Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
 

Bệnh Sợ Vợ

Sợ vợ – vừa bình tỉnh vừa sợ – đó gọi là sợ vợ của kẻ thiện tri thức.  Kẻ có trí tuệ sợ vợ, hay đúng ra nể vợ, để thực hành hạnh nhẫn nhục, hạnh bố thí – xả.  Bởi vì họ hiểu được nguyên nhân – con là nợ, vợ là oan gia – Oán tăng hội nợ, và luyến ái duyên - khổ.

 

Ôi! ái ân luyến ái khổ,

Thương nhau mà không được ở gần nhau.

Cầu bất khả đắc khổ đau,

Thương ghét, bỏ tội, cưu mang khổ não.

(Lê Huy Trứ)

 

Đa số người trí thức đều ‘sợ vợ.’  Họ có thể sẽ trở thành nhà hiền triết như Socrates.  Hay, là thằng ‘hèn nhát và ngu đần’ sau khi lấy ‘dợ’ về, hầu hết như vậy.  Hèn nhát và ngu đần, vì đi làm phải thưa, về nhà phải trình để được sai làm việc nhà, nhất là tiền lương hàng tháng dâng đầy đủ.  Mọi chuyện trên đời phải về hỏi vợ, phải khai với vợ, không được dấu diếm.

 

Có thể vì vậy nên họ khó thành công trên đời, vì không có can đãm, dám vùng lên để tề gia.  Có thể, bởi vì vợ mình luôn luôn so sánh chồng mình, thua sút chồng người, để kể lể với chồng, và than van với bạn bè.  Ngược lại, chúng ta chả bao giờ dám so sánh hơn thua với vợ người.  Bởi vì vợ mình, cái gì nó cũng biết hết.  Ngay cả chúng ta đang nghĩ gì trong cái não, đang bị khủng bố úy bởi đủ thứ phiền não trên đời đó.  Nó đi guốt trong bụng mình.  Nó khủng bố úy mình, và nó bắt mình phải thành thật tự thú những gì nó nói là, nó đã biết hết nhưng muốn chính mình tự xưng tội.

 

Dĩ nhiên là mình không được nói dối vợ.  Nhưng vợ luôn luôn nói dối chồng – tự nhiên.

 

Thêm nữa, nếu vợ mình xinh đẹp, sắc nước hương trời, thì sợ cũng đáng sợ.  Ngược lại, vợ xấu mà vừa sợ, và vừa mê, mới là điều khó hiểu … nỗi.  Đa số, những ông chồng đẹp trai, từng trải, ra đường gái đẹp mê, đều lấy vợ xấu, và sợ vợ thấy mịa.  Sợ còn hơn sợ mẹ.

 

Nếu mẹ và vợ cùng rớt xuống biển, đang ‘muốn sống’ thì họ sẽ cứu ai trước? 

 

Hiếu với tình, ai trước, ai sau? 

Hay, cái sợ, thần hồn nát thần tính.  Lúc đó, họ sẽ đối phó như thế nào?

 

Cứu ai?  Nếu chỉ cứu được một người thôi.

 

Chúng ta sợ vợ vì sợ cái Thanh, hay cái Khí, cái Thần, cái Sắc, hay cái sự đời?

 

Sự đời như cái lá Đa

Đen như mõm chó chém cha sự đời

Lá Đa nhất khoái sự đời

Sự đời ghét được, thương vay sự đời

(Lê Huy Trứ)

 

Có thể chúng ta sợ cái âm thanh thiên phú – a Xanthippe, a nagging wife – nhẹt nhẹt, càm ràm tối ngày, làm mình lên máu, bị nhồi sọ, trở thành kém tự tin, mang đầy mặc cảm tội lỗi.  Mea culpa!

 

Cổ nhân dạy rằng:

Nếu ta trúng mà người khen ta trúng, thì người đó là bạn ta.

Nếu ta sai mà người bảo ta sai, thì người đó là thầy ta.

