BẾN CHƯƠNG DƯƠNG
Sài Gòn có bến Chương Dương
Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do,
Phường Chợ Quán, khóm Cầu Kho.
Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm…
Đoạn đầu của Bến Chương Dương của thập niên 1950 (Ảnh: Panoramio)
Bài học thuộc lòng trên trong sách giáo khoa bậc tiểu học trước 1975, giới trung niên trở lên có ai không biết! Những lời thơ lục bát dễ nhớ dễ đi vào lòng người nhắc đến những địa danh, công trình, đường sá đặc trưng của Sài Gòn, sau khi thực dân Pháp trao trả độc lập cho chính quyền VNCH.
Thời Pháp thuộc, bến Chương Dương có tên gọi Quai d’ Arroyo Chinois và sau đó đổi thành Quai de Belgique. Bến Chương Dương bắt đầu từ đường De la Somme (Hàm Nghi) đến đường Nancy (sau này là Nguyễn Văn Cừ) dài chừng 3 cây số. Bến chỉ là một địa điểm nhưng cũng có thể là một con đường dọc theo mé sông, bờ kinh khi giao thông đường bộ chưa hoàn toàn thay thế vị trí quan trọng của đường thủy (đường Bến Chương Dương). Ghe tàu giao thương từ khắp mọi miền đổ về mua bán, cung ứng hàng hoá cho người dân, nhất là ở Sài Gòn từ thuở xa xưa.
Từ xưa, người Minh Hương trốn triều đình Mãn Thanh được chúa Nguyễn cho định cư ở vùng đất phương Nam rộng lớn. Một số người dong thuyền buồm theo sông Soài Rạp vào sông Bình Giang (Sài Gòn ngày nay) dừng chân bên bờ sông An Thông mà họ đọc là Cổ Hũ do hình dáng con sông có đoạn phình ra rồi thắt hẹp như cổ hũ dừa. Nhưng do phát âm hơi khó, dần dần người ta đọc thành Tàu Hủ. Họ chọn vùng đất này vì giao thông tiện lợi, sông rạch chằng chịt, dễ di chuyển làm ăn buôn bán và họ gọi là Chợ Lớn. Về sau, vùng đất này đón nhận thêm một số người Hoa sống ở cù lao Phố (Biên Hoà) chạy nạn khi bị quân Tây Sơn đánh vào Nam tàn phá nhà cửa. Chợ Lớn càng thêm đông đúc nhộn nhịp, chạy từ kinh Bến Nghé nối kinh Tàu Hủ dài chừng hơn 9 cây số trở nên sầm uất (bao gồm một phần nhỏ phía đông của quận 1, quận 2, 5, 6, 8 vào thời VNCH).
Khu vực Cầu Kho ngày xưa (Nguồn: Manhhaiflickr)
Như trên đã xác định bến Chương Dương bắt đầu từ đường Hàm Nghi chạy đến đường Nguyễn Văn Cừ. Tuy vậy về mặt địa giới nó chia làm thành hai bến trên một con kinh mang hai tên (Bến Nghé và Tàu Hủ). Do vậy, trong bài “Sài Gòn có bến Chương Dương” có sự sắp xếp không theo trật tự (chắc là để thuận vần) khi nhắc đến phường Chợ Quán, khóm Cầu Kho trước rồi mới nói đến “Bến Thành đã tiếng tăm vang, Chợ Cầu Ông Lãnh lại càng nên đi…”.
Trong một bài viết trước đây về chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh, tôi có nhắc đến cây cầu gỗ dựng vào năm 1874, bắc qua kinh Bến Nghé, lấy tên là Cầu Ông Lãnh và gần đó có chợ Cầu Muối. Thật ra, chẳng có một cây cầu nào mang tên Cầu Muối. Trong cuốn “Sài Gòn năm xưa” của học giả Vương Hồng Sển viết rằng, thời ấy người ta đào một con mương lớn từ kinh Bến Nghé dẫn vào (đường Nguyễn Thái Học ngày nay) để ghe muối từ miền Trung và miền Tây vận chuyển vào kho tích trữ bán sang Cam Bốt. Hai bên bờ mương người ta dựng nên các dãy nhà kho bằng tranh tre nứa lá, và bắc một cây cầu ván cho phu phen bốc vác muối lên bờ. Ðến khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn thì những kho muối trở thành hoang phế. Dân tứ xứ chạy giặc về đây cư trú rồi dần dần họp chợ, gọi là chợ Cầu Muối.
Xét ra, chợ Cầu Muối cùng chợ Cầu Ông Lãnh ra đời cùng một thời điểm, cách nhau vài trăm mét, một bên là mặt ngó ra kinh Bến Nghé; một chợ dọc theo con mương có những cây cầu ván bắc vào khu chợ. Nhà văn Sơn Nam ghi nhận: “Cả hai chợ đều là “trên bến dưới thuyền” nhưng con kinh đào sau này lấp lại nên chợ Cầu Muối trở nên xa với bến sông. Năm 1875, chính quyền Pháp ở Sài Gòn chính thức cho phép thành lập chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh”.
