Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
Bát Phong
 
 
Phạm Công Thiện viết, “Tôi cảm thấy rằng tôi có thực vì tám điều [bát phong, Trứ], nhưng thực ra vì tôi hoàn toàn không có thực, vì tôi đang chết trong đời sống và cái chết là cái có thực nhứt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính cái chết chuyển hóa tất cả sự thực thành ra không thực, và ngay đến cái chết chỉ có thực khi tôi còn đeo sự sống, dù là một sự sống rất mong manh. Mỗi khi tôi thực sự chết, chết hoàn toàn thì chính cái chết cũng không có thực. Nơi đây cũng nên nhắc lại câu tuyệt vời của nhà thần bí Ðức Abraham a Santa Clara: "Kẻ nào chết, trước khi hắn chết, hắn không chết, lúc hắn chết" (Wer stirbt, che er stirbt, der stirbt nicht, wenn er stirbt) (cf. Heidegger, Ueber Abraham a santa Clara, Gesprochen beim Messkircher Schultreffen am 2 Mai 1964 im Martinsaal). Chỉ khi nào tôi mất hết mọi hy vọng trong đời sống này mà vẫn không bi quan, chỉ khi nào tôi không còn mong đợi gì nữa trong tương lai mà không phải cay đắng, chỉ khi nào tôi thấy rằng mình hoàn toàn không có thực, chỉ lúc ấy cái chết sáng tạo sẽ chuyển hóa hết mọi sự hữu tình.
 
Tại sao gọi là cái chết sáng tạo ? Cái chết sáng tạo không phải chỉ là chết thôi rồi không có gì hết (Ðó là chủ nghĩa hư vô): cái chết sáng tạo là chết cái sống và sống cái chết, chết trong sự sống và sống trong sự chết; cái chết sáng tạo chuyển hóa hữu hình thành vô hình và chuyển hóa vô hình thành hữu hình, chuyển hóa cái này ra mọi cái, chuyển hóa mọi cái ra cái này, chuyển hóa mọi cái này ra mọi cái khác và không còn cái nào tự biệt lập ra một cái độc lập không dính líu gì với cái khác: tất cả đều trở thành liên hệ mật thiết với nhau, những gì mâu thuẫn nhứt kêu gọi lẫn nhau như người tình kêu gọi người tình, cái không thực nhứt trở thành sự thực và sự thực lại không có thực.
 
Tôi không có thực vì tôi chuyển hóa không ngừng thực ra không phải tôi chuyển hóa mà tôi là sự chuyển hóa; tôi là tất cả mọi sự chuyển hóa ở không gian thời gian vô tận; tôi là tất cả mọi chuyển hóa của vô tận ý tướng và của vô tận vô tưởng. Vì tất cả mọi sự đều chuyển hóa trùng trùng duyên khởi trong sự sự vô ngại pháp giới, cho nên tôi không còn là tôi nữa mà là hóa thân vô hạn của vô hạn vũ trụ sinh thành hoại diệt; tôi không phải là Quán Thế Âm Bồ Tát, nhưng QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT lại chính là Thể Tính Toàn Diện (Samantamukha) của tôi. Tôi không thấy quán Thế Âm Bồ Tát, vì chưa bao giờ thấy được Thể Tính Toàn Diện của tôi. Muốn thấy được sự Toàn Diện ấy, tôi phải vứt bỏ cái tôi. Tôi không thể tự vứt bỏ tôi được, vì thực ra không có cái gì gọi là tự mình mình có và cũng không có cái gì gọi là cái khác. Quán Thế Âm Bồ Tát là SỰ TỈNH THỨC TOÀN DIỆN CỦA TÌNH THƯƠNG VÔ HẠN. Sức mạnh vĩ đại nhứt trên tất cả mọi sức mạnh, đó là Tình Thương không chủ thể và không đối tượng. Tình thương là một Tiếng Gọi, tiếng gọi tiếng thành ra Tiếng, âm thanh gọi âm thanh thành ra âm Thanh. Danh Hiệu QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT chính là Quán Thế Âm Bồ Tát, vì chính Quán Thế Âm là Ðại Âm Thanh của tất cả những âm thanh vũ trụ và ngoài vũ trụ. Quán Thế Âm không phải là biểu tượng một cái gì khác; Quán Thế Âm là Thực Tại của tất cả mọi thực tại và đồng thời Quán Thế Âm cũng là Biểu Tượng vì Tình Thương vô hạn chuyển hóa mọi biểu tượng thường tình thành ra thực tại.” (Sự có mặt liên tục của Quán Thế Âm Bồ Tát, chương này đã được cư sĩ Phạm Công Thiện giảng tại chùa Việt Nam ở Los Angeles thứ Bảy ngày 22 tháng 10 năm 1983 dương lịch, nhân dịp ngày vía Quán Thế Âm Bồ Tát.)
 
