Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
BAO GIỜ "NỖI HẬN SẦU THẾ KỶ CỦA NGƯỜI DÂN MIỀN NAM SẼ ĐƯỢC GIẢI OAN?"
 
 
Dẫn nhập: Nhà hoạt đông cộng đồng Tôn Nữ Hoàng Hoa với bài tâm bút “Nỗi hận sầu thế kỷ của người dân Huế” đã chạm đến trái tim của nhiều người xứ Huế – nạn nhân của cuộc thảm sát Tết Mậu Thân.

Bài viết sau đây sẽ trình bày nỗi hận sầu thế kỷ của những người dân Miền Nam với ước vọng cuộc bể dâu này sẽ được giải oan.

1.TỪ “NGÀN GIỌT LỆ RƠI”

Trong bài “Cuộc chiến cách tân Việt Nam khỏi chủ nghĩa Cộng Sản”, nhà nghiên cứu Lê Quế Lâm cho rằng cuộc chiến tại Việt Nam là một cuộc chiến cách tân để đưa đến việc giải thể chế độ Cộng sản Việt Nam. Và tác giả cũng đã giới thiệu nhà văn Yung Krall, tức Đặng Mỹ Dung (từ nay viết tắt là ĐMD) với tác phẩm A Thousand Tears Falling tức Ngàn Giọt Lệ Rơi (NGLR).

Theo ông Lê Quế Lâm thì, bà ĐMD đã chống Cộng có ý thức ngay từ buổi thiếu thời, khi bà sống với cha là ông Đặng Quang Minh, một đảng viên CS nhiệt thành trong các bưng biền kháng chiến. Và tác giả Lê Quế Lâm đã trích dẫn một số ý thức của bà ĐMD trong tác phẩm NGLR, như sau: “Tôi nhớ hoài ngôi nhà ở gần ngã tư Ong Vèo. Ngôi nhà ngói đỏ, trước hiên có bốn cây cột gỗ mun to tướng. Nhà này không phải là nhà riêng, mà là cơ quan hoạt động chánh trị của ba tôi. Má tôi biết Việt Minh lấy nhà của những điền chủ giàu có để làm trụ sở, các cơ quan và nhà ở cho gia đình cán bộ. Má tôi không thích chủ trương cướp nhà kiểu này, mà phải âm thầm sống trong hoàn cảnh trái với lương tâm mình. Rồi má tôi xin tiền của ông bà ngoại để lén trả tiền mướn nhà và đất cho chủ điền. Và mỗi lần di chuyển đến địa phương khác, VM vẫn mượn nhà, mượn đất như vậy. Má tôi phải trả tiền để không bị lương tâm cắn rứt. Đó là một phim tài liệu trắng đen chiếu đi chiếu lại trong tâm khảm tôi mà má tôi là người kể chuyện”. Lúc đó MD 5 tuổi.

Sau đó, gia đình MD theo cha tới “Kim Qui. Là một rừng tràm sát bên bờ rừng U Minh, có con kinh chảy ra biển, gần Đá Bạc. Thế là có sự hiện hiện của nhiều khuôn mặt “đưa đám” trong nhà... Đó là các cán bộ từ phương xa đến, có người nói giọng Nam, có người nói giọng Huế, giọng Trung; và có cả người nói giọng Bắc... Đối với ba tôi thì người miền nào đến đây cũng là đồng chí của ông”.

NGLR nhắc đến địa điểm Kim Qui Đá Bạc, khiến người đọc “rùng mình rởn tóc” về tội ác của CS. Nơi đây Việt Minh đã giết hại rất nhiều người yêu nước, điển hình là ông Hồ Văn Ngà, thủ lãnh Việt Nam Quốc gia Độc lập Đảng.

