Bài kệ Thị Tịch của Thiền Sư Tịnh Giới
*
Lê Huy Trứ
Bài kệ nổi tiếng Thị Tịch của Thiền sư Tịnh Giới đã được rất nhiều bật ‘sư tổ’ luận bàn nên tôi không dám múa rìu qua mắt thợ bằng cách nhai đi nhai lại ý của những tiền bối. Tôi chỉ xin trình bài nó qua một lăng kính khác...thường, không giống ai vì tôi bị méo mó tuệ nhãn thấy cái gì cũng ‘sang trang chạy quàng’ như thi sĩ ‘không tỉnh’ Bùi Giáng.
THIỀN SƯ TỊNH GIỚI
Thiền sư Tịnh Giới (?-1207) họ Chu tên là Hải Ngung, người đất Giang Mão (?) Lúc nhỏ theo học Nho, năm 26 tuổi xuất gia, đắc pháp nơi Thiền sư Bảo Giác, chùa Viên Minh, là thế hệ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông đời Lý. (Thiền Sư Việt Nam, Phần II, Thi Tụng Các Thiền Sư Đời Lý, trang 193.)
Sau đây là một trong hai bài kệ thị tịch nổi tiếng của Ngài :
示寂
秋來涼氣爽胸襟,
八斗才高對月吟。
堪笑禪家癡鈍客,
為何將語以傳心
Âm:
Thử thời thuyết đạo hãn tri âm
Chỉ vị như tư tán đạo tâm.
Hề tợ Tử Kỳ đa sảng sấm,
thính lai nhất đạt Bá Nha cầm.
*
Thu lai lương khí sảng hung khâm,
Bát đấu tài cao đối nguyệt ngâm.
Kham tiếu thiền gia si độn khách,
Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm.
Dịch:
Thời nay giảng đạo hiếm tri âm,
Chỉ bởi vì người mất đạo tâm.
Nào khác Tử Kỳ giỏi nghe nhạc,
Nghe qua suốt cả Bá Nha cầm.
*
Thu về mát mẻ thích trong lòng,
Tám đấu tài cao hát thong dong.
Cửa thiền những thẹn người si độn,
Biết lấy câu gì để truyền tâm.
Giảng:
Đại khái, trong bài thơ ‘than thở’ này bốn câu đầu Ngài than thời Ngài giảng đạo có hiếm người hiểu mình vì họ đã đánh mất đạo tâm, không được hữu duyên thiên lý năng tương ngộ với kẻ tri âm, tri kỷ tri bỉ, như chuyện của quân tử Tàu Bá Nha và Tử Kỳ.
Bốn câu sau Ngài cũng than vì Thu về làm Ngài ngộ ra thực tại lòng rất vui thích mà không biết dùng âm gì để tri cho kẻ si độn nghe. Tôi đồng ý với Đào Nguyên là “câu cuối nơi Bài kệ Thị Tịch của Thiền sư Tịnh Giới (Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm) nên hiểu là chỉ cho khách si độn. Khách si độn ở đây là những học tăng hay kẻ cầu đạo thuộc loại độn căn, hoặc do tham cứu chưa thấu đáo, thiếu tinh tấn, hoặc tâm thức đầy ắp những kiến thức sách vở, chỉ biết cầu tìm giác ngộ nơi bên ngoài. Chính những khách si độn ấy đã luôn mong cầu chư vị thiền sư, những vị khai thị nên dùng ngôn ngữ để giảng giải: Thế nào là đạo? Thế nào là đại ý của Phật pháp? Thế nào là Tổ sư Tây lai ý? v.v…” Thật ra câu thơ này diễn tả quá rỏ ràng về ý này nhưng không biết tại sao có nhiều người lại si độn giảng ra nghĩa trái ngược với ý của Thiền sư Tịnh Giới?
