Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

ÁO TRẮNG
 



Xin được thưa vài lời nói đầu rằng:

Bài Áo Trắng đã được viết tiếp theo bài Còn Nhớ Mùa Xuân; nhưng câu chuyện quá buồn, nên phải giữ lại cho đến sau ngày Tết mình. Tuy vậy, Áo Trắng cũng vẫn còn trong thời điểm tang thương, trong những tháng ngày Tết Mậu Thân 1968. Nhất là ở Huế. Huế đã chìm ngập trong tang tóc suốt 25 ngày từ phút Giao Thừa. Mặc dù câu chuyện đã được cắt bớt nhiều cảnh tượng tang thương, nhưng sự thật thảm thương tang tóc vẫn còn đó; vì đó là sự thật cần được ghi lại, cho dù ngôn ngữ đã vẫn không thể ghi lại trọn vẹn nổi niềm ...

Xin thứ lỗi cho câu chuyện và chữ dùng không vui trong Áo Trắng.
Cám ơn rất nhiều.

. . .
 
“Ngày xưa Huế có con đường trắng,
Ơi con đường trắng,
Áo trắng đơn sơ,
Áo trắng ngây thơ,
Áo trắng như mơ,
Áo trắng học trò.
 
Nàng Tôn Nữ tóc nghiêng vành nón,
Ơi nghiêng vành nón,
Tiếng guốc khua vang,
Ánh mắt mênh mang,
Ríu rít như chim,
Khắng khít tìm đàn.
 
Các em đi vàng thu, lá thu bay
Đường lên trường Đồng Khánh gió heo may
Tôi đứng chờ bên dòng Hương xanh ngát,
Nghe lòng mình xao xuyến, ngất ngây say ...”
 
Dòng Hương xanh ngát mà nhà thơ Tô Kiều Ngân nghe lòng mình xao xuyến, ngất ngây say, trong bài Những Con Đường Trắng, chính là dòng sông Hương. Sông Hương của Huế.

Sông Hương có hai nhánh sông, thường gọi là Tả Trạch và Hữu Trạch, nhập vào nhau phía trước lăng vua Minh Mạng, chỗ có bến đò Tuần. Nơi hai nhánh sông Hương gặp nhau, lưu lượng hợp lại làm cho dòng nước chảy mạnh hơn, lượn theo hướng tây-nam lên đông-bắc. Thế nhưng, chưa được bao xa, thì khúc sông gần chùa Linh Mụ gặp đồi Hà Khê ngăn chận. Bị ngăn chận, con sông đổi hướng, quanh sang phía đông. Cũng vì đồi Hà Khê chận dòng nước, đoạn sông này không còn chảy mạnh như trước. Nhưng qua khỏi Hà Khê thì sông Hương lại rộng hẳn ra, gần gấp đôi, đủ chứa hết lượng nước qua khỏi khúc quanh Hà Khê mà tràn vào. Do sức chứa của khúc sông rộng, làm cho nước chảy chậm lại hơn. Rồi dòng nước lại gặp cồn Giả Viên; bị ngăn thêm một lần nữa: dòng nước càng chậm, êm ả. Khi sông Hương chảy ngang trước Thành Huế, sông chảy lờ đờ. Đã thế, dòng nước lại còn phải đụng nhằm Cồn Hến, nước sông dồn ứ lại. Thành ra, đoạn sông Hương ở cầu Trường Tiền, nước chảy chậm lắm, gần như không nhìn thấy, cứ tưởng là dòng sông đứng yên một chỗ, trông giống cái hồ lớn rộng, thật yên bình...

Qua khỏi cồn Hến, sông Hương lại quanh quặt về hướng tây-bắc, hai nhánh sông Hương nhập lại. Vùng đất nơi đây là đất bồi, rất tốt, gọi là Bãi Dâu.
 