Giữa tháng 8/1945, được tin Nhựt đầu hàng, ông Hồ Văn Ngà đứng ra kêu gọi các đảng phái chính trị và tôn giáo hãy đoàn kết lại, thành lập “Mặt trận Quốc gia Việt Nam Thống nhất” “đấu tranh chống thực dân Pháp sắp trở lại Nam Kỳ, để bảo vệ nền độc lập tự do”. Khi Việt

Minh rút lui khỏi Sàigòn trong đêm 23/9/1945, ông cùng Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân, Kha Vạng Cân thành lập Ủy ban Phong tỏa Đô thành Sàigòn-Chợlớn để chống Pháp. Nửa đêm hôm đó, VM tới bắt ông dẫn đi biệt tích. Về sau người ta được biết năm 1946, ông Hồ

Văn Ngà bị đập chết bằng củi đòn, thi hài bị thả trôi sông ở vùng Kim Qui Đá Bạc (Nguyễn Long Thành Nam, Phật Giáo Hòa Hảo trong lòng lịch sử dân tộc, Nxb Đuốc Từ Bi, California, 1991, Tr.366). Trong sách Hơn Nửa Đời Hư, ông Vương Hồng Sển đã kể lại khi bị VM quy tội Việt gian, ông Hồ Văn Ngà đã trả lời như sau: “Các anh muốn giết tôi thì giết mà đừng gán cho tôi tội Việt gian” (Nxb Văn Nghệ, California, 1995, tr.162).

Tác giả ghi lại ký ức ngày Tết đầu năm 1955 tại nhà ông bà ngoại, năm ĐMD 9 tuổi, trước khi thân sinh cô và các cậu lên đường tập kết ra Bắc.

“Bữa cơm cuối cùng trong gia đình bị gián đoạn bởi một chuyện bất thường xảy ra. Trong khi chúng tôi đang ăn, một người có trách nhiệm giữ an ninh cho ba và mấy cậu bước vô, xin nói chuyện với cậu Chín Thùy...Một lát sau ba tôi trở lại bàn ăn, nói cho gia đình biết là có một người đàn ông muốn băng qua lộ để về Cái Thanh, một làng nhỏ bên kia quốc lộ số 4. Ông ta nói rằng má của ông đau nặng, ông muốn về thăm má. Không một ai trong nhóm giữ an ninh biết ông là ai, nên họ quyết định giữ người này lại. Ông ngoại ngồi nhâm nhi cốc rượu, chờ ba tôi dứt lời mới lên tiếng: “Thà bắt lầm hơn thả lầm, phải không con?” Ông cho rằng ba tôi không có quyền quyết định khi chuyện có liên quan đến gia đình người khác. Ông nói “Nếu má thằng Khôi đau nặng, cậu muốn thằng Khôi về thăm má nó, con tính làm sao?”

Sau bữa ăn, cậu Chín dẫn người đàn ông vô nhà. Ông ta là một nông dân. Chân ông còn dính xình khô, quần xắn lên khỏi đầu gối và ướt nhẹp. Ông khép nép ngồi bên mép chiếc ghế đẩu, mặt đầy lo sợ. Ông cúi đầu chào gia đình tôi, nhưng không dám nhìn thẳng mặt ai.

Người đàn ông lập đi lập lại lý do cần phải băng qua lộ đêm đó “Má tui đau nặng, tui phải gặp bả trước khi bả nhắm mắt ông à”. Tôi thấy bác nông dân ôm mặt khóc. Tim tôi đau nhói khi tôi nghe tiếng nức nở của bác. Tôi nhìn người đàn ông trạc tuổi ba tôi, ngồi trước mặt ba tôi và các cậu Tư, cậu Chín. Những người đàn ông này đều có mẹ già, ai cũng biết thương yêu, và ai cũng được yêu thương. Rồi tôi tự hỏi cái gì đã tạo nên sự khác biệt giữa người đàn ông này và những người đàn ông trong gia đình tôi? Người nông dân nầy đã vô tình đem tôi ra khỏi cái nôi của “cách mạng”. Lần đầu tiên trong tuổi thơ, tôi dám nghĩ thầm rằng hành động đêm đó của ba tôi vừa tàn nhẫn, vừa sai bét. Tôi nói thẳng với ông là ba không công bằng với người nông dân nên tôi ngủ không được.

Hai mươi năm sau (1975) tác giả đến thăm cha ở Tokyo, là kẻ vừa chiến thắng....

