Thông tin của ông Veith dựa trên hơn một thập niên phỏng vấn và trao đổi email với TS Nguyễn Xuân Phong trước khi ông qua đời vào tháng 7 năm 2017. Ông Phong đã từng là Phó Trưởng Phái đoàn VNCH trong thời gian đàm phán với phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tại Paris từ năm 1968 đến 1975. Sau đây là một số chi tiết:
-
1972 – Theo ông Phong thì vào đầu năm “Trung Quốc đã chuyển đến ông nhiều thông điệp để tìm cách thiết lập một cuộc đối thoại với TT Thiệu, nhưng ông Thiệu đã không trả lời.” Chúng tôi cho rằng những thông điệp này đã trùng hợp với cuộc “Tấn Công lễ Phục Sinh” – Easter Offensive – ( miền bắc gọi là “Chiến dịch Xuân-Hè”) bắt đầu từ ngày 30/3/1972 và kết thúc ngày 22/10/1972 sau “Mùa hè Đỏ Lửa.”
-
1974 – “Sau trận Hoàng Sa (ngày 19/1/1974), khi trả tù binh VNCH về nước, TC đề nghị mở một cuộc họp giữa hai bên, nhưng VNCH không trả lời. Vào mùa hè năm đó (1974), TC lại nhờ người nói chuyện lần nữa với Chính phủ VNCH, nhưng người này lại trình bày với đại sứ Mỹ Graham Martin, và ông Martin giữ im lặng luôn.”
Qua kinh nghiệm làm việc gần gũi với ông Martin trong thời gian 4/1974 – 4/1975 về vấn đề viện trợ và biết được tâm tư thất vọng của ông trước sự lạnh nhạt, phản bội của Washington, chúng tôi cho rằng ông Martin đã không im lặng, và đã bí mật cho ông Thiệu biết, vì thấy nguy cơ sụp đổ của VNCH ngay trước mắt. Ông là viên chức cao cấp Mỹ duy nhất còn hết lòng ủng hộ VNCH sau Hiệp Định Paris. Trước khi ra đi về nơi chín suối (13/3/1990) ông còn nói với chúng tôi “Một ngày nào tôi sẽ nói lời cuối cùng về Kissinger” (như được ghi lại trong cuốn ‘Khi đồng Minh Tháo Chạy’).
Tháng Tư 1975 – “Sau khi TT Thiệu từ chức và PTT Trần Văn Hương nhận chức ngày 21/4/1975, TC lại cử đại diện đến gặp và đề nghị tiếp viện cho VNCH, nhưng ông Hương từ chối. Ông nói với giới thân cận: ‘Cho Trung Cộng vào, chiến cuộc tiếp diễn trên lãnh thổ ta, ngay cả nếu chiến thắng thì khi nào mới đuổi Trung Cộng ra được…’ ”
Khi TT Hương chuyển quyền cho ĐT Dương Văn Minh thì “Vài ngày sau, ông Phong gặp cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn (bạn của ĐT Minh) và một đại diện của Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam (Mặt Trận Giải Phóng) để thảo luận về khả năng thành lập một Chính Phủ Liên Hiệp…ông Phong thông báo một cách tế nhị với quan chức Mặt Trận Giải Phóng rằng Pháp và các nước khác sẽ giúp đỡ chính phủ mới…”
TC muốn đưa hai sư đoàn dù nhảy xuống Biên Hòa để tiếp cứu
Theo ông Phong thì “Trung Quốc rất muốn Mặt Trận Giải Phóng nắm quyền thông qua công thức Chính phủ Liên hiệp do Pháp đề nghị với Tướng Minh để ngăn chặn Bắc Việt đơn phương tiếp quản Miền Nam. Sau khi một liên minh như vậy được thành lập, ông Minh sẽ đưa ra lời kêu gọi để yểm trợ. Người Pháp sẽ đáp lại bằng một ‘lực lượng quốc tế’ vào Nam Việt Nam để bảo vệ Chính phủ mới. “Sức mạnh” ban đầu để bảo vệ, như ông Phong gọi, sẽ là “hai sư đoàn dù Trung Quốc nhảy xuống Biên Hòa.”
