Alexei Navalny, Nhân Vật Đối Lập Không Sợ Hãi Bạo Quyền
Hôm nay là ngày thứ ba sau lễ tang và hàng dài người xếp hàng vào nghĩa trang vẫn còn dài hơn 750m.
Hồi năm 1986, ông Mikhail Gorbachev có sáng kiến đề nghị lập ra một thời đại mới cải tổ hệ thống chính trị của Liên Bang Xô Viết Cộng Sản. Ông cho phép giải phóng, tức là trả tự do cho những tù nhân chính trị đang bị tù đày ở trong nước. Trong số đó có nhà Vật Lý Andrei Sakharov, người từng được giải Nobel về Hòa Bình. Trong thời gian ba năm sau cuộc cải cách của Gorbachev, ông Sakharov được cử làm nhân vật lãnh đạo lương tâm của tổ chức đối lập chính trị ở Mạc Tư Khoa. Ông Sakharov có thể nói thẳng ra những suy nghĩ trong tâm tư của ông ngay tại Congress of Deputies- tạm dịch là Hội Nghị Đại Biểu Nhân Dân-. Vào buổi chiều tối trước khi diễn ra một cuộc tranh luận quan trọng, ông nói với vợ ông: “Ngày mai sẽ có một cuộc đấu khẩu lớn.”. Rồi ông đi vào phòng đọc sách, phác họa những gì sẽ trình bày vào sáng ngày hôm sau, ông nhắm mắt đi ngủ một giấc ngủ ngắn. Nhưng ông không bao giờ thức dậy. Ông Sakharov đã chết một cách tự nhiên trong tư thế của một người được hoàn tự do, của một thời đại cải cách ngắn ngủi, chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn ở nước Nga.
Năm 2020, Vladimir Putin bắt đầu ra tay đàn áp các nhân vật đối lập nổi tiếng ở nước Nga. Kỳ này Putin dự tính sẽ đập dứt điểm những nhân vật đối lập, chống lại chính phủ Nga. Putin ra lệnh cho công an, gián điệp thuộc hạ phải truy lùng kẻ thù của ông ta là Alexei Navalny. Ông Navalny sau đó được trao giải thưởng cao qúy của Nghị Viện Âu châu. Đó là giải Sakharov về Tự Do Tư Tưởng- Sakharov Prize for Freedom of Thought. Trong gần mười năm, ông Navalny đã làm cho hình ảnh của Putin bị lu mờ, mất uy tín. Ông lên án chế độ cai trị của Putin là “một băng đảng gồm những tên lưu manh, và những thằng ăn cắp.”. Ông vận động thành lập một văn phòng cấp cao, sử dụng kỹ thuật tinh vi để loan báo về những hành vi tham nhũng, những chi tiêu xa hoa, hoang phí trong chính phủ như mua du thuyền, máy bay riêng, biệt thự nghỉ mát, và hàng tỷ đô la cất dấu ở nước ngoài.
Điệp viên của cơ quan F.S.B - Cục Mật Vụ Liên Bang- theo dõi bén gót ông Navalny đến tận Siberia. Chúng lén vào căn phòng của khách sạn ông đang ở, thực hiện một kịch bản do Gogol bày ra, chúng rắc thuốc độc, loại độc dược Novichok vào quần lót của ông Navalny. Đây là loại thuốc độc gây chết người bằng cách làm tê liệt thần kinh của người bị đầu độc. Ông Navalny mặc chiếc quần lót đó đi lên máy bay để bay từ nhà đến Mạc Tư Khoa.Ông ngồi ở ghế số 13-A trên máy bay. Chỉ ít lâu sau ông la hét, quằn quại trong đau đớn, và ông ngất đi. Máy bay lập tức cho đáp khẩn cấp xuống phi trường Omsk. May mắn thay, ông Navalny không chết trong vụ đầu độc lần đó. Cuối cùng ông được đưa sang Đức để chữa trị, bên cạnh ông lúc nào cũng có vợ ông là bà Yulia Navalnaya. Ông được cứu chữa kịp thời, và hồi phục sức khỏe. Ông từ chối không chịu sống cuộc đời tị nạn ở phương Tây. Ông tự nhủ trong lòng “Đừng sợ hãi trước bạo quyền. Đừng bỏ cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ. Ông cương quyết không từ bỏ nguyên tắc tranh đấu của mình, không phản bội lương tri của chính mình.”. Tháng Giêng năm 2021. Ông Navalny đáp chuyến bay từ nhà đi Mạc Tư Khoa, trong lòng biết trước rằng uy tín của ông về lương tri, đạo đức là một đe dọa rất lớn cho chế độ của Putin, và ông có thể bị Putin ra lệnh bắt giữ. Quả thực như vậy, Putin bắt giam ông ngay tại phi trường.