Đào Nguyên viết tiếp: Qua những nêu dẫn trên, ngoại trừ Ngô Tất Tố, các bản dịch chú còn lại về Bài kệ Thị Tịch của Thiền sư Tịnh Giới, đều cho “Thiền gia si độn khách” là những kẻ si độn trong làng thiền, vì đã đem ngôn ngữ để truyền tâm. (Nguyệt San Giác Ngộ Số 188, Khái Niệm Thời Gian Trong Phật Giáo, Về bài kệ Thị tịch của Thiền sư Tịnh Giới, Đào Nguyên)
Biên tập từ bản dịch của Ngô Tất Tố bài kệ ấy có thể dịch rất đúng ý Tịnh Giới là:
Êm dịu trời thu mát cõi lòng
Bài thơ ngâm đối bóng trăng trong
Cửa thiền cười bấy khách si độn
Luôn cầu ngôn ngữ để truyền tâm.
Điều này đã làm sáng tỏ lời Đức Thế Tôn dạy: Chúng sinh tuy đồng nhất thể nhưng tâm trí thì bất đồng. Và cái câu chuyện ngụ ngôn về người mù sờ voi của Ngài đã được chứng minh cho rất nhiều trường hợp bất đồng tâm trí này. Theo tôi thì họ còn bệnh nặng hơn nữa vì những người mù này không những chưa sờ voi mà đã tưởng tượng ra con voi ảo đó như thế nào.
Điều này cũng không trách khách si muội vì hình như các Tổ cũng hơi khùng khùng. Theo ‘Về bài kệ Thị tịch của Thiền sư Tịnh Giới,’ Đào Nguyên viết: “Theo Ngôn ngữ ở đây, xin nhấn mạnh lần nữa, đều là ‘ngôn ngữ khai thị,’ như nơi một số lời tán của sách ấy đã nói là, “Chỉ Đông nói Tây, chỉ trời nói đất,” mục đích là nhằm làm lay động, xô đẩy tâm thức của đối tượng, giúp cho tuệ giác của họ bừng sáng.”
Họ hiểu lầm ý nghĩa câu kệ của Giáo Sư Suzuki, ‘Trực Chỉ Nhân Tâm’ diễn tả ý của Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Ngài Suzuki nói tiếp,‘Bất Lập Văn Tự’ nên hiểu là phá vỡ những khái niệm cứng nhắc của văn tự để hội nhập chân lý, chứ không phải là chối bỏ văn tự, phủ nhận văn tự như có một ít người đã hiểu không đúng. Tổ Bồ đề Đạt Ma từ Tây sang, với ý gì không rõ, chỉ nghe tương truyền Ngài ‘diện bích tham thiền’ 9 năm ở Thiếu Lâm, núi Tung Sơn bên Tàu, không nói một chữ vì ông ta đâu có biết một chữ Tàu nào đâu mà nói? Cũng vì ngôn ngữ bất đồng nên Tuệ Khả ‘khả tuệ’ si muội chặt cánh tay mình để cầu đạo ‘tiếng vỗ tay của độc thủ tàn phế?’ Sau khi Tuệ Khả thành Nhị Tổ, ngài càng ngày càng điên nặng, đốt tượng Phật, chẻ chùa, bị quan giam cầm trong ngục cho đến chết. Tôi nhớ ‘mang máng’ như vậy?
Những khách ‘mê si muội,’ những người mù chưa sờ voi này không dễ gì giác ngộ, chiếu kiến được thực tại như nhạc sĩ và ca sĩ mù Louis Armstrong của Hoa Kỳ trong bài ca:
What A Wonderful World Lyrics
Louis Armstrong
I see trees of green, red roses too
I see them bloom for me and you
And I think to myself what a wonderful world.
Tôi thấy những cây xanh, cũng như sắc hoa hồng đỏ
Tôi thấy chúng nở rộ cho tôi và bạn
Rồi tôi tự nhủ thế gian đẹp tuyệt vời
I see skies of blue and clouds of white
The bright blessed day, the dark sacred night
And I think to myself what a wonderful world.
