Bát nhã ba la mật đa
Wikipedia: Bát-nhã-ba-la-mật-đa (zh. 般若波羅蜜多, sa. prajñāpāramitā, en. perfection of wisdom/insight, de. Vollkommenheit der Weisheit/Einsicht/Erkenntnis) có nghĩa là sự toàn hảo (sa. pāramitā, en. perfection) của Bát-nhã (sa. prajñā). Cũng được gọi ngắn là Bát-nhã-ba-la-mật.
Danh từ nguyên thủy
Truyền thống Đại thừa Á Đông thường dịch nghĩa prajñāpāramitā là Huệ đáo bỉ ngạn (zh. 慧到彼岸), Trí độ (zh. 智度), Trí huệ độ người sang bờ bên kia.
Tuy không hoàn toàn y ngữ – chẳng hạn, chiết tự pāram-itā và cho pāram là bỉ ngạn, là bờ bên kia, và itā là đến, bước sang (gốc động từ √i, eti) – nhưng, cách dịch Huệ đáo bỉ ngạn hoặc Trí độ vẫn y nghĩa. Bởi vì, chúng ám chỉ đến một loại trí huệ độ người sang bờ bên kia, từ bể luân hồi đến bờ niết-bàn.
Bát-nhã-ba-la-mật-đa cũng là tên của một số bộ kinh quan trọng, xuất hiện khoảng thế kỷ thứ nhất trước CN, với nội dung xoay quanh chính Bát-nhã-ba-la-mật-đa này.
Bát Nhã cũng là tên của Đại Bồ Tát – Bodhisattva Mahāsattva.
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội11
(Bodhisattva Mahāsattva). Bồ Tát dịch đại đạo tâm chúng sanh, hoặc giác hữu tình, nghĩa là bậc chúng sanh có lòng đạo lớn, và tuy giác ngộ mà còn có tình thức. Ma ha tát dịch là đại chúng sanh. Nói tóm lại, Bồ Tát Ma Ha tát là đại Bồ Tát, bậc Bồ Tát lớn trong hàng Bồ Tát.
Theo Kinh: Ma-ha tát-đỏa (Mahā-sattva)12.
Ma-ha là đại, Tát-đỏa là chúng sanh. Hoặc gọi là dũng tâm, vì tâm người này làm được việc lớn, vì tâm đại dũng mãnh không thối không lui, nên gọi là Ma-ha Tát-đỏa.
Người đứng đầu bậc nhất trong nhiều chúng sanh, nên gọi là Ma-ha Tát-đỏa.
Bật ở giữa nhiều chúng sanh, khởi tâm đại từ đại bi, thành lập Đại thừa, thực hành đại đạo, được ở chỗ tối đại, nên gọi là Ma-ha Tát-đỏa.
Lại nữa, thành tựu các tướng của bậc đại nhân, nên gọi là Ma-ha Tát-đỏa.
Ý nghĩa của Tâm Kinh
Các bộ kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa luôn nhấn mạnh rằng, thế giới hiện tượng không thật sự tồn tại. Trên phương diện tổng quát thì sự nhận định này cũng không gì mới lạ. Bởi vì, các luận sư trường phái A-tì-đạt-ma đã tuyên bố như thế. Tuy nhiên, họ đã quá nhấn mạnh vai trò của các pháp trong lúc chứng minh nguyên lý vô ngã của một cá nhân (nhân vô ngã, sa. pudgalanairātmya), khiến các pháp gần như có một tự ngã, tự tính.
Các bộ kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa đi xa hơn một bước nữa, quả quyết là ngay cả các pháp cũng không có một tự ngã (pháp vô ngã, sa. dharmanairātmya). Như thế thì các bộ kinh này đã chuẩn bị bước rất quan trọng để phá kiến chấp vào sự tồn tại của thế giới hiện tượng.
Theo kinh Bát-nhã, nếu thế giới hiện tượng không thật tồn tại thì chư Phật và chư Bồ Tát cũng không thật sự tồn tại.