“Bắc Kinh yêu cầu phải cần bốn ngày để sắp xếp quân đội của họ và đưa họ đến căn cứ không quân. Ông Phong giải thích như sau:
“Bắc Kinh không thể trực tiếp đứng ra làm công việc này, nhưng họ cho mọi người biết rằng họ (muốn) để cho người Pháp lãnh trách nhiệm này! Vì chính trị quốc tế, Bắc Kinh không thể trắng trợn can thiệp quân sự vào miền Nam Việt Nam. Pháp cần phải kêu gọi một ít quốc gia tham gia vào ‘lực lượng quốc tế’ – với Pháp đóng vai trò mũi nhọn – để Bắc Kinh có thể can thiệp. (Chúng tôi xin mở ngoặc nơi đây để nhắc lại rằng: trong 9 quốc gia ký vào bản Hiệp Định Quốc Tế ngày 2/3/1073 “để bảo đảm hòa bình Việt Nam” có cả Pháp và TC).
“Có một số câu hỏi mà Bắc Kinh phải đối mặt vào lúc đó: Bao nhiêu quân sẽ được đưa vào và sẽ ở lại Miền Nam bao lâu? TC hứa rằng họ sẽ ở lại một thời gian cần thiết, nhưng họ nghĩ rằng từ ba đến sáu tháng là thời gian tối đa họ có thể tham chiến…vì họ không muốn bị buộc tội chiếm đóng miền Nam Việt Nam bằng quân sự.”
Ngoài ông Phong, “Pháp còn đề nghị với tân TT Minh cùng một thông điệp giống như với ông Phong – qua trung gian Tướng Pháp về hưu là Paul Vanuxem.“Nhưng sau khi suy nghĩ, ông Minh đã từ chối.” Vanuxem cũng là người quen biết ông Thiệu từ lúc còn chiến đấu ở ngoài Bắc (trước 1954) và sau này đôi khi đã lui tới Sàigòn để thăm ông.
Tại sao TC lại thay đổi lập trường từ yểm trợ tới tấn công Bắc Việt ?
Câu hỏi cần đặt ra là: tại sao sau nhiều năm TC đã hết lòng yểm trở Bắc Việt với tài lực, nhân lực để chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ, tới giờ chót lại muốn can thiệp bằng quân sự, bắn nhau với quân đội BV để ngăn cản chiến thắng của Hà Nội? Điều năy có lô-gíc hay không, có căn nguyên từ đâu?
Ngược dòng lịch sử, chúng tôi có thể giải thích về cái nghịch lý TC xoay đổi lập trường – với những sự kiện sau đây:
-
TC là nước đầu tiên đã công nhận chính phủ VNDCCH (ngày 18/1/1050). Kể từ đó, Bắc Kinh đã nhất mực yểm trợ Hà Nội để chống Pháp (1946-54).
-
Tới ngày 7/5/1954 thì Hà Nội chiến thắng Pháp tại trận Điện Biên Phủ. Sau đó thì tại Hội nghị Geneva, TC đã bắt đầu chuyển hướng về lập trường: từ yểm trợ chiến đấu đến giảm thiểu kết quả của chiến thắng.
Và đây là cái nghịch lý đầu tiên.
Câu chuyện là như thế này:
Hội nghị Geneve
Tại Hội nghị Geneva: vào cuối tháng 6/1954 giữa lúc cuộc thương thuyết về Đông Dương trở nên căng thẳng, phái đoàn Mỹ báo cáo về Washington rằng TC đã làm áp lực với Việt Minh để chấp nhận giải pháp hai giai đoạn: giai đoạn đầu là quân sự, tức là ngưng chiến, rồi mới tới giai đoạn thứ hai là chính trị: tổng tuyển cử.
Theo ông Jean Chauvel (Trưởng phái đoàn của Pháp tại Hội Nghị Geneva) thì “Ông Chu Ân Lai đã có lập trường hoàn toàn mới, đó là công nhận có hai chính phủ ở Việt Nam. Và đây là lần đầu tiên ông Chu công nhận Chính phủ Miền Nam là một chính phủ hợp pháp.”
Sau đó, Tân thủ tướng Pháp, ông Mendès France lại yêu cầu ông Chu áp lực với Hà Nội để sớm đi tới một hiệp định, và ông Chu đồng ý giúp (như chúng tôi đã ghi lại trong cuốn ‘ Khi Đồng Minh Nhảy Vào’, trang 177).
