Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

BÀN VỀ CÂU ĐỐI "DA TRẮNG
VỖ BÌ BẠCH"
 

Trải qua hàng mấy trăm năm đến nay câu đối này vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Câu đối này xảy ra trong hoàn cảnh lúc ấy ông Trạng Quỳnh, môt người văn hay, chữ tốt thời ấy muốn vào xem bà Đoàn thị Điểm (còn gọi là Hồng Hà nữ sĩ) tắm, cũng là một cao thủ về thơ phú, nhưng để được phép vào xem ông phải đối được một câu đối của bà, không ngờ ông bí luôn đủ thấy câu đối này lợi hại cỡ nào. Đây có thể là một câu đối luôn "hot" và đứng vững trong lịch sử văn học Việt Nam nhất mà không có người đối được, mặc dù chúng ta đã có hàng trăm tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư văn học, nhà ngôn ngữ học nhưng cho đến này vẫn chưa có vị nào có thể "Vừng ơi, mở ra" được. Vậy tại sao đáp lại câu đối này khó quá vậy, sau đây chúng ta sẽ phân tích một chút về những câu đã đáp lại câu đối này và tại sao luôn luôn vẫn không hoàn chỉnh:

Theo tôi các câu đáp của quý vị đưa ra vẫn chưa hoàn chỉnh vì lý do sau:
- Về tình huống và ngữ cảnh lúc bà Điểm đang tắm đây là một câu đối đầy sexy và thách thức, bỡn cợt rất bạo gan so với thời đại ấy vậy câu đáp cũng phải trong hoàn cảnh ấy, đã có một số câu có thể đáp ứng phần nào mà tôi đã xem qua nhưng chưa đã lắm (phần này là khó nhất vì các câu đáp nghiêm túc quá)

- "Bì bạch" là chữ Hán có nghĩa da trắng với danh từ đứng trước tính từ và còn là từ tượng thanh, láy âm (âm thanh thường xảy ra khi tác động vào nước) bổ nghĩa cho động từ vỗ, có thể một số ít câu đáp đã đáp ứng phần nào (như "la thất thanh").

- Phần này quan trọng nhất mà nhiều câu đáp còn sai: Ai vỗ? Da trắng không thể tự vỗ được vậy không là chủ thể mà phải là bà Điểm vỗ, "Da trắng" là của bà Điểm, như vậy hai từ đầu tiên không được là chủ thể, thí dụ như "Bảy xanh" (Bảy xanh la thất thanh) theo tôi còn đối gượng ép, hơn nữa mang "Bảy" nghĩa là ông Bảy (danh từ riêng) đối với từ "Da" (danh từ chung) tôi vẫn thấy chưa thuyết phục.

Một số thí dụ chưa đạt:
- "Trời xanh màu thiên thanh", "màu" không là động từ (nếu là động từ có thể hiểu ngầm là "có màu" trong trường hợp này còn gượng ép khi đối với động từ "vỗ"), "thiên thanh" không là từ tượng thanh, láy âm
- "Mâm vàng thấy bàng hoàng", "bàng hoàng" không là từ tượng thanh, láy âm
- "Rừng sâu mưa lâm thâm", "lâm thâm" không phải từ láy âm

Hơn nữa, ba câu trên hơi lạc tình huống, ngữ cảnh.
- "Tay sơ sờ tí ti", "tay" đáp với "da" được nhưng "sơ" (nghĩa là sạch) theo tôi không được xếp vào bảng màu nên không đáp chuẩn với "trắng" được còn "tí ti" đáp với "bì bạch" vẫn thấy gượng ép làm sao ấy.
- "Rùa vàng yêu quy hoàng", "quy hoàng" không phải từ tượng thanh, láy âm

Trong tất cả các câu đáp tôi xin chọn ra một câu theo tôi là hay nhất có thể đồng ý 90%:
- "Buồng xanh vang thất thanh", trong câu này chúng ta phải hiểu "thất" cũng có nghĩa là "buồng", chẳng hạn "nội thất", câu đáp này khá hoàn chỉnh chỉ có một điều nếu bắt bẻ chi li thì "da" là một bộ phận thân thể chỉ có thể đáp tốt nhất là "môi, mắt, mũi, tay..." thành ra gần như hoàn hảo thôi, đó là chưa kể câu này chưa ăn nhập lắm với hoàn cảnh lúc ấy
Nói tóm lại cho đến nay, có rất nhiều câu đáp nhưng được phần này lại mất phần khác không hoàn chỉnh 100%

Câu đối "Da trắng vỗ bì bạch" vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, chưa có câu đáp nào hoàn toàn thuyết phục 100%.
 


