Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Bán buôn ngày Tết của người gốc Việt trước chợ ABC



 

Bà Nhung Đặng “quảng cáo” bưởi nhà trồng
 
Bà Hiếu Lê, 84 tuổi, cư dân Westminster, bán bánh tét, bánh chưng ngày Tết, mà đa phần là do nhà tự gói. Bà nói ngày nào bà cũng làm bánh để bán, như bánh giò, bánh ít nhân dừa nhân đậu, nhưng bánh chưng, bánh tét bự thế này, thì chỉ Tết mới có.
 
“Mua bưởi đi mấy cô, bưởi nhà trồng, ngọt nhe!”
 
“Bưởi nhiêu trái bà ơi?”
 
“Sáu đồng à, mấy trái còn lá, mua trưng tới Tết còn đẹp đó!”
 
Đó là hình ảnh những bác lớn tuổi đem “hàng nhà” ra bán bên ngoài của chợ ABC, góc đường Bolsa và đường Magnolia, Westminster, từ lâu đã quen thuộc với cư dân Little Saigon.
 
Tuy nhiên, vào những ngày cuối năm, việc bán buôn của nhóm “thương gia vỉa hè” này còn nhộn nhịp hơn, vì có thêm hàng Tết.
 
“Sạp” của bà Đặng Nhung, 69 tuổi, cư dân Westminster, chỉ là mấy cái khay đựng trái cây bằng nhựa chồng lên nhau. Ngoài các “mặt hàng” bán ngày thường là bánh ú tự gói, mấy ngày Tết còn có bưởi, mãng cầu ngoài vườn chín tới, bà Nhung cắt đem bán.
 
“Nhà tôi trồng bưởi hơn 30 năm nay rồi,” bà Nhung tâm sự. “Hồi trước còn khỏe mạnh, tôi hay đọc kinh trên đài phát thanh của Hòa Thượng Thích Thanh Từ. Đọc kinh bố thí pháp cho người ta nghe, cho người ta giác ngộ, nhận ra sự sống này chỉ là giả tạm thôi, đừng tranh giành, tham sân si, mưu hại nhau. Giờ tôi chỉ mong sớm hết bệnh.”
 
Sáu năm trước, bác sĩ phát hiện bà Nhung bị bệnh thận. Bệnh nặng, bà phải tới nhà thương chạy thận. Cho đến năm 2020, bà mới có máy tự chạy thận tại nhà.
 
Chỉ cái bụng gắn dây nhợ tùm lum, bà nói: “Họ đưa tôi cái máy, tôi gắn vô cái bụng nè, từ 6 giờ chiều tới 6 giờ sáng rút ra, làm vệ sinh, 7 giờ thì lau lá để gói bánh. Hai cái thận tôi hư hết rồi. Hồi đó tưởng chết, mặt sưng lên, thấy ghê lắm. Nhờ cái máy đó mà tôi còn sống tới nay đó.”
 
Vì phải lọc thận, nên bà Nhung thường dọn hàng ra trễ, khoảng 10 giờ sáng.
 
“Nằm nhà mình ên, buồn lắm! Ra đây bán có đồng ra, đồng vô, cũng vui. Bán ngày kiếm vài chục, bữa nào ế, mãng cầu chín quá không ai mua, đành đem về,” bà nói. “Giờ tôi không phải nuôi ai, tiền bán được, làm Phật sự thôi!”
 
“Bạn hàng” của bà Nhung có ông Billy Trần, 67 tuổi, cư dân Buena Park, bán các loại đặc sản nhà trồng, gồm có khoai tím, củ nghệ, củ riềng,…
 
“Mấy thứ này chỉ thu hoạch năm có một lần, vào trúng mùa Tết, nên tôi đem bán luôn, mà thấy người ta mua nhiều nhe,” ông nói. “Chợ bán $6/pound, tôi bán $4 thôi, bán rẻ cho bà con mua, khỏi trả giá, dù khoai tôi trồng, một năm sau mới ra củ, chứ không phải trồng vài tháng là có mà đào lên bán đâu.”
 
Ông Billy Trần kể, trước đây thị trường không có khoai tím này, ông mua giống đầu tiên giá $15/pound đem về trồng.
 
Ông kể: “Loại này trồng dưới đất không được, tôi phải mua cái thùng phi tổ chảng giá $20 một cái, mướn người ta cắt, rồi tôi bắt ốc vít vô cho nó không cong quẹo, mà trồng trong đó ba năm trời, hổng có được gì, công cốc. Tôi suy nghĩ, rồi cải tiến tới cải tiến lui, mới thu hoạch năm nay là nhiều nhất đó!”
 
Ông nói, khu vườn của nhà ông rộng 6,500 sq ft, ông trồng bưởi, sapoche, nhãn, vải, mãng cầu, bơ… Tết người ta hay trưng mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, nhưng năm nay ông không có mãng cầu để bán. Ông đoán có thể vì năm ngoái ông cắt lá sâu quá, nên cây không ra bông.
 
