Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Bầu cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ


 
Thưa quý vị
 
Trong bối cảnh dịch virus Vũ Hán đang hoành hành khắp nơi thế giới có một sự kiện không kém phần quan trọng là cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 2020 sắp tới đây. Chúng tôi trân trọng giới thiệu một bài viết về thể thức bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ. Rất mong được sự phê bình đóng góp của quý vị.

Xin chân thành cảm ơn.
 
Lý Văn Quý
 
 
 
Những đặc điểm của thể chế Đại cử tri Đoàn trong cuộc bầu cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ
 
Chúng ta đều biết bầu cử Tổng thống và phó Tổng thống tại Hoa Kỳ được tiến hành theo phuơng cách Electoral College (Đại Cử Tri Đoàn) là một thể chế đặc biệt không giống bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.
 
Điểm căn bản đầu tiên là mỗi đảng phái đều có quyền đưa ra một ứng cử viên và chỉ một mà thôi. Trên thực tế thì tại Hoa Kỳ đã hình thành hai đảng chính là đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa. Hai đảng này đề cử ứng cử viên Tổng thống của mình qua các kỳ bầu cử sơ bộ. Tổng thống đương nhiệm cũng phải ra tranh cử sơ bộ như mọi người khác. Các đảng phái khác đều có quyền đưa ra ứng cử viên nhưng chưa bao giờ thành công cả.
 
Hệ thống Đại Cử Tri Đoàn
 
Do những hoàn cảnh đặc biệt từ ngày lập quốc, phổ thông đầu phiếu không được áp dụng để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống tại Hoa Kỳ mà thông qua một tiến trình trung gian gọi là Đại cử tri Đoàn gồm 538 người. Ứng cử viên nào đạt được 270 phiếu trước thì đắc cử.
 
Mỗi tiểu bang sẽ đề cử một cử tri đoàn với số lượng tương đương với số dân biểu và Thượng nghị sĩ của tiểu bang mình. Ví dụ California có 55 đại cử tri, tương đương với 53 dân biểu và 2 TNS trong Quốc Hội. Ứng cử viên nào thắng phổ thông đầu phiếu trong tiểu bang sẽ được nhận toàn bộ số đại cử tri của tiểu bang đó.
 
Chúng ta thấy rằng hệ thống Đại Cử Tri Đoàn lập khuôn hệ thống Quốc Hội Hoa Kỳ nhằm bảo đảm các tiểu bang nhỏ đều có tiếng nói của mình trong các cuộc bầu cử Tổng thống.
 
Tuy nhiên Maine vào năm 1972 và Nebraska năm 1996 đã thay đổi cách phân bổ số phiếu đại cử tri và tuy ứng cử viên thắng phổ thông đầu phiếu được nhận 2 phiếu đại cử tri (đại diện cho 2 TNS) nhưng số phiếu đại cử tri còn lại được chia cho ứng cử viên nào thắng district nào thì nhận phiếu đại cử tri của district đó. Ví dụ năm 2016 Maine có 4 phiếu đại cử tri thì Hillary Clinton thắng 3 và Donald Trump thắng 1.
 
 
Con số 538 tượng trưng cho 435 dân biểu, 100 Thượng nghị sĩ và 3 đại cử tri của District of Columbia (tức Washington D.C.). Tu chính án Hiến Pháp số 22 năm 1961 đã công nhận điều này vì nếu D.C. là một tiểu bang riêng thì với dân số 702,00 người + 2 phiếu tượng trưng cho 2 TNS thì D.C. được 3 phiếu đại cử tri là thỏa đáng.
 
Đại cử tri Đoàn có thể thay đổi tùy theo các cuộc kiểm tra dân số hàng 10 năm một. Hiện nay thì biểu đồ số lượng Đại cử tri theo từng tiểu bang là như sau:
 
 
 
 
Ngược dòng thời gian vào năm 1787 Quốc hội Hoa Kỳ lúc đó gồm 13 tiểu bang dọc theo bờ Đại Tây Dương nhóm họp thảo luận về Hiến Pháp Hoa Kỳ thì có các chọn lựa sau đây khi bàn về bầu cử Tổng thống:
 
1. Phổ thông đầu phiếu. Các tiểu bang ít dân phản đối vì 3 tiểu bang đông dân là Virginia, Pennsylvania và Massachusetts sẽ luôn luôn có người đại diện của mình làm Tổng thống nếu bầu cử theo lối này.
 
