Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
AI SANH RA ĐỜI CŨNG CÓ MÊ LẦM
 



Chúng ta sanh ra trên cõi đời này đều được Phật gọi là chúng sanh, là phàm phu. Mà gọi là chúng sanh tức có mê lầm, mê lầm tức là vô minh. Nếu không có mê lầm, không có vô minh thì không gọi là chúng sanh, không gọi là phàm phu; chính vì có mê lầm, có vô minh nên mới gọi là chúng sanh là phàm phu, nếu không thì chúng ta là thánh nhân hết.

Bởi chính do mê lầm nên mới tạo nghiệp. Nghĩa là chúng ta không biết rõ được lẽ thật nên mới tạo nghiệp rồi chịu khổ. Danh từ chuyên môn của nhà Phật gọi là Hoặc, Nghiệp, Khổ. Do mê lầm nên tạo nghiệp rồi chịu khổ. Như có những điều không nên làm mà chúng ta lại làm, còn có những điều đáng làm chúng ta lại không làm.

Thí dụ như sân hận là xấu hay tốt, là nên hay không nên làm? Nhưng mà gặp việc cũng sân thì đó do mê lầm thành ra mới chịu khổ. Sỡ dĩ làm như vậy cũng bởi vô minh chấp ngã mà ra, vì bản ngã mà chúng ta sẵn sàng làm. Có khi làm những điều tổn thương đến người khác, đến vật khác mà vẫn làm, chỉ vì tính chấp ngã của chúng ta. Trong khi chúng ta lại không chịu ai làm tổn thương đến mình, chúng ta làm tổn thương đến người thì được nhưng người ta làm tổn thương đến chúng ta thì không được. Tại sao?

Tại vì chúng ta quý cái bản ngã của mình. Cho nên, chửi mắng, nói nặng người khác thì được nhưng bị người khác nói nặng lại thì không chịu. Cũng như người thế gian có khi giết hại sinh mạng người khác thì được, còn sinh mạng mình bị chạm đến thì không được. Vậy lẽ thật nằm chỗ nào?

Bởi vậy, mỗi người hãy quán xét kỹ để thấy được lẽ thật rồi chuyển hóa tu tập. Tại sao người lấy tài sản của mình thì không vui mà mình lại đi lấy tài sản của người về cho mình. Chúng ta biết làm vậy thì người không vui nhưng vẫn làm, đó là những thứ mê lầm chấp vào bản ngã nên chúng ta làm những việc gọi là không nên làm mà vẫn làm.

Một hôm, Đức Phật cùng các vị Tỳ-kheo đi khất thực nơi vùng nông thôn. Gặp đám trẻ đang bắt cua ở dưới ruộng rồi đem lên chơi trò cho chúng chạy đua với nhau, con nào thua thì bị phạt bẻ càng. Thử nghĩ nếu con nào thua chừng 10 lần thì bị bẻ hết càng và chân, khi con cua không thể bò được nữa thì chúng lấy chân giẫm đạp bỏ xuống ruộng. Những con thắng nó cũng bẻ càng bớt để chấp mấy con kia.

Phật thấy trò chơi quá tàn nhẫn, mới kêu lại bảo: “Này các con! Thôi các con hãy dừng lại, đừng có chơi trò chơi như thế. Thí dụ như các con bị chặt cái chân, hay gãy cái tay thì các con có đau không? ” Chúng nó nói: “Dạ đau”. Phật bảo: “Con cua cũng vậy, nó bị các con bẻ gãy càng, gãy chân thì nó cũng đau như các con, các con có biết không?” Lũ trẻ nghe thế nó cũng cảm biết được việc làm không tốt của mình nên làm thinh, không trả lời.

Phật nói tiếp: “Con cua nó cũng biết ăn uống, nó cũng có cha mẹ, anh chị của nó như các con. Mà các con làm khổ con cua như thế, thì các con cũng sẽ làm khổ luôn cha mẹ và anh chị của nó. Cũng như mỗi khi các con đau ốm thì cha mẹ, hay là anh chị của các con cũng phải lo lắng buồn khổ. Con cua mà bị gãy chân đi không được, tức là nó không kiếm ăn được thì nó sẽ còn khổ gấp mấy lần nữa. Thôi thì các con đừng có chơi dại dột như thế nữa”. Bọn trẻ nghe đến đây thì tỏ vẻ hối hận.

Đức Phật khéo nhắc làm như vậy là làm khổ đau cho con cua, thì chúng ta cũng phải nhớ lại là chính mình cũng vậy. Có khi mình bị chặt cái chân, hay mình bị trầy da cũng thấy đau, vậy mà mình bẻ càng, bẻ cẳng con cua mà không thấy đau sao?