“Khi bước vào phòng ông, tôi thấy ông đang ngồi cạnh một xấp giấy, trông giống thẻ căn cước, nhưng lớn hơn. Tôi tò mò cầm một thẻ lên coi thì biết đó là giấy gọi nhập ngũ của Mỹ.

Giấy này được gởi đi vào tháng 7/1969 cho một thanh niên 19 tuổi. Lúc đầu tôi nghĩ đây là thẻ động viên của một người lính Mỹ tử trận. Một niềm thương cảm tràn ngập trong lòng.

Chết cho tổ quốc là một vinh dự. Nhưng tình thương bị dập tắt ngay khi ba tôi cho biết những thẻ động viên đang để trên bàn là những thẻ của những tên phản chiến. Khi nhận được lệnh nhập ngũ thì chúng bỏ trốn, rồi gởi những thẻ này đến Tòa Đại sứ của MTGPMN. Tôi giận tím người khi biết chúng là những tên phản quốc. Như đổ dầu vào lửa, ba tôi vui vẻ nói;
“Điều đó chứng tỏ rằng Mỹ đã sai lầm khi tham chiến ở VN”.

Tôi chưa cần phân tích xem Mỹ sai lầm ở chỗ nào, nhưng đã nhận ra một sự thật làm tan nát tim tôi. Đó là sự ngăn cách giữa hai cha con tôi quá lớn; chúng tôi gặp nhau chỉ để xa nhau thêm mà thôi. Lẽ thường ở đời, ai không muốn ngả theo phe thắng, để mưu cầu danh lợi cho riêng mình. Nhưng tôi thì không, tôi không bao giờ phản lại Quốc Gia, phản lại lý tưởng mà gia đình tôi đã đi theo. Vì lý tưởng đó mà em trai tôi đã chết khi mới chập chững bước vào binh nghiệp. Tôi nghiêm giọng nói với ba tôi: “Hạng người phản chiến nầy chỉ là những tên phản quốc, hèn nhát, nên mới gởi những thẻ nầy cho kẻ thù”. Ba tôi lắc đầu: “Mỹ nhẩy vào VN là một sai lầm to lớn. Những người Mỹ trẻ này đã sáng suốt nhận ra như vậy”. Tôi cãi: “Họ ngay thẳng, thật thà, làm sao hiểu nổi cái lưu manh của cộng sản. Vậy khi Liên Xô và Tàu Cộng viện trợ khí giới cho các du kích của MTGP giết đồng bào, thì có chính nghĩa không? Cuộc chiến này sai bét vì người Việt lại giết người Việt”.

Ông dịu dàng nói: “Ba không muốn tranh luận với con gái cưng của ba. Vì ba không bao giờ muốn thay đổi cách suy nghĩ của con. Nếu con hài lòng với niềm tin của con, tức là con đang có hạnh phúc. Đối với ba, gia đình rất đáng quý”. Tôi trả lời “Nhưng đảng của ba còn đáng quý hơn tụi con”. Ba tôi chậm rãi: “Đất nước trên hết đối với ba. Con can đảm, con đã tự lập, con lo cho con được. Con OK”. Tôi lấn tới: “Tất cả người dân miền Nam cũng đã OK. Vợ của ba, con cái của ba đều là hình ảnh của người dân miền Nam sống đơn sơ và hạnh phúc. Chúng con không có gì khác biệt với mọi người. Những nhu cầu, những mơ ước của chúng con đều là nhu cầu và mơ ước của hàng triệu dân miền Nam. Và mọi người đã OK, cho đến ngày Hà Nội đem quân xâm chiếm miền Nam”. Ba tôi gật đầu: “Ba biết rõ những nhu cầu của người miền Nam. Ba hứa sẽ cố gắng hết sức mình để đáp ứng những nhu cầu đó”. Tôi chưa kịp nói gì thêm, ông đã đề nghị: “Mình nói chuyện khác đi con”.

