BỐN NGÀY ĐÊM TRÔI DẠT GIỮA BIỂN CẢ, ANH NGƯ DÂN THOÁT CHẾT NHỜ NIỆM PHẬT
Trước căn nhà tranh đơn sơ, một đám đông tụ họp xôn xao bàn tán. Trong số đó có một người phụ nữ ôm hai đứa con nhỏ, vẻ mặt bồn chồn, đó là vợ của anh Trần Văn Việt, một ngư dân 43 tuổi, sống ở ấp Hòa Hiếu 1, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.
Cách đây mấy hôm, chị đã nhận được tin báo từ chủ ghe, rằng chồng chị đã rơi xuống biển và chết mất xác. Chị đau đớn khóc than, chấp nhận sự thật đau xót rằng chồng mình đã vĩnh viễn nằm dưới lòng biển cả.
Nhưng rồi một kỳ tích đã xảy ra, khiến chị và họ hàng lối xóm nghe tin mà không dám tin vào tai mình: anh Việt vẫn còn sống sau 4 ngày đêm chơi vơi giữa biển cả, không phao, không đồ ăn, không nước uống.
Thế nên họ tập hợp lại ở đây đón anh trở về. Phải nhìn tận mắt, sờ tận tay họ mới tin được. Trời đã tối, từ phía xa xa, thấp thoáng một chiếc xe ô tô đang tiến dần tới. Anh Việt mở cửa xe, bước xuống với khuôn mặt sạm đen, bong chóc nhiều chỗ, nhưng nhìn chung thì sức khỏe vẫn ổn. Mọi người trông thấy bóng dáng quen thuộc thì chạy đến vây lấy anh, mừng vui khôn siết chẳng nói nên lời.
Những người ngư dân trong xóm thì không ngừng xuýt xoa về kỳ tích thoát chết của Việt. Với kinh nghiệm bao năm đi biển, việc một người hoàn toàn tay không có thể sống sót 4 ngày đêm giữa biển cả là điều không thể lý giải nổi. Họ chỉ có thể gọi đó là sự màu nhiệm, một hiện tượng siêu nhiên vượt ngoài hiểu biết của con người.
Việt bước vào nhà, ngồi xuống giường, vây quanh anh là vợ con, họ hàng, làng xóm, vừa vui mừng, vừa háo hức nghe anh thuật lại quá trình anh thoát nạn. Việt chậm rãi kể lại cho mọi người nghe về bốn ngày đêm đầy kì lạ ấy.
Giữa tháng 5 năm 2023, Việt theo tàu cá Ngọc Lợi ở Biến Tre khởi hành ra khơi bắt đầu chuyến hành trình đánh bắt cá. Với anh, như bao ngư dân khác, đàn cá là thức ăn, là nguồn kinh tế nuôi sống gia đình. Chúng đơn giản là công cụ để nuôi sống con người, thế thôi. Và anh đã gắn bó với nghề hơn 27 năm ròng mà chẳng lăn tăn suy nghĩ gì nhiều.
Sau hai tuần lênh đênh ngoài biển, tàu đã cách đất liền 200 hải lý (hơn 370km). Lúc đó là khoảng 7 giờ tối ngày 1/6/2023, bao phủ không gian là một màu đen lẫn lộn giữa trời và biển, điểm xuyết vài chấm sáng nhỏ nhoi của những ngôi sao và ánh sáng lập lòe nhấp nháy của vài tàu đánh cá phía xa xa. Vẫn là bản giao hưởng âm thanh quen thuộc của tiếng sóng nước dập dìu, hòa với tiếng động cơ nổ phành phạch.
Việt tính đi tắm, anh cởi áo, vòng lối bên mạn tàu đi ra phía sau là chỗ vệ sinh tắm rửa. Không may lúc đó một nhịp sóng xô vào ghe khiến nó chòng chành hất anh chới với, anh vươn tay định chụp lấy cái ống kim loại gần đó, mà chụp hụp. Chẳng kịp bấu víu vào đâu nữa, Việt rơi tùm xuống biển.
