Algérie dậy sóng
Từ Thức - Một điều lạ: các médias Việt Nam, kể cả báo mạng và báo chí hải ngoại, dồn hết chú tâm vào Venezuela, bỏ quên một cuộc nổi dậy còn ngoạn mục và bất ngờ hơn nữa: Algérie. Những gì đang diễn ra ở Algérie là chuyện không ai tưởng tượng được, chỉ cách đây vài tháng. Kể cả những người thông thạo về Algérie, nhất là những người thông thạo về Algérie. Bởi vì ai cũng nghĩ dân Algérie, thờ ơ và vô cảm, sẽ tiếp tục cam chịu chấp nhận độc tài để sống an phận, qua ngày. Nhưng không, tuổi trẻ Algérie đã đứng dậy đòi tự do, kéo theo cả một dân tộc.
Muristes
Những người có dịp tới thăm Algérie đều biết từ ngữ và hiện tượng “muristes”. Mur, tiếng Pháp là bức tường (tiếng Pháp vẫn thông dụng ở xứ này), muristes là những người đứng dựa tường (tiếng địa phương: hittist, hitt là bức tường) ám chỉ một thế hệ trẻ không việc làm, không tương lai, vô công rỗi nghề, vô vọng, thờ ơ với xã hội, không biết làm gì hơn là suốt ngày đứng dựa tường, đàn đúm với nhau, trêu chọc đàn bà con gái cho qua ngày. Cho qua đời.
Tại một xứ gần một nửa dân số dưới 25 tuổi, hiện tượng muristes là một thảm trạng của một xã hội bế tắc.
Từ mấy tháng nay, chính những muristes đó, một cách bất ngờ, đã đồng loạt, và quyết liệt đứng dậy, đòi tự do dân chủ.
Cách mạng nhân dân, như người ta nói, thường thường bùng dậy những lúc không ai ngờ. Và khi nó bùng dậy, không bạo lực, không guồng máy đàn áp nào ngăn cản nổi. Vài giờ trước khi đổ, chế độ độc tài nào cũng nghĩ sẽ đứng vững vĩnh viễn.
Trong khi tình hình ở Vénézuela ứ đọng, gần như sa lầy, trong khi dân VN chấp nhận ách độc tài như một cái gông đã trở thành một bộ phận của cơ thể, dân Algérie đứng dậy, một cách ôn hoà nhưng quyết liệt, và đã thành công trong mục tiêu đầu tiên: loại bỏ Tổng thống Abdelaziz BOUTEFLIKA, cầm quyền từ 20 năm nay và muốn tiếp tục ngồi trên xe lăn, cai trị một xứ gần 45 triệu dân.
Loại được Bouteflika, một chuyện không ai tưởng tượng nổi cách đây vài tháng, nhưng dân Algérie muốn đi xa hơn nữa, loại bỏ một băng đảng mafia đã cầm quyền từ ngày Algérie độc lập (1962)
20 năm cầm quyền
Cuộc nổi loạn bùng nổ cách đây một tháng, khi một nhóm trẻ, mà người ta tưởng là thụ động, xa lánh “chính trị”, xuống đường phản đối việc Tổng thống Bouteflika, một ông già gần đất xa trời, 82 tuổi, tê liệt trên xe lăn, á khẩu từ ngày bị đột quỵ (2013), tuyên bố sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5, sau 20 năm cầm quyền với bàn tay sắt.
Chính quyền nghĩ chuyện đó chỉ là một vấn đề hình thức, tại một quốc gia tập đoàn cầm quyền quản trị quốc gia như chủ một công ty tư nhân. Dân chỉ biết chép miệng, cúi đầu chấp nhận.
Đối lập bị khai trừ, hoặc nằm tù, hoặc trốn ra hải ngoại. Báo chí nằm trong tay chính quyền, một cách chính thức hay bán chính thức. Như các chế độ độc tài khác, nhà nước Algérie cai trị trên cái sợ
Hàng chục ngàn thanh thiếu niên, ngày 22 tháng 2 vừa qua, đùng một cái bỏ cái sợ vào túi, biểu tình chống việc Bouteflicka tái ứng cử. “20 ans, ça suffit !”(20 năm đã quá đủ !).
Cái sợ đã đổi bên, mặc dầu trước đó ít ngày, hai thanh niên đã bị kết án… 6 năm tù chỉ vì mang biểu ngữ chống việc Bouteflika tái tranh cử.
Từ đó, mỗi ngày, nhất là những ngày thứ Sáu, trên toàn lãnh thổ, thanh thiếu niên kéo theo những thế hệ khác xuống đường.