Tại phiên tòa, ông Navalny nói cho mọi người biết ông xứng đáng được xếp vào hàng ngũ các nhân vật đối lập của nhà nước Nga trong quá khứ. Những nhân vật đối lập này, nam có, nữ có, đã bất chấp nguy hiểm cho bản thân, đứng ra nói rõ sự thực. Họ bị đem ra xét xử như một phiên tòa trình diễn, ở đó bản án đã được làm sẵn, không cần phải bàn cãi, dựa trên những truyền đơn, những bản thảo “samizdat”- loại bài báo bị xem là phản động trong các nước cộng sản- được truyền tay nhau trong dân gian. Điểm đặc biệt ở ông Navalny là ông tự xem mình là một chính khách đối lập tân thời, kiểu mới. Ở phiên toà, thay vì lớn tiếng phản đối lời cáo buộc của công tố viên, ông lại xoay qua tấn công trực tiếp Putin, bằng những lời tố cáo mang tính chất hài hước. Ông gọi Putin là “Thằng ăn cắp nhãi ranh chỉ biết ẩn náu trong hầm trú ẩn, hay anh chàng Vladimir tên tù nhân giấu mặt trong chiếc quần lót.”.
Sở dĩ ông Navalny lôi cuốn sự chú ý của mọi người một phần là vì lập trường của ông linh động, uyển chuyển thay đổi theo thời gian. Bây giờ ông không còn bám chặt theo chủ nghĩa quốc gia như lúc ban đầu, ông tận dụng năng lực hùng hậu của ông, và dùng những nụ cười diễu cợt. Ông không còn là biểu tượng của một con người trí thức, ôm hoài bão lý tưởng thiếu thực tế. Trái lại, bây giờ ông tranh đấu cho tự do và thịnh vượng. Thậm chí ông đưa ra định nghĩa thế nào là “hạnh phúc”, một cụm từ hầu như không có trong ngữ vựng chính trị của thời Cộng Sản Soviet cũng như thời hậu cộng sản. Phương pháp đấu tranh của ông hoàn toàn mới. Một trong những cuộc phiêu lưu, đầu tư khám phá mới nhất của ông là ông dùng số tiền nhỏ mà ông dành dụm được để mua cổ phiếu của những công ty Nga, và từ đó khám phá ra những âm mưu làm giàu bất chính của quan chức trong điện Kremlin, đứng sau lưng những công ty này.
Ông Navalny biết cách nói chuyện cho đúng trình độ của người đối diện. Ông đọc rất nhiều sách, truyện, về văn chương cổ điển nước Nga, cũng như những hồi ký trong tù, song đồng thời ông cũng có nhiều đam mê, yêu thích những tác phẩm văn chương mới như “Harry Potter” và “Rick and Morty”. Trong lá thư gửi cho người bạn thân tên là Sergey Parkhomenko, ít ngày trước khi ông chết, ông còn đề cập đến câu chuyện “In the Ravine” của văn hào Nga Chekhov. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến hình ảnh của một nước Nga không ảm đạm như trong cuốn phim đang được ưa chuộng của đạo diễn Aleksei Balabanov tên là “Cargo 200”.
Vào tuần trước, trong nhà tù tên là Polar Wolf, cách Bắc Cực khoảng 40 dặm về phía bắc, ông Navalny bị loan báo là đã chết. Hay nói đúng ra là ông bị mưu sát chết. Lý do cái chết, theo giới chức trông coi nhà tù, “ông chết bất ngờ vì có những triệu chứng đột tử.”. Lối dùng chữ kiểu này chỉ có nghĩa là ông đã bị chết vì bị đánh đập, hay bị bức tử.