Kết quả của Hội Nghị Geneva năm 1954 là giải pháp chia đôi nước VN ở vĩ tuyến 17. Đó là một giải pháp đã được TC áp lực BV phải chấp nhận, vì lúc ấy BV – thừa thắng xông lên – muốn tiếp tục chiến đấu. Điều này làm cho phái đoàn VNDCCH cùng nhiều thành phần kháng chiến ở miền Nam rất bất mãn.
-
Cuối thập niên 1950, lại có một biến chuyển mới: đó là sự chia rẽ giữa hai đồng minh lớn nhất của VNDCCH: tình hữu nghị Trung Quốc – Liên Xô bị rạn nứt. Sự rạn nứt đã lên tuyệt độ vào lúc có những giao tranh đẫm máu TC – Liên Xô tại con sông Ussuri năm 1969. Liên Xô đã tính đến tấn công TC bằng nguyên tử (xem ‘Tâm Tư TT Thiệu’, Chương 24). Xung đột này đã đặt Hà Nội vào cái thế phải ‘đu giây’, và có thể TC đã thấy Hà Nội không hoàn toàn đứng về phía mình.
Mao & Nixon
-
Tháng 7/1971 TT Nixon tuyên bố sẽ viếng thăm TC vào đầu năm 1972 sau 20 năm thù nghịch, đồng thời tiết lộ rằng ông Kissinger đã bí mật đi Bắc Kinh để sắp xếp chuyến đi này. Hà Nội (và Sàigòn) bỡ ngỡ, lo ngại là Mỹ và TC sắp xích lại gần nhau. Thấy vậy BV phản ứng.
-
Tháng 11/1971, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi Bắc Kinh gặp Chủ tịch Mao. Trong một buổi họp rất căng thẳng, ông Đồng kiến nghị ông Mao đừng gặp ông Nixon. Mao nói ‘chính những thắng lợi của BV đã khiến Nixon phải tới Hoa Lục.’ Rồi ông trích dẫn một câu tục ngữ: “Nếu cán chổi của ta ngắn quá, không thể với tới con nhện ở trên cánh tủ cao kia, thì ta nên để nó nằm yên tại chỗ.” Lời Mao nhắn nhủ đã rõ ràng: Hà Nội không nên đi tìm một sự toàn thắng ở Miền Nam. Rồi ông nói thêm:
“Vì cái chổi của TC rất vắn nên chúng tôi đã phải để ông Tưởng Giới Thạch ở lại Đài Loan. Cũng vậy, vì Việt Nam chỉ có một cái chổi ngắn, vậy đồng chí nên để ông Thiệu ở lại.” Ông Đồng, lúc đó đang trong cái khí thế ‘chống Mỹ cứu nước’ đã đáp lại: “Xin lỗi Chủ tịch, nhưng cán chổi của Việt Nam chúng tôi là đủ dài rồi…” (xem cuốn ‘The Palace File’, tr. 54).
-
Tháng 3/1972 – Bốn tháng sau chuyến đi của ông Đồng, BV hành động ngược lại với lời khuyên của ông Mao và tung ra cuộc tấn công ‘Easter Offensive’ – ngày 30/3/1972 như đề cập ở trên đây. BV xử dụng tới trên 200 xe tăng T-54 của Liên Xô, dẫn đến ‘Mùa Hè Đỏ Lửa.’ Như vậy là TC đã thấy rõ Hà Nội đang cần và đã ngả về phía Liên Xô rồi.
-
Tháng 5/1973– Sau Hiệp Định Paris, như chính Kissinger đã viết lại trong cuốn Years of Upheavals (trang 302): “Tới tháng 5/1973 thì Hà Nội đã đưa thêm được 30,000 quân vào Miền Nam quả ngả Lào, cộng với 30,000 tấn thiết bị quân sự hạng nặng và xe tải, cùng với 400 xe tăng (T-54), 300 khẩu đại pháo, và thiết lập được một hệ thống phòng không (với SAM).” Tất cả là từ viện trợ của Liên Xô.
-
Tháng 12/1974 – Ngay trước trận Phước Long (bắt đầu đêm ngày 13/12/1974) Tướng Viktor Kulikov, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Xô tới Hà Nội (ngày 22/12/1974) để thẩm định tình hình (lấy cớ là nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập quân đội Nhân Dân VN. Sau chuyến đi, Liên Xô đã tăng viện gấp bốn lần cho BV.