ĐMD từng tâm sự “Tôi yêu ba tôi vì tôi yêu người đã xả thân cho đất nước. Tôi có làm phiền lòng ông, chỉ vì tôi dám nói lên là ông đã bước quá sâu vào cạm bẫy của một lũ người phản quốc”.

Để kéo ông ra khỏi cạm bẫy CS ở tuổi cuối đời, trong các cuộc gặp gỡ sau đó ở Paris (1976) và London (1977), ĐMD gợi ý ông về hưu, đoàn tụ với gia đình với lý lẽ: “Ba đã cống hiến gần hết cuộc đời cho dân tộc. Nay đất nước đã hòa bình, ba 68 tuổi rồi, chúng con muốn ba về sống với má và chúng con. Ba chọn một nước trung lập nào ba thích, dành quảng đời ngắn ngủi còn lại để má và chúng con được cận kề bên ba. Đó là lẽ công bằng.” Ông dứt khoát:
“Ba là người VN, sanh ra ở VN và sẽ chết ở VN.”

Trong khi đó, đại diện MTGPMN tại Paris là Phan Thanh Nam và các đồng chí của ông ta ra sức “động viên” ĐMD thuyết phục bà mẹ trở về nước. Y tuyên dương hành động trở về của bà là một chiến thắng lớn của VN, là cái tát vào mặt TT Gerald Ford và Chính phủ Mỹ đã cho CIA bắt cóc bà đem về Mỹ.

ĐMD không có ý định “tát vào mặt” chính quyền Hà Nội khi thuyết phục người cha rời bỏ VN. Hành động này chỉ muốn nói lên sự thức tỉnh của một người CS sau khi đạt được mục tiêu cuối cùng. Nhưng ông phản đối ý kiến của con, cho đó là thái độ vô cùng ích kỷ. Ông phải trở về nước, hoàn thành nhiệm vụ giúp Miền Nam tái thiết, để phát triển vững mạnh trong một thời gian năm bảy năm, trước khi thống nhất với Miền Bắc. Trong khi ông lạc quan ở Paris, thì số cán bộ MTGPMN sau chiến thắng 30/4/1975 đã thấy rõ thân phận của mình, như câu nói của người xưa “Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh” (Thỏ chết thì chó săn bị làm thịt).

Kỹ sư Trương Như Tảng, Ủy viên Trung ương MTGPMN và là Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa MN đã bày tỏ sự bất mãn khi CS chiến thắng MN, “một quyền lực sắt thép bao trùm khắp nước VN. Lúc thắng trận cũng là lúc CS bắt đầu loại bỏ MTGPMN. Trong buổi tiệc đơn sơ được tổ chức vào năm 1977 để chính thức giải thể MTGPMN, Đảng CS và chính quyền Hà Nội không thèm cử đại diện đến dự”.

Ý định thuyết phục thân phụ lìa bỏ CS bất thành, ĐMD dấn thân vào nghiệp vụ điệp viên chống CS. Nhờ Phan Thanh Nam đón tiếp một cách nồng hậu ở Paris, cô có dịp đặt chân vào trụ sở MTGPMN và văn phòng bà Nguyễn Thị Bình trong thời gian diễn ra cuộc đàm phán Paris. ĐMD đã tiếp xúc với Đại sứ Hà Nội Võ Văn Sung và phát hiện một số cán bộ CS nằm vùng ở Paris. Những ghi nhận về nhân sự và hoạt động của CSVN tại Paris đều được ĐMD báo cáo cho CIA. Cô giữ mối liên lạc với những người CS bạn của ba cô ở Paris, ông có uy tín lớn đối với họ. Những người CS tin tưởng ĐMD với tình thương cha sâu đậm, cô sẽ giúp họ thu thập những tin tức kỹ thuật và tình báo từ chồng cô. Lần hồi qua sự giao tiếp, cô được Đại sứ Võ Văn Sung giới thiệu với Chủ tịch hội Việt Kiều yêu nước ở Mỹ và Đinh Bá Thi, đại sứ CSVN ở Liên Hiệp Quốc. Qua Phan Thanh Nam cô gặp Trương Đình Hùng và một số cơ sở CS hoạt động ở Hoa Thạnh Đốn. Hùng nhờ cô chuyển một số tài liệu mật do Ronald Humphrey (một viên chức cao cấp của bộ Ngoại giao HK được phép đọc tài liệu mật) lấy trộm từ Bộ Ngoại Giao. ĐMD trao những tài liệu mật này cho CIA để tráo thành tài liệu giả chuyển đến Tòa Đại sứ Hà Nội ở Paris. Humphrey có vợ là cháu của một nữ cán bộ CS, ông liều lĩnh hành động để CS sớm cấp giấy xuất cảnh cho vợ. Bọn phản chiến và các hội Việt kiều yêu nước đã tiếp tay giúp CS chiến thắng ở MN. Sau đó chúng ra sức tuyên truyền, phá hoại và tranh thủ đồng bào tị nạn vừa mới đặt chân đến Pháp và Mỹ. Việc ĐMD phát hiện các ổ CS nằm vùng, các tổ chức Việt Kiều yêu nước và ra toà làm nhân chứng để phá vỡ mạng lưới gián điệp của Hà Nội ở Mỹ là một đóng góp lớn giúp củng cố và phát triển Cộng đồng Người Việt Tự do ở HK trong bước đầu hình thành khi làn sóng thuyền nhân ồ ạt đến Mỹ hồi cuối thập niên 1970.

