Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

Bánh Ít Lá Gai


Nước Việt thống nhất từ Bắc tới Nam, tuy nhiên mỗi vùng miền
lại có những khác biệt về văn hóa, phong tục, sản vật…
Vùng duyên hải Nam Trung Bộ gồm các tỉnh từ Quảng Ngãi
vào đến Khánh Hòa cũng có nhiều nét văn hóa và đặc sản
địa phương. Trong số ấy phải kể đến là món bánh ít.

Bánh ít là món bánh truyền thống lâu đời, có mặt khắp các
tỉnh (kể cả miền Nam) tuy nhiên danh tiếng nhất vẫn là bánh ít lá
gai Bình Định. Điều đó có dấu ấn đậm trong ca dao:

Muốn ăn bánh ít lá gai

Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi

Bánh ít lá gai là món bánh truyền thống không thể thiếu trong
ngày giỗ chạp, cúng kỵ, quải đơm và ngay cả những ngày trọng
đại lễ lộc, cưới hỏi. Làm bánh ít lá gai coi vậy chứ cũng rất
công phu, nguyên liệu chính là lá gai và bột nếp. Cây lá gai là một
loại cây cao chừng 2 thước, lá to, dày, có lớp lông mịn trên bề mặt
lá (hình dáng gần giống lá cây cẩm tú cầu – hydrangea). Cây lá
gai sống khỏe, dễ trồng, không cần chăm sóc… chúng phát triển
quanh năm. Lá gai hái về, rửa sạch, luộc chín rồi bỏ vào cối giã
nhuyễn. Trong quá trình giã lần lượt cho bột nếp và nước đường
đã xên sẵn, tỷ lệ lá gai, bột nếp và nước đường đều lệ thuộc
vào kinh nghiệm của người chủ xị làm bánh. Giã lá gai coi vậy
chứ không dễ, thanh niên trai tráng giã chừng 20 nhịp là đuối.
Khi tôi còn nhỏ, tôi thấy mấy cậu, dì… giã một lát là vã mồ hôi.
Ngoại tôi, một bà già nhưng giã lá gai ngon lành hơn cả đám
con cháu. Ngoại có bộ cối chày làm bằng gỗ trắc, xài lâu ngày
cả cối và chày mòn lĩnh và bóng loáng lên.

Lá gai sau khi giã và trộn với bột nếp, nước đường đã trở thành
một khối to đen bóng trông như một cục đá quý. Bây giờ thì các
bà các cô ngồi xúm lại vắt từng cục lá gai chừng nắm tay trẻ con
làm bẹp ra để lận vào giữa nhưn dừa hay nhưn đậu xanh (đã
làm sẵn trước). Hỗn hợp được chia nhỏ gói vào lá chuối hoặc là
để tròn, hai đầu lá túm và xoắn lại; hoặc là bẻ lá xếp thành hình
kim tự tháp,  sau đó bỏ vào xửng hấp cho đến chín. Cái bánh ít mở
ra đen tuyền và thơm. Việc làm bánh ít lá gai hay bánh in, bánh
thuẫn hay bất cứ loại bánh nào bao giờ cũng có những mỏm
đầu thừa đuôi thẹo để dành cho lũ bọn nít chờ chực chầu rìa.


Bánh ít lá gai đặc sản Bình Định

Bánh ít, bánh in, bánh thuẫn, bánh tráng… là những món bánh
dân dã, truyền thống, làm thủ công không thể thiếu trong đời
sống của người Bình Định xưa nay, nhất là những dịp lễ, Tết,
cúng kỵ, hội hè … Thời đại hôm nay thì theo trào lưu mới, xã hội
đổi thay nên cũng ít nhiều mai một.

Bánh ít đi vào văn học dân gian, nhiều ca dao và tục ngữ nói đến.
Trong giai thoại văn học dân gian có chuyện kể rằng:

Một anh học trò người Bình Định sau thời gian trọ học ở kinh đô,
khi cận Tết thì về thăm quê. Một cô thôn nữ thấy anh học trò
thư sinh trắng trẻo, đẹp trai bèn ghẹo:

Bánh đầy một mâm sao còn kêu ít

Có đi bao giờ lại nói rằng quy

Em đây phận gái nhu mì

Anh mà đối đặng em thì theo không


Cây lá gai – nguyên liệu chính của bánh ít

Anh học trò mắc cỡ đỏ cả mặt, tuy nhiên thấy cô gái xinh đẹp lại
sính văn thơ, đụng phải sở trường của mình nên nhập cuộc:

Bánh tráng mỏng lét em bảo bánh đa

Không giáo sao thuẫn, không mực lại in

Học trò chỉ có mảnh tình

Qua đây đối đặng bậu kêu mình được chăng?

Cô gái không ngờ anh học trò lanh lợi mà còn lém lỉnh, những
tưởng mình chủ động nào ngờ trở thành bị động. Cô thôn nữ nghĩ
kế hoãn binh nhưng lại ngầm để ngỏ cơ hội

Anh về thưa má thưa ba

Rằng mai là Tết qua nhà ngắm bông

Bởi vậy đời có không ít mối tình nên duyên nhờ bánh ít, món bánh
truyền thống dân dã lại là ông mai bà mối bắc cầu cho những lứa đôi.

TLTP

Ất Lăng thành, 0224

_________________



Đỗ Hứng gởi