Hơn cả những chữ “tự do , dân chủ”, những người biểu tình nói tới cái “dignité’, cái “nhân phẩm’’ của người Algérie. Họ muốn dẹp cái gọi là gérontocratie (chế độ của các cụ già) hay momiecratie (chế độ xác ướp). Không phải chỉ riêng Bouteflika, nhưng tất cả tập đoàn FNL (Mặt trận Giải Phóng Quốc Gia) cầm quyền từ ngày Algérie độc lập (1962) bị coi là những xác ướp Ai Cập, đã thối rữa, phải dứt khoát loại bỏ, vứt vào sọt rác của lịch sử.
Stop, dân Algérie không muốn cả thế giới nhạo báng vì có một lãnh tụ đi xe lăn, một xác ướp từ lâu không xuất hiện trước công chúng, bán thân bất toại sau khi bị AVC , sống ở các nhà thương Thụy Sĩ hơn là dinh Tổng thống.
Bouteflika, đúng hơn là gia đình và tập đoàn cầm quyền đứng sau ông già bệnh hoạn gần đất xa trời, làm bình phong để thao túng, vơ vét, nghĩ rằng chỉ cần dọa nạt cũng đủ dẹp tan phong trào nổi loạn, như đã làm trong quá khứ.
Cách mạng Internet
Bouteflika, một cách gần như khiêu khích, đã chính thức nộp hồ sơ tái tranh cử. Chính quyền thách thức: hoặc Bouteflika, hoặc một Algérie hỗn loạn.
Đó là một giọt nước làm tràn cái ly. Và, đúng như người ta nhận xét ở những nơi khác, những cuộc cách mạng làm rung chuyển một chế độ thường bùng nổ những lúc ít người ngờ nhất. Không ai tiên liệu được phản ứng của một dân tộc.
Thứ Sáu 08 tháng Ba 2019, không phải hàng trăm ngàn, nhưng hàng triệu người đã đổ xuống đường. Tất cả các hội đoàn dân sự đã sát cánh với lớp trẻ. Từ các nghiệp đoàn, các nghệ sĩ, ký giả độc lập, tới các luật sư, nghệ sĩ, các đảng phái (lần đầu đoàn kết với nhau vì một mục dích chung)
Phe Bouteflika hiểu tình thế đã thay đổi, chấp nhận nhượng bộ. Khởi đầu tuyên bố sẽ không tái tranh cử lần… thứ 6 , sau đó, nhượng bộ thêm, rút đơn tranh cử lần thứ 5. Nhưng chỉ nhượng bố một nửa. Rút đơn tranh cử nhưng quyết định ở lại quá nhiệm kỳ, nói là để chuẩn bị một cuộc bầu cử trong sạch, hợp ý dân hơn.
Những cuộc biểu tình tiếp tục, càng ngày càng quyết liệt hơn. Dân Algérie, mỗi ngày thay nhau, hay cùng nhau xuống đường, trên khắp các thành phố lớn nhỏ, hang cùng ngõ hẹp.
Mỗi ngày, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, đôi khi hàng triệu người xuống đường. Nhất là những ngày thứ Sáu, trở thành những cuộc hẹn hò của lớp trẻ. Ý thức chính trị, người ta học, rất mau, trong những cuộc xuống đường.
Cái đặc biệt là cuộc nổi dậy hoàn toàn bất bạo động. Nguời ta xuống đường như đi trẩy hội. Những người thờ ơ nhất hãnh diện đã tham dự, hãnh diện là người Algérie, đã ngẩng đầu đòi quyền quyết định cho mạng sống của mình và tương lai của dân tộc.
Đó cũng là một cuộc cách mạng Internet. Bất chấp các đài truyền hình, truyền thanh nhà nước ra rả khuyên bảo, đe dọa suốt ngày, giới trẻ hẹn nhau qua các iPhone, Twitter, Facebook...
Chế độ độc tài Algérie, như tất cả những chế độ độc tài khác, mới đầu dùng những tiểu xảo, đe dọa, hứa hẹn qua loa, nhưng khi thấy khí thế của đường phố, đã đi hết nhượng bộ này tới nhượng bộ khác.
Đảng duy nhất FLN, đảng đã đưa Boutlefika ra làm bình phong để cai trị, tuyên bố không ủng hộ Tổng thống nữa. Ngày 26/03 tổng tham mưu trưởng quân lực Ahmed Gaïd Salah tuyên bố hoặc Boutleflica từ chức, hoặc sẽ bị truất phế vì không đủ khả năng sức khoẻ để lãnh đạo quốc gia.
Không còn lực lượng chính trị FNL, quân lực sau lưng, hai ngày sau, 28/03, Bouteflica chính thức từ chức.
Ngày 31/03, chính phủ lâm thời ra đời, với mục đích tu chính hiến pháp và tổ chức “bầu cử tự do, trong sạch’’.
