Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Bệnh Dội Ngược Bao Tử – Thực Quản
 
 
 
 
I- TỔNG QUAN
 
Bệnh dội ngược bao tử-thực quản (gastro-esophageal reflux disease) xảy ra nhiều lắm, thủ phạm đứng hàng thứ ba gây ho kinh niên.

Thức ăn sau khi được nhai nát trong miệng, vào cổ họng, rồi xuống một ống dẫn gọi là thực quản (esophagus) khi ta nuốt. Thực quản dẫn thức ăn xuống bao tử (stomach). Nơi chỗ tiếp nối giữa thực quản và bao tử, có một bắp thịt nhỏ, hoạt động như một van đóng lại mở ra. Khi thức ăn đang từ thực quản xuống dần bao tử, bắp thịt này mở lỏng ra để thức ăn đi xuống. Khi thức ăn đã xuống hẳn bao tử, bắp thịt này khép kín để thức ăn không đi ngược lên lại thực quản. Nếu vì một lý do nào đó, có sự dội ngược các chất trong bao tử lên lại thực quản, hay cao hơn nữa, lên đến cổ họng, ta sẽ có triệu chứng của bệnh dội ngược bao tử-thực quản.
 
II- TRIỆU CHỨNG

Triệu chứng bệnh rất đa dạng. Triệu chứng hay xảy ra nhất là nóng ngực sau khi ăn (tiếng Mỹ nôm na là heartburn, nóng tim, trong Việt ngữ, ta dùng chữ “nóng ngực” chính xác hơn). Các triệu chứng điển hình khác của bệnh: ợ hơi, ợ chua, có khi ợ cả thức ăn lên miệng, khó nuốt thức ăn. Bệnh dội ngược bao tử-thực quản cũng có thể cho những triệu chứng khác như đau, khó chịu cổ họng kinh niên, khan tiếng. Nhiều người bệnh dội ngược bao tử-thực quản, lại không có triệu chứng gì khác, ngoài cứ ho mãi, ho hoài.

Để xác định có đúng là bệnh dội ngược bao tử-thực quản gây ho hay không, ta có thể chụp phim thực quản và bao tử (barium swallow), hoặc theo dõi nồng độ chất acid trong thực quản bằng phương pháp gọi là “prolonged esophageal pH monitoring” (vì trong những chất từ bao tử dội lên lại thực quản, có chất acid, nên khi theo dõi như vậy, thấy lúc nào nồng độ chất acid lên cao trong thực quản, cũng vào lúc ấy bạn ho, thế là đúng bệnh rồi).
 
III- ĐIỀU TRỊ 

Về mặt chữa trị, các thuốc làm bao tử bớt tiết chất acid như Tagamet, Zantac, Pepcid, Prilosec, Prevacid,… có thể cho kết quả tốt, làm giảm ho, nhưng cần được phối hợp với những phương pháp không dùng thuốc sau:
► Cần xuống cân, nếu béo mập.
► Nên nằm ngủ với đầu và ngực cao hơn bụng, bằng cách kê đầu giường cao lên 6-8 inches (chèn gỗ, vật cứng dưới đầu giường).
► Bỏ hút thuốc lá.
► Tránh ăn thức mỡ màng, vì thức ăn nhiều mỡ ở trong bao tử lâu hơn (nhiều tiệc tùng sao không giữ cho nhau, cho ăn toàn thức mỡ!)
► Tránh dùng cà-phê, rượu, chocolate, nước cam, chất mint. Cũng nên tránh uống nhiều nước trong lúc ăn, và ngoài ba bữa chính trong ngày, tránh vui miệng ăn thêm lắt nhắt.
► Ăn xong, trong vòng 2-3 tiếng không nên đi nằm, nhưng nên đi bộ chậm rãi 15-20 phút, để thức ăn trong bao tử mau xuống ruột non theo luật trọng lượng.
 
Bác sĩ LÊ ÁNH
 
_____________

 
Đỗ Hứng gởi