Những người đàn ông làm công việc vá lưới tại một ngôi làng ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. (Hình: Getty Images)
Những ngôi làng vắng tiếng cười,
mà chỉ nghe tiếng khóc trẻ thơ!
Vào cuối năm 1975, khi những người tù miền Nam được Cộng Sản chuyển ra Bắc, từ bến tàu Hải Phòng vào đêm, cho đến lúc trời sáng rõ khi con tàu cổ lỗ, cọc cạch dừng lại sân ga Yên Bái, chúng tôi quan sát thấy rất ít bóng dáng đàn ông. Trên cánh đồng, qua những công trình xây dựng ven đường, và ngay cả trên sân ga chỉ thấy toàn đàn bà, lác đác mới thấy vài nam công an mặc áo vàng. Hầu như tất cả đàn ông, dù là sau ngày chấm dứt chiến tranh năm ấy, đã biến mất. Họ đã đi xa chưa về, hoặc đã chết vì bom đạn, để lại trên miền đất này những người phụ nữ đảm đang hay bắt buộc phải đảm đang, cáng đáng nhiều công việc trước kia là của đàn ông.
Điều này chẳng lấy gì làm lạ, khi Bắc Việt đang “chi viện” vào Nam hàng triệu thanh niên để cầm súng, ôm mìn hay làm dân công, “xẻ dọc Trường Sơn đi chống Mỹ!”
Theo thống kê của Bắc Việt, kể từ sau năm 1945 đến năm 2012, toàn quốc có 1,146,250 binh sĩ tử trận, khoảng 600,000 thương binh, trong đó có 849,018 người lính chết trong giai đoạn “chống Mỹ.” Con số người mất tích, bị vùi dập vì bom đạn không sao kể xiết.
Chủ trương của Bắc Việt là tận dụng hết nhân lực, tài nguyên cho mục đích thôn tính miền Nam, có khi đóng nguyên cả trường đại học, lùa tất cả sinh viên, giảng viên và công nhân cầm súng vào Nam, mà không cần qua giai đoạn huấn luyện!
Điển hình trong trận Cổ Thành, Quảng Trị 1972, một tiểu đoàn Bắc Việt vào cổ thành với quân số đầy đủ, 67 đảng viên và nhiều vũ khí tối tân; đã chết trên 100 người, bị thương trên 700 (tính cả số bổ sung từng ngày) và lúc rút ra chỉ còn 12 người! Mỗi ngày có một đại đội vượt sông Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót.” Do mật độ bom đạn rất cao và kéo dài nên hầu hết bộ đội Bắc Việt tử trận trong cổ thành đều bị vùi lấp. (QĐND 9/8/1972)
Thời gian chiến tranh, miền Bắc trở thành một miền đất vắng bóng đàn ông. Hình ảnh này được thể hiện trong “bến không chồng,” tiểu thuyết của tác giả Dương Hướng xuất bản lần đầu tiên năm 1990 tại Hà Nội, được giải thưởng của Hội Nhà Văn năm 1991.
Tập truyện được coi là một câu chuyện “hòn vọng phu” thời hiện đại. Toàn xã đã sống qua những ngày buồn thảm với những tờ giấy báo tử vô hồn, một vùng đất không có súng đạn nhưng chứa đựng nhiều mảnh đời cô phụ, đầy nước mắt. “Bến không chồng” là một bức tranh mô tả một làng quê quạnh quẽ thiếu bóng dáng đàn ông, chỉ còn lại những thiếu nữ lỡ làng, những chinh phụ mòn mỏi.
Cuộc chiến nào cũng để lại những điều đau xót, bất hạnh cho con người, nhưng sao thời bình, trong một xã hội hiện nay như làng xóm Việt Nam, lại xẩy ra những điều, mới nghe qua, quả là khó tin. Đó là ngày nay, cũng ở Bắc Việt, nhiều ngôi làng được mệnh danh là “những ngôi làng không vợ,” vắng hẳn bóng đàn bà, ở đó chỉ có những người đàn ông, sống cảnh “gà trống nuôi con.
