Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Ai là triệu phú....
 
 
Ngày 9 tháng 1 năm 2007, trong trò chơi “Ai là triệu phú” trên đài Truyền hình VTV3 Hà Nội, do MC Lại Văn Sâm điều khiển, người được mời lên chiếc “ghế nóng” tham dự chương trình là cô Nguyễn Thị Tâm, 27 tuổi, giảng viên trường Đại học Sư phạm thành phố Thái Bình.
 
Câu hỏi nguyên văn như sau: “Trong tứ trụ của Tự Lực Văn Đoàn: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng; ai là người không phải anh em ruột với ba người kia?”

Cô giảng viên Đại học Sư phạm suy nghĩ một lát rồi nói:
- Tự Lực Văn Đoàn, tôi chưa nghe nói đến bao giờ cả. Hình như đó là một gánh cải lương. Còn Nhất Linh chắc chắn là một nghệ sĩ cải lương. – Riêng Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng… tôi không biết ba ông này có phải nghệ sĩ cải lương như Nhất Linh không.
- Vậy chị kết luận ai không phải anh em ruột với ba người kia?
- Tôi đề nghị cho tôi được hưởng quyền trợ giúp, gọi điện thoại cho người thân.
- Chị muốn gọi cho ai?
- Cho anh Nam, một bạn đồng nghiệp cũng dạy trong trường. Anh Nam là người đọc rất nhiều sách, kiến thức rất rộng, chắc chắn anh ấy biết.
 
Phòng máy liên lạc với người tên Nam đang chờ sẵn ở nhà để trợ giúp, “cứu bồ” cho cô Tâm.

Cô Tâm lập lại câu hỏi như chương trình đã hỏi: “Trong tứ trụ của Tự Lực Văn Đoàn…”, “Anh cho em biết Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, ai không phải là anh em ruột với ba người kia…” Đầu dây có tiếng trả lời rất lớn và dứt khoát, nghe rõ mồn một:
- Hoàng Đạo, Hoàng Đạo không phải là anh em ruột với Nhất Linh, Thạch Lam và Khái Hưng.
- Chắc chắn không anh?
- Chắc trăm phần trăm.
- Ba mươi giây của chị đã hết. Xin chị cho biết câu trả lời.
- Tôi tin vào kiến thức của người bạn đồng nghiệp của tôi. Tôi trả lời, Hoàng Đạo không phải anh em ruột với ba người kia.
- Chị quyết định như thế?
- Vâng, câu trả lời của tôi là phương án B, Hoàng Đạo.
- Sai. Giải đáp của chúng tôi là phương án D, Khái Hưng. Khái Hưng không phải anh em ruột với Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam. Hoàng Đạo tên thật là Nguyễn Tường Long, sinh năm 1906, em ruột nhà văn Nhất Linh, anh ruột nhà văn Thạch Lam. Như vậy phần thưởng của chị từ năm triệu đồng còn lại một triệu đồng. Nhưng không sao, chúng ta lấy vui làm chính. Xin cám ơn chị đã tham dự chương trình.
 
Câu chuyện về cô giáo giảng viên trường Đại học sư phạm thành phố Thái Bình thật ra không có gì lạ trong nền giáo dục Việt Nam bởi lẽ chương trình giáo dục không hề có bốn chữ Tự Lực Văn Đoàn mặc dù đây là một nhóm tác giả quan trọng bậc nhất trong nền văn học hiện đại của Việt Nam. Điều làm cho Tự Lực Văn Đoàn bị gạt ra khỏi dòng văn học là chủ trương chính trị của nó. Nguyễn Tường Tam, thủ lãnh của nhóm cũng là một chính khách với quan điểm chính trị đi ngược lại hoàn toàn quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam.
 
Tự Lực Văn Đoàn

Tự Lực Văn Đoàn chủ trương đổi mới văn học, nâng cao dân trí, chống cường quyền phong kiến, bài thực dân, trong đó không quên những người cùng khổ và bị áp bức dưới bất cứ hình thức nào. Sức mạnh của Tự Lực Văn Đoàn bắt đầu từ sự ủng hộ của trí thức tiểu tư sản sau đó lan rộng trong quần chúng bình dân và ảnh hưởng trực tiếp tới nền báo chí An Nam đang có xu hướng hòa nhịp cùng đời sống đô thị.
 
