Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
Ba con dê bị mất từ một nền giáo dục trộm cắp

 
Những năm sinh viên, tôi và bạn bè gốc quê của mình đi làm thuê, thường thì đi theo nhóm, một nhóm chừng năm đứa, rủ nhau đi làm, có nhóm đi dạy thêm, có nhóm đi bồi bàn, có nhóm đi làm thêm những việc có tính chất “thợ đụng”, ai kêu gì làm nấy. Nhóm tôi ngoài việc đi dạy thêm còn đi bồi bàn trong những ngày cuối tuần mới đủ tiền thuê trọ, tiền ăn. Thời gian đi làm thêm cũng là khi tôi nhận ra sự khủng khiếp của thế hệ tôi từ nền giáo dục, một sự khủng khiếp tôi còn mơ hồ khi ở giảng đường và nó hiển hiện rất rõ khi đi làm, càng về sau, tôi càng thấy rằng với nền giáo dục này, sẽ cho ra những con người trộm cắp toàn diện, ai may mắn lắm mới thoát được nó nhờ vào giáo dục gia đình.
 
Tôi còn nhớ như in hình ảnh một thằng bạn chuyên ăn cắp vặt trong lúc bưng thức ăn, khi bưng dĩa chả chiên hoặc món ăn gì đó có thể bốc được ngang qua đoạn không có ai quan sát, hắn lén bốc một cục bỏ vào mồm, sau đó, miệng thì nhai nhanh, tay thì sửa cho dĩa thức ăn tròn, đều trở lại, hắn làm trong tích tắc.
 
Nhưng, chuyện ăn cắp thức ăn vì quá đói, dần thành thói quen vẫn chưa có gì đáng kể, trong một lần nói chuyện với nhau, sau khi nghe một tay giám đốc ngân hàng trò chuyện trên bàn rượu, rằng ông ta tuyển nhân viên toàn nữ, phải đẹp mới tuyển, khi phỏng vấn để nhận người, ông ta chỉ hỏi đúng một câu “em uống được mấy chai?”, nếu trả lời không biết uống và không biết hát karaoke thì ông sẽ không nhận.
 
Những đứa sinh viên giàu mộng mơ như tụi tôi sẽ rất sốc khi nghe chuyện, nhưng có vài đứa không những không sốc mà lại nhìn thấy cơ hội của mình. Tôi nhớ một đứa bạn đố tôi “giả sử sếp của mi hỏi năm cộng năm bằng mười một đúng hay sai, mi trả lời sao?”. Tôi nói: “Theo toán học thì rõ ràng sai!”. Nó bảo “Mi ngu quá, như vậy là mất việc đó con, mi phải nói lại là nếu sếp nói đúng, thì đó là đúng”. Mấy đứa còn lại vỗ tay khen thằng đó khôn, thông minh. Riêng tôi lúc ấy chỉ thấy ớn lạnh và chán nản, bởi mọi thứ tôi chưa bao giờ hình dung nó tệ mạt như vậy.
 
Nhưng rồi, khi đi làm việc, tiếp xúc với đủ hạng người, tôi lại thấy thằng kia khôn và đúng, chí ít là nó khôn với tình thế xã hội nó sống và nó đúng cho tương lai của nó, còn mình thì quá ngu, mình luôn tâm đắc với quan niệm “ghét thì nói ghét, thương thì nói thương, đúng sai rõ ràng” nên mình đụng đâu cũng thấy khó, đụng đâu cũng thấy thất bại, đụng đâu cũng gặp toàn oan khiên gai độc. Như vậy là tôi sai sao? Như vậy thì xã hội này trở thành cái nồi lẩu lộn xộn, chẳng còn đúng sai, chẳng còn công lý hay thiên lương sao?
 
