Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
BẮC VÀM CỐNG


 

Hồi thời tui còn đi học, hết năm đệ tứ là phải chọn ban. Ðứa nào chọn ban A, Vạn Vật; hoặc ban B, Toán, thì môn Sử Ðịa chỉ có hệ số 1 hè!

Còn ban C, Văn chương, quý Thầy Cô cho môn Sử Ðịa tới hệ số 2 đó nhe! Vì quý Thầy Cô thừa biết rằng muốn mần văn cho hay là phải rành Sử Ðịa!
Nhưng học Sử Ðịa trong trường thôi, thì theo tui, chưa đủ để mần văn cho hay, cho hấp dẫn đâu. Muốn mần văn cho ăn khách, để ông Chủ bút để mắt xanh, (chớ không phải mắt bù lạch ăn), tuyển chọn cho đăng; rồi bà Chủ báo, mở hầu bao, lâu lâu gởi cho tác giả chút tiền ‘còm’ nhuận bút, để mình dắt em yêu đi ăn phở và uống trà đá là mình phải đọc thêm về ‘Ðịa phương chí’ nữa.

Ðịa phương là nơi mình ở. Còn chí là phả, là cuốn sách, cuốn sổ ghi chép, biên soạn. Như vậy Ðịa phương chí là sách giới thiệu về địa lý, lịch sử, phong tục, tập quán, nhân vật nổi cộm (cán), sản vật, kinh tế, văn hoá… của một địa phương, cái làng, xã, quận, tỉnh hay thành phố quê mình.
Cái vụ Ðịa phương chí nầy tác giả Huỳnh Minh là bậc thầy ‘chuyên khoa’ với Sài Gòn,  Mỹ Tho, Sa Ðéc, Cần Thơ, Sóc Trăng… Xưa và nay.

Viết về đề tài tùm lum tà la thì mình gọi là tác giả ‘đa khoa’ còn viết về một đề tài chuyên biệt thì mình gọi là tác giả ‘chuyên khoa’. Nó giống như nghề làm bác sĩ vậy mà.

Chính vì vậy mà trên ‘facebook groups’, bà con bắt chước ổng lấy tên toàn là Sài Gòn, Mỹ Tho, Sa Ðéc, Cần Thơ, Sóc Trăng… Xưa và nay.

Xưa và Nay như Xưa thì hơi bị nhiều vì Nay là một cái thời chán như cơm nếp nát, thì đâu có cái gì để viết. Có viết ra cũng để chửi đổng mà thôi!
Tích xưa Phùng Hưng ‘Bố Cái Ðại Vương’ (761–802) vì dẫn dắt nhân dân nổi dậy, rượt quân Tàu xâm lược chạy sút luôn cái quần Tiều, gợi nhớ câu ca dao:

“Cái cò lặn lội bờ sông /Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non. / Em về nuôi Cái cùng con / Ðể anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.

Như vậy Cái cò ở đây là con cò mẹ đó. Rồi em về nuôi Cái là về làm dâu (ngọt), nuôi Mẹ của mình đó, rồi làm Mẹ hiền để nuôi con mình; cho mình an tâm lên tuốt tận Cao Bằng, tỉnh địa đầu giáp biên giới Việt Trung mà chống quân Tàu xâm lược.

Tóm vô một chỗ thì sông lớn như: sông Hồng ngoài Bắc, sông Gianh ngoài Trung, sông Tiền, sông Hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long đều được ông bà mình gọi là sông Cái. Vì sông Cái bao giờ cũng có nhiều nước hơn sông con.

“Cái còn có nghĩa là chính, là giữa, là chủ yếu! Như xúm lại gầy sòng bầu cua, đứa nào làm Cái; ắt hẳn nó có nhiều tiền hơn mấy đứa tay con.
Dòng sông Cái như mạch máu chính chằng chịt tỏa ra, mang phù sa bồi cho đất đồng bằng, nơi hạ lưu bình độ đã xuống ngang mực nước biển Ðông.

Hình ảnh dòng sông Cái, sông con đó có lẽ làm tổ tiên mình hồi xửa hồi xưa cảm tác ra cái huyền sử, cái truyền thuyết về Bà Âu Cơ.
Chớ căn theo sản khoa, một bà Mẹ mà đẻ tới trăm con thì chỉ có nước chết! Vú đâu mà cho nó bú?
Một sông con chảy ra con sông Cái như con về với Mẹ, nơi con và Cái gặp nhau thì mình gọi là vàm.

Vậy là có đủ thứ vàm: Vàm Cỏ, Vàm Nao, Vàm Rầy, Vàm Thuận, Vàm Trư, Vàm Láng, Vàm Xáng…! Kể hết cho láng chắc cỡ chục năm dư!
“Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No. / Anh có thương em thì cho một chiếc đò / Ðể em đi lại mua cò gởi thơ.
(Lỡ thương em rồi mà em xin ‘xỉu xỉu’ có một chiếc đò thôi! Xin kiểu nầy chắc anh mạt!)

Miền Nam mình sụp đổ! Tan hàng! Ngày vui ngắn chẳng đầy gang, ước vọng hòa bình chưa tàn lại bị một lũ điên làm cho nó vỡ tan!
Thế là lò dò bò ra vàm Nhơn Mỹ, nơi rạch Móp đổ ra sông Hậu, phía bên kia là Cù lao Quốc Gia, quận Kế Sách, tỉnh Ba Xuyên, tui lồm cồm rời ‘taxi’, leo lên ‘cá lớn’ rồi dông luôn qua Úc, bỏ em ở lại như dao cắt lòng!
“Ðêm ác mộng nhớ ngày năm cũ / đưa anh buồn, vàm, ngã ba sông / đau xót tình ta, trời vần vũ / Xa anh rồi đời em chỉ bão giông!”
Ôi những vàm sông nước mắt; kẻ ở tiễn người đi về bên kia thế giới… mới!
Xem thêm:   Bậc thầy về xào nấu!