Có khi mình đau ốm thì cha mẹ, anh chị lo lắng thêm; con cua bị như vậy thì cha mẹ, anh chị của nó cũng có sự lo lắng cho nó chứ đâu khỏi được, nghĩ như vậy thì mình sẽ có sự cởi mở.

Lúc bấy giờ những người đi đường thấy lạ đứng lại xem rất đông, nhân cơ hội đó Đức Phật dạy thêm, tức là vừa dạy cho những đám trẻ này, vừa dạy cho người lớn.

Phật mới bảo: “Này các con! Chúng ta ai cũng muốn được sống an ổn và vui vẻ, thì các loài cầm thú nó cũng như vậy, chúng cũng muốn được sống an ổn và vui vẻ. Vậy chúng ta phải làm sao cho tất cả mọi loài đều được sống an lành và hạnh phúc, đó là công bằng. Chúng ta phải bảo vệ sự sống cho nhau, và đem niềm vui cho nhau”. Và Ngài nói câu này là câu mà chúng ta phải nên học kỹ, nhớ kỹ không quên là: “Nếu chúng ta không thể đem hạnh phúc đến cho kẻ khác, thì cũng nên cố tránh đừng gây thêm đau khổ”. Phật dạy thêm: “Tất cả loài vật dù lớn hay nhỏ, dù đi bằng hai chân, hay bơi lội dưới nước cũng đều có quyền sống an ổn và hạnh phúc. Chúng ta không nên sát hại hận thù nhau, chúng ta nên giúp đỡ, che chở cho nhau”.

Quý vị nghĩ tại sao Đức Phật dạy như thế? Bởi vì chúng sanh mê lầm nên thường không sống đúng với lẽ thật. Khi làm đau khổ cho người, cho vật thì mình vui, sẵn sàng làm, giả sử người khác làm cho mình như vậy thì mình đâu có chịu. Người có học Phật phải xét lại, tránh bớt không nên tạo cái nhân đau khổ rồi gặp quả phải sống trong đau khổ mà không nhận ra mê lầm của mình. Nghĩa là việc làm sai lầm nhưng mình lại không nhận ra, nhiều khi còn cho mình đúng nên cứ tiếp tục làm theo cái sai lầm đó.

Chính Đức Phật ra đời để nhắc cho chúng sanh biết được những cái mê lầm để chuyển hóa. Ngay thời Đức Phật cũng vậy, khi Đức Phật muốn độ ông Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp thờ thần lửa, Phật mới đến xin ông cho nghỉ qua đêm, thì ông nói ở đây không đủ chỗ chỉ còn có chỗ thờ rắn lửa thần rất độc hại và nguy hiểm, ai vào đó rồi đều chết.

Ông Ca-diếp này thấy Phật hình dáng trang nghiêm đức độ rất cảm mến nghĩ: Để Ngài vào đó sáng ra chết cũng hơi tiếc nên do dự. Phật nói không sao cứ cho Ngài vào đó. Đến sáng ông mới dẫn một số đệ tử đến thăm xem vị Sa-môn hôm qua còn hay không! Đến thấy Phật bình thường không có chuyện gì hết. Phật còn mở nắp bát cho ông thấy là Phật đã hàng phục con rắn thần đó rồi. Ông kinh ngạc nghĩ: “Vị Sa-môn này uy lực quả rất lớn, đến rắn thần mà còn hàng phục được. Tuy vậy mà cũng chưa bằng ta, vì ta đã đắc quả A-la-hán rồi”.

Vì kính mến Phật nên ông mời Phật nên ông mời Phật ở lại một thời gian và cung cấp vật thực cúng dường. Phật tìm chỗ vắng thích hợp ở lại. Đêm đầu tiên, đầu hôm thì Trời Tứ Thiên Vương đến hầu thăm Phật. Tới gần cuối đêm thì có Trời Đế-thích đến thăm, hào quang các vị tỏa sáng khắp hết. Ông Ca-diếp thấy vậy kinh ngạc lắm, nên vừa sáng thì ông đến hỏi thăm Phật: “Đêm rồi vì sao chỗ thầy có ánh sáng chói lòa giống như cháy nhà vậy?”. Phật nói là có Trời Tứ Thiên Vương và Trời Đế-thích đến hầu thăm Như Lai nên hào quang sáng rỡ như vậy.

Ông rất kinh ngạc, nghĩ vị đại Sa-môn này công đức quá lớn, đến Trời Tứ Thiên Vương, Trời Đế-thích cũng đến hầu thăm nhưng cũng nghĩ: “Tuy vậy cũng chưa bằng ta, vì ta đã chứng A-la-hán”.

