BÙA CHÚ CÓ THẬT KHÔNG VÀ LÀM CÁCH NÀO ĐỂ CHỐNG LẠI BÙA CHÚ ?
I/ BÀI THỨ MƯỜI 1. Bùa Chú Có Thật Không Và Làm Cách Nào Để Chống Lại Bùa Chú? Bùa chú có thật. Có rất nhiều người sử dụng bùa chú. Muốn không bị bùa chú xâm nhập, Tâm phải tự tin và vững vàng. Người bị bùa chú, thường có tư tưởng hoặc tâm hướng ra, mong cầu một điều gì đó. Đó là cơ hội để bùa chú xâm nhập. Ví dụ, mong muốn có người yêu, thì rất dễ bị bùa yêu làm ảnh hưởng. Những mong cầu sẽ là đường dẫn, để ngoại lực đi vào.
Tâm của mình, vốn có năng lượng và sức mạnh, đó là sức mạnh của Tín, sức mạnh của Tấn, sức mạnh của Niệm, sức mạnh của Định, sức mạnh của Tuệ, người ta gọi là Ngũ Lực. Ngũ Lực có thể bị yếu đi, là do mình đầu tư Tín, hay Tấn, hay Niệm, hay Định, hay Tuệ vào một đối tượng nào đó. Năng lượng của mình lúc ấy, bị chi phối bởi bên ngoài. Do đó, năng lượng bên trong của mình, hay còn gọi là chân khí, sẽ bị tổn hại. Trong lúc lực của mình đang bị yếu đi, nếu có lực khác mạnh hơn, nó sẽ chi phối mình. Còn khi đang bảo toàn năng lượng, tức chân khí mình giữ được trọn vẹn, thì không có lực nào có thể thâm nhập được. Có một anh, từng quy y với thầy, kể lại câu chuyện sau đây.
Trên chuyến xe lam, lơ xe cứ đập tay bùm bùm vào thành xe, mỗi khi có người lên hoặc xuống. Không biết những động tác vỗ vào thành xe ấy, đã chứa đựng gì, mà giữa đường, người lơ xe ôm hết hành lý của mọi người, mang xuống. Thế mà chẳng ai nói gì cả, mọi người trên xe như trong cơn mơ mơ màng màng. Anh Phật tử khi ấy còn tỉnh, mới la lên, tại sao lại bỏ hành lý của chúng tôi xuống, thì mọi người khi ấy trên xe mới bừng tỉnh. Lơ xe sau đó bỏ chạy, và mọi người mới biết, mình vừa bị mê đi.
Nhờ cậu Phật tử có tu tập, nên khi nào cũng có Chánh Niệm, Chánh Giác, vì vậy mà bảo toàn được chân khí. Nếu mình luôn Chánh Niệm, Chánh Giác, nếu mình sống lương thiện, thì không những chân khí ở bên trong bảo vệ mình, mà còn có lực của Tam Bảo, lực của Vũ Trụ, lực của chư thiên Long Thần Hộ Pháp độ trì. Bên đạo Thiên Chúa thì nói, đó là lực của Thánh Thần, lực của Chúa, lực của Thượng Đế, lực của Ba Ngôi. Bên Lão Tử thì gọi là lực của Đạo. Gộp chung lại, mình có thể nói, đó là lực của Vũ Trụ. Đức Phật nói, nếu mình sống lương thiện, thuận Pháp, thì sẽ được Pháp hộ trì. Sống thuận Pháp là sống lương thiện, không sợ hãi, không lo lắng. Muốn không lo lắng, sợ hãi thì phải luôn sáng suốt, rõ biết, sống trọn vẹn với chính mình, đừng để tâm bị phân tán ra bên ngoài quá nhiều, khiến cho chân khí dễ bị tổn hại, và lực của bùa chú, của người khác, sẽ thâm nhập vào bên trong ta dễ dàng.
Trong thiên nhiên, trong Cảm Xạ Học, cũng có những lực mà người ta gọi là Ác Xà. Ác Xà tựa như luồng khí lạnh thâm nhập, khiến ta dễ bị tổn hại, bệnh tật. Chỉ cần chúng ta có Chánh Niệm, Tỉnh Giác, thì tâm sẽ được trọn vẹn, hay còn gọi là Thân Tâm Nhất Như. Khi mà Thân Tâm Nhất Như hay là Điềm Đạm Hư Vô / Chân Khí Tùng Chi, thì sẽ không bị lực xấu từ bên ngoài thâm nhập.
2. Nhân Quả Khác Với Quả Có Sẵn Như Thế Nào? Khi có một việc nằm hoàn toàn ngoài ý muốn của mình đến, thường người ta gọi đó là Quả. Chữ Quả ở đây có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là nghĩa Nhân Quả, tức Quả này là do Nhân mà chính mình đã tạo ra, cho nên bây giờ mình gặt Quả.