Bến bãi lên xuống nước mắm của hãng Liên Thành trên Bến Chương Dương (Nguồn: Manhhaiflickr)
Tiếp theo chợ Cầu Ông Lãnh là phường Chợ Quán, khóm Cầu Kho. Bài thơ ghi nhận dưới chính quyền độc lập của VNCH, những tên làng xã được đổi tên thành phường, khóm. Tuy vậy, nếu nói vùng Cầu Kho tức khu vực chợ Nancy sau này thành khóm thì có chút thiệt thòi cho cái đơn vị hành chánh quá nhỏ bé so với sự nhộn nhịp phồn thịnh của khu vực này khi xưa.
Khóm Cầu Kho là do nơi này có kho Quản Thảo. Quan sở tại cho dựng kho Quản Thảo để thu trữ thuế khoá, chi cấp lương bổng (thuế biệt nạp đóng bằng lúa gạo). Trong bài phú Cổ Gia Ðịnh phong cảnh vịnh có ghi: “Kho Cẩm Thảo chứa thuế vua, mạch nước sữa dân ai dám phá”. Theo lịch sử và hiện trạng bản đồ do Trần Văn Học vẽ năm 1815, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, kho Quản Thảo nằm ở vị trí nhà thờ Cầu Kho ngày nay. Sở dĩ có tên Cầu Kho là do quan cai trị cho đào kinh dẫn từ kinh Tàu Hủ vào các kho chứa thuế để ghe thuyền tiện việc vận chuyển. Bên ngoài lại có con đường đất dọc theo kinh (sau này là đường Hàm Tử, hiện nay là đại lộ Ðông – Tây), người ta dựng một cây cầu gỗ bắc qua cho tiện giao thông đường bộ.
Khu vực Cầu Kho hình thành từ đó, người dân Ngũ Quảng tiếp tục di dân vào khai phá đất phương Nam, dần dần định hình một khu dân cư đầu tiên trên vùng đất nhỏ dựa theo kinh rạch mà sau khi người Pháp chiếm được Gia Ðịnh lần hồi lập nên thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Vùng đất Cầu Kho là ranh giới giữa hai thành phố Sài Gòn (quận 1 ngày nay) và Chợ Lớn (quận 5), là nơi thu hút dân chúng khắp nơi tụ về cư ngụ ngày càng đông cho đến khi Sài Gòn – Chợ Lớn sáp nhập làm Ðô thành Sài Gòn rộng lớn.
Rạp hát của người Hoa trên đường Bến Chương Dương thập niên 1920 (Nguồn: Manhhaiflickr)
Từ Cầu Kho nhích xuống một chút sát bến Hàm Tử là phường Chợ Quán. Khi xưa, Chợ Quán thuộc làng Tân Kiểng. Gia Ðịnh thành Thông chí ghi rằng: “Chợ Tân Cảnh, cách trấn về phía nam hơn 6 dặm, phố chợ rất đông đúc, thường năm đến ngày Nguyên đán có tổ chức chơi đu tiên vân xa (đu quay), đáng gọi là một chợ lớn. Cách sông ở bờ phía đông, ngày trước có người Cao Miên là Nặc Ðích theo Nặc Tha đến, cắm dùi sống luôn ở đấy, người này bèn làm cầu ngang qua sông để thông đến chợ, gọi là cầu Nặc Ðích, sau trải qua loạn lạc nên hư hỏng. Ðầu phía tây đường lớn có đồn (gần góc đường Trần Hưng Ðạo – Huỳnh Mẫn Ðạt ngày nay) bắt trộm cướp đóng giữ. Thời đó tuy làng đã đông dân nhưng hổ dữ thỉnh thoảng xuất hiện làm xáo trộn cuộc sống dân làng”.
Một điều nên biết là, trước khi người Minh Hương đến cư ngụ thì những người Ngũ Quảng đã di dân vào vùng đất này, lập nên làng xã. Chợ Tân Kiểng ngày Tết đông vui, náo nhiệt, sách xưa ghi rằng “đáng gọi là một chợ lớn”. Chợ Tân Kiểng còn có một tên tục gọi là Chợ Quán.
Ðiểm qua vài địass danh chính dọc theo Bến Chương Dương của trăm năm trước tính từ bài ca dao Sài Gòn có Bến Chương Dương ra đời để hoài niệm Sài Gòn một thuở thanh cảnh hữu tình.
Từ thập niên 1950, cư dân khắp nơi dồn về Sài Gòn lánh nạn chiến tranh. Một số dân nghèo chiếm lấn bờ bãi các con kênh trở thành một vấn nạn môi sinh đô thị. Dọc mé sông mé kinh, chính quyền phải cho làm những nhà vệ sinh bằng gỗ, Ðây là những cầu tiêu công cộng đầu tiên của Sài Gòn. Vài điểm trên Bến Chương Dương, Hàm Tử mọc lên một số cầu tiêu để giải quyết cái nhu cầu “cấp thiết” của dân chúng thương hồ kẻ chợ. Có người cho rằng, cảm giác thoải mái khi sử dụng các cầu tiêu mé sông đã sinh ra một câu tiếng lóng: “Sướng rên mé đìu hiu” mà nhà văn Duyên Anh hay sử dụng trong nhiều tác phẩm của mình như: Thằng Côn, Bồn Lừa…
Tim Nguyễn
_______________
Đỗ Hứng gởi