Tôi nghĩ không đến nỗi như vậy, chí ít, vẫn còn rất nhiều người từng thụ đắc một nền giáo dục tốt, và cả những người tuy sống trong lòng chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng bản thân họ được thụ đắc nền giáo dục gia đình chỉn chu, họ may mắn học được những làn gió tư tưởng cởi mở, họ biết tự trọng và tin vào sự chân thành, sự thật... Họ vẫn tồn tại đâu đó, không phải ít trong xã hội này. Nhưng tiếng nói của họ trở nên nhỏ nhoi hoặc họ không buồn nói ra tiếng lòng của mình, bởi giữa cái xã hội hổ lốn, họ biết có nói ra cũng bằng thừa, bởi đó là sự hỏng hóc từ kiến trúc thượng tầng, sự hỏng hóc từ nền giáo dục, thì họ nói ra để mà làm gì?!
 
Một nền giáo dục mà ngay từ nhỏ, cả nhà trường và học sinh đều phải gồng lưng để vừa chạy đua vừa nuốt những chương trình vô bổ, những giáo án , giáo trình vừa xa rời thực tế vừa vặn vẹo dối trá, một mặt ca ngợi chiến công hiển hách cũng như sự lãnh đạo thiên tài của đảng cầm quyền, mặt khác chì chiết, bêu riếu với giọng điệu đầy thù hận đối với bên thua cuộc. Với một nền giáo dục mà khởi sự là một thái độ phi khoa học, phi nhân đạo như vậy, tâm hồn của học trò không thể khai mở một cách bình thường, nếu không muốn nói là tổn thương, méo mó và dị dạng.
 
Một nền giáo dục mà ở đó, cuộc chạy đua về thành tích gần như bất tận, chạ mẹ phải vã mồ hôi để chạy đua với thành tích của con, còn con thì lao đầu như thiêu thân vào việc học, từ học chính khóa đến học thêm, học kèm và các loại phấn đấu, nỗ lực để có giấy khen, có khen thưởng từ thành tích học tập cũng như thành tích sinh hoạt đội, đoàn, thành tích noi gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Tất cả những thứ vớ vẩn ấy chi phối toàn bộ thời gian và khiến cho bất kì gia đình cha mẹ học sinh nào đều phải xoắn chân, vắt chân mà chạy theo. Nếu chạy theo bằng đường chính không kịp thì chạy theo bằng đường băng. Tức cố gắng cho con học thêm, học kèm, học bồi dưỡng... mà con vẫn chưa đạt được thành tích mong muốn thì mua thành tích. Thời đại thành tích là sản phẩm đặc trưng của nhà trường nên với sản phẩm, người ta mua được nó bằng mọi giá, nếu mua bằng nhiều tiền không được thì mua bằng thật nhiều tiền.
 
Ngay cả những tấm bằng đại học, cao học của các quan chức lãnh đạo, những thứ mà phải trầy vi tróc vảy mài đũng quần suốt mười hai năm học để thì vào đại học, thì đậu đại học rồi lại mài đũng quần suốt gần năm năm dài để lại thức khuya dậy sớm mà luyện, ôn, thi mới có nó... nhưng người ta có thể dễ dàng nhấc một cuộc điện thoại, chuyển một dãy số trong tài khoản hoặc giả chuyển một cái phong bì thì có tất tần tật, hàng thật, từ chữ ký Hiệu trưởng cho đến con dấu đỏ, có hết. Trong một bầu khí quyển giáo dục mang tính chợ búa và mua bán như vậy, thì lòng thật thà có còn không?
 
Một khi lòng thật thà không còn, giá thành hàng hóa ngày càng đắt đỏ, người không mua nổi sẽ nghĩ đến chuyện ăn cắp. Bởi bản thân những người làm giáo dục cũng đang ăn cắp, từ ăn cắp lương tâm đến ăn cắp danh dự, ăn cắp sản phẩm giáo dục, ăn cắp thành tích, ăn cắp tài sản quốc gia... thì câu chuyện ăn cắp đâu chỉ dừng ở những người làm công tác giáo dục. Sự ăn cắp nhanh chóng chuyển sang những đứa học trò, những đứa có khả năng học và tiếp thu rất nhanh so với người lớn, chúng có thể phát huy, người lớn biết ăn cắp một thì chúng biết ăn cắp mười.
 