Chẳng những tại miền Bắc Tự Lực Văn Đoàn bị cấm xuất hiện nhưng sau năm 1975 ngay cả khi hai miền Nam Bắc đã hoàn toàn thống nhất thì số phận của nó cũng không may mắn gì hơn, vẫn bị vùi dập, che dấu và cấm đoán ngay trong từng tù sách gia đình. Những tên tuổi như Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng, Hoàng Đạo… hoàn toàn biến mất trong mái trường xã hội chủ nghĩa, mãi tới hơn hai mươi năm sau một vài tác phẩm của họ mới được in lại từ những chiếc máy in của nhà nước với nội dung bị cắt xén cho vừa với tầm nhìn của cách mạng vô sản, vốn bất đồng với các tác giả này.
 
Aki Tanaka

Vậy mà từ nước Nhật xa xăm, lại xuất hiện những con người yêu văn hóa Việt Nam trong đó Tự Lực Văn Đoàn được nhắc tới như một dấu son của nền văn học Việt.

Một trong những người ấy là cô sinh viên Aki Tanaka.
Từ Tokyo, Aki Tanaka đã lặn lội tới Việt Nam, tìm hiểu về Tự Lực Văn Đoàn với mục đích học chữ Việt để rồi mê đắm nó đến nỗi bỏ hơn 13 năm theo dõi, nghiên cứu, viết tham luận rồi luận án về Tự Lực Văn Đoàn. Aki đã bay sang Hoa Kỳ nơi có khá nhiều tư liệu lẫn thân nhân của các tác giả để từ đó thấy yêu mến thêm nhóm tác giả đặc biệt này.

Mặc Lâm có duyên may gặp Aki Tanaka tại California trong lần cô sang Mỹ tìm kiếm thêm tư liệu về nhà văn Khái Hưng, người mà Aki Tanaka đặc biệt yêu thích. Cuộc phỏng vấn ngắn nhằm mang cô sinh viên người Nhật này tới gần với người Việt Nam hơn bởi cô đáng được người Việt mở lòng ra đón nhận như một người bạn chân thành của văn hóa Việt.
 
Aki Tanaka, trước tiên cho biết thời gian đầu cô tới Việt Nam:
Aki Tanaka: Khoảng năm 2000 khi sang Việt Nam tôi đã gặp ông Huy Tưởng thì ông ấy nói nếu Aki muốn học tiếng Việt thì nên tìm đọc Tự Lực Văn Đoàn để biết được tiếng Việt chính xác cho nên tôi đã tìm mua các cuốn sách về Tự Lực Văn Đoàn. Ban đầu thì tôi không hiểu hết, chỉ hiểu sơ sơ thôi nhưng mà đã cảm thấy tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn rất hay cho nên tiếp tục mua sách Tự Lực Văn Đoàn. Ước mơ của tôi là muốn nghiên cứu về Tự Lực Văn Đoàn nhưng lúc đó cảm thấy là điều thực tế chỉ là ước mơ thôi.
 
Mặc Lâm: Aki vừa nói là tìm mua những cuốn sách Tự Lực Văn Đoàn trong nước, không biết là sách cũ đã được in từ xưa hay những cuốn vừa được in lại trong nước?

Aki Tanaka: Tôi chỉ mua được sách tái bản thôi lúc đó không để ý là sách của nhà nước in hay sách cũ nó có gì khác nhau hay là sự khác biệt như thế nào cho nên chỉ mua được sách tái bản thôi.
 
Mặc Lâm: Sau này khi nghiên cứu sâu về Tự Lực Văn Đoàn thì Aki có thấy sự khác biệt nào giữa bản in gốc và bản in đã được in lại sau năm 1975 và nếu có thì những khác biệt ấy có quan trọng không?

Aki Tanaka: Dạ có. Tôi có học với thầy giáo người Nhật thì thầy này sử dụng sách cũ là sách trước 75 còn tôi thì cầm sách tái bản mới. Cuốn tôi thất vọng nhất là cuốn Đời mưa gió. Khi hai người đọc chung với nhau thì chúng tôi phát hiện sách tái bản và sách gốc nó khác biệt nhau. Tôi thấy nếu mình nghiên cứu văn học Việt Nam mà có sự khác biệt quá nhiều như thế này, mà mình là người phân tích mà tài liệu sai thì rất nguy hiểm cho việc nghiên cứu của mình.
 
Mặc Lâm: Khi Aki sang Mỹ để tìm gặp thân nhân những người trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn thì Aki đã gặp được ai và câu chuyện gặp gỡ ấy như thế nào?