Bãi Dâu là một trong các nơi đã bị quân giặc chiếm thành phố Huế, vào Tết Mậu Thân, biến thành bãi tha ma; với các hố chôn người tập thể, và còn được nhắc đến với lời nhạc rằng:
 
“Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người.
Tôi đã thấy, tôi đã thấy, những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em.”
 
Ngày 19-10-1967, nhà cầm quyền bên kia vỉ tuyến tuyên bố rằng: vào dịp Tết Mậu Thân sẽ ngưng bắn 8 ngày, từ 27-01 đến 3-2-1968, tức là từ 28 tháng Chạp đến ngày mùng 5 Tết. Chính quyền miền Nam, sau hơn hai tháng dè dặt, đến ngày 16-12-1967, có ban hành lệnh ngưng bắn 3 ngày, từ 30-01 đến 1-2-1968, tức là từ mồng 1 đến mồng 3 Tết Mậu Thân. Trong 3 ngày Tết ấy, phần lớn quân nhân thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa được nghỉ phép để về đoàn tựu với gia đình trong ngày Tết, và ban hành lệnh miễn giới nghiêm trên toàn miền Nam …

Thế nhưng, thay vì ngưng bắc như đã tuyên bố, quân gian manh đã phản bội lời tuyên bố của chính mình để đánh chiếm các tỉnh thành ở miền Nam. Ngay đêm 29 rạng ngày 30-1-1968, đúng vào thời điểm Giao Thừa âm lịch, quân cộng sản đã khai hỏa phát động cái gọi là “Tổng công kích Tết Mậu Thân”. Phản bội hiệp ước đình chiến Tết Mậu Thân và lợi dụng ba ngày đình chiến ở miền Nam, quân giặc tràn vào tấn công nhiều thành phố và địa phương trên miền Nam Việt Nam, trong đó có Sài Gòn và Huế. Do quân dân miền Nam tin vào tuyên bố đình chiến mà thiếu cảnh giác; chỉ trong vòng hai ngày, các khu vực đông dân cư tại 41 thành phố và thị xã, cùng 72 quận lỵ, kể cả thủ đô Sài Gòn và cố đô Huế, đã chìm ngập trong lửa đạn.
Huế bị tang thương nhất!
Tang thương từ Đêm Mồng Một Tết!

Giặc tràn vào thành phố Huế và chiếm đóng suốt 25 ngày đêm; chúng đã biến Huế thành địa ngục trần gian. Chỉ một đoạn ngắn trong “Tựa Nhỏ: Viết Để Chịu Tội”, của Bút Ký “Giải Khăn Sô Cho Huế”, người ta đã đủ phải kinh khiếp trước cái dã man của những kẻ xưng danh là “giải phóng” tàn sát đồng bào mình. Nhã Ca đã viết như sau:

“Chính trong thế hệ chúng ta đây, đã có Đoan, một cô bạn học cùng lớp với tôi ngày nào, đang ngồi trên ghế đại học ở Sàigòn, bỗng về Huế, đeo băng đỏ nơi tay, dát súng lục bên hong, hăng hái đi lùng người này, bắt người khác, để trở thành một nữ hung thần trên cơn hấp hối của Huế.

Chính trong thế hệ chúng ta đây, đã có Đắc một sinh viên trẻ trung, hăng hái. Thời trước Đắc làm thơ, Đắc tranh đấu, rồi bỏ ra khu. Để rồi trở lại Huế lập những phiên tòa nhân dân, kêu án tử hình hàng loạt người, rồi đích tay đào một cái hố, bắt một bạn học cũ có xích mích từ trước ra đứng bên hố để xử tử. Cậu bạn của Đắc, tên là Mậu Tý, dơ cái băng đỏ dấu hiệu giải phóng quân lên cao, lạy van Đắc :

- Em lạy anh. Bây giờ em theo các anh rồi mà. Em có mang băng đỏ rồi mà. Cách mạng muôn năm... Hồ chủ tịch muôn năm.

Nhưng mặc Mậu Tý năn nỉ, hoan hô, Đắc vẫn nhất định nổ súng vào người bạn nhỏ….”