Quê mình, nhứt là miệt Lục tỉnh Nam kỳ, xưa đường lộ chưa thông! Bà con muốn đi chỗ nầy qua chỗ nọ đa phần là ‘lô ca chân’ hoặc xuống xuồng ba lá, ghe tam bản mà chèo.
Nên địa danh, tên đất cho biết mình chèo tới đâu được ông bà mình đặt tên Vàm có rất nhiều. Nhiều lũ khũ lù khu!
Vàm sông, là nơi hai dòng nước gặp nhau xà quần, luân vũ, nên nước chảy liu riu, cá tôm về quần tụ để sanh con đẻ cái.
Quý anh mình quởn quởn, xách cái cần câu móc mồi trùng ra bờ vàm, gần mấy đống chà mà câu cá. Hổng bao lâu là cá ăn thời giựt để lâu mất mồi, được con cá ba sa mỡ màng đem về cho Má nấu canh chua với bông điên điển mùa nước nổi nhậu để chơi hè! Quá đã!

Năm 1929, thằng Tây làm cái Bắc Vàm Cống. Vàm Cống cách cửa sông Cái Tàu Thượng chưa đầy 2 cây số. Nơi nước sông Hậu từ Biển Hồ bên Miên tràn xuống chảy rề rề , ít sóng to gió lớn, lục bình trôi hàng hàng như duyệt binh ra biển.

Bên nầy là quận Lấp Vò, tỉnh Sa Ðéc. Bờ kia là quận Thốt Nốt, tỉnh An Giang để xe cộ và bộ hành vượt sông tới Lộ Tẻ về Rạch Giá hay quẹo phải vô thị xã Long Xuyên rồi về Châu Ðốc.

Hồi xa xưa đó, cũng trên sông Hậu, chếch về hạ lưu chưa tới 50 cây số thì Bắc Cần Thơ, thủ phủ của miền Tây, ì xèo kẻ lại người qua thì Bắc Vàm Cống vẫn còn đìu hiu, quạnh quẽ lắm.
Tuy vậy cũng có tới hàng trăm gia đình ở dọc theo hai bên bến Bắc, hoặc dân tứ xứ đồng bằng tụ về kiếm tiền đong gạo bằng cách bán cơm, nước, hàng rong, cho hành khách lại qua.

Cuối cùng rồi cũng hết! Cái gì mà không chết? Ngày 30, tháng Sáu, năm 2019, Bắc Vàm Cống vĩnh biệt cõi dương trần; vì Cầu Vàm Cống đã cất xong, trịch về hạ lưu tới 3 cây số nữa.

Dõi theo chuyến Bắc cuối cùng là ánh mắt đượm buồn của bà con sở tại khi người tài công kéo tiếng còi dài chào từ giã bà con ở lại mạnh giỏi, trước lúc phải đi xa, tản lạc về Ðại Ngãi (Sóc Trăng), Láng Sắt (Trà Vinh), Ðình Khao (Vĩnh Long).

Cánh cổng xuống phà khép lại và khóa kín. Nhà cửa, hàng quán bên đường giờ cũng đóng im ỉm. Từ nay không còn nghe tiếng máy chạy ‘ùng ục’ một khúc sông, không còn nghe tiếng xe cộ, tiếng bộ hành cười nói xôn xao, hối hả lại qua.

“Tới rồi! Xuống Bắc qua sông bà con ơi!” Tiếng của người lơ xe giục khách từ độ ấy đã chìm rất sâu vào miên viễn. Một thời trân quý đã mất đi; chỉ còn là kỷ niệm khiến ai nấy cũng phải ngậm ngùi!

Cất cầu nhưng rầu cho chiếc Bắc! Không còn ponton! Không còn mỏ bàn đò! Không còn đèn pha mù mù trong sương đêm trời sụp tối. Không còn ai bước vội. Không còn người nghệ sĩ mù, cây đàn ghi ta phím lõm và cái nhịp song lang. Không còn ‘Xuân nầy con không về’

Bắc Vàm Cống đã chết, chết ngắc, chết thẳng cẳng nhưng có bài thơ ‘Ðêm Qua Bắc Vàm Cống’ của nhà thơ lính Tô Thùy Yên vẫn làm cho Bắc Vàm Cống sống, sống trong lòng hoài niệm của những kẻ lỡ xa quê.
Bài thơ như một lời tiên tri:

“Ðêm qua Bắc Vàm Cống / Mối sầu như nước sông /…Tôi châm điếu thuốc nữa / Ðốt tàn thêm tháng năm.”

Ðúng vậy! Ðời người cuối cùng chỉ là một điếu thuốc cháy dở dang, cháy lụi tàn cho đến hết; chỉ còn lại một nhúm tro than.

Ðêm quê người, ký ức Bắc Vàm Cống cũ, hình ảnh người xưa bỗng lồm cồm sống dậy. Nên trước khi trở thành như một nhúm tro tàn điếu thuốc mà nhà thơ lính Tô Thùy Yên đã hút hết năm qua, tui vẫn còn ước mong không còn bóng giặc để tui về quê cũ.

Về lại bên kia bờ thị xã Long Xuyên, nơi em yêu đã từng tiễn tui xuống Bắc Vàm Cống để lên đường ra mặt trận vào mùa Hè đỏ lửa 72 năm ấy.
Ðể nói theo nhà thơ Tô Thùy Yên trong bài ‘Ta về’
“Chút rượu hồng đây xin rưới xuống / Giải oan cho cuộc bể dâu này!”

ĐOÀN XUÂN THU

_______________


Đỗ Hứng gởi