dụng công tham thiền.
Có người nói : "Tôi không có nhiều thời gian". Tuy nhiên bạn không có nhiều thời gian, nếu bạn có thể ngồi trong chốc lát thì công đức cũng vô lượng. Kinh nói rằng :
"Nếu người tĩnh tọa trong chốc lát,
Hơn xây Hằng sa tháp bảy báu".
Bạn kéo tâm lại, không cho khởi vọng tưởng, trong chốc lát cũng được vô lượng công đức. Vì xây tháp bảy báu là công đức bên ngoài, còn tĩnh tọa, không khởi vọng tưởng là công đức vô lậu, cho nên so với công đức xây tháp thì thù thắng hơn. Do đó mọi người phải đem thời gian ra mà luyện tập ngồi thiền.