Tôi xin mạo muội tóm tắc những gì triết gia, giáo sư, cư sĩ, Phạm Công Thiện trích dẩn về triết lý nhân sinh quan của cái sợ (khả úy) từ những đại triết gia Tây Phương trong bài pháp giảng, “Sự có mặt liên tục của Quán Thế Âm Bồ Tát,” qua vài dòng sau đây.
 
Thứ nhất, những định nghĩa dài dòng, chơi chữ trên đây, về nổi lo sợ của con người từ những đại triết gia nổi danh trên thế giới đó chỉ cần ‘túm’ lại trong 5 chữ, “thần hồn nhát thần tánh.” Cái lo sợ của lo sợ đã đầy đủ để diễn tả rốt ráo cái bản lai diện mục của sợ hải, cái nguyên do của khả úy.
 
Những triết gia này còn chấp ngã, chấp tự, chấp kiến thức, chấp suy luận nhị nguyên. Họ chỉ là những người mù sờ voi ảo; chủ quan mô tả được cái biệt tướng của lo sợ chứ chưa thấy được tổng tướng của khổ đau; nói gì biết được cái gốc vô minh để giải được bài toán giác ngộ, và giải thoát.
 
Vì những triết gia Tây Phương này chưa đủ nhân duyên để được học qua triết lý của Phật Giáo.  Cho nên, họ vẫn ở ngoài vô môn quan, chưa lọt được vào vòng trí tuệ của vô tự kinh.
 
Thứ nhì, những giải thích đầy triết lý bác học mà tôi trích dẫn trên đây của cư sĩ Phạm Công Thiện có thể tóm tắc bởi luật thứ nhất của Thermodynamics.
 
Tôi cố tâm dùng ngôn ngữ của Phật Giáo để diễn dịch ý này, vì chỉ có ngôn ngữ của Phật Giáo mới giải thích viên diệu, lời kinh xưa từ kim khẩu của Đức Thế Tôn:
 
Vật chất (matters) lẫn phi vật chất (waves) trong vũ trụ không sinh lẫn không diệt, không tăng không giảm, chỉ có ‘hóa thân.’
 
Trong vũ trụ (closed system), vạn vật, sắc tướng cấu thành bởi năng lượng (energy,) mà energy vô sinh vô diệt, không tăng không giảm (constant,) chỉ thay hình đổi dạng (transformed).
 
“The first law of thermodynamics is a version of the law of conservation of energy, adapted for thermodynamic systems. The law of conservation of energy states that the total energy of an isolated system is constant; energy can be transformed from one form to another, but can be neither created nor destroyed.”
 
Thứ ba, Quan Thế Âm là Ta. Ta là Quan Thế Âm.
 
Cầu Ngài là cầu chính ta.  Quán tự tại, quán bỉ ngạn, quay lại tự tâm mà cầu.  Ngài luôn luôn ở trong ta – Ta chính là Ngài; Ngài chính là ta.
 
Tôi xin phóng dịch ý văn của Dr. Suzuki trong The Essence of Buddhism tả về Quan Thế Âm như sau:
 
Bồ tát và Ta viễn ly từ nhiều ngàn kiếp trước mà vẫn gần trong khoảnh khắc như chưa bao giờ xa lìa nhau. Ta và Ngài mặt đối mặt suốt đời, vậy mà vẫn chưa bao giờ gặp, và chưa thấy được nhau.” (The Essence of Buddhism, trang 27)
 
Tôi đang gặp mặt tâm sự với Bồ Tát ngay khoảnh khắc này như than thở với mẹ hiền, thế mà Tôi vẫn chưa bao giờ gặp gỡ Ngài từ thiên thu vạn đại... Tôi đang nhập thiền ở đây mà lại đang rong chơi lạc ra ngoài ngàn dặm...làm phàm nhân đứng giữa trời trông ngóng mộng niết bàn. (The Essence of Buddhism, trang 61)
 
Lê Huy Trứ
 
__________

 
Tru Le gởi