Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
BA Y VÀ MỘT BÌNH BÁT CỦA MỘT VỊ KHẤT SĨ

“Một bát cơm ngàn nhà Thân chơi muôn dặm xa …” Bạn thương mến! Bây giờ, mỗi lần mở nắp nồi cơm điện để đong gạo nấu cơm, khi cầm trong tay cái ruột của nồi, mình không khỏi nhớ đến một cái ruột nồi cơm điện khác, nổi danh như cồn. Nồi ấy đã từng vân du cùng chủ nhân của nó suốt mấy năm trường, từ Nam chí Bắc, dầm mưa, giãi nắng, âm thầm đón nhận những chén cơm tẻ, chút rau luộc, tí nước tương … do người dân quê dọc đường dâng tặng.

Nó đã thay thế chiếc bình bát mà Đức Phật (và Tăng đoàn của Người) đã từng sử dụng cách đây hơn 2500 năm để thọ nhận “Đà-na”, tức phẩm vật cúng dường của các thí chủ sống trong các làng mạc nghèo nàn, hẻo lánh. Bình bát thường được cắp theo bên hông bởi những người đầu trần, chân đất, mình quấn y vàng trật một bên vai, lặng lẽ đặt những bước chân khoan thai, đĩnh đạc, miệng điểm một nụ cười trầm tĩnh, đi vào những thôn xóm nghèo để “khất thực”, nghĩa là xin một bữa ăn duy nhất trong ngày và phải dùng bữa trước giờ Ngọ là lúc mặt trời đứng bóng (nên gọi là ngọ trai).

Với thời gian, người ta không chỉ bắt gặp những tì-kheo và tì-kheo-ni trong các “phước điền y” vàng rực đó dọc theo sông Hằng (1), trong Rừng Tre (2), vào Vườn Xoài (3) hay trên núi Thứu (4), mà chiếc cà-sa được kết bằng những miếng vải vuông đã cùng chiếc bình bát vượt sông Hằng, vượt dãy Hy Mã Lạp Sơn, đi về hướng Tây và Đông Bắc rồi rẽ sang hướng Đông; lại còn dong buồm về những vùng đất hướng Đông Nam xa xôi, v.vv… Tương truyền, khi rời khỏi thành Ca-Tỳ-La-Vệ (Kapilavatthu) để tìm đạo giải thoát, thái tử Tất-Đạt-Đa (Siddhata) cởi bỏ bộ y phục sang trọng, cho một người thợ săn để nhận một bộ y phục nhạt màu được gọi là “cà-sa”.

Gốc tiếng Pali của chữ “cà-sa” là “Kasaya”, nó không có nghĩa là “áo” mà có nghĩa là “bạc màu, hư hoại”. Đức Phật chọn chiếc áo đó vì Ngài thấy nó đơn giản, thích hợp hơn cho mình khi đang vân du khắp nơi để tìm cầu chân lý. Chính tấm y này đã được Siddhata mặc trong suốt thời gian tu khổ hạnh. Không lạ gì khi 6 năm sau, tấm y của thái tử dần cũ và rách đi. Sau đó thái tử đã đến nghĩa địa nhặt những mảnh vải cũ được dùng để bọc thi thể của một tì nữ. Thái tử giặt sạch những mảnh vải này và sau đó khâu thành một bộ y phục mới cho mình, mà sau này được gọi là nơi “y phấn tảo” hay “y bá nạp”. Trong thời gian du hóa sau ngày thành đạo, Đức Phật đã được cúng dường nhiều tấm lụa hiếm quý, nhưng Ngài đều giao lại cho đệ tử mình tùy nghi sử dụng. (Ngoài tấm “y phấn tảo” này, Đức Phật còn được một vị thần cây dâng thêm một y “Tăng Già Lê”.)

Suốt 49 năm, Đức Phật đã giữ gìn tấm áo đó cẩn thận và truyền lại cho tôn giả Đại Ca Diếp (Kassapa), người duy nhất chọn lối tu “khổ hạnh đầu đà” và cũng là người duy nhất mỉm cười khi Đức Phật im lặng giơ lên một cành hoa trong Đại hội Linh Sơn. Y VÀ BÁT là 2 món vật tuỳ thân của Đức Phật suốt 49 năm du hoá của Ngài. Sau khi khai thị và độ được 5 anh em Kiều Trần Như (Konnanda) tại Vườn Nai (Isipathana), Đức Phật bắt đầu thu nhận đệ tử. Sau khi thế phát xuất gia, các “Bikkhus” đều mang giòng họ “Thích”, tức là họ của vị Thầy bổn sư “Thích Ca Mâu Ni”, được phiên âm từ “Sakya Muni”.