Aki Tanaka: Hai năm trước có một buổi hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn tại Mỹ lúc đó gia đình con cháu của nhóm Tự Lực Văn Đoàn tập họp lại cho nên lúc đó tôi gặp được nhiều người nhưng lúc đó tôi không có dịp nói chuyện nhiều với họ. Tháng Ba năm nay tôi có dịp thăm riêng ông Nguyễn Tường Triệu là con nuôi của ông Khái Hưng và Nguyễn Tường Thiết là con trai út của ông Nhất Linh. Tôi đã thăm được hai người này.
 
Mặc Lâm: Về ông Nguyễn Tường Thiết là con ruột thì đã đành rồi riêng về ông Nguyễn Tường Triệu là con nuôi của Khái Hưng thì Aki có nắm vững những nhận định hay lời kể lại của ông Triệu có chính xác và phù hợp với những gì Aki tìm hiểu không?

Aki Tanaka: Aki cũng biết được sơ sơ thôi vì lúc ông Khái Hưng mất thì ông Triệu còn rất nhỏ cho nên ông Triệu không biết gì nhiều. Tuy nhiên ông Triệu có cung cấp một số tài liệu cho Aki.
 
Mặc Lâm: Trong khi nghiên cứu Tự Lực Văn Đoàn và có dịp gặp gỡ hay thông qua tư liệu thì tác già nào trong nhóm làm cho Aki ấn tượng và yêu thích nhất?

Aki Tanaka: Tôi rất thích ông Khái Hưng. Lý do ông là người có tư tưởng sâu sắc nhất trong Tự Lực Văn Đoàn cho nên đọc tác phẩm của ông thì thấy rất hay.
 
Mặc Lâm: Nhưng rất nhiều người cho rằng ông Nhất Linh là người lãnh đạo của nhóm và là linh hồn của Tự Lực Văn Đoàn … Aki thấy thế nào về tác phẩm của ông?

Aki Tanaka: Theo tôi thì Nhất Linh là một người hành động, ông có cái ý tưởng cách mạng tuy nhiên so với ông Nhất Linh thì ông Khái Hưng là người suy nghĩ và theo sự tìm hiểu của tôi thì ông Khái Hưng không quan tâm mấy đến chính trị.
 
Mặc Lâm: Trong một thời gian khá dài sống ở Việt Nam Aki quan sát và thấy giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là sinh viên khoa văn họ có chú ý tới Tự Lực Văn Đoàn hay không?

Aki Tanaka: Tôi thấy họ không chú ý đâu. Tôi nói chuyện với bạn bè đồng nghiệp với cái ý là tôi thích Tự Lực Văn Đoàn nhưng bạn bè đồng nghiệp của tôi lại không biết Tự Lực Văn Đoàn là ai nữa! Bây giờ ở Việt Nam không giảng dạy tác phẩm của nhóm này cho nên không ai biết, không được ai quan tâm đến.
 
Mặc Lâm: Có một thời gian rất dài Aki đã sang Mỹ tiếp xúc với người viết văn hay hoạt động văn hóa…Aki thấy họ có còn tha thiết khi nói về Tự Lực Văn Đoàn nữa hay không hoặc thời gian đã quá lâu khiến họ dần dần quên Tự Lực Văn Đoàn luôn, không giống như cách đây 40 năm?

Aki Tanaka: Do tôi tiếp xúc với nhiều người làm văn nghệ cho nên họ thường bảo rất còn quan tâm tới Tự Lực Văn Đoàn và họ muốn bảo tồn tác phẩm của nhóm này cho con cháu để sau biết được việc làm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn cho đời sau. Tôi cảm thấy như vậy
 
Mặc Lâm: Aki cũng có bạn bè người Nhật yêu mến văn hóa Việt Nam trong số họ có ai nghiên cứu về Tự Lực Văn Đoàn như Aki hay không?
 
Aki Tanaka: Thầy cũ của tôi đã nghỉ hưu rồi ông ấy hồi trước cũng có nghiên cứu về Tự Lực Văn Đoàn trong trường đại học của tôi và ông cũng đã dạy Tự Lực Văn Đoàn cho sinh viên Nhật. Nhưng bây giờ vị giáo sư mới không quan tâm tới Tự Lực Văn Đoàn nên không dạy nữa cho nên sinh viên không biết gì về Tự Lực Văn Đoàn nữa
 
Mặc Lâm: Một lần nữa xin cám ơn Aki Tanaka rất nhiều và hy vọng những công trình nghiên cứu của Aki về Tự Lực Văn Đoàn sẽ mang lại nhiều kết quả mong đợi.

 
Mặc Lâm, biên tập viên RFA

2015-09-05

__________________


Đỗ Hứng gởi