Người tên Đoan mà Nhã Ca nhắc đến, chính là Nguyễn Thị Đoan Trinh. Trinh là sinh viên Dược-Sài Gòn, về Huế ăn Tết, “để trở thành một nữ hung thần trên cơn hấp hối của Huế”. Còn tên Đắc, chính là Nguyễn Đắc Xuân. Xuân là sinh viên Sư Phạm, đã theo quân cộng sản. Tết Mậu Thân, Xuân trở về Huế, chỉ huy các cái như: Lực Lượng Học Sinh, Sinh Viên Giải Phóng Huế… Đồng thời, Xuân cùng với Hoàng Phủ Ngọc Phan chỉ huy các Đoàn Thanh Niên Võ trang An Ninh Bảo Vệ Khu Phố, còn gọi là Đội Tự Vệ Thành. Lực lượng man rợ này đã gieo tang tóc kinh hoàng cho dân Huế, trong hơn ba tuần lễ chúng chiếm thành phố Huế. Xuân và Phan còn dự phần xét xử trong các cái gọi là “Tòa án Nhân dân”, do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ tọa, và quân “giải phóng” đã kết án tử hình hàng trăm người dân Huế…
 
Sau Tết Mậu Thân, đến khoảng rằm tháng Giêng, tình hình ở Sài Gòn và hầu hết các thành phố ở miền Nam bắt đầu có phần ổn định hơn. Tổng Nha Thanh Niên kêu gọi tham gia cứu trợ đồng bào Huế; chủ yếu là giúp tìm xác trong các hố hầm chôn người tập thể của quân cộng sản. Lúc đó, thành phố Huế nhiều nơi vẫn còn bị cộng sản chiếm giữ, chưa thật sự an ninh. Đến cuối tháng Giêng, tình hình ở Huế an ninh hơn, chương trình cứu trợ được xúc tiến.

Vì hoàn cảnh dân chúng ở Huế, mới vừa thoát khỏi thảm nạn cộng sản, thiếu hụt mọi bề, nhất là thực phẩm; địa phương chỉ lo giúp cho đoàn cứu trợ có nơi trú ngụ tạm thời, chính phủ giúp phương tiện di chuyển. Do đó, thiện nguyện viên phải tự mang theo gạo, mì khô, đồ hộp…. Mỗi người mang theo hai ba-lô, đeo sau lưng và cả trước ngực; gồm lương thực, vật dụng cá nhân cho mình trong hai tuần.

Máy bay C130 chở 100 người tình nguyện đáp xuống phi trường Phú Bài, thì được đoàn xe của quân đội chở vào thành phố Huế, đưa tất cả về tạm trú tại Câu Lạc Bộ Thể Thao, gần chợ Đông Ba; đây là nơi dành cho các bộ môn thể thao dưới nước nên được xây cất sát bên bờ sông Hương.
 
Ai ơi có nhớ, nhớ về xứ Huế.
Đây quê hương: núi Ngự, sông Hương,
Sóng lưu tình đôi bờ thương nhớ,
Cầu Trường Tiền: lắm nhịp yêu thương.
 
Huế: núi Ngự, sông Hương, áo tím Đồng Khánh cùng tà áo dài trắng thướt tha trong giờ tan trường trên các nhịp cầu Trường Tiền… Huế đã đi vào thơ văn, đã làm xao xuyến lòng người. Nét đẹp, hồn thơ của Huế còn mãi đó với thời gian.

Huế: duyên dáng, yêu kiều, ngẩn ngơ, mộng mơ,… thơ thẩn người đi, chân bước không đành.
Một tiếng dạ! Huế ơi, lòng xao xuyến,
Tà áo dài tha thướt ướt hoàng hôn.
 
Mùa Xuân miền Trung năm này trời lạnh hơn các năm trước. Mỗi người được một cái mền mới, loại của quân đội Mỹ; tuy làm bằng giấy cũng đủ ấm và bền đến cả tháng.