 
_____________________________________




 
BÀN VỀ CÂU ĐỐI "DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH"

(1)
 
Câu đối nầy có sự tích từ năm 1930.
 
Năm 1930, ông Trúc Khê xuất bản ở Hà Nội quyển "Sự Tích Ông Trạng Quỳnh", trong đó có những giai thoại văn chương lý thú giữa bà Đoàn Thị Điểm và ông Cống Quỳnh.
 
Theo ông Trúc Khê, có ông Nguyễn Quỳnh đậu Cử nhân (Hương cống) khoa Cảnh Hưng, đời vua Lê Hiển Tông.  Vì ông có văn chương hay và nhất là giỏi về khẩu tài nên người ta còn gọi ông là Trạng Quỳnh, thay vì là Cống Quỳnh (cho người đổ Hương Cống).
 
Đây là những giai thoại giữa bà Đoàn Thị Điểm và ông Cống Quỳnh (nguyên văn từ sách của ông Trúc Khê).
 
Một buổi tối, Thị Điểm rủ màn trải chiếu sắp đi ngủ, Quỳnh lẻn bước vào nằm giương cột buồm lên.  Thị Điểm lên giường vô tình sờ phải, giật mình ngỡ rắn, sau mới biết là Quỳnh, bèn đọc ngay một câu đối để chữa thẹn:
 
            Trướng nội vô phong phàm tự lập.  (nghĩa là: Trong trướng không có gió mà buồm dựng)
 
Quỳnh liền đối ngay rằng:
 
            Hung trung bất vũ thủy trường lưu.  (nghĩa là: Trong bụng không mưa mà nước chảy xiết)
 
Điểm lại đọc câu nữa:
 
            Cây xương giồng (rồng), giồng đất rắn, long vẫn hoàn long.  (Long là rồng).
 
Quỳnh lại đối ngay:
 
            Quả dưa chuột, chuột thẳng gang, thử chơi thì thử.  (Thử là chuột).
 
Sau đó Quỳnh bỏ đi.
 
Hôm sau Thị Điểm tắm, Quỳnh gõ cửa đòi vào xem, Điểm dẫy nẫy không cho vào, Quỳnh cứ đứng kè nhè mãi.  Điểm tức mình mới đọc một câu bảo hễ đối được thì mở cửa cho vào xem:
 
            Da trắng vỗ bì bạch
 
            (Bì bạch là da trắng)
 
Quỳnh nghĩ mãi không sao đối được.
 
(2)
 
Tại sao ông Cống Quỳnh không đối được?
 
Trước hết ta phải hiểu căn bản của phép Đối.  Trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu, ông Dương Quảng Hàm viết:
 
Đối là đặt hai câu đi sóng đôi cho Ý và Chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau.
 
- Đối Ý là tìm hai ý nghĩa cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.
 
- Đối Chữ thì vừa phải Đối Thanh vừa phải Đối Loại.
 
            Đối Thanh tức là Bằng đối với Trắc và Trắc đối với Bằng.
 
            Đối Loại là phải đặt một hay hai chữ cùng tự loại để đối nhau (như cùng Danh từ, Động từ, Tỉnh từ, Giới từ…).
 
 Thí dụ:
 
            Lom khom dưới núi tiều vài chú
 
            Lác đác bên sông rợ mấy nhà
 
 Đối Thanh:
 
            Lom (B) khom (B) dưới (T) núi (T) tiều (B) vài (B) chú (T)
 
            Lác (T) đác (T) bên (B) sông (B) rợ (T) mấy (T) nhà (B)
 
 Đối Loại Từ:
 
            "Lom khom" (tỉnh từ) đối với "Lác đác" (tỉnh từ). 
 
