BÀI HỌC KỀM CHẾ NÓNG GIẬN
Có một vị Thiền sư rất thích hoa lan, ngoài việc thuyết pháp giảng kinh ra ngài bỏ rất nhiều thời gian để trồng và chăm sóc hoa lan. Rồi một ngày, ngài phải đi hoá độ ở nơi xa, trước khi đi ngài dặn dò các đệ tử: “ở nhà chăm sóc tốt tất cả hoa lan trong chùa”. Các đệ tử ở nhà cũng chăm sóc chu đáo. Nhưng có một lần khi tưới hoa, vì bất cẩn có một vị với tay mất đà té vào cột trụ của giàng, làm vài chậu hoa bị bể, cành lan gãy rơi đầy đất. Các đệ tử sợ hãi, nghĩ rằng thế nào sư phụ về cũng sẽ la mắng và trừng phạt.
Khi thiền sư về, có các đệ tử sợ quá trình bày lỗi sơ ý của chính mình và xin Ngài tha thứ tội. Ngài nghe sự việc này thì liền tập hợp tất cả đệ tử lại, không những Ngài không quở trách mà Ngài còn dạy: “ Ta trồng hoa lan là để cúng Phật và cũng để làm tăng thêm vẽ đẹp cảnh chùa, không phải vì sân si mà trồng hoa”.
Câu nói của Ngài rất giản dị nhưng chứa đựng một chất liệu thâm thúy trong tâm thức phát ra, đúng thật bậc đạo hạnh “không phải vì sân si mà trồng hoa”. Theo cái nhìn giác ngộ của thiền sư, tuy ngài rất thích hoa lan nhưng ngược lại tâm ngài không bị hoa lan chi phối. Bởi vậy hoa lan còn hay mất đều không ảnh hưởng làm ngài vui hay buồn .
Cũng vậy, trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi lỡ như ai đó làm hư hỏng, đỗ vỡ một vật gì thì mình cũng nên thực tập, và thực tập mỗi ngày để mỉm cười chứ đừng la toáng lên làm kẻ khác lo sợ. Nhất là con trẻ thường hay làm rơi chén bát… chúng ta hãy từ tốn nhẹ nhàng đừng làm trẻ sợ vì chuyện không đáng. Hãy để tình thương luôn hiện diện trong cuộc sống ta mang đến cho mọi người. Chính yếu tố này, sẽ làm cho tâm trạng ta luôn thư thái, đối với chuyện được mất, sống bon chen… không còn quấy nhiễu xáo trộn sự bình an của ta trong mỗi ngày.
Hoàng Trọng gởi