Đến gần ngày lễ cúng thần lửa rất trọng thể, ông mới nghĩ: “Ngày mai là ngày lễ lớn có nhiều tín đồ tập trung đến làm lễ; nếu vị đại sa-môn này đến nữa thì tín đồ thấy thần thông uy lực của ông này chắc họ chỉ cúng dường ông ấy mà bỏ quên ta. Vậy ta phải làm sao ngăn vị Sa-môn này ngày mai đừng đến”. Do có tha tâm thông, Đức Phật biết được ý nghĩ của ông, nên sáng hôm sau Phật dùng thần thông đến xứ Bắc Câu Lô Châu khất thực. Rồi Phật về nghỉ trưa ở ao A-nậu trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, đến chiều mới về chỗ ông Ca-diếp.

Hôm sau, ông hỏi Phật hôm qua Ngài đi đâu vắng vậy? Đức Phật cho biết là vì ý của ông không muốn Ngài đến cho nên Ngài đi khất thực ở Bắc Câu Lô Châu. Nghe vậy, ông giật mình nghĩ: “Mình nghĩ trong lòng mà Phật cũng biết”, nhưng rồi cũng cứ nghĩ rằng: “Tuy vậy nhưng cũng chưa bằng ta, vì ta đã chứng A-la-hán”. Trong các tư liệu ghi, Phật ở đây khoảng hai tháng, dùng đến ba ngàn năm trăm lần thần thông để độ ông, nhưng ông cũng phăng phăng nghĩ là Phật chưa bằng ông.

Cuối cùng, Phật bảo thẳng với ông rằng: “Này thầy đạo sĩ! Ông chưa phải A-la-hán đâu, hơn nữa ông cũng chưa biết phương pháp hành đạo để chứng A-la-hán, tại sao cứ chấp ông là A-la-hán.” Ông mới giật mình thức tỉnh, quỳ xuống bạch Phật xin quy y, để Phật chỉ dạy con đường tu chứng A-la-hán.

Phật nhận ông quy y và độ cả hai anh em của ông luôn. Rồi Phật dẫn ba vị cùng với một ngàn đệ tử lên núi Tượng Đầu gần Bồ Đề Đạo Tràng, hiện nay vẫn còn dấu tích. Phật thuyết bài kinh nói về lửa. Sau khi nghe kinh, các vị đều chứng A-la-hán.

Mới thấy cái mê lầm của ông. Chưa phải thật là A-la-hán, chưa phải thật là bậc thánh nhân nhưng cứ nghĩ mình là A-la-hán, cứ nhận sống với cái mê lầm đó. Để thấy rõ chúng sanh thường sống trong cái mê lầm đó. Để thấy rõ chúng sanh thường sống trong cái mê lầm và bị nó che đậy. Cho nên, chúng ta không nên tự phụ, phải biết được chỗ yếu chỗ sai của mình thế nào để chỉnh sửa thì mới tiến. Còn sai thêm, nhiều khi còn bày cái mê lầm cố chấp của mình cho người ta thấy.

Thời Đức Phật có câu chuyện về một Phạm chí. Ông cũng học nhiều sách vở và hiểu biết khá nhiều, nên mới cho rằng trên thế gian này không ai có trí tuệ bằng ông. Ông lấy những lá đồng ép mỏng rồi buộc vào bụng, đi khắp nơi raao ai có thể lý luận hơn ông thì ông sẽ tôn làm thầy. Có người hỏi tại sao ông phải lấy lá đồng buộc bụng như vậy? Ông nói trí tuệ của tôi quá đầy nếu không buộc sợ nó tràn ra ngoài. Chính chỗ đó người trí nhìn thấy biết là thiếu trí tuệ rồi nhưng ông không biết. Đến khi gặp Phật khai thị, ông mới tỉnh ngộ. Để nói lên thế gian có nhiều người mê lầm, cứ tưởng mình là trí tuệ rồi không chịu chuyển hóa mê lầm.

Phật dạy rõ trong kinh Pháp Cú: “Người ngu mà tưởng là trí thì đó là thật ngu; còn người ngu mà biết mình ngu thì đó là người trí.” Tức là người ngu mà không biết mình ngu, lại tưởng mình là người trí thì Phật nói như vậy là người thật ngu; còn mình ngu, mà mình biết mình ngu thì đó là người trí. Tức là mình si mê mà biết mình si mê là có trí rồi, còn si mê mà tưởng là trí thì đâu có chuyển được cái si mê. Đó là những điểm muốn nhắc tất cả phải hiểu rõ nắm vững để có con đường vươn lên.



HT. Thích Thông Phương

Trích "TU LÀ CHUYỂN HÓA"


Đặng Văn Long gởi