BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM, NGÀI THƯỜNG THỊ HIỆN BA MƯƠI HAI ỨNG THÂN
Phương pháp tu hành nói dễ thì cũng rất dễ, còn nói khó thì cũng rất khó. Nói dễ nghĩa là quý vị chỉ cần xả bỏ tất cả, có lòng tin chắc thật, phát tâm kiên cố lâu dài, thì mới thành công được. Nói khó tức là vì chúng ta sợ khổ, muốn hưởng sung sướng an lạc.
Nên nhớ rằng muốn thành công trong bất cứ nghề nghiệp nào trên thế gian, thì phải trải qua quá trình học tập rèn luyện, huống hồ chi nói đến việc học pháp thánh hiền để mong thành Phật thành Tổ! Cứ dễ duôi làm biếng mãi thì làm sao thành công được? Thế nên, điều thứ nhất là phải có tâm kiên cố, vì người tu hành học đạo, không thể tránh khỏi ma chướng. Ma chướng là cảnh nghiệp trần lao như màu sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, xúc chạm, pháp trần, mà tôi đã nói đến tối hôm qua. Nghiệp cảnh này là oan gia sinh tử của chúng ta. Ðó là nguyên nhân mà nhiều vị pháp sư giảng kinh, vì không nắm vững điểm này, nên đạo tâm không kiên cố.
Kế đến, phải phát tâm tu hành dài lâu. Trên thế gian, chúng ta tạo nghiệp vô số. Vừa mới tu hành, cầu mong thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, thì làm sao xả bỏ hết tập khí xấu xa trong một lần được? Chư tổ sư xưa nay, tu hành bao kiếp mới thành tựu. Ðiển hình là tổ Trường Khánh, ngồi rách cả bảy chiếc bồ đoàn.
Tổ Triệu Châu, năm tám mươi tuổi ra ngoài hành cước học đạo. Bốn mươi năm tham khán một chữ vô, dụng tâm không tán loạn, sau đó mới đại triệt đại ngộ. Yên Vương cùng Triệu Vương rất sùng bái Ngài, nên thường đến cúng dường. Ðến đời Thanh, hoàng đế Ung Chánh (1723-35), khi xem duyệt lại ngữ lục cao siêu của Ngài, bèn ban hiệu "Cổ Phật". Ðấy là do cả đời tu hành khổ nhọc, mới thành công được. Ngay đây, chúng ta nếu xả bỏ hết mọi tập khí xấu xa, lắng đọng thân tâm, liền bằng Phật Tổ không khác. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Như lọc lấy nước Giữ nước trong lành Nước tịnh không động Cát đá tự chìm Nước trong liền hiện Là vừa hàng phục Khách trần phiền não Lọc cát đá ra Chỉ còn nước trong Ðó là đoạn hẳn Căn bản vô minh." Phiền não tập khí ví như cát đá, vì vậy mới dùng thoại đầu.
Thoại đầu như lưới lọc cát, khiến nước trong sạch. Người dụng công, nếu đạt đến chỗ thân tâm nhất như, tức cảnh tịnh xuất hiện, thì phải chú ý, chớ dừng lại mà không tiến bước. Nên hiểu rằng đó chỉ là cảnh giới thô thiển, phiền não vô minh chưa đoạn hết. Lúc ấy, tâm phiền não đã chuyển thành tâm thanh tịnh, như cát bụi lóng thì nước trong. Tuy vậy, dưới đáy nước cát bụi vẫn còn, chưa được lọc ra, nên cần phải gia công thêm nữa. Cổ nhân nói: "Ngồi trên đỉnh cột trăm thước, Tuy thấy mà không thật thấy, Nếu tiến thêm một bước nữa, Mười phương thế giới liền hiện!" Nếu không tiến thêm một bước nữa, thì chỉ nhận "Hóa Thành" làm nhà, và phiền não vẫn còn cơ hội nổi lên. Nếu như thế, muốn tự mình giác ngộ, cũng rất khó lắm. Vì vậy, phải lọc cát bụi, rồi giữ nước trong, thì mới mong đoạn hẳn cội gốc vô minh mà thành Phật Tổ.
Sau khi cắt đứt gốc rễ vô minh, tùy thời mà hiện thân thuyết pháp khắp mười phương. Ví như Bồ Tát Quán Âm, Ngài thường hiện ba mươi hai ứng thân. Nếu người nào muốn hiện thân gì để được độ thoát, Ngài sẽ vì họ mà hiện ra thân đó để thuyết pháp. Tự do tự tại, qua lại nơi thanh lâu tửu điếm, thai trâu thai bò, thiên đường địa ngục, không bị trói buộc. Ngược lại, một niệm phân biệt khởi lên, thì luân hồi mãi trong sáu đường.