Mặc dầu vậy, những cuộc xuống đường không những giảm bớt mà còn vũ bão hơn nữa.
Dân Algérie đã trưởng thành, đã hiểu tất cả những nhượng bộ chỉ là hình thức, để tập đòan cầm quyền kiếm cớ hoãn binh. Chính phủ lâm thời vẫn là những người của chế độ cũ, trong đó tướng Akmed Gaïd Salah đóng vai chủ động. Từ ngày Algérie độc lập (1962), các tướng lãnh cấu kết với FNL chia nhau quyền hành, chia nhau tài sản quốc gia, chia nhau những tài khoản khổng lồ nhờ dầu lửa, dầu khí.
Trước đó vài tuần, Salah là người ủng hộ Bouteflica nhiệt thành nhất, coi việc Bouteflica nắm quyền thêm một nhiệm kỳ là yếu tố quyết định cho việc ổn định chính trị và an ninh của Algérie.
Black Friday
Dân Algérie vẫn có cảm tình và kính trọng quân đội, nhưng muốn tất cả các tướng lãnh cũ cũng như các chính trị gia già nua, tham nhũng, bất tài, tham quyền cố vị ra đi, nhường chỗ cho thế hệ trẻ. Khẩu hiệu của các đám biểu tình là “DÉGAGEZ!”(Hãy cút đi).
Những cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc mỗi thứ sáu được mệnh danh là Black Friday, ám chỉ ngày Black Friday ở Mỹ, các cơ sở thương mãi tống khứ hàng hoá cũ với giá rẻ để trưng bày hành hóa mới.
Cho tới nay, thế giới e dè với biến động Algérie, trái với thái độ ủng hộ nhanh chóng cuộc nổi loạn ở Venezuela.
Các nước láng giềng như Tunisie, Maroc sợ phản ứng dây chuyền, e ngại làn sóng phản kháng sẽ lan sang nước mình.
Mỹ không phản ứng, vì quá xa, trái với Venezuela ở sát nách. Nhiều chính khách Mỹ không biết Algérie ở đâu.
Các nước Âu Châu nghĩ đó là chuyện của Pháp vì Algérie là thuộc địa cũ của Pháp, mặc dù ngày nay Algérie đã hầu như rơi vào tay Trung Cộng.
Pháp lo sợ, vì nếu Algérie hỗn loạn, sẽ phải tiếp đón làn sóng di dân khổng lồ. Paris chỉ cách Alger (thủ đô Algérie) vài giờ bay, và hiện nay trong số 8, 9 triệu người da đen và Ả Rập sinh sống ở Pháp, có quốc tịch Pháp, người gốc Algérie đông nhất.
Trung Cộng án binh bất động, ủng hộ ngấm ngầm phe cầm quyền, nhưng sẽ ngả về phe nào mạnh nhất.
Dân Algérie bất cần sự ủng hộ của bất cứ cường quốc nào. Các đoàn biểu tình không kêu gào Trump, yêu cầu Macron “hãy lo chuyện Gilets Jaunes, để chúng tôi giải quyết chuyện Algérie.
Trong số những người biểu tình, phụ nữ là những người bình tĩnh nhất, cương quyết nhất, với một ý thức chính trị rất cao. Các bà, các cô đồng thanh như một: chúng tôi sẽ đi đến cùng. Mục tiêu là tự do, dân chủ đích thực. Chúng tôi không đòi vài ba nhượung bộ lặt vặt, chúng tôi đòi quyền sống cho mình và tương lai cho thế hệ sắp tới. Một nửa những người biểu tình là phụ nữ. Khi đàn ông xuống đường, sẽ có bạo loạn. Khi phụ nữ xuống đường, sẽ có cách mạng.
Từ Algérie tới Việt Nam
Algérie có nhiều điểm tương đồng với Vénézuela và Việt Nam
Giống như ở Vénezuela, những nhà lãnh đạo Algérie, mơ tưởng một “xã hội chủ nghĩa” Mác Lê, đã biến một nước giầu tài nguyên, nhân lực thành một nước lạc hậu. Với diện tích gần 2 triệu rưỡi cây số vuông, với kho dầu hỏa, dầu khí thuộc hàng quan trọng nhất thế giới, với các quặng mỏ vô giá, tập đoàn lãnh đạo, bất tài, tham nhũng đã biến Algérie thành một quốc gia chậm tiến, một thế hệ thất nghiệp, không sản xuất gì, không xuất cảng gì ngoài dầu khí cũng nằm trong tay các công ty ngoại quốc, hết Pháp tới Mỹ, Đức, nhất là Trung Cộng.