Kinh Bát thiên tụng bát-nhã-ba-la-mật-đa (sa. aṣṭasāhasrikā prajñāpāramitā) trình bày tư tưởng này như sau:
अथ खल्वायुष्मान् सुभूतिर्बुद्धानुभावेन भगवन्तमेतदवोचत् — यद्भगवानेवमाह — प्रतिभातु ते सुभूते बोधिसत्त्वानां महासत्त्वानां प्रज्ञापारमितामारभ्य यथा बोधिसत्त्वा महासत्त्वाः प्रज्ञापारमिताम् निर्यायुरिति। बोधिसत्त्वो बोधिसत्त्व इति यदिदं भगवन्नुच्यते, कतमस्यैतद्भगवन् धर्मस्याधिवचनं यदुत बोधिसत्त्व इति? नाहं भगवंस्तं धर्मं समनुपश्यामि यदुत बोधिसत्त्व इति। तमप्यहं भगवन् धर्मं न समनुपश्यामि यदुत प्रज्ञापारमिता नाम। सोऽहं भगवन् बोधिसत्त्वं वा बोधिसत्त्वधर्मं वा अविन्दन् अनुलभमानोऽसमनुपश्यन्, प्रज्ञापारमितामप्यविन्दन् अनुपलभमानोऽसमनुपश्यन् कतमं बोधिसत्त्वं कतमस्यां प्रज्ञापारमितायामवदिष्यामि अनुशासिष्यामि?
Sau đó, qua thần lực của Phật, Tôn giả Tu-bồ-đề nói với Thế Tôn như sau:
Thế Tôn nói, “Ông hãy tuỳ hỷ thuyết về Bát-nhã-ba-la-mật-đa cho Bồ Tát Ma-ha-tát, hãy nói với những vị này, thể nhập Bát-nhã-ba-la-mật-đa như thế nào.”
Bạch Thế Tôn, Bồ Tát được gọi là ‘Bồ Tát’ — vậy ‘Bồ Tát’ này là tên gọi của pháp nào?
Bạch Thế Tôn, con chẳng thấy pháp nào có tên ‘Bồ Tát,’ và cũng chẳng thấy pháp nào mang tên ‘Bát-nhã-ba-la-mật-đa’ cả.
Bạch Thế Tôn, vì không tìm ra, không nhận thức và cũng không thấy được một Bồ Tát hoặc pháp nào tên ‘Bồ Tát,’ và cũng không tìm ra, không nhận thức và cũng không thấy được một Bát-nhã-ba-la-mật-đa hoặc pháp nào tên ‘Bát-nhã-ba-la-mật-đa’ — thế thì con nên giảng giải cho Bồ Tát nào thể nhập Bát-nhã-ba-la-mật-đa nào đây?”
Trong cuộc đàm luận kế tiếp tôn giả Tu-bồ-đề đi sâu vào mối quan hệ giữa tên gọi và pháp mang tên gọi.
Người ta có thể nói về các pháp, các hiện tượng; nhưng nói về các pháp, gọi tên các pháp như vậy không có nghĩa là các pháp sinh thành và tồn tại.