Tôi thấy những bầu trời xanh and những đám mây trắng
Ban ngày chúc lành, ban đêm thiêng liêng
Và tôi tự nhủ thế giới quá tuyệt diệu
The colors of the rainbow so pretty in the sky
I see friends shaking hands saying how do you do
But they're really saying I love you.
Màu sắc của cầu vồng quá xinh đẹp trên bầu trời
Nó cũng đi qua trên diện mục của chúng sinh
Tôi thấy những bạn bắt tay nhau hỏi thăm nhau
Nhưng họ thật sự đang nói tôi thông cảm với bạn.
I hear baby's cry, and I watched them grow
They'll learn much more than I'll ever know
And I think to myself what a wonderful world.
Yes, I think to myself what a wonderful world.
Tôi nghe tiếng trẻ khóc, và tôi quan sát chúng nó lớn lên
Chúng sẽ học nhiều hơn là tôi sẽ chưa bao giờ biết
Và tôi tự nhủ đời quá tuyệt đẹp
Vâng, tôi tự nghĩ thế giới thật tuyệt vời.
(Songwriters: GEORGE DAVID WEISS, GEORGE DOUGLAS, BOB THIELE,
What A Wonderful World lyrics © CARLIN AMERICA INC, BMG RIGHTS MANAGEMENT US, LLC, IMAGEM U.S. LLC)
Tóm lại, 4 câu đầu thì chả có gì khó hiểu lẫn xuất sắc để lạm bàn nhưng 4 câu sau thì là một rừng ‘suy bụng thiền sư ra bụng tục tử.’
Như đã thấy, bài kệ Thị Tịch trên có thể chia ra hai phần và cả hai đều viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Bài viết ở đây chỉ xin chú tâm đề cập đến phần hạ (Thơ văn Lý Trần I, NXB.KHXH 1977, tr.535.)
Thu lai lương khí sảng hung khâm
Bát đẩu tài cao đối nguyệt ngâm
Kham tiếu thiền gia si độn khách
Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm?
Tôi xin chỉnh lại 2 câu cuối:
Thu đến, khí trời dịu mát, tâm thần sảng khoái,
Các nhà thơ tài cao "bát đẩu" nhìn trăng ngâm vịnh.
Thiền gia mĩm cười những khách si ngộ,
Vì sao tưởng ngôn ngữ có thể truyền tâm?
Trước khi đi sâu vào vấn đề, chúng ta cũng nên ôn lại một chút luật lệ của thơ Đường. Trong 101 chuyện thiền của Nhật, ‘Làm sao để viết một bài thơ Đường, Tứ Tuyệt,’ một thi sĩ nổi tiếng của Nhật giải thích rất siêu việt như sau:
“Thơ Tàu thường có 4 hàng,” thi sĩ giải thích. “Hàng đầu là câu đầu tiên; hàng thứ nhì là tiếp tục của câu đầu; hàng thứ ba bỏ chủ đề này và bắt đầu chủ đề mới; và hàng thứ tư liên kết ba hàng đầu với nhau. Đó là, bốn câu thơ trong một bài tứ tuyệt gồm có Khởi, Thừa, Chuyển, Hợp.
Một bài hát phổ thông của Nhật Bản thể hiện rốt ráo điều luật này:
Hai tiểu thơ nhà bán lụa ở Kyoto
Cô chị hai mươi em mười tám
Chiến binh giết người bằng gươm dáo
Hai cô giết người bằng đôi mắt
(Trần Đình Hoành dịch)
Vua Trần Nhân Tông cũng có những bài thơ Đường Tứ Thuyệt thể luật tương tự:
Da phấn, tóc thơm với má đào,
Khi nhìn, ai cũng thấy nao nao.
Thực chất chỉ toàn xương với thịt,
Giết người đau đớn chẳng cần dao.