Ngày xưa, những “bến không chồng,” dân làng giật gấu, vá vai, nhà cửa dột nát, nghèo nàn, cơm không đủ no, trái lại ngày này “làng không chồng” được gọi là những ngôi làng tỷ phú vì nhà cửa nguy nga, phương tiện của đời sống không những đầy đủ mà còn được coi là giàu có.
Theo thống kê của xã Hồng Long, huyện Nam Đàn (Nghệ An) cứ ba gia đình, thì có hai gia đình có người đi xuất khẩu lao động. Cả ba xóm có tới 165 phụ nữ đi làm việc ở Đài Loan, Mã Lai. Nhiều gia đình có vợ đi “xuất khẩu” từ hơn 10 năm qua, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, từ chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa đến việc đồng áng đều do giới đàn ông đảm nhận.
Những người đàn ông có vợ vắng nhà đều có những công việc “tần tảo” như nhau. Trời chưa hừng sáng, khi các con còn ngon giấc, đàn ông trong làng dậy lọ mọ nhen lửa, nấu cơm, nấu cám lợn, giặt giũ đống quần áo. Đến sáng, khi các con ngủ dậy, đàn ông lại chăm cho con ăn sáng, để còn đến trường, còn mình ở nhà thì thái rau, bưng cám cho đàn lợn đang kêu. Xong xuôi mọi việc trâu bò, lợn gà, có người còn phải lo cho cha mẹ già. Những ngày mùa, trong khi ngày xưa, đàn ông tuốt lúa, đàn bà rủ rơm, phơi rạ thì bây giờ ở đây, chỉ toàn là đàn ông, các ông bà già và trẻ nhỏ lo việc đồng áng.
Cho vợ đi làm lao động ngoại quốc như là một cơn sốt, hay nói đúng là một cơn dịch nhanh chóng lan rộng trong làng trên xóm dưới. Vì đồng tiền, người ta bỏ cả hạnh phúc gia đình, dứt bỏ tình cảm để ra đi.
Không thiếu những phụ nữ đành đoạn từ giã mái ấm gia đình, khi đứa con mới sinh đầy năm, chưa dứt sữa mẹ và hai đứa con khác chỉ mới lên năm và lên ba! Đó là trường hợp của nông dân tên Cách, tâm sự ngày vợ lên đường sang Đài Loan, ngày đầu tiên xa mẹ, bé út khóc suốt ngày vì thèm sữa mẹ, những đứa khác cũng bỏ ăn vì vắng mẹ. Những ngày đầu tiên vợ vắng nhà là những ngày hết sức khổ sở, con khóc đòi mẹ, thì phải nói với con “là sáng mai mẹ sẽ về, đến sáng không thấy mẹ đâu, con lại khóc, cha lại loanh quanh rằng mẹ đã về rồi, nhưng thấy con đang ngủ say nên lại đi rồi!”
Mãnh lực đồng tiền thời bình đã làm cho vợ chồng chia cách, ruột thịt chia lìa.
Câu chuyện bắt đầu từ những năm 1990, xã Đông Tân có người làm nhân viên cho một công ty xuất cảng lao động về làng tuyển người. Ban đầu, chỉ 4-5 người đi nhưng sau đó đồng tiền do họ gửi về đã làm “thay da, đổi thịt” cho gia đình, những ngôi nhà gạch bạc tỷ khang trang được dựng lên, nhà nào cũng có TV, dàn nhạc, xe gắn máy, có khi còn cả xe hơi. Cả làng đổi đời nhờ cuộc sống ly hương. Phong trào phụ nữ sang Đài Loan nở rộ, sau này còn cả số phụ nữ đi làm việc trong các sòng bài ở Macau.