Giáo lý duyên khởi (sa. pratītyasamutpāda) nói rằng, tất cả các pháp đều nương vào nhau mà phát sinh, có nghĩa là chúng không có một tự ngã (sa. anātman), không có một bản chất hoặc tự tính (sa. asvabhāva,) và không trường tồn, tức là vô thường (sa. anitya). Nhưng, nếu chúng vô thường thì chúng đã hủy diệt ngay khi phát sinh. Chúng sinh thành, và hoại diệt trong từng sát-na (sa. kṣāṇika,) và không tồn tại theo đúng nghĩa từ "tồn tại." Ta không thể nắm bắt bất cứ một pháp nào, không thể nương tựa vào bất cứ một pháp nào:
बुद्ध इति भगवन् नामधेयमात्रमेतत्। बोधिसत्त्व इति भगवन् नामधेयमात्रमेतत्। प्रज्ञापारमितेति भगवन् नामधेयमात्रमेतत्। तच्च नामधेयमनभिनिर्वृत्तम्। यथा आत्मा आत्मेति च भगवन्नुच्यते, अत्यन्ततया च भगवन्ननभिनिर्वृत्त आत्मा। एवमस्वभावानां सर्वधर्माणां कतमत्तद्रूपं यदग्राह्यमनभिनिर्वृत्तम्? कतमे ते वेदनासंज्ञासंस्काराः? कतमत्तद्विज्ञानं यदग्राह्यमनभिनिर्वृत्तम्? एवमेतेषां सर्वधर्माणां या अस्वभावता, सा अनभिनिर्वृत्तिः। या च सर्वधर्माणामनभिनिर्वृत्तिर्न ते धर्माः।
‘Phật-đà,’ bạch Thế Tôn, chỉ đơn thuần là một tên gọi (sa. nāmadheyamātra).
‘Bồ Tát,’bạch Thế Tôn, chỉ đơn thuần là một tên gọi.
‘Bát-nhã-ba-la-mật-đa,’ bạch Thế Tôn, chỉ là một tên gọi đơn thuần.
Và cái được gọi tên này lại là một cái gì đó, không được tạo tác (sa. anabhinirvṛtta).
Và cũng như trường hợp ngã được gọi là ‘ngã,’ bạch Thế Tôn, ngã là một cái gì đó hoàn toàn không được tạo tác. Nếu giờ đây tất cả các pháp đều không có một tự tính, thì sắc này là gì — một sắc không thể được nắm bắt, và không được tạo tác?
Thụ, tưởng và hành là gì? Vậy thức này là gì — một thức không thể được nắm bắt, và không được tạo tác?
Tự tính (sa. svabhāvatā) của tất cả những pháp này là bản chất không được tạo tác (sa. anabhinirvṛtti) của chúng, và bản chất không được tạo tác của tất cả những pháp này, không phải là chư pháp.
Những nhà biên tập bộ kinh Bát-nhã này biết rõ là giáo lý tính Không bên trên sẽ gây hoang mang. Thế nên kinh khuyên các vị Bồ Tát nên giữ một tâm thức như sau trong lúc hành trì, nhất là khi hành trì pháp quán Ngũ uẩn theo Tứ niệm xứ (sa. smṛtyupasthāna):
सचेद्भगवन् एवं भाष्यमाणे एवं देश्यमाने एवमुपदिश्यमाने बोधिसत्त्वस्य महासत्त्वस्य चित्तं नावलीयते न संलीयते न विषीदति न विषादमापद्यते नास्य विपृष्ठीभवति मानंसं न भग्रपृष्ठीभवति नोत्त्रस्यति न संत्रस्यति न संत्रासमापद्यते, एवं वेदितव्यम्—चरत्ययं बोधिसत्त्वो महासत्त्वः प्रज्ञापारमितायाम्। भावयत्ययं बोधिसत्त्वो महासत्त्वः प्रज्ञापारमिताम्। उपपरीक्षतेऽयं बोधिसत्त्वः महासत्त्वः प्रज्ञापारमिताम्। उपनिध्यायत्ययं बोधिसत्त्वो महासत्त्वः प्रज्ञापारमितामिति। तत्कस्य हेतोः? यस्मिन् हि समये भगवन् बोधिसत्त्वो महासत्त्वः इमान् धर्मान् प्रज्ञापारमितायां व्युपपरीक्षते, तस्मिन् समये न रूपमुपैति, न रूपमुपगच्छति, न रूपस्योत्पादं समनुपश्यति, न रूपस्य निरोधं समनुपश्यति। एवं न वेदनां न संज्ञां न संस्कारान्। न विज्ञानमुपैति, न विज्ञानमुपगच्छति, न विज्ञानस्योत्पादं समनुपश्यति, न विज्ञानस्य निरोधं समनुपश्यति।
Bạch Thế Tôn, nếu trong một pháp thoại, một bài giảng dạy như thế này mà tâm của Bồ Tát không chìm đắm, không sụp đổ, không sa sút, không rơi vào trạng thái sa sút, nếu tâm vị này không bị đoạn mạch sống, nếu vị này không bị gãy cột sống, nếu vị này không lo sợ, không run rẩy và không rơi vào tình trạng hoảng sợ run sợ thì ta nên biết: Bồ Tát Ma-ha-tát này tu tập hướng về Bát-nhã-ba-la-mật-đa, Bồ Tát Ma-ha-tát này phát triển Bát-nhã-ba-la-mật-đa, Bồ Tát Ma-ha-tát này nghiên cứu Bát-nhã-ba-la-mật-đa, Bồ Tát Ma-ha-tát này thiền quán Bát-nhã-ba-la-mật-đa.