Nếu ta trúng mà người cứ nhất quyết cải là ta sai, thì người đó chính là vợ ta.

Ngược lại, nếu vợ sai mà người cứ nhắm mắt bảo vợ trúng, thì người đó đích thị là chồng quý, ngoan ngoãn của ta. 

Người vợ tin chồng khi chồng nói láo, một cách ngọt ngào. Nghi chồng khi chồng nói thật, một cách thật tình.

 

Tuy nhiên, Tào Tháo đã dạy rằng:  Kẻ đại trượng phu bất cứ chuyện gì, trọng đại trong thiên hạ, cứ về nhà hỏi vợ.  Vợ dạy một đường, ta làm một nẽo thì đại công cáo thành.

 

Theo Tào Tháo, đứng trước chuyện đại sự, phụ nữ thường đưa ra quyết định cảm tính thay vì lý trí.  Do vậy, ông nhận ra rằng nếu làm ngược với lựa chọn của vợ thì sẽ là quyết định sáng suốt, đánh đâu thắng đó.

 

Tuy nhiên, đôi khi linh tính của cảm tính nó cứu lấy mạng mình trong lúc nguy nan.  Vì ỷ lại vào lý trí, cùng ‘cảm tính’ đa nghi mà Tào Tháo có lúc phải cắt râu mà chạy trối chết trong lúc bại trận.

 

Dĩ nhiên, vợ của Tào Tháo đi guốc trong bụng chồng nhưng bà ta biết chồng mình có tính đa nghi.  Không muốn ai biết bụng dạ của mình cho nên khi chồng hỏi một đường thì vợ Tào Tháo trả lời một nẻo.  Thế ‘nà’ nẻo nào cũng về La Mã cả.

 

Có thể Tào Tháo đã ngộ ra rằng:  Chừng nào biển Đông khô cạn thì lúc đó vợ chồng mới đồng tâm.  Cho nên vợ chèo một đường, chồng chèo một ngã dù cả hai cùng đồng hội, đồng thuyền là điều tự nhiên.

 

Cho nên, đừng tin những gì vợ nói, mà coi chừng những gì vợ làm.

 

Đừng nghe những gì chồng nói, mà phải làm trái lại những gì chồng dặn.  Bởi vì, chồng mình luôn luôn sai.  Không khôn ngoan tài giỏi như chồng người.

 

Nên nhớ tu thân đã khó rồi, mà tề gia càng khó gấp muôn phần.  Bởi vì thế mà thái tử Tất Đạt Đa đã phải đang đêm trốn cha mẹ, vợ trẻ đẹp, con vừa lọt lòng, trong lúc mình còn tràn đầy nhựa sống, quyết chí, can đảm lìa bỏ hoàng cung để tầm đạo vô thượng. 

 

Những cám dỗ của giàu sang, phú quý, quyền uy, và những ràng buộc nhu mì luyến ái, lẫn thèm khát xác thịt trên đời đó, không dễ gì mà buông bỏ dứt khoát.  Tự cổ chí kim có mấy người dám quyết tâm buông xả được như Thái Tử Tất Đạt Đa?

 

Ngài là người con chí hiếu với cha mẹ, là người chồng tốt, và người cha hiền nhưng vì nhân loại mà Ngài ‘bố thí hạnh buông xả’ – hạnh cao nhất trong Phật Pháp –  vì chúng sinh mà Ngài đi tìm đạo giải thoát – sống màn trời, chiếu đất.

 

Ngài đã chiến thắng – khủng vô bố úy – sợ vợ.

 

Cái chiến thắng đáng kể nhất là sau khi Ngài đã giác ngộ thành Phật, trở lại hoàng cung để ban pháp cho vua cha, hoàng hậu, vợ con, bá quan, và thần dân.

 

Vua cha muốn Ngài ở lại hoàng cung, vừa làm vua, vừa làm con, làm chồng, làm cha, và làm Phật.  Vua cha nghĩ Ngài xuất gia để tầm đạo và khi đã tìm ra đạo rồi thì trở lại sống trong quyền quý, giàu sang.