Thật khó có thể tưởng tượng hết hậu quả to lớn sau cái chết của ông Navalny sẽ như thế nào đối với lịch sử. Đất nước Nga đang cần có một vị thánh tử vì đạo. Hãy tưởng tượng lịch sử nước Nam Phi có ông Nelson Mandela bị giết chết trong tù ở đảo Robben Island. Hay số phận của nhà tranh đấu Tiệp Khắc, ông Vaclav Havel bị đầu độc trong nhà tù Ruzyne, gần phi trường Prague. Ông Navalny là một con người can đảm không biết sợ là gì, và là người có đức tin rất mạnh. Khi bà bạn của ông tên là Yevgenia Albats tâm sự với ông rằng bà sợ sẽ bị chết trong lúc sống lưu vong. Ông nói với bà rằng: “Làm gì có sự chết.”. Và gần đây, bà Albats tâm sự rằng sự mất mát do cái chết của ông Navalny vô cùng tai hại, to lớn, bởi vì ít ra trong lúc này “niềm hy vọng bị mất.”.
Hiện nay, vị thế của Putin do y thủ đắc có thể nói và bành trướng đến mức quá khổ. Chỉ vài tuần nữa Putin sẽ đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa, trong một cuộc bầu cử giả dối, kệch cỡm. Ông ta linh cảm rằng cuộc chiến tranh ở Ukraine sẽ ngả dần về phía có lợi cho Nga. Cuộc chiến này đang bước sang năm thứ ba. Ông cũng tin rằng Đảng Cộng Hòa ở Mỹ cũng sẽ không làm gì để chống lại chiều hướng tối tăm đó, có lợi cho nước Nga. Putin có tất cả đủ mọi lý do để tin rằng vị thế lãnh đạo của ông chắc chắn, an toàn. Tính chất dã man, hiểm ác là vũ khí tối hậu Putin thường dùng để bảo vệ vị thế của mình. Có đến hàng trăm tù nhân chính trị khác đang bị giết lần mòn trong nhà tù của Nga. Trong đó có Vladimir Kara-Murza (ông này từng bị đầu độc hai lần), và phải kể đến cả Evan Gershkovich, từng làm việc cho báo Wall Street Journal.
Một số phản ứng về cái chết của ông Navalny được ghi nhận ở Hoa Kỳ như sau.Trước hết là của ký giả Tucker Carlson, vừa quanh trở về sau chuyến đi thăm chợ bán thực phẩm rau quả ở Mạc Tư Khoa, và quỳ gối dưới chân Putin. Anh ta khoe với ông già đồng nghiệp của là Glenn Beck rằng nước Nga quyến rũ lắm, vừa giàu vừa đẹp. Còn ông Donald Trump thì viết trên trang mạng xã hội của ông- Truth Social- không một lời phân ưu về cái chết của Navalny, trái lại ông ta chỉ so sánh cái chết của Nalvany với nỗi khổ về pháp đình kiện cáo mà ông đang phải gánh chịu. Tổng thống Biden đưa ra câu trả lời thật đáng mến: Ông lập tức tố cáo Putin là kẻ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Navalny. Ông gặp bà quả phụ Yulia Navalnya và con gái của ông Navalny tại San Francisco. Ông cũng công bố thêm một số biện pháp trừng phạt Nga về tội mưu sát ông Navalny và xâm lăng Ukraine.
Năm 2007, Putin đi dự hội nghị an ninh ở Munich- Munich Security Conference. Ở đó, Putin trút hết sự tức giận của hắn, và phản đối phe Tây phương. Putin cũng hứa rằng hắn sẽ tìm cách thực hiện đường lối chính trị để trả thù phương Tây cho hả giận. Giờ đây, 17 năm sau, cũng tại hội trường này, bà Yulia Navalnaya nói rõ thêm về sự can đảm của chồng bà. Người chồng bà vừa bị mất. Bà tỏ ra can đảm không kém. Bà cương quyết không chấp nhận tuyệt vọng. Bà cả quyết rằng sẽ một ngày không xa lắm đâu Putin sẽ bị lôi ra để hạch tội về những gì hắn đã làm hại cho gia đình bà, cho đất nước Nga. Bà nói: “Và cái ngày đó sẽ sắp đến trong nay mai.”
Nguyễn Minh Tâm
dịch theo THE NEW YORKER ngày 4/3/2022
Ghi chú: Tác giả bài báo này là ký giả David Remnick một người từng sống ở Nga trên 7 năm và viết nhiều sách về nước Nga thời đương đại.
____________
Đỗ Hứng gởi