BÀ GIÀ ĐỐT AM
Chúng tôi xin kể lại một câu chuyện quí vị đã từng nghe nhiều lần, nhưng mỗi lần kể mỗi lần có ý vị riêng của nó.
Đó là câu chuyện “Bà già đốt am”, bà già này biết đạo. Có một Thiền khách đến, xin bà giúp đỡ cất cho một cái am và ủng hộ tu hành cho mau đạt kết quả. Bà rất sẵn sàng cất cho thầy một cái am và mỗi ngày cơm cháo đầy đủ, tứ sự cúng dường không thiếu món chi.
Thầy tu như vậy được ba năm. Bà già tin rằng sự tu hành của thầy được kết quả rất tốt. Để chiêm nghiệm điều đó, bà bèn sai một đứa cháu gái khoảng mười tám tuổi đem cháo cho thầy dùng, xong rồi bất chợt ôm ngang hông thầy, liền hỏi: “Ngay bây giờ thì thế nào?”
Thầy đáp:
Khô mộc ỷ hàn nham,
Tam Xuân vô noãn khí.
Tức là:
Cây khô tựa núi lạnh,
Ba mùa Xuân không chút hơi ấm.
Câu trả lời như vậy thật quá hay, xứng đáng cho chúng ta kính lạy phải không? Ba mùa Xuân rồi không một tí hơi ấm, để nói rằng thầy đã khô lạnh không còn có niệm gì với trần tục nữa. Nghe cô cháu gái về thuật lại câu chuyện, Bà nói: “ba năm nay nuôi một ông thầy phàm phu”, liền đuổi thầy đi và đốt am. Nếu câu chuyện ngang đây kết thúc sẽ làm chúng ta bàng hoàng, nhưng còn một đoạn kết ở sau.
Sau khi bị đuổi, ông thầy ra đi, nhưng vài năm sau, thầy trở lại tìm bà già. Và cũng như lần trước, thầy nhờ bà giúp cho việc tu hành. Bà cũng hoan hỉ cất lại am và cúng dường cơm cháo đầy đủ cho thầy. Sau một thời gian, bà bảo cô cháu gái thử thầy như lần trước.
Đem cháo lên xong, cô liền ôm ngang hông thầy và hỏi: “Ngay bây giờ thì thế nào?”
Thầy trả lời: “Tôi biết, cô biết, đừng cho bà già ấy biết!”
Như vậy là sao? Ngay đây ông thầy còn cao thượng như khi xưa không? Mới nghe qua tưởng rằng thầy có tình ý gì nên mới bảo: Tôi và cô biết thôi, đừng cho bà già biết bà ngăn trở. Nhưng không ngờ khi cô gái về thuật lại cho bà nghe, bà nói: “À như vậy mới xứng đáng là người mà ta cúng dường.”
Nghe qua câu chuyện chúng ta thấy bà già hiểu đạo đến mức nào! Điều mà thế gian tưởng là có tình ý xấu xa, trong đạo lại là cao siêu.Vì sao? Nếu nhìn với mắt trần tục thì sẽ phê bình thầy: “Ông thầy chắc hết muốn tu rồi nên mới thốt ra câu nói rất phàm tục. Còn ngày xưa ông tu rất hay, ông khô lạnh hết rồi. Bây giờ ông giấu bà già không cho biết, chỉ để hai người biết thôi.”
Kỳ thật câu chuyện này đưa ra cho chúng ta một kinh nghiệm. Bà già đó trong nhà Thiền gọi là bậc thượng thủ, chớ không phải thường. Vì thế khi nghe thầy nói: tâm ông khô lạnh, không còn một chút hơi ấm, tức là diễn tả tâm ông đã chìm lặng không còn một tí tình gì đối với mọi người, bà già biết ông đang chìm trong biển độc, nên đuổi đi và đốt am để cảnh giác ông.
Tuy ông tu rất hay nhưng ông chìm trong chỗ khô lạnh, nhà Thiền gọi là chìm trong biển vô sanh.
Khi bị đuổi đi ông sực thức tỉnh biết chỗ lỗi của mình, biết chỗ kẹt của mình. Ngay đó ông vươn lên và nhảy khỏi. Rồi ông trở về để thử thách lại bà già. Ông yêu cầu được ở và được nuôi như trước.
Đến khi người con gái ôm ngang lưng ông lần nữa, ông nói: “Tôi biết, cô biết, đừng cho bà ấy biết.”
Tức là hiện giác hằng giác mà không có niệm quá khứ vị lai. Đó mới là con người chân thật, con người thật sự tiến đến giác ngộ.
Thế nên bà già mới khen đó là người xứng đáng để bà cúng dường. “Không cho bà biết” vì bà là người ngoại cuộc không có hiện hữu hiện thời. Nếu đợi mách cho bà biết là ở một thời gian khác, thành vị lai mất rồi.
Còn có niệm quá khứ vị lai là làm mất cái thường giác của mình. Hằng giác hiện giác đó là chỗ mà ông hằng sống. Nếu không biết chỗ sống ấy, với ý phàm tục chúng ta sẽ phê bình ông thầy.
Hòa Thượng , Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Trích trong : NGÀY XUÂN QUA CÁC THIỀN SƯ VIỆT NAM
Hoang Nguyen gởi