 

Nhưng Đức Thế Tôn đã từ chối đề nghị rất hấp dẫn, quá cám dỗ, đầy tham sân si, đại vô minh đó của vua cha.

 

Lịch sử Phật Giáo có thể đổi khác nếu lúc đó Đức Phật chấp nhận đề nghị của phụ vương.

 

Thi hào Tô Đông Pha, đời Tống, Trung Hoa, có một bài Lô sơn, thể tứ tuyệt như vầy:

 

Lô sơn yên tỏa Triết giang triều,

Vị đáo bình sinh hận bất tiêu.

Đáo đắc bản lai vô biệt sự,

Lô sơn yên toả Triết giang triều.

Tạm dịch:

Khói tỏa Lô Sơn, sóng Triết Giang,

Khi chưa đến đó, hận muôn vàn,

Đến rồi mới thấy không gì khác,

Khói tỏa Lô Sơn, sóng Triết Giang.

 

Đức Thế Tôn đã đáo bỉ ngạn.  Đúng hơn, tái đáo đắc bỉ ngạn.

 

Giải thích theo triết lý của Long Thọ:  Không đến, không đi.

 

Tu tại chùa đã khó rồi.  Tu tại gia, sống chung với gia đình, nhất là với vợ con, càng khó thập phần.  Trước nay, chỉ có trưởng giả Duy Ma Cật tu tại gia mà đạt thần thông, và giác ngộ cao hơn các đệ tử của Phật Thích Ca.  Duy Ma Cật, mang tâm bồ tát, chơi trò chúng sinh.  Duy Ma Cật, sống tại gia, giàu sang, phú quý với lắm vợ, nhiều con.  Thậm chí Ngài còn dám vào chốn thanh lâu mà không bị vướng lậu.

 

Có thể Elon Musk là Duy Ma Cật tân thời – lắm vợ nhiều con mà vẫn duy trì được độc thân.

 

Theo thiển ý, đàn ông nào trên đời này mà không mơ ước được sống, tu tại gia, tu thân, tề gia được như Duy Ma Cật?

 

Tuy nhiên, đa số các đấng mày râu vì ‘bổn lai đã tứ cố vô thân, trên răng dưới dế,’ lông bông như ma cà bông, cho nên họ không thể so sánh với những bật bồ tát, hay những đấng trượng phu.  Thay vì tu thân, tề gia, họ vì quá sợ vợ mà trở thành hèn nhát, nhu nhược, ngu khờ – ở trong nhà cũng như ngoài chợ.  Nói gì đến chuyện có thân để bại, có danh để liệt.

 

Những con người luôn luôn thất bại (loserstrên đời này, ‘chạy đầy trên thế giới.’  Có thể họ vì bị ẩm ức tình dục, nên diện mục họ nhăn nhó, xấu xí, đăm đăm khó chịu, hãm tài táo bón.  Họ không thân thiện, ích kỷ, cục cằn, dễ gây gổ, chửi bới, tục tằng, thậm chí ẩu đả vô lý do.  Những kẻ này chúng ta thấy nhan nhãn trên những diễn đàn chợ cá của mọi cộng đồng.  Nơi ao hồ, đầm lầy đầy hổ thẹn của dân tộc.  Nơi lưu xú của văn hiến bán khai, không bao giờ trưởng thành nỗi để thành nhân, nói gì tới thành thân… thiện-trí-tri-thức.

 

Lỗi tại ai?

Tại tôi. Mea Culpa.

 

Sợ vợ là tội ngu hèn của tôi chứ không phải lỗi của vợ tôi.  Tôi chỉ viện cớ sợ vợ như tấm bình phong để che dấu cái bản tính ngu hèn, cái diện mục xấu xa của chính tôi, cái thất bại ngoài đời của tôi. Khi mà tôi phải trả lời, giải thích, hay đối đáp với những thử thách trên đời – sợ quá hóa hèn – khủng bố úy.