Anh hốt hoảng hét thật to kêu cứu, nhưng hét mãi mà chẳng ai nghe thấy gì, bởi tiếng máy nổ của động cơ tàu đã nuốt trọn cả tiếng kêu cứu ấy. Tàu cá Ngọc Lợi ngày một đi xa khỏi Việt, ánh đèn trên tàu cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút phía chân trời, mang theo tất cả hi vọng của anh. Xung quanh anh giờ đây chỉ có biển cả và màn đêm thăm thẳm, mêng mông không bờ bến. Việt hiểu ngay mình đang phải đối mặt với điều gì, nỗi sợ hãi dâng lên và càng lúc càng tăng thêm.
Là một ngư dân lâu năm, anh tất nhiên bơi giỏi, nhưng giỏi cỡ nào thì cũng chỉ trụ được tầm một ngày là cùng. Tình hình của anh rất căng, không phao, không nước ngọt, không đồ ăn, không gì cả ngoài chiếc quần đang mặc trên người.
“Giờ muốn sống thì buộc phải tìm được tàu đi ngang qua. Xa mấy cũng phải lội tới.” – anh thầm nghĩ và nhìn quanh. Cũng may là có vài đốm sáng của các ghe khác le lói phía xa.
Vậy là Việt dùng hết sức mình bơi theo hướng đó. Thi thoảng anh lại hét lên thật to hy vọng có ghe tàu nào nghe thấy, nhưng vẫn chẳng có một tín hiệu đáp trả nào. Việt như một kẻ vô hình giữa biển trời rộng lớn. Anh dần rơi vào tuyệt vọng.
Sau này anh mới được biết, khi anh rớt xuống biển, mọi người trên ghe không thấy anh, đã huy động nhiều ghe quay lại, quần tới quần lui, tìm muốn nát khu vực đó mà không thấy gì. Họ đành báo về cho gia đình anh là anh đã chết mất xác.
Một ngày, một đêm trôi qua, Việt vẫn lênh đênh giữa biển khơi mênh mông không bờ bến. Cái đói, cái khát và lạnh lẽo bủa vây làm anh kiệt sức, chẳng thể bơi được nữa. Còn chút hơi tàn, Việt cố gắng khua khoắng chân tay để nổi được trên mặt nước, vớt vát sự sống.
Khát quá, anh nhấp chút xíu nước biển cầm cự, nhưng cứ hễ liều uống nhiều hơn một chút thì không thể nào chịu nổi cái vị mặn chát xé cổ họng của nó. Thi thoảng có mưa thì Việt ngửa đầu lên hứng từng giọt nước mưa vào miệng, nhưng chúng thì chẳng thấm vào đâu với cơn khát ghê gớm trong anh.
Ban ngày, nắng trên biển cực kì gay gắt, khiến da mặt Việt cháy sạm, lột từng mảng, lộ ra lớp da non trắng ởn. Thỉnh thoảng lại có đàn cá nhỏ lao tới anh như vớ được bữa ăn ngon, thi nhau rỉa khắp bụng và chân, cũng đau đớn lắm.
Việt gỡ chúng ra từ từ rồi thả chúng về với biển cả. Như thường tình, chúng có thể là một nguồn thức ăn cho anh, ít nhất cũng đỡ được cơn đói cồn cào một chút. Nhưng Việt chợt động lòng, một thứ suy nghĩ xa lạ lóe lên trong đầu: “Có lẽ những con cá này cũng muốn sống, muốn bình yên về với biển cả, như mình đây đang muốn sống, muốn bình yên về với đất liền.”
Thời gian ngâm mình trong lòng biển càng lúc càng dài, nước mặn làm miệng anh lở loét và mắt không thể nào mở ra được. Việt nhận ra có lẽ mình sắp chết. Sóng bắt đầu dữ dằn hơn do sự ảnh hưởng của một cơn áp thấp nhiệt đới, nhưng Việt lấy đâu ra sức mà đối đầu với chúng nữa, chỉ còn cách thả trôi tính mạng của mình theo làn nước đó mà thôi.
Đành phải chấp nhận số mình kết thúc ở đây sao? Trong khoảnh khắc ấy, anh đã định bỏ cuộc. Nhưng rồi, hình ảnh người vợ và hai đứa con hiện lên trong tâm trí.
“Mình chết thì cũng đành vậy, nhưng rồi vợ và hai con phải sống thế nào? Đứa nhỏ mới chỉ 4-5 tuổi, rồi ai sẽ nuôi nó?” Việt không thể đầu hàng, hơi thở còn, thì Việt sẽ tiếp tục kiên cường đến cùng.
