Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 

Bị vợ bảo là “điên” khi miệt mài đào đất, 30 năm sau người đàn ông sững sờ trước những gì nhận được


 

Laungi Bhuiya là một người đàn ông thuần nông, chân chất sống ở ngôi làng Kothilwa thuộc bang Bihar, miền Đông Ấn Độ. Từ rất lâu rồi, ông đã có một ước mơ cháy bỏng, đó là người dân ở ngôi làng xa xôi của ông có nước sạch để sử dụng.


Người đàn ông bị vợ và dân làng gọi là “người điên” vì cứ miệt mài đào đất suốt 30 năm


Để làm được điều đó, ông Laungi đã nảy ra một suy nghĩ táo bạo, đó là sẽ đào một con kênh đâm xuyên qua những ngọn đồi, dẫn nước mưa tới tận làng của mình. Ý tưởng này quả là điều không tưởng trong suy nghĩ của những con người sống ở nơi đây, chính vì thế, họ đã không ngần ngại gọi ông Laungi là “người điên”.


Người vợ vẫn đầu ấp tay gối của ông Laungi, bà Ramrati Devi, cũng không ủng hộ suy nghĩ của chồng, vì bà cho rằng điều đó quá phi thực tế.


Ông Laungi Bhuiyan kiên quyết không từ bỏ giấc mơ của đời mình.


Thế nhưng, một khi đã quyết, ông Laungi sẽ không từ bỏ giấc mơ của mình. Và ông không chỉ đào một ngày, một tuần, một tháng hay một năm, mà là ròng rã tới gần 30 năm, do ông chẳng nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ những người khác.


Đã có lúc, chính vợ con của ông còn từ chối cung cấp lương thực cho ông sau khi dùng mọi cách khuyên nhủ chồng, để mong ông thay đổi suy nghĩ, trở về nhà và giúp đỡ gia đình. Thậm chí gia đình ông còn gọi thầy cúng đến để chữa bệnh cho ông, vì nghĩ ông bị “trúng tà” nên mới “điên điên khùng khùng” như vậy.


“Tôi đã rất tức giận với ông ấy. Chúng tôi đã không có tiền và không đủ ăn thì chớ, ông ấy còn chẳng thèm quan tâm gì đến con cái hết”, bà Ramrati Devi từng phát biểu với báo giới.


Sử dụng hoàn toàn những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, cùng với sức mạnh của hai bàn tay và một ý chí sắt đá không dễ gì lay chuyển, ông Laungi đã đào được một con kênh có chiều dài khoảng 3 km sau gần 30 năm, như vậy là gần 10 năm mới đào được 1 km.


Gần như mỗi ngày, ông Laungi đều bị dân làng chế nhạo khi cầm cuốc xẻng đến những ngọn đồi, bắt đầu công việc đào bới.


Bà Ramrati Devi, vợ của người đàn ông phi thường.


Kothilwa là một ngôi làng có khoảng 750 dân cư, hầu hết đều là người Dalit (tầng lớp khổ cực nghèo khó nhất). Trước kia, những người Dalit còn bị coi là những người dơ bẩn đến mức người ở các tầng lớp khác không muốn đụng vào. Họ sống trong những căn lều tồi tàn, cuộc sống xoay quanh vài chiếc giếng nước hiếm hoi quanh nhà của họ.


Không có đủ nước để tưới tiêu đồng ruộng, những người Dalit không thể trồng nhiều cây lương thực, nên sự nghèo khó cứ lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Muốn dân làng cũng như con em mình cứ mãi thoát ra được cái vòng luẩn quẩn này nên ông Laungi đã đưa ra quyết định táo bạo trên.


Và những món quà bất ngờ sau 1 chuỗi những sự kiện làm thay đổi cả ngôi làng


Cuối cùng, nhờ các phương tiện truyền thông, mọi người đã biết tới câu chuyện của ông Laungi. Khi một phóng viên địa phương tên là Jai Prakash đến tận nơi tìm hiểu, anh đã kinh ngạc trước những gì nhìn thấy.


Nước được dẫn tới một cái ao ở giữa làng, giúp cho việc trồng trọt, cày cấy và chăn nuôi của người dân ở làng của ông Laungi trở nên dễ dàng hơn nhiều.


Khi câu chuyện của ông Laungi được chia sẻ trên một tờ báo địa phương, rất nhiều phóng viên, nhà hoạt động xã hội, thậm chí các chính trị gia muốn gặp gỡ người đàn ông phi thường này.

Câu chuyện của ông Laungi được chia sẻ trên truyền thông.

Jitan Ram Manjhi, cựu Thủ hiến bang Bihar đã tới thăm ông Laungi và hứa rằng những nỗ lực của ông sẽ được Thủ tướng Ấn Độ lưu ý tới.

Sau đó, ông Laungi đã được mời tới một buổi triển lãm ô tô và được Anand Mahindra, chủ tịch tập đoàn ô tô Mahindra tặng một chiếc máy kéo giúp cho việc làm nông của gia đình ông trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn.

 

Ông Laungi cùng chiếc máy kéo được tặng vì những nỗ lực phi thường của mình.

Chưa hết, ông Laungi còn được Tập đoàn Dược phẩm của Ấn Độ Mankind Pharma tặng 1 tấm séc trị giá 100.000 rupee, tương đương hơn 30 triệu đồng.

 

Thái độ của những người dân với ông Laungi cũng đã thay đổi. Họ đã gửi kiến nghị lên Thủ hiến Manjhi, xin được xây một con đường và một bệnh viện cho vùng quê nghèo này và đặt theo tên của ông Laungi Bhuiya.


Anh Bhahmdeo, con trai của ông Laungi cho biết: “Chúng tôi từng nghĩ bố mình bị ma ám. Nhưng giờ mọi chuyện thay đổi rồi. Giờ ai cũng biết ơn bố vì những việc mà ông ấy làm”. 


Bài học rút ra: Khi mới xuất hiện, những ý tưởng vĩ đại nghe đều có vẻ là chuyện “không tưởng”, thậm chí “điên rồ”, nhưng lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, nếu không có những ý tưởng ấy, chúng ta đã chẳng thể tiến xa được tới ngày hôm nay.

 

Chính vì vậy, khi đã xác định đúng mục tiêu, hãy kiên định từ đầu tới cuối, đừng nao núng bởi những người xung quanh, bạn sẽ nhận được những thành quả xứng đáng và cũng sẽ giúp được nhiều người có một cuộc sống tốt đẹp hơn.



Theo Elite Readers

November 11, 2020


Đặng Hữu Phát gởi