Tất-Đạt-Đa tức Siddhata là một nhân vật lịch sử có thật, từng là một Thái tử của một vương triều cai trị một vùng đất phía Tây Bắc Ấn Độ ngày nay, đã từ bỏ ngai vàng để đi tìm đạo giải thoát và chứng đắc thành Phật Thích Ca Mâu Ni. Lúc nãy mình có nhắc đến chữ “Phước điền y”, dịch nôm na là chiếc áo (trông như) những mảnh ruộng phước đức. Theo “Đường Xưa Mây Trắng”, tác giả Thích Nhất Hạnh, một ngày nọ trong mùa an cư, Đức Phật ngồi trên núi Thứu trông thấy những thửa ruộng lúa chín vàng được chia thành từng ô, chạy dài tới chân trời… rất đẹp mắt, nên Ngài mới đề nghị Đại Đức A-Nan-Đà (Ananda), lúc đó là thị giả của Phật, may áo cà-sa cho các vị khất sĩ theo kiểu mẫu này. Đại đức Ananda kiến giải thêm rằng “một vị khất sĩ tu học nghiêm chỉnh là một thứ đất ruộng rất tốt, trên đó ta có thể gieo những hạt giống phước đức cho hiện tại và tương lai. Cúng dường, học hỏi và tu tập theo vị khất sĩ ấy chính là gieo những hạt giống phước đức”. Rồi Đại đức xin Phật được gọi y này là “phước điền y”. Hình ảnh các vị khất sĩ đắp y vàng, tay cầm bình bát im lặng đi khất thực … tuy không còn phổ biến nhiều, nhưng chúng ta vẫn còn dễ dàng thấy được tại các nước theo Phật Giáo Nguyên Thuỷ như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia …

Thời Đức Phật còn tại thế, một tỳ-kheo hay tỳ-kheo-ni sau khi xuống tóc, được phát cho 3 bộ y đó dùng để che thân - thường gọi là “đắp y”. Khi cần, có thể xếp áo cà-sa thành tọa cụ, tức gối ngồi để tĩnh tọa và đắp thêm một áo lên mình những lúc mưa gió lạnh lẽo. “Ba y và một bát” là câu nói thông dụng để nhắc nhở cuộc sống đạm bạc, đơn sơ, giảm thiểu vật chất đến tối đa như có thể, dành cho các vị xuất sĩ, xuống tóc “cát ái từ sở thân”, gia nhập Tăng đoàn.

Họ chọn lối sống ấy để học buông bỏ “tam độc” là Tham, Sân và Si, để dễ tập trung vào việc quán chiếu về tính Vô Thường, Vô Ngã, Duyên Sinh và Không … của vạn hữu, để đạt đạo, giải thoát. Sau bài Pháp đầu tiên dạy về Tứ Điệu Đế (4 sự thật về khổ) và Bát Chánh Đạo (8 con đường giúp ta chuyển hóa khổ đau) tại Vườn Nai, tức Lộc Uyển tại Sarnath, Đức Phật đã bắt đầu thu nhận đệ tử muốn xuất gia theo Ngài.

Nhưng sau một thời gian hướng dẫn các pháp môn căn bản nhất, Đức Phật đã tập hợp đệ tử của mình lại và dặn dò: “Quý vị bây giờ là những “Bikkhu”, nghĩa là “khất sĩ”, những CON NGƯỜI TỰ DO, không vướng bận và không bị ràng buộc vào bất cứ một cái gì. Tất cả quý vị có thể rời khuôn viên Lộc Uyển và đi như những con người tự do, để mang ánh sáng của đạo tỉnh thức đến tận chốn hang cùng hố thẳm, đi để gieo hạt giống giải thoát và giác ngộ, đem an lạc đến cho con người.

Như thế, y và bát là những vật chất duy nhất vị khất sĩ còn sở hữu để nuôi sống tấm thân “Tứ đại” (được biểu hiện nhờ 4 nguyên tố “đất, nước, gió, lửa” kết tạo thành). Tuy đã quyết định xả bỏ tất cả, nhưng họ phải giữ lại tấm thân này mới có thể tu học Phật pháp. Y và bát của Đức Phật tượng trưng cho phẩm hạnh cũng một người khất sĩ, luôn gìn giữ một lối sống thiểu dục, đạo đức, khiêm cung, sẵn sàng thọ nhận phẩm vật của người đời bất kể giàu hay nghèo, sang trọng hay hạ tiện, để che thân và nuôi thân. Hai vật ấy là hình ảnh nhắc nhở những ai muốn theo đuổi một lối sống thanh tịnh, thanh cao và hướng về một lý tưởng trong sáng, tự giải thoát cho mình khỏi mọi hệ lụy khổ đau.