“Mà thôi, Tết thì có được trái nào, tui ngắt bán trái đó, chứ có phải ‘nông dân thứ thiệt’ đâu,” ông kể tiếp. “Tui cũng mới bán vào ngày Chủ Nhật mấy tháng nay thôi, mà Chủ Nhật nào hãng kêu làm, tui đi làm, kiếm tiền ‘overtime’ $80/giờ, làm ngày lễ, lương cao gấp ba ngày thường.”
 
Ông Billy làm thợ bảo trì cho hãng xe hơi được hơn 30 năm. Thấy ở Little Saigon chỉ có khu chợ ABC là có bán ngoài vỉa hè, nên dù phải lái xe từ nhà xuống mất hơn nửa tiếng đồng hồ, ông vẫn chỉ chọn bán ở đây, vì “buôn có bạn, bán có phường.”
 
Cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, ông nghỉ hai tuần lễ, để có thể đem trái cây ra bán vào ngày thường. Phải “bươn chải,” buôn bán thêm vào cuối tuần, với ông, không phải “chỉ cho vui.”
 
Lúc đầu còn ngại, nhưng nói chuyện một lúc, ông “trút bầu tâm sự.”
 
“Đi làm, ai cũng muốn nghỉ cuối tuần, chứ có ai ham ra ngồi chồm hổm ngoài chợ thế này đâu! Còn bốn năm nữa tui về hưu, nhưng nhà thì trả còn hơn trăm ngàn nữa mới dứt, nên giờ tui làm được gì tui làm. Ra đây bán vui, nhưng thiệt ra tui cũng cần tiền. Mong muốn của tui là khi về hưu thì trả xong hết nợ nhà,” ông tâm sự.
 
“Vợ và các con chắc cũng phụ ông phần nào chứ?” tôi hỏi.
 
Nghe vậy, bỗng nhiên ông bật khóc, nhưng liền vội đưa bàn tay dính đầy đất, quẹt ngang đôi mắt, và kể tiếp: “Con tui lớn, đi làm hết rồi. Còn nhắc tới bà xã, tui buồn lắm cô ơi, bả bị bịnh tiểu đường, nặng lắm, nên hổng có làm gì nổi. Bả bịnh này 40 năm rồi, tui thương bả lắm.”
 
Rồi ông thêm: “Vợ chồng qua Mỹ cùng nhau, giờ tui phải ráng để lo cho bả. Mà tui cũng bịnh đó chớ, ba bốn năm nay rồi, bác sĩ nói tui bị viêm sưng mạch máu, một căn bệnh rất hiếm gặp, đau đầu kinh khủng. Rồi họ chích cho tui mũi thuốc gì đó, kêu giờ vi trùng nó đã nằm yên, tui cũng hết đau đầu rồi.”
 
Ở một góc khác, bà Hiếu Lê, 84 tuổi, cư dân Westminster, bán bánh tét, bánh chưng ngày Tết, mà đa phần là do nhà tự gói. Bà nói ngày nào bà cũng làm bánh để bán, như bánh giò, bánh ít nhân dừa nhân đậu, nhưng bánh chưng, bánh tét bự thế này, thì chỉ Tết mới có.
 
Bà là vợ một trung sĩ Không Quân VNCH. “Hồi đó tôi sung sướng lắm, có biết làm chi đâu. Tôi qua đây cũng sướng. Chính phủ chu cấp đầy đủ, dư ăn dư để, lớp con nó nuôi nữa,” bà kể. “Ở nhà mấy đứa nó đi làm hết, mình ngồi trong bốn bức tường, đồ ăn thức uống không thiếu thứ gì, già rồi, ăn mà không kiểm soát, mắc công bịnh đi nhà thương, thôi thì ra đây ngồi, ngắm người đi qua, kẻ đi lại, đỡ buồn! Con cái chẳng đứa nào cho tôi bán, tại tôi… ham vui thôi.”
 
Trong lúc nói chuyện, một người đàn ông ghé, lấy cái bánh ít, đưa bà tờ $1, rồi bỏ đi. Bà không tức giận, mà quay qua, cười móm mém, nói: “Cô coi đó, bánh ít bán 5 đồng ba cái, ổng đưa vậy lời lãi gì nữa! Thôi kệ, cái này choàng qua cái kia, vui mà!”
 
Sáng 7 giờ là bà đem hàng ra chợ, ngày thường cũng như ngày Tết.
 
“Tôi chịu lạnh được, lạnh bao nhiêu cũng được, chứ mùa nắng là chịu hổng nổi à nhe,” bà nói. “Dù bị bệnh tim, tôi vẫn cứ muốn ‘làm công chuyện,’ chứ không muốn ngồi chơi.”
 
Loay hoay tưới mấy chậu cây rau thơm đem từ nhà ra, bà Xuân Nguyễn, 70 tuổi, ở Westminster, cũng than ở hoài trong nhà buồn quá. Mấy chậu rau này, tuy không có gì đặc biệt với cư dân địa phương, nhưng vào dịp Tết lại thành “hàng quý” với người ở các tiểu bang qua California “ăn Tết.” Biết nhu cầu đó, nên bà Xuân đem ra, bán chơi, mà kiếm tiền thật.
 
(Theo Người Việt)
February 8, 2024

______________


Đỗ Hứng gởi