2. Quốc Hội bỏ phiếu bầu Tổng thống. Phương cách này giống như thể chế của nước Anh hay Đức. Đảng nắm đa số trong Quốc hội sẽ đương nhiên cầm quyền và thủ lãnh đảng đó làm Thủ tướng. Các đại biểu lúc đó cho rằng phương thức nào sẽ gây bất ổn trong Quốc hội và dễ bị ngoại bang tác động vào. Nên nhớ vào thời điểm lập quốc, Hoa Kỳ còn là một quốc gia mới dễ bị Anh Quốc hay nước Pháp ảnh hưởng vào.
 
3. Quốc hội riêng của 13 tiểu bang sẽ bầu ra Tổng thống. Phương thức này bất tiện vì quyền lực của Liên bang mà Tổng thống làm đại diện sẽ bị lu mờ.
 
Do đó các đại biểu đã thỏa thuận phương thức electoral college. Trong những lần bầu cử đầu tiên thể thức electoral college còn nhiều khiếm khuyết và phải thêm vài Tu Chính Án nữa mới đi đến thể chế bầu Tổng thống như ngày hôm nay.
 
 
 
 
Chọn lọc Đại Cử Tri
 
-Mỗi tiểu bang được quyền ấn định các phương thức chọn lọc đại cử tri cho tiểu bang của mình.
 
-Một điểm chung là các đại cử tri phải không được nắm chức vụ dân cử nào hay là nhân viên của chính quyền các cấp để bảo đảm tư cách khách quan của họ.
 
-Đại cử tri chỉ có nhiệm vụ một lần là bỏ phiếu cho các ứng cử viên đã thắng cử phổ thông trong tiểu bang của mình, ngoại trừ Maine và Nebraska.
 
-Hầu hết (33 tiểu bang) đại cử tri do đảng trong tiểu bang đó đề cử ra trong các cuộc đại hội đảng.
 
-Có 5 tiểu bang do Ủy ban trung ương đảng của tiểu bang đề cử ra.
 
-Một số tiểu bang khác có thể do Thống đốc đề cử, chọn trong các kỳ bầu cử sơ bộ, chọn trong các cử tri độc lập hay do ứng cử viên chính đề cử ra.
 
-Trên nguyên tắc, các đại cử tri phải bỏ phiếu cho ứng cử viên Tổng thống đạt đa số phổ thông đầu phiếu trong tiểu bang của mình. Ví dụ bà Hillary thắng ở tiểu bang California thì toàn bộ 55 đại cử tri phải bỏ phiếu cho bà.
 
-Tuy nhiên do Hiến Pháp không bắt buộc điều này nên thỉnh thoảng có những trường hợp đại cử tri không bỏ phiếu theo thông lệ trên. Những đại cử tri này được gọi là “bất khả tín” (faithless electors). Trong lịch sử đã có 8 trường hợp như vậy tuy không làm ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc.
 
-Do đó mà nhiều tiểu bang đã phải ra luật phạt tiền, thay thế, hoặc vô hiệu hóa những lá phiếu của các đại cử tri “phản thùng” đó.
 
Tranh cãi về thể thức bầu theo đại cử tri đoàn
 
Ưu điểm:
 
-Các ứng cử viên Tổng thống phải chú ý đến địa dư khác nhau của nước Mỹ chứ không thể tập trung vào các tiểu bang đông dân như California, New York hay Texas mà thôi được.
 
-Lá phiếu của các thành phần thiểu số như da đen, da màu có sức mạnh nhiều hơn. Chính vì vậy mà Hoa Kỳ đã từng có một Tổng thống da đen như Barrack Obama. Chắc chắn nếu phổ thông đầu phiếu toàn quốc thì chỉ có những ứng cử viên da trắng mới có thể làm Tổng thống Hoa kỳ.
 