Chúng không những ăn cắp cây viết của bạn bè, ăn cắp cuốn tập, ăn cắp trái bắp, trái dưa mà chúng sẽ nuôi mộng ăn cắp rừng, ăn cắp biển, ăn cắp khoáng sản, ăn cắp luôn cả thành tựu, thánh tích của người khác, thậm chí ăn cắp cả ý nghĩ của người khác nếu có thể. Bởi ăn cắp đã trở thành sinh quyển của chúng, luật chơi của xã hội và là đường hướng đi đến tương lai.
 
Trong một xã hội đầy rẫy kẻ cắp, từ nhà trường đã nuôi ý chí ăn cắp, khi đi làm việc, nếu là thầy thuốc, chúng sẽ ăn cắp từng viên thuốc, từng chút dụng cụ, vật tư y tế, nếu làm nhà giáo, chúng sẽ ăn cắp thời gian của học trò bằng cách ém nhẹm, kéo dài bài vở để dạy thêm, dạy kèm, thậm chí toa rập để chạy đua thành tích, đó là chưa nói đến việc ăn cắp giờ giấc để hẹn hò, ngoại tình khi đã có gia đình, nếu làm quan, làm cán bộ thì chúng sẽ ăn cắp tài sản quốc gia, ăn cắp tài nguyên đất nước... Có cả một ngàn lẻ một đường để chúng ăn cắp.
 
Và hệ lụy của việc ăn cắp đồng loạt này là các quan chức giàu nứt đố đổ vách, công chức giàu sụ, viên chức giàu kếch xù và tất cả đều lấy của ăn cắp để nuôi tham vọng. Tài nguyên quốc gia ngày càng cạn kiệt, kể cả tài nguyên con người. Tài sản quốc dân bị bòn rút đến tận cùng, xã hội trở nên rối ren và đầy rẫy trộm cắp.
 
Chuyện ba công an viên vừa bị bắt ở Hà Nội do bắn trộm dê của dân làm dấy động dư lận hai ngày nay, thiết nghĩ đó chỉ là chuyện hổ ngươi và đen đủi trong thói quen trộm cắp của công an mà thôi. Bởi công an cũng từng là học sinh xã hội chủ nghĩa, công an cũng là công chức nhà nước, công an cũng là công dân xã hội chủ nghĩa, cũng đều chung một nền giáo dục và thiên hướng chính trị cũng như khuynh hướng tính cách.
 
Thử hỏi: Nếu tất cả cán bộ Việt Nam sống một cách lương thiện, không có thói quen trộm cắp, thì tiền lương của họ có đủ để xa hoa, sa đọa như đang thấy? Và giả sử họ giỏi kinh doanh, thì với những đồng tiền chảy mồ hôi, sôi nước mắt do kinh doanh mà có được, những đồng tiền sạch, họ có dám vứt qua cửa sổ sau một đêm ăn chơi?
 
Chỉ có tiền ăn cắp, chỉ có thứ tiền có được bởi “một đêm ăn trộm bằng ba năm làm” mới giúp cho cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng vứt nó qua cửa sổ, ăn chơi sa đọa, bất chấp như vậy mà thôi!
 
Đừng ngạc nhiên khi nghe tin công an hay cán bộ ăn cắp, bởi hằng ngày, họ vẫn công khai ăn chặn, ăn trấn lột bằng hình thức “giữ trật tự an toàn giao thông” với áo vàng, trang phục ngành và lực lượng hỗ trợ, họ vẫn nói năng với dân giống như quân cướp, hỗn hào, vô lễ, mất dạy... Họ có tất! Hằng ngày, họ vẫn ăn cắp, buôn lậu, buôn hàng quốc cấm qua cửa khẩu một cách ngang nhiên, thậm chí rạch vali của hành khách mà lấy trộm đồ đó thôi, họ là những người ưu tú của chế độ đấy!
 
Đừng ngạc nhiên khi cán bộ ăn cắp, bởi lúc này, việc thụt két nhà nước đã khó hơn rồi, nên chuyện họ sổng ra ngoài, ăn cắp một thứ gì đó của dân mà bị bắt, là do họ xui rủi. Còn ngay từ nền giáo dục, ngay từ tấm bé, họ đã sống trong bầu khí quyển trộm cắp, bởi vậy: đừng ngạc nhiên!


06/27/2023 
VietTuSaiGon

____________


Đỗ Hứng gởi