Sau khi được các giới chức có trách nhiệm đến thăm chào, tiếp nhận và thuyết tình tổng quát về tình hình ở địa phương, mỗi người được cấp cho bảng tên đeo trên ngực, ghi là “Đoàn Cứu Trợ - Tổng Nha Thanh Niên” và chính thức nhận việc.
 
Đây, Huế!
Huế sau Tết Mậu Thân!
Huế bây giờ hãy còn đầy thê lương và tang tóc… trong hơi thở, trong ánh mắt của mọi người.
Đây, cầu Trường Tiền!

Cầu Trường Tiền bây giờ nằm gãy gục xuống dòng sông Hương, như thi thể những nạn nhân cong vẹo trong các hố chôn người của cộng sản. Để cắt đường phản công của quân đội miền Nam, quân cộng sản đã đặt bom phá hủy trụ thứ 3 và nhịp thứ 4, giật sập cầu Trường Tiền. Đây là phương tiện lưu thông giữa hai miền tả ngạn và hữu ngạn sông Hương, đoạn chảy ngang thành phố Huế. Cầu Trường Tiền còn là biểu tượng thân yêu của Huế. Sau thảm sát Tết Mậu Thân 68, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã khóc thương cho Huế qua bài "Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy":

“Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui,
Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi.
Cầu thân ái đêm nay gãy một nhịp rồi.
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai, tiếc thương lời vắn dài.
Vì sao không thương mến nhau, còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu!
Mối thù chờ sang ngày nào nối lại nhịp cầu, rửa hờn cho nhau”.
 
Lúc này, đơn vị Công Binh của quân lực miền Nam đã bắt hai cây cầu tạm. Tuy chỉ một lối đi bộ hẹp trên mỗi chiều, nhưng giúp nối liền hai bên bờ sông Hương.

Qua bên kia bờ sông Hương, qua cầu Đông Ba, khỏi ngã ba Nguyễn Du, đoàn Cứu Trợ qua thêm hai ngã ba đường lớn, bên phải gặp trường Trung học Gia Hội; đi xéo phía trước thêm chút là đến Tăng Quang Tự, còn được gọi là Chùa Áo Vàng, tọa lạc bên trái con đường.

Trong sân chùa và trường học, hầm hố chôn người đã tiếp tục phát hiện và đang khai quật. Thân nhân cùng dân chúng đào xới đất, để tìm thi thể nạn nhân bị vùi dập trong đó. Tình người, tình đồng bào, đã giúp cho những người dù không phải là thân quyến, không còn e dè trước mùi tử thi đậm đặc trong không khí.

Hố chôn người tập thể được khám phá đầu tiên ở trường trung học quận Gia Hội, nằm bên cạnh khu dân cư. Trước ngôi trường có tất cả 14 hố, gồm 101 tử thi. Sau ba ngày tìm kiếm, người ta khám phá thêm một số hố rải rác ở phía trước, phía sau và bên hông trường, nâng tổng số tử thi lên 203, gồm xác thanh niên, người già và phụ nữ. Trong số xác trẻ tuổi có 18 sinh viên. Có hố vừa chôn được hai hoặc ba tuần; số còn lại rất mới. Trong số nạn nhân có cô Hoàng Thị Tâm Túy, 26 tuổi, rất xinh, bán hàng ở chợ, nhà tại đường Tô Hiến Thành, Gia Hội. Theo lời kể của thân quyến, Tâm Túy đã bị những kẻ mang băng đỏ xưng danh là “Mặt Trận Giải Phóng” vào nhà bắt đi vào ngày 22 tháng 2, rồi chẳng thấy trở về. Xác cô Tâm Túy tay còn bị trói, miệng nhét đầy giẻ. Xác cô nằm chung với bốn nạn nhân khác, mà hai trong số đó có bà con với cô. Tâm Túy là bạn học cùng trường với nhà văn Nhã Ca. Nhã Ca đã viết về bạn mình trong Giải Khăn Sô cho Huế như sau: “Bạn tôi, chị Tâm Túy cũng đã bị chôn sống. Khi xác đào lên, thấy hai tay chị vói lên như đang cố cào bới đất … Bạn tôi bị chôn sống khi còn đầy sức sống, như nhiều nạn nhân khác … Huế, Tết Mậu Thân. Hàng ngàn người đã bị chôn sống như thế.”