-Sự ổn định của chế độ lưỡng đảng tại Hoa Kỳ. Thường thì chủ trương của hai đảng hiện nay là Dân chủ và Cộng hòa phải trung dung hơn, không thể quá khích bên phải hay bên trái nhằm tranh thủ được số phiếu của các cử tri độc lập. Nếu có một ứng cử viên thứ ba sáng giá thì hai đảng kia sẽ phải thay đổi chủ trương phù hợp hơn với đường lối của đảng thứ ba đó nhằm lấy phiếu của họ. Điều này vô hình chung sẽ buộc hai đảng lớn phải dung hòa chủ trương và phần nào sẽ thỏa mãn nguyện vọng chung của các cử tri trong toàn nước Mỹ.
 
Khuyết điểm
 
1. Có ba cách mà một ứng cử viên dù đạt đa số cử tri toàn quốc nhưng vẫn thất cử Tổng thống:
 
-Khi có ba (hay nhiều) ứng cử viên chia nhau số Đại cử tri khiến không người nào đạt được số Đại cử tri cần thiết thì ứng cử viên “đậu” hạng ba (hay nhiều hơn ba) có thể rút ra khỏi cuộc đua và nhường lại số Đại cử tri cho một trong hai đảng kia. Nếu không thì Hạ viện Hoa Kỳ sẽ chọn Tổng thống.
 
-Nếu một ứng cử viên dựa vào quá nhiều trong các tiểu bang đông dân mà không chú trọng đến các tiểu bang còn lại thì vẫn có thế bị thất cử do thua phiếu Đại cử tri mặc dù có số lượng phiếu cử tri nhiều hơn.
 
-Nếu có một ứng cử viên thứ ba nhảy vào cuộc khiến hai ứng cử viên kia không người nào đạt nổi 50% phiếu cử tri thì ứng cử viên nào đạt đa số Đại cử tri vẫn đắc cử Tổng thống. Điều này đã xảy ra 15 lần trong lịch sử Hoa Kỳ.
 
2. Có người lập luận cho rằng Hệ thống Đại cử tri sẽ khiến người dân không thiết tha đi bầu vì có đi bầu đông cách mấy thì ứng cử viên của mình cũng chỉ nhận được bấy nhiêu phiếu đại cử tri mà thôi. Tuy nhiên có người thì cho rằng điều này không đúng lắm vì mỗi lần bầu cử Tổng thống đều có kèm theo bầu luôn các vị trí dân cử các cấp chính quyền địa phương tiểu bang và liên bang khác.
 
3. Có người cho rằng hệ thống Đại cử tri Đoàn không phản ánh thực tế tính cách đại diện cho người dân. Chẳng hạn do mỗi tiểu bang được ít nhất là 3 phiếu Đại cử tri cho nên nhiều tiểu bang nhỏ hợp lại vẫn có lợi thế hơn là một tiểu bang lớn cho dù số dân của các tiểu bang nhỏ cộng lại nhỏ hơn tiểu bang lớn kia rất nhiều. Tuy nhiên đấy cũng là lý do tại sao có 2 Thượng Nghị sĩ cho mỗi tiểu bang dù lớn hay nhỏ: tránh tình trạng các tiểu bang lớn lấn át tiểu bang nhỏ.
 
 
Vài nét về cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ tháng 11 năm 2020 sắp tới
 
Theo các cuộc thống kê thăm dò thì kết quả chung cuộc sẽ tùy thuộc vào 6 tiểu bang “xôi đậu” (swing states) như sau:
 
1. Arizona (10)
2. Wisconsin (10)
3. Michigan (16)
4. Pennsylvania (20)
5. North Carolina (15)
6. Florida (29)
 
 
Ông Trump cần thêm 66 phiếu nữa, do đó phải thắng ít nhất 4 trong số 6 tiểu bang đó. Ngược lại ông Biden chỉ cần thắng 3 cũng đủ túc số 270.
 
Nếu ông Trump chỉ thắng 3 tiểu bang xôi đậu thì phải đổi lại Minnesota hay Virginia.
 
Xin cảm ơn sự theo dõi của quý vị.


Lý Văn Quý


usaelection g
ởi