Trong lời nói đầu quyển A Thousand Tears Falling, ông Griffin Boyette Bell, cựu Bộ trưởng Tư pháp HK, đề cao “Yung Krall (tức Đặng Mỹ Dung) đúng là một công dân Mỹ vĩ đại. Tình yêu nước Mỹ đã dẫn dắt cô trở thành nhân chứng then chốt trong vụ án gián điệp mang tên Con Rồng Kỳ Diệu. Tôi nhiệt liệt tán thưởng sự nghiệp của cô đối với nước ta (HK), và tôi vui mừng thấy câu chuyện của ngưòi phụ nữ xuất sắc nầy cuối cùng đã được để cho mọi người cùng đọc và biết đến...”

Riêng cá nhân tôi, ĐMD còn là một người VN yêu nước trong sáng, chống CS có ý thức. Chị đã góp phần giúp HK tiến hành cuộc chiến “cách tân VN khỏi chủ nghĩa CS”. Một nước VN dân chủ tự do, không CS, là nguyện vọng tha thiết của mọi người VN yêu nước. Quyển

NGLR là cuộc đấu lý có tính ý thức hệ, bày tỏ thái độ chính trị giữa người con Quốc Gia và người cha yêu nước theo chủ nghĩa CS.

2. ĐẾN BIỂN MÁU NGẬP TRÀN:

Bài viết này xin không kể đến những tội ác tày trời mà Đảng CSVN đã gây ra trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất tại miền Bắc mà chỉ kể những tội ác mà CSVN đã gây ra cho đồng bào miền Nam sau tháng 4 năm 1975. Sau khi chiếm trọn miền Nam, CSVN đã phạm nhiều tội ác chống nhân loại đối với đồng bào miền Nam một cách quy mô và có kế hoạch:

–Tội đưa đi lưu đày (deportation) 1.5 triệu đồng bào miền Nam tại những nơi rừng thiêng nước độc mà chúng đặt cho cái ngụy danh là “vùng kinh tế mới”. Khí hậu khắc nghiệt tại những nơi lam sơn chướng khí này đã gây ra những cái chết cho nhiều chục ngàn người.

–Tội xử tử một cách phi pháp (ex-trajudical, or summary, execution) 100.000 quân dân cán chính VNVCH trong thời gian 10 năm kể từ sau tháng 4 – 1975, gây đau thương suốt đời cho hàng trăm ngàn thân nhân ruột thịt của họ.

–Tội giết 160.000 người bằng cách đuổi theo pháo kích và bắn trực xạ trong nhiều ngày vào đoàn người chạy giặc suốt theo chiều dài của Tỉnh lộ 7B từ Pleiku xuống duyên hải trong tháng 3 năm 1975, để lại đau thương suốt đời cho hàng trăm ngàn thân nhân của họ.

