Ai NGỜ NGƯỢC LẠI
Chung Ju Yung, cố chủ tịch của Hyundai xuất thân từ gia đình nông dân, ở nhà chăn bò cho cha cho tới khi bỏ nhà ra đi lập nghiệp. Nên kể cả khi trở thành một nhà công nghiệp, ông vẫn thấy hạnh phúc nhất khi nhìn thấy những mảnh ruộng đầy lúa.
Cha ông cả đời chỉ mong có mảnh ruộng rộng rãi để cấy cày. Và tới chết, người cha đó không bao giờ được toại nguyện.
Vì thế nên khi Tổng cục phát triển đất đai của Hàn thành lập ra và muốn tạo ra một vùng đất rộng lớn bằng việc lấn biển tại vịnh Cheonsu, Seosan, tỉnh Chungnam, ông Chung đã hăng hái tham gia dự án vì muốn làm cho hương hồn cha vui lòng. Thời ấy, những năm 1980, người Hàn rất thiếu lương thực và thiếu đất canh tác.
Nhiệm vụ của Hyundai là làm một con đê chắn sóng. Trong khi vùng biển ở vịnh này, chỗ phải làm đê nước chảy dữ dội. Nếu xây xong cũng sợ nước cuốn trôi cả con đê.
Hyundai đã nghĩ ra cách khai thác những tảng đá to, nặng 4-5 tấn rồi xâu chuỗi vào nhau và ném xuống biển để làm đê. Phần B của con đê dài 6400 m nhưng có mấy trăm m rất khó khăn vì nước dữ quá. Ông Chung kể "Tảng đá to bằng chiếc xe hơi vừa được ném vào ngay tức khắc bị cuốn đi chẳng để lại dấu vết gì. Những tảng đá lớn được nối bằng dây sắt với nhau rồi thả xuống nhưng chẳng khác gì đút bánh qui cho voi ăn."
Cuối cùng ông Chung nhớ ra ông đã mua 1 con tàu cũ của Thụy Điển giá 3 tỷ won nhằm mục đích tháo dỡ sắt vụn. Nhưng nay khỏi cần, mang luôn con tàu to khủng 230.000 tấn, dài 300m, rộng 45m và cao 27m đó ra chặn vào dòng nước xiết, rồi đổ đá tảng 2 bên. Cách này giúp cho công ty ông tiết kiệm 29 tỷ won, mà lại làm cho đê ngăn sóng xây xong.
Công trình này xây từ 1982 tới 1984 thì đưa vào sử dụng. Kết quả Hàn Quốc có thêm hơn 100 triệu m2 đất. Nếu bao gồm cả diện tích của hồ chứa nước thì tất cả gần 160 triệu m2. Mà hồi đó chia đều cho người Hàn thì mỗi người sẽ được 3,3 m2.
Chỉ 2 năm sau, khu khai hoang Seosan từ lấn biển đã thành mảnh đất nông nghiệp cơ khí hóa với qui mô lớn. Ngoài hiệu quả trực tiếp là mở rộng lãnh thổ và tăng thêm nguồn lương thực còn là sự gia tăng công ăn việc làm. Mỗi năm tạo việc làm cho 6,6 triệu người.
Đó là công trình thay đổi bản đồ Korea mà ông Chung tham gia, với ý nghĩa tạo thêm đất đai cho nông dân, tạo công ăn việc làm cho họ chứ không phải lấy mất đi những mảnh đất ít ỏi của họ.
"Tôi ôm ấp giấc mơ biến mảnh đất này thành nơi sản xuất lương thực nhiều hơn cả California - nơi sản xuất lương thực nhiều nhất của Mỹ. Tôi còn mơ sau khi từ giã công việc kinh doanh, tôi sẽ lái máy cày trên cánh đồng này và sống cuộc đời còn lại của mình tại đây. Vì thế tôi rất tâm huyết với dự án này." ông Chung nói.
Chỉ cần một vài con người nhiệt huyết, có tâm và có tầm như ông Chung, đã làm cho đất nước ông có bao cơ hội phát triển, người dân thoát khỏi cảnh lầm than.
Thật kính trọng ông.
Nguyễn Thị Bích Hậu
_________________
Đỗ Hứng gởi