Ấy thế nhưng nghĩ là một chuyện, thực tế lại là một chuyện khác. Anh quá bé nhỏ trước đại dương bao la, sức đã cùng, lực đã kiệt, anh chưa từng nghe thấy ai có thể sống sót khi rơi vào tình cảnh này cả. Chỉ có phép màu mới có thể vượt qua chuyện này. Phép màu ư ? Việt chợt nghĩ tới Phật, tới Quán Thế Âm Bồ Tát với nhiều chuyện màu nhiệm mà từ nhỏ anh đã được nghe kể. Bằng những hơi thở yếu ớt còn sót lại, anh mở miệng cầu cứu:
– Mẹ Quan Âm cứu con, Phật Tổ cứu con. Con còn con nhỏ 4-5 tuổi không ai nuôi nấng. Nếu con được sống trở về, con xin hứa bỏ nghề đánh cá, không làm nữa, nhất định không làm nữa.
Dứt lời, Việt bắt đầu niệm liên tục:
– Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô A Di Đà Phật …
Khi Việt bắt đầu niệm, anh không còn cố bơi hay khua khoắng tay chân, thay vào đó anh khoanh chân ở tư thế xếp bằng lơ lửng trong dòng nước, hai tay chắp vào nhau, miệng niệm liên hồi. Ngạc nhiên chưa, trong tư thế đó cơ thể anh không bị chìm xuống, mà từ cổ trở lên vẫn nổi trên mặt nước. Thậm chí anh còn lạy Phật được 3-4 lần bằng cách cúi rạp cả mặt và đầu xuống nước, rồi lại ngẩng lên. Có bao nhiêu sự tha thiết, anh dồn hết cả vào câu niệm Phật.
Cứ thế niệm rất lâu, cho đến khi anh mệt quá ngủ thiếp đi. Trong cơn mơ, anh thấy đồ ăn thức uống bày ra ê hề xung quanh, anh ăn uống thỏa thê. Điều kỳ lạ là đến lúc tỉnh lại, anh thấy mình đúng là không còn đói và khát nữa. Một điều đáng ngạc nhiên khác, người thường ngâm mình trong nước biển lâu như vậy sẽ thấy lạnh run lên cầm cập, chỉ cần một ngày là các cơ bắp sẽ bị chuột rút, co quắp lại, còn Việt thì chỉ thấy mát lạnh như lúc trời mưa, vậy thôi chứ không có gì đáng ngại.
Ngày thứ ba, vẫn chẳng có tàu cá nào nhìn thấy Việt cả. Từ lâu anh đã không bơi nữa, vì đâu còn sức mà bơi, anh chỉ lo niệm Phật thôi, và một sức mạnh bí ẩn nào đó vẫn giữ anh lơ lửng không chìm.
Lạ hơn nữa, dưới chân anh như có một nền đất sình lầy vậy, Việt thử bước đi, thấy nó trơn tuột nhưng có thể bước từng bước chậm rãi, anh đi bộ như vậy cả mấy hải lý liền để tìm tàu.
Điều này quá vô lý, nhưng mà nó lại đã diễn ra! Ai hỏi thì anh không biết lí giải như thế nào, chỉ biết là nhờ vậy mà anh vẫn còn sống ở đây, và đó là bằng chứng. Nếu chẳng phải sức gia hộ của chư Phật, thì chẳng nhẽ anh có thần thông sao?
Đi mãi, đi mãi vẫn chẳng thấy chút hy vọng nào lấp ló cả. Việt mệt lả, anh thả trôi mình luôn giữa lòng biển cả mà ngủ thiếp đi. Anh biết mình đang được an toàn trong sự gia hộ của Phật, của Bồ Tát, anh chắc chắn thế, vì không thì anh đã chẳng còn sống đến giờ, vậy nên Việt chẳng sợ hãi, hoang mang. Anh cứ thế ngủ ngon lành, lúc thì nằm ngửa, có lúc còn nằm sấp, mơ màng chìm vào những giấc mơ.
Cuối cùng, vào chiều ngày 4/6/2023, có một con tàu của Phan Rang phát hiện ra anh đang bất tỉnh trong tư thế nằm úp, nổi bồng bềnh trên mặt biển. Khi ấy, con tàu đang cách đảo Phú Quý khoảng 35 hải lý (gần 70 km) về hướng Tây Nam. Các thuyền viên cảm thấy thật kỳ lạ, ban đầu họ cho rằng đây là một xác chết, vì nếu nằm sấp như thế làm sao mà thở ? Làm sao mà sống ?