–Tội giam cầm phi pháp (imprisonment without formal charge or trial) 1.000.000 quân dân cán chính VNCH trong những cái gọi là “trại cải tạo” với thời gian bị giam cầm từ 3 tới 10 năm, và có nhiều người đã bị giam tới 17 năm. Tội ác này đã gây đau khổ tinh thần cho hàng triệu thân nhân ruột thịt của họ.

–Tội ác thủ tiêu mất tích (enforced disappearance of person) 165.000 quân dân cán chính VNCH bị chết vì đòn thù trong các trại tù cải tạo. Hiện nay VC còn đang chôn giấu 165.000 bộ hài cốt của những người này trong rừng núi với chủ tâm trả thù, gây thống khổ tinh thần suốt 43 năm nay cho hàng trăm ngàn cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái của họ.

–Chế độ độc tài khủng bố của VC đã là nguyên nhân xô đẩy 3.000.000 đồng bào miền Nam lao ra biển trên những con thuyền mỏng manh để đi tìm tự do, gây ra những cái chết thảm cho 700.000 đồng bào trên biển cả, để lại đau thương suốt đời cho hàng triệu cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái của họ.

–Chúng tổ chức vượt biên để thu vàng và cướp nhà của dân: khi thuyền vượt biên tới hải phận quốc tế, chúng cho công an dùng thuyền cao tốc đuổi theo bắn chìm thuyền và giết chết những người đã nộp tiền cho chúng. Đây là một tội ác man rợ của VC đối với đồng bào miền Nam.
Một số tội ác kể trên đã đủ chứng minh rằng hầu hết các gia đình tại miền Nam đều là nạn nhân của tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại của CSVN.

***

Xin thưa phần trên của bài viết, tôi đã mượn phần trình bày của hai tác giả Lê Quế Lâm và Đỗ Ngọc Uyển để trình bày về những nhức buốt của một cuộc chiến đã im tiếng súng trong 47 năm qua; nhưng vẫn còn âm thầm tiếp tục tàn phá và vắt kiệt sinh lực của dân tộc Việt Nam và đất nước đang có nguy cơ lệ thuộc ngoại bang.

Phần đầu, tôi mượn phần trình bày của tác giả Lê Quế Lâm về bi kịch mà bà Đặng Mỹ Dung và gia đình bà phải gánh chịu trong cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản.

Với bi kịch của đời mình, bà Đặng Mỹ Dung đã viết thành tự truyện Ngàn Giọt Lệ Rơi.

Phần thứ hai, tôi trích một đoạn ngắn từ bài viết “Con Đường Hoà Giải Dân Tộc” của tác giả Đỗ Ngọc Uyển với ước vọng là sẽ có những người cầm bút sẽ tổng kết coi có bao nhiêu xương máu đã đổ xuống trong cuộc chiến mà ông Hồ Chí Minh đã theo đuổi và quyết tâm áp đặt chủ nghĩa cộng sản cho đất nước Việt Nam.

Chỉ trong một gia đình của bà Đặng Mỹ Dung đã ngàn giọt lệ rơi.
Trong cuộc chiến “xẻ dọc Trường Sơn” với đoàn quân “Sinh Bắc, tử Nam” của ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN, dân tộc Việt Nam đã đổ xuống bao nhiêu máu xương trong cuộc bể dâu này?!

Có bao giờ các vị lãnh đạo của Đảng CSVN hiện nay nghĩ đến chuyện:

“Đây chén rượu nồng xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc bể dâu này!”
(thơ Tô Thuỳ Yên)
 
Hay là quý vị “vẫn quyết tâm tát cạn, bắt lấy” 3 triệu người Việt tỵ nạn hải ngoại là những người đã vì sự cai trị hà khắc của quý vị mà phải liều chết vượt biển để tìm tự do trên những chiếc thuyền mà mạng sống mỏng manh – như những con muỗi mắc trong nghiên son?!
 
NGUYỄN THIẾU NHẪN

_______________________


usaelection gởi