Thuở xưa, đời trước của Tần Tăng thường cúng dường tượng Ðịa Tạng bằng hương hoa đèn nến, nên mới được quả báo thiện lành. Nhưng vì không phát tâm tu hành dài lâu, lại phiền não vô minh chưa đoạn hết, nên đời nay mới bị tâm sân tổn hại, khiến đọa lạc. (Ông làm đến chức Tể tướng trong đời Tống, nhưng vì muốn soán ngôi vua, nên bị xử trảm.) Nếu tín tâm kiên cố, không thối thất, bền bỉ tu hành, dầu quý vị là ai đi nữa, thì chắc chắn sẽ thành Phật. Xưa kia, có người nghèo, xuất gia tại một ngôi chùa thuộc tỉnh Chương Châu, rất thật tâm tu hành, nhưng không biết hỏi đạo cùng ai, chỉ ngày ngày lo khổ công làm lụng công quả.
Hôm nọ, có một vị tăng hành cước, ghé lại tạm trú nơi chùa. Vị khách tăng thấy Thầy làm lụng vất vả, bận rộn sáng tối, nên hỏi việc dụng công tu đạo hằng ngày như thế nào. Thầy đáp: - Mỗi ngày con đều làm việc khổ nhọc. Xin thỉnh Ngài dạy phương pháp tu hành. - Hãy tham khán công án "Ai là người đang niệm Phật". Thể theo lời dạy của vị khách tăng, mỗi ngày trong lúc làm việc, Thầy luôn xoay lại, nhìn vào chữ "Ai".
Sau này, Thầy vào núi thẳm rừng sâu, ăn đọt tùng uống nước suối, mặc áo rơm mà dụng công tu hành. Bấy giờ, gia đình ở nhà, biết việc Thầy tu hành khổ hạnh nơi núi sâu rừng thẳm, nên người mẹ liền bảo cô chị đem một cuộn vải cùng thức ăn đến đó. Cô chị vào hang núi, thấy Thầy đang ngồi thiền trong vách sâu, bèn đến lắc vai, nhưng thân Thầy không lay động. Cô kêu to lên, nhưng Thầy vẫn không đáp lời. Tức giận, cô để lại tất cả đồ đạc, rồi trở về nhà. Thầy không một lời hỏi thăm gia đình, cứ mãi ngồi thiền trong hang.
Mười ba năm sau, người chị lại đến thăm, thấy cuộn vải khi trước, cũng để ngay tại chỗ xưa, mà chưa hề bị động đến. Lần nọ, có người bị đói khát, chạy lánh nạn ngang qua đó, thấy Thầy đang ngồi thiền, bèn tiến vào hang để xin đồ ăn. Thầy liền đi vào trong hang sâu, lấy ra vài thỏi đá bỏ vào nồi nấu, rồi mang ra cùng ăn với người khách lạc đường, như ăn khoai vậy.
Ăn xong, trước khi khách đi, Thầy dặn: - Xin đừng kể về buổi ăn này cho người ngoài biết. Thời gian sau, vì nghĩ rằng trụ trong núi đã lâu, Thầy muốn ra ngoài để kết duyên pháp. Do đó, Thầy đến Hạ Môn, cất lều tranh ngay bên vệ đường để bán trà bánh cho khách qua lại. Bấy giờ là đời vua Vạn Lịch (1573-1620). Hoàng Thái Hậu (tức mẹ vua), vừa mới qua đời, nên nhà vua thỉnh mời chư cao tăng đến hoàng cung, làm lễ cầu nguyện cho mẹ ông. Mới đầu, nhà vua định thỉnh tăng chúng ở kinh đô, nhưng nơi đó vào đương thời không có vị cao tăng nào cả.
Lại thêm, Hoàng Thái Hậu báo mộng cho biết là tại Chương Châu, tỉnh Phước Kiến, có một vị cao tăng. Vì vậy, nhà vua phái quan quân đến Chương Châu, cung thỉnh tất cả chư tăng về kinh đô, lập đàn tràng cầu siêu. Thế nên, tăng chúng Chương Châu đều chuẩn bị hành lý, rồi lục đục kéo nhau lên kinh đô. Khi chư tăng đi ngang qua quán trà, Thầy liền hỏi thăm nguyên do.
Chư tăng đáp: - Hiện tại, chúng tôi phụng theo chiếu chỉ nhà vua, lên kinh đô lập đàn tràng cầu siêu độ cho Hoàng Thái Hậu. Thầy thưa: - Bạch chư Hòa Thượng! Vậy con có thể cùng đi với quý ngài được không? - Ðiệu bộ ông lôi thôi xốc xếch, làm sao theo chúng tôi được. - Con không biết tụng kinh, nhưng có thể giúp quý ngài mang hành lý. Chư tăng nhận lời, đưa hành lý cho Thầy mang, rồi cùng nhau lên kinh đô.
Khi ấy, Hoàng Ðế biết chư tăng tại Chương Châu đang trên đường đến, nên bảo người chôn giấu một bộ kinh Kim Cang dưới cổng kinh thành. Các vị tăng Chương Châu không hay biết. Người người đều bước qua cổng thành, duy chỉ trừ Thầy. Thầy quỳ xuống chấp tay, mà không dám bước qua. Mặc dầu quân lính giữ cổng thành kêu réo, nhưng Thầy vẫn không đi. Nghe quan quân tấu trình sự việc, Hoàng Ðế rất vui mừng, biết thánh tăng đã đến.