Ấy vậy mà khi các thuyền viên vớt Việt lên tàu, thì nhận ra anh vẫn sống, tình trạng không quá tệ, chỉ là miệng và lưỡi anh đã lở loét nặng, da bong tróc nhiều mảng, thân thể có vài vết thương do bị cá rỉa, hai mắt đỏ lừ không mở ra được, miệng rên hừ hừ nói trong mê sảng:
– Tôi vừa đi ăn nhậu hay sao mà giờ say thế nhỉ?
– Nhậu nhẹt gì. Tôi thấy anh nằm úp mặt trên biển, trôi tự do, nên vớt vào đây, chứ ăn nhậu ở đâu.
Họ lấy nước rửa mặt, lau khô, ủ ấm, nhỏ thuốc nhỏ mắt và đút sữa cho Việt, dần dần anh hết mê sảng, tỉnh lại mới nhận ra mình đã được cứu thoát, lời cầu nguyện của anh với chư Phật, Bồ Tát đã được đáp ứng.
Việt không ngớt lời cảm hơn các thuyền viên, và được họ đưa vào trung tâm y tế đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận để y bác sĩ chăm sóc thêm hai ngày, rồi mới đưa về nhà.
Đó là lần đi đánh cá kinh hoàng nhất trong suốt hơn 27 năm ra biển, và cũng sẽ là lần cuối cùng của Việt. Nhớ lại bốn ngày bốn đêm lênh đênh trên biển giành giật sự sống khỏi bàn tay thần chết, anh vẫn chưa hoàn hồn. Anh ngậm ngùi nói với vợ và bà con:
– Tôi đã hứa với Phật, nếu được cứu sống, tôi không làm nghề đánh cá nữa. Từ nay tìm kế sinh nhai khác, có bao nhiêu ăn bấy nhiêu.
Việt đã hứa nên sẽ giữ lời. Có lẽ giờ đây anh cũng đã thấm thía nỗi đau đớn, thống khổ của biết bao con cá bị anh tước đoạt sinh mạng. Anh thèm khát sự sống bao nhiêu, thì chúng cũng vậy, nào có khác gì?
Cơm áo gạo tiền vẫn là vấn đề muôn thuở mà chẳng mấy ai lại không trăn trở về nó. Có một công việc với nguồn thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình là mong mỏi của hầu hết chúng ta. Dù như vậy, chúng ta vẫn cần tỉnh táo để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Một công việc thiện lành, không gây tổn hại đến bất kì chúng sinh nào, đem lại lợi ích cho xã hội sẽ dẫn tới kết quả tốt đẹp. Một công việc gây tổn hại đến chúng sinh, nhất là nghiệp sát sẽ dẫn tới quả báo thống khổ trong đời hiện tại và những đời sau. Đó là quy luật Nhân Quả, một quy luật chi phối hoàn toàn đời sống của tất cả sinh linh trong vũ trụ.
Trải qua tai nạn trên biển, cập kề cái chết, Việt quyết tâm từ bỏ nghề nghiệp đã nuôi sống gia đình anh bấy lâu, mặc dù hoàn cảnh của anh rất nghèo khó. Đó là điều không phải ai cũng làm được. Nhiều người dù biết công việc mình làm là nghiệp ác nhưng vẫn không dám từ bỏ và viện lý do cơm áo gạo tiền để biện minh cho sự lựa chọn của mình. Bởi vì chẳng chịu quay đầu, nên quả báo đau khổ đang chờ đợi họ trong tương lai.
Chư Phật mười phương ra đời, vì lòng từ bi thương xót, thường đưa tay cứu vớt chúng sinh khổ nạn, dùng sức phương tiện dìu dắt chúng sinh quay về nẻo thiện, để được an lạc về sau. Qua câu chuyện có thật đã xảy ra với Việt và rất nhiều trường hợp báo ứng hiện đời, cùng linh ứng Phật Pháp khắp nơi, hy vọng rằng tất cả chúng ta sớm nương theo giáo lý Phật Pháp, bỏ ác làm lành, thoát khổ được vui.
Tĩnh Như, viết lại từ lời kể của Trần Văn Việt
________________
Hoang Nguyen gởi