Xác trong các hầm hố chôn người tập thể còn bị trói ghịt hai tay và cột nối với nhau thành từng xâu 10 đến 12 người, bằng các thứ dây oan nghiệt: dây điện thoại, dây kẻm gai sắc nhọn, … Trong đất bùn nhầy nhụa có xác thịt con người bất hạnh bị rữa nát, có mảng xương sọ còn lọn tóc rối nùi dính theo. Xác gồm thanh niên, sinh viên, học sinh, đàn ông, phụ nữ và cả trẻ em. Thi thể nạn nhân đủ các dạng nằm, ngồi, cong queo, gãy gập….
Cảnh tượng vô cùng thương tâm!

Cho dù đã được nghe biết trước, tất cả những thảm thương trước mắt và quanh mình là nỗi kinh hoàng, không sao ghi trọn vẹn bằng ngôn ngữ!

Những ngày này, Huế chưa thật sự an bình. Thành phố còn trong luật giới nghiêm, từ 2 giờ trưa đến 8 giờ sáng hôm sau. Đến giờ giới nghiêm, dân chúng cùng thân quyến tìm được xác người thân hay chưa đều phải về nhà. Những người có trách nhiệm được ở lại, tiếp tục công cuộc đào xới, cắt bỏ dây trói,… đem thi thể nạn nhân lên trên mặt đất. Các di vật may mắn tìm thấy, được bao bọc và đặt bên cạnh đầu nạn nhân, hầu giúp thân quyến dễ nhận xác. Đến khoảng 4 giờ chiều, tất cả mọi người mới nghỉ việc để trở về nơi tạm trú, ở Câu Lạc Bộ Thể Thao Huế.

Nhúng áo quần đã mặc đi đào xác vào chảo nước sôi lớn, có pha xà bông bột, đặt ở ngoài sân; khói lửa cùng hơi nước từ các bộ áo quần trong chảo bốc lên mù mù. Nước sôi, rồi nước sông Hương; giặc giũ mãi, mùi xác chết vẫn còn đó, còn ướp đậm trong từng sợi vải.

Công tác giúp đồng bào Huế tìm xác thân nhân đã dài hơn hai tuần dự trù, phải thêm tuần thứ ba mới tạm gọi là xong. …

Hàng ngàn dân Huế bị chôn vùi; không chỉ trong núi, trong rừng; nơi họ bị chôn vùi còn là đất chùa, đất nhà thờ, đất trường học, và ngay tại vườn nhà…  Khu chôn người tập thể ở trường trung học Gia Hội và chùa Áo Vàng chỉ là 2 trong hơn 20 địa điểm chính có hầm hố chôn người tập thể ở Huế, như: Tiểu chủng viện, cửa Đông Ba, Cồn Hến, Nam Giao, Phú Xuân, cạnh Lăng các vua, khu vực Dòng Thiên An, Phú Xuân, Phù Lương, làng Châu Chữ, cầu An Ninh, trường An Ninh Hạ, Chợ Thông, gần chùa Linh Mụ, truờng Văn Chí, Phú Thứ, Tiên Nộn, Đồng Di, Tây Hồ, sau làng Đình Môn, Khe Lụ, Khe Đá Mài, …Dã man nhất là tại Khe Đá Mài, thuộc vùng núi Đình Môn, Kim Ngọc, quận Nam Hòa, tỉnh Thừa Thiên. Nạn nhân bị giết tập thể, vất xác xuống dưới khe; lâu ngày thịt thối rữa bị nước cuốn đi, chỉ còn 428 sọ người, xương người dồn lại một đống. Người ta dựa vào các vật còn lại của người bất hạnh như áo len, tượng ảnh, giấy căn cước bọc nhựa... để biết được thân nhân của mình đã chết ở trong đống sọ và xương lẫn lộn đó. Hầu hết những nạn nhân nầy là giáo dân bị bắt ở nhà thờ Phủ Cam, vào đêm mùng 5 Tết.