Giống như VN, phe thắng cuộc, sau khi Algérie dành được độc lập, coi đất nước như của riêng, toàn quyền cai trị, sinh sát. Giống như VN, trong 20 năm đầu, phe thắng cuộc muốn xây dựng một chế độ xã hội đại đồng, theo mô hình Cộng Sản.
Hậu quả là một nước phá sản, nhân quyền bị chà đạp, tập đoàn cầm quyền tham nhũng cấu kết với hàng ngũ tướng lãnh chia nhau tài nguyên quốc gia, tạo một xã hội bất công man rợ, trong đó có hai loại công dân, những người có thẻ đảng và những người ngoài lề.
Sau khi dành được độc lập năm 62, sau 132 năm dưới ách thuộc địa Pháp, FNL (Front National de Libération, Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia) trở thành đảng chính trị duy nhất, đặt tên nước là Algérie Dân Chủ Nhân Dân (République algérienne démocratique et populaire), chỉ hơi thua Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Độc Lập ở chỗ chưa có Tự Do, Hạnh Phúc.
Sau 20 năm quản trị đất nước theo mô hình Mác Xít, FNL nhìn nhận đất nước đi vào ngõ cụt trên mọi phương diện , từ kinh tế tới văn hóa, chính trị, giáo dục, xã hội.
Để dập tắt ngọn lửa bất mãn, chính quyền buộc lòng phải thay đổi hiến pháp, chấp nhận đa đảng từ 1982. Nhưng các đảng đối lập đã bị đàn áp, tiêu diệt, các lãnh tụ hoặc bị bức tử, bị tù đầy hoặc bỏ ra hải ngoại lánh nạn, chính trường chỉ có một bên là FNL bị dân chán ghét một bên lực lượng hồi giáo cực đoan
Trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên năm 91, FNL thua nặng trước tổ chức hồi giáo cực đoan FIS (Front Islamique du Salut).
Trước hiểm họa Afghanistan hóa, nhất là để bảo vệ quyền lợi của phe cầm quyền, quân đội đảo chánh khi biết kết quả bầu cử.
FIS trở thành một lực lương kháng chiến, tàn bạo nhất, dã man nhất, không ngần ngại đặt chất nổ, đốt làng, giết dân kể cả đàn bà trẻ con bị coi là”infidèles”, những người không trung thành với Allah.
Algérie biến thành một biển máu. Trong mười năm nội chiến, gần 200.000 người thiệt mạng, đất nước hoàn toàn tê liệt.
Cựu bộ trưởng ngoại giao, có uy tín nhất trong số các chính tri gia tị nạn tại nước ngoài, Bouteflika hồi hương và đắc cử Tổng thống từ 1999. Một mặt quyết liệt dùng biên pháp mạnh để tiêu diệt khủng bố, một mặt áp dụng chiến dịch “chiêu hồi “để kêu gọi lực lượng FIS giã từ võ khí, Bouteflika trở thành một thứ anh hùng đã vãn hồi trật tự ở một xứ hỗn loạn, máu lửa.
Bouteflica sử hiến pháp, tự cho mình quyền ứng cử hơn hai lần như hiến pháp cũ quy định. Trên thực tế, Algérie vẫn nằm trong tay FNL, một tổ chức mafia muôn hình vạn dạng, nhất là từ khi Bouteflika bị đột qụy cách đây 6 năm. FNL muốn biến Bouteflika thành một tổng thống momie trọn đời, để đứng sau lưng, tiếp tục thao túng, vơ vét
Một trang sử mới
Bouteflica bị loại. Dân Algérie ngày nay quyết liệt đòi tất cả tập đoàn mafia trả lại đất nước cho dân.
Những người cầm quyền ở Algérie nắm mọi quyền lực, tiền bạc, báo chí nghĩ họ sẽ tiếp tục hoành hành, coi đất nước là của riêng, quên rằng càng ngày càng phẫn nộ, và khi sự phẫn nộ của dân bùng nổ khắp hang cùng, ngõ hẻm, bạo quyền mạnh tới đâu cũng bó tay.
Những người cầm quyền ở Algérie quên rằng một nửa dân Algérie dưới 25 tuổi, trong đó đa số dưới 15 , không có liên hệ gì với cuộc chiến tranh dành độc lập thần thánh vẫn được ca tụng trong sách báo, kể cả sách giáo khoa, không có một kỷ niêm gì về những ngày nội chiến đẫm máu. Cái hoài bảo và mục tiêu trước mắt của họ là được sống tự do. Họ muốn lật một trang sử cũ, để bước vào một thời đại mới. Họ không muốn đứng dựa tường, nhìn mafia thao túng nữa.
Từ Thức
Tháng Tư, 2019
Alice Dupond gởi