Vì sao? Trong lúc Bồ Tát Ma-ha-tát hướng về Bát-nhã-ba-la-mật-đa quán chiếu các pháp này thì Bồ Tát không nghĩ đến sắc, không tiếp cận sắc, không thấy sự sinh khởi của sắc, không thấy sự hoại diệt của sắc. Và cũng như thế trong trường hợp thụ, tưởng và hành. Bồ Tát không nghĩ đến thức, không tiếp cận thức, không thấy sự sinh khởi của thức, không thấy sự hoại diệt của thức.
Sự từ khước, đả đảo lộn tất cả sự hiện diện của các pháp, các vật, các hiện tượng. Đó chính là bước triển khai triệt để của giáo lý vô ngã. Nó không chỉ mang đến sự hoang mang, mà cũng đồng thời trở thành căn bản, là bước khởi đầu của một tâm thức lìa bỏ tất cả, không nương tựa vào bất cứ cái gì.
Tất cả sự sinh thành và hoại diệt, tính vô thường của vạn vật mà ta có thể quan sát khi thiền quán, theo phương pháp Tứ niệm xứ, được diễn giải phân tích tận cùng theo lý tính trong đoạn kinh trên.
Hoàn toàn không có gì được quan sát, không có sự hình thành và cũng không có sự hoại diệt.
Một pháp, dù là một trong ngũ uẩn, hoặc một vật gì khác chẳng phải là sự sinh thành của nó, chẳng phải là sự hoại diệt của nó, mà cũng không phải không như thế. Ta không có thể nói gì về nó được – bất khả tư nghị.
Tư tưởng Bát Nhã của các thiền sư Đại Việt
Đời nhà Trần, tư tưởng Bát Nhã cùng với Hoa Nghiêm, và Pháp Hoa rất thịnh hành trong văn hóa và Phật Giáo Đại Việt.
Các tổ của thiền phái Trúc Lâm như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông đều ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Bát Nhã. Đệ nhị Tổ Pháp Loa (1284-1330) cũng không ngoại lệ.
Thiền Thượng thừa là một trong 5 loại thiền1. Theo truyền thuyết, vô thượng thừa thiền này truyền từ Đức Phật (vũ trụ) Tỳ Lô Giá Na trải qua vô lượng kiếp đến Đức Phật (lịch sử) Thích Ca Mâu Ni, truyền tiếp xuống 28 vị tổ sư Ấn Độ, 6 vị tổ Trung Hoa, tổ truyền tổ nối, truyền khắp bốn phương, tám hướng, trong nhân gian.
Lục Tổ Huệ Năng – sáng lập thiền Đốn Giáo phương Nam, đã làm cho Thiền Tông Trung Hoa bước vào thời kỳ phát triển cao độ. Sau Huệ Năng, Thiền Tông Trung Hoa phát triển thành năm phái Thiền là Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn, và Pháp Nhãn.