~ Trần Nhân Tông ~
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm chớ hỏi Thiền.
~ Trần Nhân Tông ~
Điều này cho chúng ta thấy là cái thơ Tàu được gọi là Tứ Tuyệt này thực sự là tứ tuyệt quái đản kém logic luận văn đúng như Bùi Giáng đã nói là nó ‘sang trang chạy quàng.’ Nó như kẻ say lái xe không theo con Đường (Đạo, đường, nhà Đường) nào cả. Có thể vì vậy mà nó thích hợp cho con ma men Lý Bạch?
Tôi thắc mắc:
“Hàng đầu là câu đầu tiên; hàng thứ nhì là tiếp tục của câu đầu.” Nghe có lý và logic có thể chấp nhận được.
Rồi thì “hàng thứ ba bỏ chủ đề này và bắt đầu chủ đề mới.” Cái này gọi là lạc đề hay trật đường rầy.
Và “hàng thứ tư liên kết ba hàng đầu với nhau.” Làm sao mà liên kết cái nhị nguyên: lạc đề với không lạc đề với nhau được?
Theo ngu ý, phần hạ của bài kệ Thị Tịch này của Thiền Sư Tịnh Giới cũng đã nói lên tâm trạng phân vân của Đức Thế Tôn sau khi thấy Sao Mai mọc nên Ngài đã bừng đại Ngộ. ‘Rồi thì là,’ Ngài phân vân phân nên ‘sống giữ, tịch mang theo’ hay nên dùng ngôn ngữ để giảng Phật Pháp thâm diệu cho những kẻ si muội?
Theo tôi, sở dĩ hai câu cuối trong phần hạ của bài thơ tứ tuyệt này trở thành một rừng tranh luận của những kẻ mù chưa sờ voi mà đã ‘tả chân’ về con voi tưởng tượng. Tại vì họ chỉ chú tâm đến ý nghĩa của hai câu cuối: ‘Cửa thiền những thẹn người si độn, Biết lấy câu gì để truyền tâm’ thay vì quán lại cái nguyên nhân của hậu quả đó là: ‘Thu về mát mẻ thích trong lòng, Tám đấu tài cao hát thong dong.’
Mà cái nguyên nhân của hai câu trên có chả dính dấp gì đến với hai câu dưới. Nó không những lạc đề, trật đường rầy mà có thể bất cứ hai câu nào khác cũng ráp vào được cứ như là ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’ chẳng hạng như:
Thu về mát mẻ thích trong lòng,
Tám đấu tài cao hát thong dong.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm chớ hỏi Thiền.
*
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Cửa thiền những thẹn người si độn,
Biết lấy câu gì để truyền tâm.
Tuy nhiên, luật thơ Đường Tứ Tuyệt vô tình giải mã được luật ‘gieo nhân gặt quả’ của Phật Giáo nhưng chưa hẳn là gặt được cái quả mà ta cầu mong vì chúng ta luôn luôn ‘sang trang chạy quàng.’ Cho dù tâm lòng không nghĩ ác, nghĩ thiện cũng vẫn không dễ dàng gì diễn tả đúng thực tại của Tánh Không để gặt hái nó đúng lúc.
Tuệ Thiền đã diễn tả rốt ráo thực tại:
Cõi tâm lộ ánh trăng thiền
Tri ân sâu nặng cơ duyên cuộc đời
Vô ngôn sáng giữa muôn lời
Dấn thân thế sự, chẳng rời Tánh Không
~ Tuệ Thiền ~
References:
-
Nguyệt San Giác Ngộ Số 188, Khái Niệm Thời Gian Trong Phật Giáo, Về bài kệ Thị tịch của Thiền sư Tịnh Giới, Đào Nguyên
-
Thiền Sư Việt Nam, tác giả?
-
http://www.thientongvietnam.net/kinhsach-thike/dirs/thamdohienquyet/unicode/p2-25.html
Tle8464953 gởi