 

Nhất vợ nhì trời là cái mặt nạ, cái vũ khí tự vệ hữu hiệu nhất, cho những đấng râu quặp – những người đàn ông lịch sự, gentlemen, best lovers.  Sợ vợ không phải là vinh hạnh dành cho những tên vũ phu, hay những kẻ bất lực trong tình dục.  Đàn ông vũ phu không phải là người tình đáng yêu, người chồng tốt, từ ‘tâm hồn đến thể xác,’ trong nhà, trên giường, hay ngoài đời.  Đàn ông vũ phu cũng là người cha độc ác với con cái.  Ích kỷ, hèn nhát ngoài đời

 

Cái sự đời, cái xương sống bên TRÁI đó được thượng đế lấy ra từ xương sường bên trái của người đàn ông, tạo ra đàn bà không phải là ngẫu nhiên, mà là ‘cố ý nhầm lẫn’ đầy tai họa vĩnh cữu cho đàn ông, chứ không phải cho Thượng Đế – kẻ sáng tạo.

 

Dĩ nhiên, Thượng Đế cũng vô thập toàn vì Ngài đã tạo rất nhiều nhầm lẫn khác trong khi ‘dục tốc’ hoàn thành vũ trụ, chúng sinh, và nhân sinh – đàn ông và đàn bà – qua tính sáng tạo vô minh, ‘bất đạt’ hoàn hảo, không giác ngộ đó.

 

Có thể, Thượng Đế đã kinh nghiệm bản thân, nên Ngài không lấy cái xương sường bên trái của Ngài, để tạo ra đàn bà như Ngài đã tạo ra đàn ông, thể theo diện mục của Ngài, cùng bản tính sợ bà vợ trời, di truyền của Ngài?

 

Đơn giản, đàn bà luôn luôn Trái, và đàn ông luôn luôn Phải.

 

Phải không phải là Trái

Trái không phải là Phải

Phải là Phải

Trái là Trái

Trái không Trái

Phải không Phải

Không Phải không Trái

Phải Trái bất nhị

(Lê Huy Trứ)

 

Người đàn bà có thể làm cho vượng phu ích tử.  Nhưng có nhiều người đàn bà có thể làm cho đàn ông thân bại, danh liệt. Thậm chí còn làm cho khuynh nhân thành, và khuynh nhân quốc. 

 

Những điều bí mật, rất tự nhiên, rất nguy hiểm, và rất thú vị đó, chính là yếu tố làm cho đàn ông cố tình tìm hiểu, càng phân tích, càng mê đắm như lạc vào mê hồn trận lú.  Lòng dạ đàn bà rất khó hiểu,  thâm sâu không thể lường được.  Có thể vì vậy mà trước nay, anh hùng không qua nỗi cửa ải thuyền quyên, cái bẩy rập của mỹ nhân.

 

Nhiều thằng nhờ vợ lên ông,

Nhiều ông vì vợ từ ông xuống thằng.

Bồ thì từ dưới lên giường,

Từ giường xuống dưới bỏ quên cơ đồ.

(Lê Huy Trứ)

 

Nhưng mà không sao, mình ngu hèn sợ vợ mình, mình dại dột nghe lời vợ, chứ có nghe lời vợ người khác, có sợ vợ thiên hạ đâu mà lo … mất mặt, và xấu hổ.  Miễn là nhà mình yên ấm, những đứa con mình còn có cha có mẹ.  Ngày hai buổi, cơm nhà quà vợ.  Sống đời sống tầm thường, an phận cho qua những con trăng là may phúc lắm rồi.  Rồi thì đời cũng qua, ‘qua đi, qua đi những cơn mơ.’

 

Còn cái chuyện thân bại danh liệt, khuynh nhân thành, hay khuynh nhân quốc không phải chuyện của những thằng chồng hèn nhát, ngu đần, thất bại trên đời này lo – cứ để cho chồng người khác, ‘có thân có danh,’ lo.