Những nhà Thiền học thời Lý - Trần của Việt Nam đã học hỏi, tiếp thu, và chịu ảnh hưởng sâu đậm từ tư tưởng của Thiền Tông Trung Hoa, thông qua sự hoằng pháp của các thiền sư Bắc Tông này du nhập vào Đại Việt, cùng với sự giao lưu văn hóa của hai nước.
Tự tính Bát Nhã, hay Thực tướng Bát Nhã, Thiền tông gọi là “tánh” – giác tính, bản tính, bản lai diện mục.” Kinh Pháp Hoa gọi là “Phật tánh”… Trúc Lâm sơ tổ trong Cư trần lạc đạo phú gọi là “tính sáng” – thực tướng Kim Cương, lòng mầu Viên Giác. Trần Thái Tông trong Tựa Kim Cương Tam Muội chú giải gọi là “tự tính Kim Cương”… Lúc Huệ Năng nghe Ngũ Tổ thuyết kinh Kim Cương đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” liền đại ngộ, và thốt lên rằng:
Không ngờ tự tính vốn tự thanh tịnh
Không ngờ tự tính vốn không sinh diệt
Không ngờ tự tính vốn tự đầy đủ
Không ngờ tự tính vốn không động dao
Không ngờ tự tính năng sinh muôn pháp.”2
Và pháp Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, được Lục Tổ diễn giảng trong Pháp Bảo Đàn Kinh, nằm trọn trong tự tính – Thực tướng Bát Nhã.
Trần Thái Tông trong bài tựa Kim Cương Tam Muội chú giải, vua viết, “Bản tính huyền ngưng, chân tâm trong lặng, khuyết tròn đều dứt, nếu không phải do thánh trí thì sao tìm được mối manh. Tan hợp đều quên, mắt thấy tai nghe không thể tìm được hình bóng. Hữu vô nắm được, đạo tục san bằng, sừng sững riêng mình, siêu việt có một. Đó là dòng sông trọng yếu của tự tính Kim Cương.”3
Trúc Lâm sơ tổ nói, “Bản tính sáng trong ngưng đọng, không có thiện, không có ác… Phàm thánh vốn chung một lối, phải trái đâu được phân chia. Cho nên biết rằng tội phúc vốn không, rốt cuộc nhân quả chẳng thực.”4
Tâm kinh nói, “Bồ Tát Quán Tự Tại hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không.”
Kinh Bát Nhã nói, “Cái được gọi là sắc, thụ, tưởng, hành, thức… tất cả đều do các pháp hòa hợp mà thành, đều là giả danh. Con người lấy danh chấp thủ tướng, nên gọi nó là danh… Mọi khái niệm chúng sinh cũng đều là danh, chỉ có cái danh không thực có, sinh ra từ trong tư duy tưởng niệm, phân biệt vọng tưởng. Các ông chớ chấp trước vào các tư duy hư vọng đó. Vốn dĩ đều là Không, tự tính vốn Không nên bậc trí giả không được chấp trước.”5
Pháp Loa nói, “Yếu chỉ của thiền định là trước phải định tâm, thường tự suy nghĩ: Thân này từ đâu tới, Tâm này từ đâu có? Tâm không thể có thì do đâu có thân? Thân tâm đều không, thì pháp từ đâu có? Pháp không thực có, vì không có cái có. Cái có là chẳng phải có mà có thì cái có làm sao có được? Cái có đã là không thì không có pháp có. Pháp là bắt chước cái chẳng phải pháp thì pháp dựa vào đâu? Không nương không dựa nên pháp vốn chẳng phải pháp. Pháp này không thật, nhưng cũng không phải không thật.”6
Pháp Loa đã sáng tỏ tính biện chứng và phá tướng triệt để của Bát Nhã nên Ngài nói, “Pháp là bắt chước cái chẳng phải pháp thì pháp dựa vào đâu? Không nương không dựa nên pháp vốn chẳng phải pháp.”
