ĂN CHAY có được ăn TRỨNG không? Vì sao
có người nói ĐƯỢC ĂN TAM TỊNH NHỤC ?
Bằng Chung Kim:
– Chào Quang Tử, hiện tại cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc ăn chay có được ăn trứng và uống sữa không. Quang Tử có thể phân tích giúp vấn đề này. Xin cảm ơn nhiều.
Quang Tử :
– Bạn thân mến, để hiểu được toàn bộ vấn đề một cách chính xác, liệu đúng theo lời Phật dạy có cho ăn trứng, uống sữa hay không, hoặc mở rộng ra là có cho phép ăn tam tịnh nhục ( như Nam Tông, các sư vẫn ăn các loại thịt từ những động vật không do mình giết, khi bị giết mình không biết, không thấy, không phải vì mình mà người ta giết), trước tiên bạn phải thoát ra sự “cứng ngắc” chỉ có 2 lựa chọn : Được / Không được, mà phải nhìn tổng thể quá trình giáo hóa của Đức Phật trong suốt 45 năm của Ngài để thấy được sự linh động của Phật Pháp khi giáo hóa chúng sinh.
Khi mới thành lập tăng đoàn, Phật chưa có ra quy chế phải ăn chay, mà có thể ăn tam tịnh nhục ( ba loại thịt: không thấy, không nghe khi chúng bị giết và không nghi vì mình mà người ta giết)
Ngay đến nhiều năm sau, khi Đề Bà Đạt Đa làm phản, đòi Phật phải đưa ra luật cấm ăn mặn mà ăn chay hoàn toàn, Đức Phật vẫn không đồng ý, mà vẫn cho duy trì ăn tam tịnh nhục.
Phải đến mấy chục năm sau, khi Đức Phật thuyết những kinh như Lăng Nghiêm, Lăng Già… Đức Phật mới ra quy chế cấm ăn mặn, ăn chay hoàn toàn.
Nguyên văn trong kinh Lăng Nghiêm như sau :
“…Hàng tì kheo thanh tịnh và các vị Bồ-tát, đi trên đường mòn còn không dẫm cỏ non, huống nữa là lấy tay nhổ cỏ! Làm sao người có tâm đại bi mà lại lấy máu thịt của chúng sinh làm thức ăn?
Nếu các thầy tì kheo không mặc các thứ vải bằng tơ lụa lượt là, không dùng các thứ giày da áo lông của phương Đông, cũng như không ăn các thứ sữa, bơ, pho-mát, những thầy tì kheo ấy đối với thế gian thật là giải thoát, đã trả hết oan trái đời trước, không còn trở lại trong ba cõi nữa.
Vì sao thế? Dùng các bộ phận của thân thể chúng sinh thì phải kết duyên nợ với chúng sinh; như con người ăn trăm thứ mễ cốc lấy từ đất, thì chân không rời khỏi đất.
Những người nhất quyết làm cho cả thân và tâm mình, không ăn các thứ làm từ xương thịt chúng sinh, không dùng các thứ làm bằng các bộ phận của thân thể chúng sinh, Như Lai nói đó là những người chân thật giải thoát.”
Bạn nhìn tổng thể cả quá trình sẽ thấy, Đức Phật không phải là cho phép ăn mặn, mà là vì chúng sinh không thể một bước mà chuyển ngay sang ăn thuần chay, Đức Phật phải khéo léo từng bước, trước cho ăn tam tịnh nhục, giới hạn dần, khi mọi người đã quen, Ngài mới ra quy chế ăn chay hoàn toàn.
Mà chay hoàn toàn ở đây, nghĩa là ngay cả trứng ( trứng không trống cũng vậy, mà trứng có trống thì đương nhiên là sát sinh, càng không được ), và sữa, lông, da, sừng … tất cả mọi thứ liên quan đến động vật như giày da, chổi lông gà, vỏ sò, bánh có thành phần sữa, trứng… đều không dùng.
Hiểu được điều này, bạn sẽ thấy rằng không thể nói chắc là ĐƯỢC, hay KHÔNG ĐƯỢC với mọi đối tượng. Mà phải linh động với trình độ, hoàn cảnh của từng người, vì giúp chúng sinh tu tiến dần lên, đó mới là mục đích cốt lõi của Phật Pháp.
Như với người ít duyên với Phật Pháp, đạo tâm còn yếu, hoàn cảnh chưa thuận lợi, vừa bước vào Đạo Phật mà bắt họ chuyển phát một từ ăn mặn sang ăn chay 100 % không dính dáng tới động vật nữa, trong thực tế mấy ai làm được ? Việc tu hành đâu thể như cái công tắc đèn, chỉ có 2 chế độ on/off ( bật/ tắt) đâu, việc tu hành giống như sự tăng trưởng của một hạt giống thành một cái cây, cần phải qua nhiều giai đoạn : nảy mầm, mọc rễ, nhú lên khỏi mặt đất, ra lá, đâm chồi, thành cây…
Thế nên, việc ăn chay cần chia ra làm nhiều bước để mọi người tùy sức, tùy hoàn cảnh của mình mà thay đổi dần dần, giới hạn dần dần:
– Bước thấp nhất, là ngừng việc sát sinh, chuyển từ giết chúng sinh lấy thịt ăn, sang chỉ ăn những chúng sinh đã chết chứ mình không trực tiếp giết. ( Ăn trứng có trống, sẽ nở thành con như trứng vịt lộn, trứng cút lộn… thì rõ ràng là không được)
– Bước thứ hai, là ăn tam tịnh nhục ( ăn các loại thịt chúng sinh mà mình không thấy, không nghe khi chúng bị giết và không nghi vì mình mà người ta giết. Ngoài ra, còn có thuyết Ngũ tịnh nhục, tức là tam tịnh nhục vừa kể trên cùng với thịt của các con thú tự chết và thịt mà các loai thú khác ăn còn dư.)
– Bước thứ ba, là ăn chay, xong vẫn dùng các chế phẩm từ động vật nhưng không liên quan đến giết hại, như sữa, trứng không trống…
– Bước thứ tư, là ăn chay thuần thực vật, không dính dáng chút gì đến động vật, như trong đoạn kinh Lăng Nghiêm miêu tả phía trên.
– Bước thứ năm, là ăn thuần chay, kiêng luôn cả ngũ vị tân : hành , tỏi, hẹ, củ kiệu, củ nén.
Lí do không phải vì chúng liên quan gì đến phạm năm giới cấm, mà vì các loại này gây chướng ngại cho những người tu tập thiền định. Kinh Lăng Nghiêm viết : “ Các chúng sinh CẦU THIỀN ĐỊNH không nên ăn năm món cay nồng của thế gian. Vì năm món cay nồng đó nếu ăn chín thì phát dâm, ăn sống thì sinh nóng giận…”
Như vậy, chúng ta mỗi người cần xem xét khả năng, hoàn cảnh của bản thân mình, mà tự quyết định việc ăn.
__________________
Hoang Nguyen gởi