Năm 2019, xã Đông Tân có 570 người xuất ngoại, trong đó 74% là phụ nữ. Xã hiện nay có tới gần 500 gia đình cùng cảnh ngộ vắng bóng đàn bà. Nhiều người đã đi Đài Loan, sau ba năm trở về với chồng, có thêm đứa con thứ hai mới ba tuổi, nhưng quê nhà chỉ có đồng ruộng khô cằn, vợ lại trao con cho chồng, ra đi lần nữa.
Một xã khác, có đến 800 phụ nữ đi làm nghề “ôsin” nước ngoài nên cánh đàn ông rơi vào thế thúc thủ.
Đàn ông phát biểu: “Nghề nông cấy được cây lúa cho trổ bông thì gạo rẻ. Sáu tháng nghề nông giỏi lắm chỉ làm được 3 triệu đồng. Đi ôsin mỗi tháng kiếm được 10 triệu đồng, nông dân nằm mơ cũng không thấy. Vì vậy, dù chẳng hay ho gì khi để vợ đi ôsin nhưng có lẽ nhờ thế mà đại đa số gia đình ở làng này các ông chồng có vợ đi ôsin đều thành công, giàu có!”
Một người khác cho biết: “Bố mẹ tôi có sáu người con trai thì năm anh em đều có vợ đi làm ôsin ở nước ngoài, chỉ trừ vợ anh cả do ốm yếu nên ở nhà! Ngoài năm chị em dâu, chị gái ruột của tôi cũng đi làm ôsin.” Ôsin vạn tuế! Thế thì thôi, còn gì để nói nữa!
Ở đây, có những cảnh người đàn ông, sống như cây tầm gửi, sáng sáng, đến nhà chị dâu lãnh thực phẩm cho hai cha con ăn đủ trong ngày, vì vợ đi Đài Loan, Macau làm ăn từ hơn 15 năm trước, không tin chồng, người đàn bà phải nhờ chị dâu mình rót thức ăn mỗi ngày. Có ông, lúc con khóc nhớ mẹ, không biết nhờ ai, lại bồng bế đi dỗ khắp làng, cười ra nước mắt khi gặp những người đàn ông cùng cảnh ngộ. Về nhà, lại lo chuyện bếp núc, tắm rửa cho con thơ. Bây giờ, trong những ngôi làng này, “đàn ông mặc váy” đã thành câu chuyện bình thường, do cái xã hội đặc biệt này tạo ra!
Nói về câu chuyện cho đàn bà đi “xuất khẩu,” để đàn ông ở lại nhà lo chuyện nội trợ, bếp núc, may vá và cả chuyện ruộng đồng, nhiều bậc cao niên trong làng có ý kiến, rằng tuy đồng tiền quý thật, nhà cao cửa rộng, ai mà không thích, nhưng đời sống quê nhà vẫn thiếu một cái gì đó. Thương nhất là những đứa trẻ có mẹ mà cũng như côi cút. Nhiều phụ nữ sau nhiều năm trở về, con không nhận ra mẹ nữa. Đêm nào cũng nghe tiếng trẻ khóc vì thiếu mẹ, quê làng vắng tiếng ru hời.
Việt Nam hiện nay, có hàng vạn khu phố văn hóa, những ngôi làng không vợ, có được gọi là những ngôi làng văn hóa không? Dù ở những nơi này, mỗi ngày mỗi thịnh vượng, giàu có, nhà lầu san sát mọc lên, nhưng ở đây, phải nói là có điều bất bình thường. Điều này, có còn để được ca tụng đây là một chế độ đầy “nhân văn” không? Nơi đây, nhìn qua, quả là có một bộ mặt thịnh vượng, cán bộ cầm quyền đang giàu lên mỗi ngày nhờ đất, con người thì đẩy vợ đi ra khỏi nước để kiếm tiền, ngẩng mặt với làng xóm, anh em.
Nhiều quốc gia trên trái đất này, chịu những nỗi đau trong chiến tranh giống nhau, nhưng vào thời bình, không biết có quốc gia nào, chịu những nỗi buồn giống như những “ngôi làng không vợ” ở miền Bắc Việt Nam hiện nay hay không?
Huy Phương
February 9, 2020
usaelection gởi