Pháp Loa nói, “Trong mười hai giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn. Vì tâm không loạn nên cảnh vẫn an nhàn. Mắt không bị thức lôi cuốn mà hướng ra ngoài; thức không bị cảnh lôi kéo mà hướng vào trong. Ra vào không giao tiếp nhau nên gọi là ngừng nghỉ. Tuy gọi là ngừng nghỉ mà không phải là ngừng nghỉ.”7
Trong Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng dạy, “Ngoài lìa tướng là thiền, trong không loạn là định.”
Quan điểm này tương đồng với tư tưởng, “Đối cảnh vô tâm” của Trúc Lâm Thiền Sư.
Khi hướng vào tâm, tìm thấy tánh, thì tâm trở thành vô tâm, không còn thị phi, phân biệt nhị nguyên – sinh tử, trúng sai, đến đi – không còn cách biệt giữa ta (ngã, self) và tha nhân, quá khứ và vị lai.
Không người không vật, không cảnh, không ta. Tất cả, chỉ còn một sự đồng nhất tuyệt đối của cái Không (emptiness) tỉnh lặng trong “đối cảnh vô tâm” của người giải thoát.
Tâm Không là ‘Tâm Không của Không’ (Emptiness of Emptiness,) là tâm giải thoát, tâm giác ngộ, hay tâm Phật.
Bất sinh diệc bất diệt,
Bất thường diệc bất đoạn.
Bất nhất diệc bất nhị,
Bất lai diệc bất xuất.
Chú thích: “diệc” – cũng là, nữa là. Như trị diệc tiến, loạn diệc tiến [治亦進亂亦進] trị cũng tiến lên, loạn cũng tiến lên.
Pháp Loa cho rằng, người học Phật, trước tiên cần nhận thức được tự tính Bát Nhã nơi mình, gọi là “Kiến tánh.” Đây là truyền thống Thiền thượng thừa mà Pháp Loa đã tiếp nhận từ Trúc Lâm, và chư vị tổ sư.
Tôi xin đơn giản hóa ý tưởng của Pháp Loa: Thấy tính (Kiến tánh, quán tính) không phải là thấy những cái ‘tưởng có thể thấy được,’ như thị tri kiến, bởi nhục nhãn; mà là ‘thấy những cái không thể thấy,’ thấy vậy nhưng không phải như vậy, qua trí tuệ của Phật Nhãn.
Cho nên, khi quán tự tại, lúc an tâm, sẽ chiếu kiến được “cái thấy không thể thấy” (phi kiến) thì chân tánh hiển hiện – Nhi sinh kỳ tâm.
Dễ hiểu hơn: Trong cái thấy, cái nghe, cái thọ, cái xúc giác, cái thức tri chỉ là cái thấy, cái nghe, cái thọ, cái cảm, cái tri – vô thời gian – không có cái Tôi thấy, tôi nghe, tôi tưởng, tôi xúc, tôi tri – ở trước đó, ở sau đó, đang ở đó.
Ngũ Uẩn = Sắc + Thọ + Tưởng + Hành + Thức = Vô Thường = Đau Khổ = Vô Ngã
Kiến Tánh (Tánh thấy-biết, hay giác-ngộ) là “vô sinh,” mà cái ‘thấy’ hữu sinh cũng “phi hữu.” Cái tánh không (phi hữu) chính là chân lý, là bản lai diện mục của vô nhất vật.
Trong cái thấy chỉ là cái thấy.
Trong cái nghe chỉ là cái nghe.
Trong thọ tưởng chỉ thọ tưởng.
Trong cái xúc giác chỉ là xúc giác.
Trong thức tri chỉ là cái thức tri.
Giản lược
Khoa học đã tái chứng minh những gì Đức Phật đã chứng minh:
Energy is neither created nor destroyed but transformed. (First law of thermodynamics)
(Between 1842 and 1847, Julius Robert von Mayer , James Prescott Joule , and Hermann von Helmholtz discovered and formulated the basics of what we refer to today as the law of conservation of energy: Energy cannot be created or destroyed; it can only be transformed from one form to another.)