Tiếp theo, “Trao Y Bát” là một cụm từ dùng để gọi sự truyền thừa; vị Thầy khi mất đi, thường chọn một người đệ tử tài giỏi và đức độ nhất trong hàng đệ tử của mình mà trao truyền lại, công nhận và tuyên bố đây là người kế thừa ngôi vị, đồng thời người được trao ý bát sẽ lãnh công việc và trách nhiệm, thay Thầy tiếp tục dìu dắt huynh đệ đồng môn, hàng đệ tử tại gia và cả tu viện, nếu có.

Trở lại cái ruột nồi cơm điện đã nổi tiếng như cồn trên mạng xã hội trong nước, suốt mấy tuần qua. Khi được một vị khất sĩ trẻ tuổi chọn làm chiếc bình bát, nó đã theo chân vị du tăng đó âm thầm đi từ Nam ra Bắc, ròng rã mấy năm trời, nhưng ít ai để ý đến. Không hiểu sao, tự dưng lần xuôi Nam này, vị khất sĩ kín tiếng lẫn hành tung đó lại được đông đảo người dân chú ý tới. Có người thán phục, ngưỡng mộ, thậm chí sùng bái tôn thờ như một vị Phật sống. Nhưng đồng thời, không thiếu kẻ ngờ vực, bĩu môi chê bai, thậm chí không ngại tìm mọi cách phân tích và phê phán, hạ bệ người khất sĩ lỡ chưa “đăng ký” trong “giáo hội Phật giáo VN” - một giáo hội duy nhất được chính quyền mang tiếng là do dân bầu, nhưng toàn bộ “dân biểu“ lại xuất phát từ một đảng duy nhất, đã chấp nhận cho hoạt động. Một số không ít khác vì “đánh hơi” thấy đây là cơ hội “hốt bạc” nên kiên trì theo sát, quay phim không sót một hoạt động nào của vị khất sĩ, để đăng trên các Social media.

Tội nghiệp, vị du tăng trẻ ấy thoạt tiên chỉ muốn đi bộ khắp trong nước, tập sống một cuộc đời thiểu dục (ít ham muốn vật chất), học hạnh kham nhẫn (ai cho gì, ăn nấy; ngủ một mình trong nghĩa địa hay các nhà bỏ hoang; ai đánh hay chửi đều chấp nhận; ai tâng bốc, tung hê cũng giữ thái độ khiêm cung). Vị khất sĩ với tên Thích Minh Tuệ chẳng dám răn dạy ai, nói chi là việc cổ suý một pháp môn mới, hay kết nạp thu nhận đệ tử. Nhưng “nhờ” mạng xã hội, ngày càng nhiều người biết đến Thầy hơn (Tôi tạm gọi là “Thầy” vì do lòng kính ngưỡng cá nhân, chứ thầy Minh Tuệ luôn xưng “con” với tất cả mọi người).

Rồi người ta bám theo Thầy, vái lạy dọc đường, đốt nhang, trầm, rải hoa đón Thầy. Vì vậy mới gây cảnh tắc nghẽn giao thông, rối loạn trật tự và lắm khi “cười ra nước mắt” (YouTuber, Tiktoker theo Thầy cả những lúc Thầy làm những việc cá nhân như đi vệ sinh, tắm rửa!) Rồi có những vị tỳ kheo khác, ở xa kéo tới, xin tham gia chuyến đi bộ cùng Thầy Minh Tuệ. Nghe đâu, có một vị từ nước ngoài trở về tham gia nhưng sau vài ngày đã đột quỵ rồi tử vong vì không quen với cái nóng nung người của miền Trung vào mùa khô! Thật tội! Một số hình ảnh và bình luận (thí dụ trên Facebook) cũng đặt nghi vấn: không ít những nhân vật đi theo chắc là người của chính quyền cài cắm vào để theo dõi mọi hành động, lời nói, tiếp xúc của Thầy. (Thật không biết đâu là thực, đâu là hư?!)