            "Dưới" (liên từ) đối với "Bên" (liên từ).
 
            "Núi" (danh từ) đối với "Sông" (danh từ). 
 
            "Tiều" (danh từ) đối với "Rợ" (danh từ). 
 
            "Vài" (danh từ) đối với "Mấy" (danh từ). 
 
            "Chú" (danh từ) đối với "Nhà" (danh từ).
 
Câu "Da trắng vỗ bì bạch" là một câu văn xuôi gồm có chủ từ (là "da trắng"), động từ (là "vỗ") và túc từ (là "bì bạch").  Nhưng "bì bạch" (túc từ trong câu, gồm 1 danh từ là "bì" và 1 tĩnh từ là "trắng") cũng là Hán ngữ có nghĩa là "da trắng" (chủ từ trong câu, gồm 1 danh từ là "da" và 1 tĩnh từ là "trắng").   Thật ra Hán ngữ "bì bạch" (= da trắng) trật văn phạm Hán ngữ.
 
Do đó câu đối của Đoàn Thị Điểm, ngoài việc phải đúng theo phép Đối căn bản như của VNVHSY thì phải có những điểm đặc biệt kể trên.
 
Câu "Da trấng vỗ bì bạch"  còn có nghĩa là "Da trắng vỗ da trắng".
 
Ông Cống Quỳnh không đối được vì câu đối phải còn có đặc điểm như vậy.
 
 
(3)
 
Tuy nhiên có người đối được.
 
Tui biết được câu đối nầy vào năm 1963 khi học lớp Đệ Ngũ (lớp 8 bây giờ) ở trường Trung học Phan Thanh Giản ở Cần Thơ từ thầy Cảnh, dạy Việt Văn.  Tui về nhà khoe với Ba Má tui là câu không ai đối được.  Ba tui nói là có câu đối được câu nầy.  Ông liền đọc câu đối:
 
       "Vợ buồn than thê thảm"
 
        (Thê thảm là vợ buồn)
 
Câu nầy đối đúng hoàn toàn theo phép đối căn bản của VNVHSY của Dương Quảng Hàm và nó cũng có tất cả những đặc điểm như câu "Da trắng vỗ bì bạch" của Đoàn Thị Điểm. 
 
Câu "Vợ buồn than thê thảm" là câu văn xuôi gồm có chủ từ (là "vợ buồn"), động từ (là "than") và túc từ (là "thê thảm").  Nhưng "thê thảm" (túc từ trong câu, gồm 1 danh từ là "thê" và 1 tĩnh từ là "thảm") cũng là Hán ngữ có nghĩa là "vợ buồn" (chủ từ trong câu, gồm 1 danh từ là "vợ" và 1 tĩnh từ là "buồn").  Và Hán ngữ "thê thảm" (= vợ buồn) cũng trật văn phạm của Hán ngữ như "bì bạch" (= da trắng).
 
Câu "Vợ buồn than thê thảm" còn có nghĩa là "Vợ buồn than vợ buồn".
 
Như vậy có người đối được.
 
Kết luận:
 
        Da trắng vỗ bì bạch
 
Đối:
 
        Vợ buồn than thê thảm
 
Câu "Vợ buồn than thê thảm" nầy thì tui nghe từ ba tui, thi sĩ Lãng Ba Phan Văn Bộ ở Cần Thơ.  Khi lớn lên tui có đọc nhiều sách trước đó (trước 1963) nhưng không thấy ai viết về câu nầy.  Ba tui không có nói xuất xứ của câu nầy từ đâu ra (vì tui không có hỏi) và ông qua đời vào năm 1966.  Do đó ngày nay, tui chủ quan cho rằng ba tui là tác giả câu nầy vậy! 
 
Tui đã có viết về câu nầy (nhưng không nói tác giả là ai) 1, 2 năm về trước trong bài "Đoàn Thị Điểm và Chinh Phụ Ngâm" và bài nầy có đăng trong phanthuonghai. com mục Văn Hóa phần Đọc Thơ.
 
 
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn

___________________


Đặng Hữu Phát gởi