Nghĩa thứ hai, Quả này vốn đã có sẵn trong vũ trụ, chứ không phải do mình tạo ra nghiệp mà có. Không phải do ta tạo nghiệp mà có mặt trời. Không phải do ta tạo nghiệp mà có mặt trăng. Không phải do ta tạo nghiệp mà có cây xoài, cây ổi. Những thứ này đã có sẵn trong thiên nhiên. Nhưng khi mình thích xoài, đem xoài về trồng, thì lúc đó lại là nhân quả của mình. Mình có mặt trời, nhưng mình sử dụng mặt trời đó như thế nào cho hợp tình hợp lý. Nếu sử dụng đúng, sẽ tốt; sử dụng sai, sẽ xấu. Tốt xấu này, cũng là nghiệp của mình. Nghiệp chính là tạo tác, do chủ quan của mình mà tạo ra.
3. Nói Niết Bàn Hiện Ra Nghĩa Là Sao? Nói chứng ngộ Đạo Quả, thì thật ra, Đạo Quả là cái có sẵn, chân lý đã có sẵn, mình chỉ chứng ngộ, mình chỉ thấy ra thôi. Đạo Quả này không phải do mình tạo ra. Chứng ngộ nghĩa là, trước đây, mắt mình bị che mười lớp, chẳng hạn. Bây giờ, mình lấy đi được mấy lớp, thì nó sáng hơn một chút. Lấy đi thêm mấy lớp nữa, sáng hơn một chút nữa. Rồi mình lấy hết mấy cái lớp đó đi, thì nó sáng ra hoàn toàn. Khi không còn bị gì che lấp nữa, mình thấy được sự thật, thấy được chân lý, thấy được Quả, vốn đã có sẵn như vậy. Tất cả những điều này, đúng với lời dạy của Đức Phật: Giáo Pháp của Như Lai chỉ có nhất hướng là xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh. Khi an tịnh, thì Thắng Trí Giác Ngộ Niết Bàn. Khi không còn gì che lấp nữa, thì lúc đó Niết Bàn hiện ra. Niết Bàn không phải do mình cố tu tập mà tạo ra được.
4. Thay Đổi Nơi Làm Việc, Thay Đổi Bạn Đời, Khi Nào Là Đúng, Khi Nào Là Không Đúng? Thay đổi môi trường qua cái nhìn chủ quan của mình, hay là thay đổi môi trường, do mình thấy ra sự thật? Thay đổi môi trường do chủ quan của mình thì được cái này nhưng sẽ mất cái khác. Thay đổi do mình thấy ra sự thật, thì việc này là đương nhiên phải thay đổi rồi.
Thí dụ, mình đi trên đường, thấy miểng chai, thì đương nhiên là mình thay đổi. Vì nếu không thay đổi, thì bước chân của mình, sẽ đạp lên lên miểng chai đó. Khi thấy đúng sự thật, tức đúng theo Tuệ Tri, tức đúng với Pháp, thì thay đổi đó là đúng. Đức Phật cũng có dạy cho mình thay đổi.
Thí dụ, có một vị sư đến chùa tu. Vị ấy thấy các sư trong chùa sống rất là sung sướng, nhưng không giúp cho họ Giác Ngộ Giải Thoát gì cả. Càng ngày, tham sân si càng tăng thêm lên. Nếu như vị đó mà thật tâm tu, thì vị đó sẽ thấy, mình cần tìm một môi trường khác. Sung sướng quá, hưởng thụ quá, tu hành sẽ chỉ tệ hơn. Phải từ bỏ chỗ này. Vị thầy ấy sẽ tới một chỗ khác. Chỗ đó, tuy sống rất cực khổ, nhưng lại giúp được cho vị thầy ấy Giác Ngộ Giải Thoát, buông bỏ được tham sân si, mạn nghi, ác kiến. Chỗ đó, có khổ cách mấy, vị thầy ấy cũng cứ ở.
Thậm chí, có bị đuổi đi, vị thầy cũng cố xin để được ở lại. Thay đổi môi trường, thay đổi sự tiếp cận với người này hay người khác, quyết định này, tùy thuộc vào nhận thức của mình. Nếu nhận thức rõ ràng, minh bạch, thì có thể thay đổi, vì thay đổi đó là đúng. Nếu như, thay đổi đó là chủ quan của mình, tức là chỗ đó không đáp ứng mong muốn của mình, thì có thể, mình sẽ không học được bài học gì trong cuộc đời này. Phải chấp nhận học để Giác Ngộ sự thật.
Tóm lại, chỉ giải quyết khi mà mình Thấy, Biết đúng. Thấy Biết đúng, sẽ suy nghĩ đúng. Suy nghĩ đúng sẽ làm đúng. Đầu tiên, phải quan sát mình, quan sát sự việc, cho thật rõ ràng, minh bạch, bình tĩnh, sáng suốt, để thấy ra sự thật. Khi đó, thay đổi hay không, tùy quyết định của mình.