 

Theo thánh kinh thì trời sinh ra đàn ông trước, và trời thấy ông ta cô đơn, nên lấy cái be sườn bên trái của đàn ông, sáng tạo ra đàn bà, đẹp hơn, để cho đàn ông chơi … cho vui.

 

Nhưng sau khi sinh ra đàn bà, thì cái be sườn đó, thừa thế lấn lên, xúi đàn ông ăn trái cấm – thông minh – thay vì, cung cúc tận tụy phục tòng thượng đế.  Thế rồi cả hai bị trời đày xuống trần gian.  Đời đời con cháu phải trả nợ tổ tông – tội thông minh, có trí kiến thức.

 

Nếu Thượng Đế cấu tạo ra đàn bà trước thì có lẽ bây giờ chúng sinh đang thiện tâm ở trên thiên đàng vĩnh cữu.

 

Không biết ai mới bị đày xuống thế gian để sám hối đời đời?

 

Cho nên, trong cái sáng tạo ‘lầm lẫn,’ chết trong lòng một tí sướng đó.  Cái chơi vui, vui chơi, sung sướng đó, đã có mầm bi đát, khổ sở.  Khoái lạc đi đôi với đau khổ.  Khổ nhiều, khổ lâu nhưng chỉ vui sướng trong chốc lác.  Rồi thì thiên thu vừa sợ hải, vừa bất lực, phải chịu thua, và chấp nhận  – nhất vợ nhì trời.

 

Bệnh sợ vợ, truyền kiếp, có thể trở thành ‘ung thư sợ vợ.’  Nếu sợ hải quá, không dám vùng lên, thì cứ bình tỉnh vừa run, vừa sợ, không chừng sợ quá đứng tim chết – đó gọi là giải thoát.

 

Chồng em không dám ăn quà,

Đi đâu cũng phải về nhà ăn cơm.

Làm trâu trọn kiếp đi cày,

Chồng em mãn kiếp ăn cơm thay quà.

(Lê Huy Trứ)

 

Đa số, chết rồi cũng vẫn còn sợ.  Cái sợ này đem xuống tuyền đài cũng vẫn chưa hết sợ.  Kiếp sau đầu thai làm chồng, mang theo cái bệnh sợ truyền kiếp đó.  Chẳng qua cũng vì vô minh nên không bao giờ giải thoát được.

 

 

Kiếp sau xin chớ làm chồng,

Làm oan gia sống trên đời trả vay.

(Lê Huy Trứ)

 

 

Đức Phật đã dạy:  Chúng sinh tuy đồng căn nhưng khác tánh.

 

Nhất là kẻ oan gia cùng chung gối chăn, đầu ấp tay ôm.   Người mình yêu thương oan trái, nhưng chỉ đem lại khổ não cho mình mà không bỏ được.

 

Oan gia tương báo, luôn đối đầu với nhau, ngoài cái biệt nghiệp của mình, mình còn phải gánh chịu cái biệt nghiệp của oan gia.  Cho dù mình không tạo ra cái cộng nghiệp đó. 

 

Đi tìm kẻ tri kỷ tri bỉ, thông cảm lẫn nhau, hay thuận vợ thuận chồng, là điều điên đảo mộng tưởng, như đi tìm lông rùa, sừng thỏ.

 

Oán tăng hội, sợ vợ … khổ.

 

Sau đây là công án cho các ông chồng.  Ngộ được công án này thì sẽ tu thành thân, tề được gia đình.  Không chừng trị luôn quốc gia, và bình cả thiên hạ.
 

Kệ rằng: Trước khi gặp ta, người cứ tưởng ta như người.  Sau khi gặp ta, người mới biết người không phải như ta.  Nhưng ta với người trước sau vẫn đồng bất đồng như rứa. 

 

Lê Huy Trứ

___________

Tru Le g
ởi