Giải thích theo triết lý Phật Giáo:
Tất cả sắc tướng lẫn vô sắc tướng trong vũ trụ được cấu tạo bởi năng lượng (energy.)
Năng lượng – vô sinh, vô diệt, vô thủy, vô chung.
Theo Lý Bát Nhã: Sắc là không; không là sắc. Sắc/Không không sinh không diệt chỉ hóa thân – từ không ra sắc, từ sắc trở thành không, rồi từ không trở lại sắc – theo luật nhân quả, tái sinh, hay tiến hóa tự nhiên của vũ trụ luật.
Đơn giản, ngắn gọn:
Sắc uẩn, và không sắc uẩn (thức) không thủy không chung, không sinh không diệt, không sinh trụ hoại diệt, không sinh lão bệnh tử, không luân hồi tái sinh mà chỉ thay hình đổi dạng (transformed, hoán thân.)
Như vậy, như thị ngã văn, thể theo lời kinh văn Bát-nhã trên. Bát-nhã-ba-la-mật-đa, “Sự viên diệu tuyệt đối của trí huệ,” chính là nhận thức – các pháp đều trống không, Emptiness – tất cả chỉ là những tên gọi, giả danh, không có tự ngã.
Nhìn theo chân lý tuyệt đối (sa. paramārthataḥ,) như thị tri kiến, thì không có một vật nào tồn tại, hay không có một vật nào không tồn tại. Đó chân lý của vô nhất vật – bất diện mục, phi bản lai.
Tài liệu tham khảo
[1] Thiền phàm phu, Thiền ngoại đạo, Thiền Tiểu thừa, Thiền Đại thừa, Thiền Thượng thừa. (Tam Tổ Thực lục, sđd, trang 69)
[2] 《六祖大師法寶壇經》卷1:「『何期自性,本自清淨;何期自性,本不生滅;何期自性,本自具足;何期自性,本無動搖;何期自性,能生萬法。』」(CBETA, T48, no. 2008, p. 349, a19-21)
[3] 本性玄凝真心湛寂,成虧俱絕,非性智能究於端倪。合散盡遺,豈耳目可参于影響。有無捏就,道俗剪夷,卓爾獨存,超然無外。此剛自性之川也。(Thơ văn Lý Trần, tập II, trang 31)
[4] Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn (dịch và chú), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995, trang 63.
[5] 《摩訶般若波羅蜜經》卷24〈善達品79〉:「所謂此色、此受想行識…一切和合法皆是假名,以名取諸法,是故為名…『諸眾生!是名但有空名,虛妄憶想分別中生,汝等莫著虛妄憶想。此事本末皆無,自性空故,智者所不著。』」(CBETA, T08, no. 223, p. 398)
[6] Tam Tổ Thực Lục, sđd, trang 67, 68.
[7] Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā, Skt. ed. P. L. Vaidya, Buddhist Sanskrit Texts No. 4, Darbhanga 1960.
[8] Conze, Edward: The Perfection of Wisdom in Eight Thousand Lines & Its Verse Summary (second printing, with corrections). Berkeley, California, 1975.
[9] Fóguāng dàcídiǎn 佛光大辭典. Fóguāng dàcídiǎn biānxiū wěiyuánhuì 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fóguāng chūbǎnshè, 1988.
[10] Tư Tưởng Bát Nhã Trong Thiền Học Của Thiền Sư Pháp Loa, Thích Nữ Mai Anh.
[11] Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội.
[12] Luận Đại Trí Độ 1, Tác giả: Thích Thiện Siêu - Xuất bản 1997, Giải Thích Phẩm Tựa Đầu - Chương 8: Giải Thích Ma-ha Tát-Đỏa, Trang 194.
Lê Huy Trứ
10/01/2024
____________
Tru Le gởi