5. Vì Tâm (Tánh) Không Thay Đổi, Nên Mới Nhìn Ra Được Sự Thay Đổi Của Tướng Tất cả các Pháp mà mình có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, chạm, đều có hai mặt, Tánh và Tướng. Bản thân mình cũng vậy, tất cả những khởi lên để nắm bắt đối tượng ở bên ngoài, gọi là Tướng. Còn sự thanh tịnh, trong sáng, ở bên trong, gọi là Tánh. Tướng có thể thay đổi khi tiếp xúc với các đối tượng, hiện tượng bên ngoài.
Ngoài đây, là ngoài Tâm, nên Thân, cũng là bên ngoài. Bên ngoài của Tâm, bên ngoài của Thấy Biết, là đối tượng của Thấy Biết. Hầu hết tất cả những đối tượng đều là hiện tượng, kể cả Thân Thọ, kể cả Tâm Tướng, Tướng Biết, khi khởi lên, nắm bắt cái này, nắm bắt cái kia, đều là: có sinh, có diệt, có vô thường, khổ, vô ngã. Còn Tánh Biết, Bản Tâm thì thanh tịnh, trong sáng, mà Đức Phật gọi là Pabhassaracitta, bây giờ và sau này, Thấy Biết đó cũng là một. Tướng là Vô Thường, Tánh là Thường. Do đó, nếu là người chấp Thường, thì gọi là Thường Kiến.
Nếu là người chấp Vô Thường, thì gọi là Đoạn Kiến. Trong một sự việc, luôn có cả hai yếu tố này. Tướng ở bên ngoài thì luôn vận động, biến đổi, có không, sinh diệt. Và Tâm (Tánh) thì lúc nào cũng có thể thấy được những biến đổi, có không, sinh diệt ấy. Bỗng nhiên một lúc nào đó, mình trở về được với Bản Tâm thanh tịnh, trong sáng, Pabhassaracitta, thì mình sẽ thấy ra bản chất vô thường, vô ngã của đời sống, cũng như, nhận ra Bản Tâm ấy, không thay đổi. Vì Tâm (Tánh) không thay đổi, cho nên mới nhìn ra được sự thay đổi Tướng. Hiện Tướng thay đổi. Bản Tâm không thay đổi. Trong con người của mình, thì cả Thân Thọ Tâm Pháp, là Hiện Tướng, đều thay đổi.
Lúc mình mới sinh ra, khác. Một tuổi, khác. Mười tuổi, khác. Hai mươi tuổi, năm mươi tuổi, tám mươi tuổi, khác. Đây gọi là Hiện Tướng, là bên ngoài. Còn Biết, thì lúc nhỏ mình cũng biết, đến khi già mình cũng biết. Tánh Biết đó, lúc nào cũng hiện diện. Người Giác Ngộ, họ thấy ra được sự hiện diện thường trực của Biết. Người chưa Giác Ngộ, thì cứ chạy theo hiện tượng bên ngoài. Cho nên Tâm cứ luôn thấy ra sinh diệt, được mất, hơn thua. Khi mình bị chìm đắm vào trong đó thì gọi là luân hồi sinh tử. Còn khi mình trở về được với cái Bản Tâm thanh tịnh, trong sáng, thì gọi là Niết Bàn.
II/ CẢM NHẬN Tôi xưa nay vẫn thích từ Vấn Đáp, Trò Chuyện hơn là từ Pháp Thoại, vì nó mang tính đời thường. Ai cũng có thể tham dự, ai cũng có thể hỏi và chờ nghe trả lời, không riêng gì Phật tử. Như tôi, tôi không (chưa) là Phật tử, nhưng tôi rất thích nghe các trò chuyện của các vị chân sư, minh sư, như ngài Viên Minh. Vì tôi nhận ra, từ những trao đổi này, tôi thu thập, mang về cho mình, không biết bao nhiêu là điều hữu ích, để tôi từ đó, có thể rà soát, kiểm tra lại tư tưởng, hành vi, tánh cách của tôi, xem đã Thấy, đã Biết, được gì chưa, hay vẫn còn đang trong màn vô minh với đầy rẫy tham sân si ở trỏng.
Một trong những đặc điểm rất đáng kính trọng ở sư Viên Minh khi ngài trò chuyện, đó là ngài luôn tôn trọng các tôn giáo bạn, đặc biệt là Thiên Chúa Giáo. Ngài thuộc rất nhiều lời của Chúa, và rất thường dẫn lời Chúa vào trong các câu trả lời của mình. Xin tán thán công đức của sư ông Viên Minh và mến chúc các bạn vui vẻ, hạnh phúc.
Sài Gòn 03.09.2024
Phạm Hiền Mây
Nguồn Bài Giảng Đây là văn bản được chuyển từ bài nói chuyện của sư Viên Minh, trong video mang tên Vấn Đáp Ngày 6, Khóa Giảng Thiền Thứ 23, HT. Viên Minh. Phát hành ngày 02.09.24, trên kênh YouTube Trà Đạo Bửu Long.
________________
Hoang Nguyen gởi