Ông lại sai người ra hỏi: - Hòa Thượng đã đến, sao không vào kinh thành?
Thầy đáp: - Dưới đất có kinh Kim Cang, nên tôi không dám bước qua. - Tại sao Hòa Thượng không lộn ngược thân mà vào thành? Nghe thế, Thầy liền chống hai tay xuống đất, đưa hai chân lên trời, rồi đi vào thành. Hoàng Ðế cung kính tột bực. Lúc được hỏi cách lập đàn tràng cầu siêu, Thầy đáp: - Canh năm sáng mai, kiến lập một đài cao, cắm một cây phướn, sắp một bàn trái cây cùng đốt đèn nến để cúng dường chư Phật là đủ.
Hoàng Ðế nghe vậy lòng không vui, vì đàn lễ không long trọng. Ông lại sợ Thầy không có đạo đức, nên cho hai cung nữ đến hầu hạ, tắm rửa. Thân tâm Thầy vẫn không động khi được hai cung nữ đến tắm cho mình. Nghe lời cung nữ tấu trình việc đó, Hoàng Ðế lại tăng thêm sự cung kính, và nhận biết Thầy thật là một vị thánh tăng, nên y theo lời dạy mà kiến lập đàn tràng. Hôm sau, Thầy lên tòa thuyết pháp, đăng đàn làm lễ; tay phất cây phướn trước quan tài Hoàng Thái Hậu, Thầy nói kệ: "Cái ta vốn không đến, Bà chớ có đắm đuối, Một niệm không sanh, Siêu thăng cõi trời!" Làm Phật sự xong, Thầy bảo Hoàng Ðế: - Xin chúc mừng! Hoàng Thái Hậu đã được siêu thăng! Hoàng Ðế rất đỗi nghi ngờ, vì sợ làm đàn tràng quá đơn sơ như thế thì công đức chưa đủ.
Ðang khởi tâm nghi như thế, thì trên hư không có tiếng của Hoàng Thái Hậu: - Hoàng Ðế! Hãy cám ơn Thánh tăng. Mẹ đã được siêu thăng rồi! Nghe vậy, Hoàng Ðế vùa sợ vừa mừng, cúi mình lễ bái tạ ơn, rồi thiết lễ trai tăng cúng dường. Thầy thấy Hoàng Ðế mặc quần thêu hoa gấm, nên mắt chăm chăm nhìn. Thấy vậy, Hoàng Ðế thưa: - Bạch Ðại Ðức! Ngài muốn vật này à? Nói xong, Hoàng Ðế liền tặng cho Thầy quần gấm đó. Thầy nói: - Ða tạ Hoàng Thượng! Do việc này, Hoàng Ðế bèn ban hiệu cho Thầy là "Quốc Sư Long Khố".
Thọ trai xong, Hoàng Ðế dẫn Thầy đến vườn thượng uyển du ngoạn. Trong vườn có một bảo tháp. Thầy vừa thấy thì tâm rất vui mừng, nên mắt nhìn chằm chặp. Hoàng Ðế thưa: - Bạch Quốc Sư! Ngài muốn tháp này ư? Thầy bảo: - Tháp này tuyệt đẹp! - Bạch Quốc Sư! Con có thể cúng dường Ngài ngôi bảo tháp này. Nói xong, Hoàng Ðế liền sai người mang bảo tháp về Chương Châu. Thầy bèn bảo: - Không cần nhờ người mang. Tự tôi đem về được. Nói xong, Thầy liền bỏ tháp vào trong tay áo, rồi bay lên hư không biến mất. Hoàng Ðế kinh hãi run sợ, nhưng lại vui mừng tán thán việc chưa từng có. Quý vị! Hãy nhìn lại câu chuyện này.
Kể từ khi xuất gia, Thầy chưa từng dụng công tán loạn, đạo tâm luôn kiên cố. Người chị đến thăm, Thầy vẫn không màng. Y phục rách nát, Thầy vẫn không quản. Cuộn vải để trong hang mười ba năm mà không động đến. Chúng ta hãy tự hỏi chính mình, công phu có được như thế không? Chỉ nói trong một ngày một đêm, giả như có chị mình đến thăm, thì tâm có động chăng? Lại nữa, trong lúc chỉ tịnh, thấy thầy giám hương đi đốt hương, hay người khác đang động đang tịnh, liền giương đôi mắt mà nhìn. Dụng công như vầy, đến khi nào mới thành thục! Quý vị chỉ thiết yếu lọc bỏ bùn cát, thì nước trong tụ nhiên hiện ra. Quý vị hãy đề khởi thoại đầu lên!
Hòa thượng Thiền sư Hư Vân
Trích sách : Pháp Ngữ của Thiền Sư Hư Vân XX. Thiền thất khai thị lần thứ nhất tại chùa Ngọc Phật, thành phố Thượng Hải, năm 1953. Ngày thứ năm, (26/2).
________________
Hoang Nguyen gởi