Chưa hết, vài nhà thiết kế thời trang rất thức thời, biết “đu trend”, liền tung ra thị trường những mẫu áo dài với nhiều ô màu, trông lạ mắt và khá thẩm mỹ, bắt chước theo cái y được chắp vá từ nhiều mảnh vải vụn của Thầy! Cá nhân tôi rất thích ngắm nhìn những bức vẽ về Thầy, khi đi trong mưa, lúc ngồi tĩnh tọa … không thể lẫn lộn với vị khất sĩ nào khác nhờ chiếc “y phấn tảo” thật đặc biệt, “bien coloré”! “Bình bát nồi cơm điện” cũng là đề tài hấp dẫn cho các bài viết và tranh biếm họa. Số là từ “nồi cơm” trong dân gian mang nghĩa “job”, “cơ sở làm ăn, buôn bán” của ai đó. Vì vậy người ta vẽ tranh hí họa hình Thầy Minh Tuệ cắp cái nồi đi, sau lưng có một nhà sư khác tức giận la ó “Ê! Mi lấy nồi cơm ta đi đâu?!” Âu cũng phản ánh đúng phần nào tình trạng ma tăng xuất hiện nhan nhản, hau háu chụp, nhét phong bì cúng dường của Phật tử chơn chất ngây thơ, bị lừa, bị hù dọa rằng chỉ có thể chuộc lỗi lầm và có một kiếp sau may mắn hơn bằng cách cúng dường thật nhiều! Các “sư hổ mang” đó với tên mới do dân đặt cho như “Thích Rolex”, “Thích Chuyển Khoản”, lo sợ bị “bể nồi cơm” là phải! Trong thời kỳ mạt Pháp lại xuất hiện một khất sĩ da sạm nắng, mắt sáng, mặt mũi hiền lành, nói năng lễ phép, bước chân vững chãi, ôm “bình bát” (là ruột nồi cơm điện), đứng xin ăn trước những ngôi nhà nghèo nàn, đêm về ngủ ngồi trong nghĩa địa hoặc các nhà bỏ hoang… thử hỏi, làm sao không gây tiếng vang khắp chốn? Từ vài chục, đến vài trăm và cuối cùng là cả ngàn người gia nhập cuộc đi bộ của vị khất sĩ ấy. Chính những điều này làm những kẻ nắm quyền bính trong tay hốt hoảng, lo sợ “phong trào đi bộ” theo thầy Minh Tuệ có thể biến thành một làn sóng lớn, lung lay những “chùa to, tượng lớn, tài khoản kếch sù” của cái giáo hội ma mị do chính họ thành lập và kiểm soát.

Chính quyền sợ rằng làn sóng sẽ lớn hơn nữa, “tức nước vỡ bờ” cuốn phăng đi những băng hoại đạo đức trong xã hội mà họ cố tình làm lơ, dung tha bấy lâu nay. Nhưng vào khuya ngày 03/06 , công an tỉnh Thừa Thiên đã ập vào nơi đoàn khất sĩ đang nghỉ đêm, bắt và áp giải các tăng lữ đưa đi khắp nơi! Riêng Thầy Minh Tuệ thì biệt tăm! Điều chúng ta lo sợ đã xảy ra! Nhà nước VN - chính quyền độc tài đảng trị - đã thẳng tay chận đứng cuộc bộ hành, chắc chắn đã cô lập và giam lỏng, quản thúc Thầy Minh Tuệ ở một nơi không ai biết, không ai được thăm hỏi. Tôi dùng chữ “quản thúc” là nhẹ, thật ra với tư cách là một công dân, Thầy bị tước mất quyền tự do đi lại, tự do ngôn luận. Câu tuyên bố của nhà chức trách “Thầy Minh Tuệ tự nguyện ngưng chuyến đi bộ, muốn về ẩn tu hay an cư” là một trò hề, không khác hàng vạn trò hề mà đảng cầm quyền đã sử dụng từ ngày mới thành lập! Vì: “tự nguyện” thì Thầy đâu cần công an giúp đỡ đưa đi trong một đêm tối trời!?