Huế!

Tết Mậu Thân 1968!

Nơi đây, “tôi đã thấy, tôi đã thấy”: những hố hầm cộng sản đã chôn vùi thân xác anh em, thân xác đồng bào tôi.

Nơi đây, tôi không nghe ai “hát trên xác người”; tôi chỉ nghe tiếng kêu khóc thảm thiết!
Huế! Thảm sát Tết Mậu Thân!

Vòng khăn sô, nước mắt uất hận còn âm ỉ mãi mãi trong lòng người!
Huế với “Những Con Đường Trắng” và dấu hờn chưa nguôi, như lời thơ của Tô Kiều Ngân:
 
“Hò ... ơ ... ờ ... ơ ... ơ ... í ... í ... i ... à ... ơi
Ngày nay… Huế có nhiều con đường trắng
Áo qua Đông Ba,
Áo về Thượng Tứ,
Áo lên Bến Ngự,
Áo ngược Phú Cam ...
 
Hò ơi, ơi… Đầu xanh mà ai quấn khăn tang
Mùa xuân chừ héo hắt
Hò ơi… Mùa xuân mà héo hắt,
dấu hờn chưa nguôi ... Hò ơi ơi ...
 
Ngày nay Huế có nhiều con đường trắng
Ơi con đường trắng,
Áo chế thương đau,
nước mắt tuôn mau,
Áo trắng ngây ngây,
Áo trắng lạnh người!
 
Còn đâu nữa những con đường trắng,
Những con đường trắng
Cuối phố Đông Ba,
Áo trắng đi qua,
Áo trắng ngây thơ,
Bóng dáng ngọc ngà ...”
 
Khi viết Bút ký “Giải Khăn Sô Cho Huế”, Nhã Ca có tâm tình:

“… Cái thời gian chờ đợi ấy, đến nay, đã gần hai năm qua. Hai năm, hài cốt cả chục ngàn dân Huế bị tàn sát, bị vùi nông ở bờ bụi, vứt bỏ xuống đáy sông đáy suối, đã được thu nhặt dần. Những nấm mồ tập thể đã tạm thời xanh cỏ. Những nền nhà đổ nát đã tạm thời dựng lại. Cơn khóc than vật vã của Huế, những tiếng xô bồ về Huế, như vậy, cũng đã bớt ồn ào.

Đây, chính là lúc chúng ta có thể cùng nhau chít lại giải khăn sô, đốt nén hương nhỏ trong đêm tối mênh mông, của chiến tranh và tang tóc, để hồi tưởng về Huế.”
 
Từ 1968 đến nay đã hơn 50 cái Tết!

Để kỷ niệm 50 năm, đảng và nhà nước đã thật tán tận lương tâm, rình rang làm lễ ăn mừng, vào sáng ngày 31 tháng 01 năm 2018, tại Hội trường Thống Nhất, tại thành phố trước đây mang tên Sài Gòn, với chủ đề “Bản Hùng Ca Xuân Mậu Thân 1968”.

Thế đấy, từ năm 1975, từ sau khi chiếm Sài Gòn, chiếm trọn miền Nam tự do, mỗi năm khi Xuân về, nhà cầm quyền đã vẫn nhẫn tâm dẫm đạp lên trên những vết thương chưa lành của hàng triệu nạn nhân, không chỉ ở Huế, mà ở khắp miền Nam, và tự hào tung hô: “Đại thắng mùa Xuân”.

Ơi … “Đại thắng mùa Xuân”!
Ơi … Huế!
“Áo chế thương đau,
nước mắt tuôn mau,
Áo trắng ngây ngây,
Áo trắng lạnh người!”
 

Bùi Đức Tính


usaelection gởi