Và BV đã thực sự ngả hẳn về Liên Xô ở thời điểm đó. Đây chính là điểm mà Tướng Kỳ nói với các ông Cử và Hưng vào ngày 26/4/1975 như đề cập trên đây: “Chúng nó (TC) biết rằng Lê Duẩn đã theo Liên Xô rồi.”
******
Như chúng tôi đã ghi lại trong cuốn “Bức Tử VNCH – Kissinger và 8 thủ đoạn nham hiểm”: sở dĩ Liên Xô đã yểm trợ BV tối đa để chiến thắng một phần cũng vì họ rất cần Việt Nam, nhất là Vịnh và Hải Cảng Cam Ranh để đối đầu với Hoa Kỳ (và Trung Cộng).
Nói tới Cam Ranh, xin nhắc lại một kỷ niệm: ngày 23/3/1975, giữa một buổi họp trong Phòng Tình Hình của TT Thiệu mà chúng tôi có tham dự, Đại tá Võ Văn Cầm, Chánh Văn phòng, gõ cửa vào đưa một báo cáo từ miền Trung: “Hải quân ta vừa phát hiện có máy bay trực thăng của Nga bay thám thính trên không phận Vịnh Cam Ranh.” Ông Thiệu nổi sùng, “Để nó bay đi rồi còn báo cáo gì nữa!”
Những nhận xét này giải thích tại sao vào lúc cuối cuộc chiến, TC lại muốn nhảy vào để đánh chận chiến thắng của BV? Đó là vì sách lược của Bắc Kinh đối với VN vẫn nhất quán từ thập niên 1950 cho tới 1975: TC chỉ muốn đẩy Mỹ ra khỏi Miền Nam VN (và Biển Đông) chứ không muốn thấy một Việt Nam thống nhất và quá mạnh có thể liên kết với Liên Xô để ngăn chận TC bành trướng ở phía nam’, cửa ngõ của Đông Nam Á.
Mà thật vậy, sau năm 1975 thì Việt Nam đã công khai đi với Liên Xô.
******
Một điều quan trọng nữa cần được ghi nhận, đó là: tiếp theo TT Thiệu, cả cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, rồi TT Trần Văn Hương cùng TT Dương Văn Minh, hai Tổng thống cuối cùng của ‘VNCH’, dù chỉ tại vị có mấy ngày, không ai bảo ai, đều nhanh chóng và dứt khoát gạt bỏ cái giải pháp cho TC vào cứu nguy, dù trong tình huống thập tử nhất sinh cho chính họ, và cho quân, dân VNCH.
Nội trong bốn ngày trước khi xe tăng BV tiến vào Dinh Độc Lập, cả hai đề nghị rõ ràng cuả Trung Cộng:
-
Đưa 2 sư đoàn bộ binh tràn qua Lạng Sơn đánh tập hậu từ phía bắc; và
-
Cho 2 sư đoàn dù nhảy xuống Biên Hòa đánh bọc từ phía nam – đều đã bị từ chối.
Như vậy, ta có thể kết luận rằng cả ba nhà lãnh đạo cuối cùng của VNCH đã chấp nhận thà thua cuộc còn hơn là để cho TC nhảy vào.
Trong lúc tâm tư rối bời vì nhiều ý tưởng khác biệt, bỗng vẳng nghe phảng phất bên tai câu ‘Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc’ từ đời Nhà Trần vọng lại…
TS Nguyễn Tiến Hưng
TS Hưng nguyên là giáo sư kinh tế học tại N.C. Wesleyan College, Trinity College, và Howard University , kinh tế gia của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF (1966-1070). Năm 1973 ông là Phụ Tá về Tái Thiết của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, rồi Tổng Trưởng Kế Hoạch VNCH từ năm 1973 đến 1975.
Ngoài những sách bằng tiếng Anh về kinh tế, ông là đồng tác giả cuốn The Palace File (Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập – 1986) với Jerrold Schecter (nguyên chủ bút ngoại giao của tạp chí “Time”), Khi Đồng Minh Tháo Chạy (2005), Tâm Tư Tổng Thống Thiệu (2010) và Khi Đồng Minh Nhảy Vào (2016).
Cuốn sách tiếp theo của ông về lịch sử: BỨC TỬ VNCH – KISSINGER và 8 THỦ ĐOẠN NHAM HIỂM sẽ được xuất bản và phát hành ngày 5/5/2024.
TS Nguyễn Tiến Hưng
__________________
Đỗ Hứng gởi