ANH EM TÔI
Trong hình trái qua phải
1/ Huỳnh Văn Nhuận ( anh rễ trung uý pháo binh)
2/ Dương công An ( trung sĩ pháo binh )
3/ Dương Bê ( anh thứ năm đại uý bộ binh)
4/ Dương Công Dân ( em kế út còn đi học)
5/ Dương Công Quan ( là tôi trung uý bộ binh)
6/ Dương Công Bình ( em út còn đi học)
7/ Dương Nhi ( trung uý chiến tranh chính trị)
8/ Dương Miên ( đại uý pháo đội trưởng pháo binh phòng không )
Tám người này hiện nay có
- 4 người đang ở ba quốc gia Canada - Đức - Mỹ
- 3 người còn ở lại VN
- 1 người đã mất
Bảy anh em nhà họ Dương chụp vào năm 1971 tại Ninh Hoà. Đây là tấm hình duy nhất chụp có mặt đầy đủ anh em chúng tôi trong thời chinh chiến. Trong hình ngoài 7 anh em còn có mặt ông anh rễ chồng người chị thứ ba là anh Huỳnh Văn Nhuận cũng xuất thân từ quân trường Thủ Đức. Do đó trong tấm hình có 8 người.
Má tôi có chín người con tất cả gồm 7 trai và 2 gái . Trong bảy tên con trai thì đã 5 người là lính cộng thêm ông anh rễ nữa là 6 . Phục sát đất những người phụ nữ miền Nam ngày xưa là những bà mẹ đẻ đông con mà không ngán . Đã vậy trong bối cảnh miền Nam là một bãi chiến trường, những đứa con được sinh ra nuôi cho lớn lên là để đi vào chiến cuộc . Như vậy 8 người trong hình thì đã có 6 người là lính VNCH . Chỉ có hai người nhỏ nhất trong hình là hai đứa em của tôi thì còn đang đi học
Sau 30/04/75 sáu người lính trong cùng một gia đình đi ở tù . Khỏi cần nói cũng có thể hình dung ra được nỗi âu lo đè nặng thế nào lên tâm khảm người mẹ đã sinh ra những người lính này .
Má tôi chỉ là một người phụ nữ bình dị vì gia cảnh của bà ngoại nghèo nên không được học hành . Má chỉ học tới lớp ba . Nhà tôi gần chợ Ninh Hoà nên má suốt ngày bám chợ tần tảo kiếm tiền nuôi chừng ấy người con . Má tôi giản dị chỉ là một bà mẹ miền Nam không ân oán giang hồ gì với những mưu toan và tham vọng của chủ nghĩa nhân danh. Bỗng nhiên đùng một cái cùng một lúc có đến 6 đứa con bị tống vô tù . Những kẻ đoạt thắng cho rằng anh em chúng tôi là tay sai cho Mỹ để kết tội hành vi mua thúng bán bưng của má tôi là hành vi của những người lười lao động . Đối diện với cái vô cùng ác đó má tôi chới với chồng thêm chới với .
Má không còn được mua bán nữa , nhưng không biết bằng cách nào mà má có thể có tiền mua vài tán đường đen thỉnh thoảng gửi vào trong tù tiếp tế cho các con . Giá như cả 6 anh em phải chi ở tù chung một chỗ cũng đỡ cho má phần nào , nhưng đằng cả 6 tên bị ở tù 6 nơi khác nhau . Anh em tôi chia nhau bị nhốt trong các trại cưởng bức lao động trải dài khắp ba miền đất nước từ Bắc vô Nam . Sau 75 bên cạnh những gia đình có thân nhân làm cách mạng đình đám trở về thì gia đình tôi đúng là một gia đình bi đát . Nói theo kiểu của những kẻ cộng sản cưỡng danh thì gia đình tôi là một “ ổ nguỵ quân nguỵ quyền “
Để rồi cuối cùng anh em chúng tôi những đứa con của má sau khi ra tù bị cuốn theo vết thương của lịch sử đành phải tan đàn xẻ nghé .Người thì còn kẹt lại sống vất vưởng ở quê nhà , người thì lưu vong trôi giạt đến bốn phương trời . Trước phút cuối đời ước mong của má là được nhìn các con của mình một lần sum họp nhưng điều đó đã không thành . Má tôi lặng lẽ ra đi mang theo trong lòng nỗi niềm đó . Anh em tôi nay cho đến cuối đời cũng khó mà có dịp được hội tụ lại một . Nhưng nếu gặp nhau kể cũng bằng không vì má đã không còn đợi nữa .
Nơi má tôi nằm yên nghĩ là Hòn Sầm thuộc thị trấn Ninh Hoà (nay là thị xã) đó là vùng đất tôi được má sinh ra và nuôi nấng nên người . Mỗi năm cứ đến những ngày giáp tết lòng tôi đều nhớ về vùng đất đó với dáng má gầy ngày tiễn tôi đi . Nhớ về má tôi vẫn là đứa trẻ con thơ dại cho dù bây giờ tuổi tôi cũng đã thất thập cổ lai hy.
Có một miền quê
Nằm ngửa vắt ngang đường
Đèo dãy phố ngủ trên lưng con lộ
Một miền quê vô danh . Có lẽ
Trở trăn hoài trong giấc ngủ
Mỗi đêm
Tóc trên đầu những sợi trắng dày thêm
đẩy những sợi đen lùi vào ký ức
Vết thời gian theo nhau xếp lằn ngang dọc
trên khuôn mặt ngoằn ngoèo từng dấu tháng năm trôi
Một miền quê cùng với tuổi thơ tôi
Má mỗi sáng bưng gian lao ra chợ
bán từng miếng âu lo mua từng lon gạo
Nhăn nhúm đời mình .
Má đong gánh chín người con
Tôi lăn lóc nhiều vẫn chưa thấm hết hai tiếng quê hương
Những ngóc ngách trong tim khi trở trời rưng rức
Con sông Dinh vẫn chảy ngang nơi lồng ngực
Tôi cắt bỏ đời mình theo con nước cuốn trôi xa
Có một miền quê tưởng đâu mới hôm qua
Góc chợ cũ mãi dáng má gầy níu lại
Chân lưu lạc nơi xứ người đã mỏi
Vẫn chưa một lần trở lại Ninh Hòa ơi
Quan Dương
____________
Đỗ Hứng gởi