Thầy Minh Tuệ đã lập nguyện tìm cầu giải thoát chỉ nương theo giáo lý Phật Đà, không dựa (tức dễ ỷ lại?!) vào chùa chiền, giáo hội, những nơi dễ có nhiều thị phi, khó cho Thầy tập trung tu tập vững chãi. Ngày xưa, Đức Phật đã sáng chế 84 vạn pháp môn, có nói đến lập “Tứ chúng” để giúp đỡ nhau tu tập, nhưng đó không phải là điều kiện tiên quyết. Một đệ tử lớn của Ngài là Ca Diếp cũng chọn lối tu Hạnh Đầu Đà, cũng được Đức Phật chấp thuận. Bạn thân! Trong những ngày tới, chúng ta sẽ có ít đi tin tức về Thầy Minh Tuệ, nhưng mình hy vọng, không, mình tin chắc đề tài Thích Minh Tuệ còn để lại âm hưởng lâu dài trong mỗi chúng ta. Mọi sự dừng lại là một sự dừng lại có ý nghĩa nếu linh hồn, mạch nguồn của những việc làm trước đó được âm thầm tiếp tục - tạm dừng chứ không phải chấm dứt! Cho 71 vị đã gia nhập đoàn đi bộ: đây sẽ là một thử thách xem “tâm ban sơ” có đủ vững chãi để vượt khỏi khó khăn, đi tiếp con đường chông gai một mình hay không?

Hy vọng các vị ấy có đủ nghị lực, lòng can đảm và thông minh, cùng sự khôn khéo để tìm gặp lại những người cùng chí hướng tiếp tục con đường mình đã chọn, mà không đụng chạm đến nhà cầm quyền. Cho hàng Phật tử: Phật pháp đâu chỉ ở trong một con người nào, mà bàng bạc khắp nơi, khắp chốn. Đồng ý rằng khi mất một người đỡ đầu tinh thần, người đã truyền cảm hứng nhiều cho chúng ta về cách hành trì giáo pháp một cách chân chính, ngay thẳng, chúng ta sẽ thấy bơ vơ, lạc lõng và có thể mất đi nhiều năng lượng, bớt tinh tấn. Nhưng nếu chúng ta theo quán tính trở lại như xưa, chỉ muốn cầu khẩn, xin xỏ, cúng dường để được hưởng phước, thì ta đã phụ Đức Phật và tăng đoàn của Người, trong đó có Thầy Mình Tuệ. Còn nếu ta noi gương Ngài, học hạnh thiểu dục, kham nhẫn, biết đủ, không THAM lam, bớt SÂN hận và SI mê theo đuổi, chỉ tìm cầu hạnh phúc qua vật chất … thì ta không làm uổng phí những nỗ lực phi thường đó. Nói đúng hơn là không uổng phí đời ta!

Vì một điều chắc chắn nhất trên đời là với từng ngày, kiếp sống của ta đang ngắn lại, khi nhắm mắt xuôi tay, ta có mang được những vật chất mà ta đã dành cả đời để theo đuổi đâu? Có chăng là những nghiệp ta đã tạo. Vậy thì còn chờ đợi gì nữa mà không lên đường? Mà không dũng mãnh nhận “Y và Bát” mà chư Phật, chư Bồ Tát và các vị Thầy đã trao truyền cho chúng ta?

ChùaLá, 06/06/2024, Nttk.

# 1: Sông Hằng tức sông Ganga, nằm phía Tây Bắc Ấn Độ, xuất phát từ Himalaya, chảy từ Tây Bắc về Đông Nam, được xem là con sông linh thiêng nhất của Ấn Độ giáo, cũng là vùng đất Phật Thích Ca và Tăng đoàn đi hằng hoá khá nhiều. # 2: Rừng Tre: Tu viện Trúc Lâm (Venuvana) do vua Tần-Bà-Xa-La (Bimbisara) ở ngoại ô thành Vương Xá (Rajagaha) cúng dường cho Phật và Tăng đoàn có chỗ an cư kiết Hạ (tại Ấn Độ, 3 tháng Hạ mưa dầm, côn trùng bò ra rất nhiều, không tiện cho các vị khất sĩ đi lại nên cần một chỗ an cư, dừng chân nghỉ ngơi) # 3: Vườn Xoài do kỹ nữ Am-ma-la-bà-lị (Amrapalivana), thành Tỳ Xá-Li (Vesali) cúng dường cho Phật và Tăng đoàn làm nơi an cư. #4: Núi Thứu tức núi Gijjhakuta, một ngọn núi đá có hình dáng chim thứu nên cũng gọi là Linh Thứu Sơn, là nơi Đức Phật chọn làm nơi an cư kiết Hạ nhiều năm, tọa lạc tại kinh đô Rajaậgaha *Hình chụp trong một hang tối của một trong nhiều đền thờ tại Indonesia - một điều rất lý thú vì tại Nam Dương, Hồi Giáo chiếm hơn 90%. 

________________


Hoang Nguyen gởi