Bức tranh triệu USD đầu tiên của Việt Nam là tác phẩm về gia đình
PNO - Tác phẩm Family Life (Đời sống gia đình) của Lê Phổ đã trở thành bức tranh Việt đạt triệu USD đầu tiên trên thị trường công khai.
Tác phẩm Family Life (Đời sống gia đình, mực và gouache trên lụa, 82cm x 66cm, khoảng 1937-1939) của Lê Phổ (1907-2001) đã trở thành bức tranh Việt đạt triệu USD đầu tiên trên thị trường công khai. Với giá ước đoán từ 1.800.000 đến 2.400.000 HKD, kết quả bức này bán 9.100.000 HKD (gần 1,2 triệu USD) tại Sotheby’s Hồng Kông ngày 2/4/2017.
Về bố cục và kỹ thuật tranh lụa, đây có lẽ là đỉnh cao không chỉ của Lê Phổ, mà còn của cả nền tranh lụa hiện đại Việt Nam thời kỳ đầu. Phối cảnh nhiều lớp hình, viễn cận đa đạng, chi tiết tinh tế, đây là kỹ thuật và quan niệm thường thấy ở tranh sơn dầu của Tây phương, ít thấy trong tranh lụa của Đông phương. Vì vậy, từ rất sớm, bức này đã được một người Pháp sành sưu tập, lưu giữ tại tư gia hơn nửa thế kỷ mới trở lại sàn đấu giá.
Bức Đời sống gia đình của Lê Phổ
Nhưng có lẽ điều quan trọng bậc nhất của bức tranh là thần thái thanh thoát và bầu không khí sống động, diễn tả được đời sống an nhàn, dịu dàng. Dù mô tả cuộc sống của một gia đình thượng lưu người Việt, nhưng bức tranh không tự khu biệt vùng miền, mà mở ra một cửa sổ vào thập niên hoàng kim trước chiến tranh Việt Nam, trước thế chiến II. Nó mang đến cho người xem cái nhìn hoài cổ về một sự hiện hữu bình dị, một hạnh phúc phi biên giới.
Cái nhìn này cũng vượt lên trên thị hiếu có tính hương xa (exotic) thường tình, nơi nhiều người Tây phương cứ mặc định Việt Nam phải là nón lá áo dài, là buôn gánh bán bưng, là con trâu mái đình, là đánh giặc ngoại xâm… Lê Phổ vượt qua cái nhìn tầm thường đó để mang đến một bố cục mới mẻ và hiện đại cho tranh lụa, nơi tình mẫu tử được vẽ với biểu tượng của vẻ đẹp toàn cầu, là nền tảng của đời sống con người.
Không chỉ tiếp nhận nhuần nhuyễn chủ nghĩa lãng mạn (romantisme) và trường phái ấn tượng (impressionnisme) từ văn hóa Pháp, Lê Phổ còn học hỏi quan niệm tạo hình từ tranh khắc gỗ Nhật Bản để vẽ nên Đời sống gia đình. Kế sau chậu hoa trà mi là một thân cây to, thông thường họa sĩ Tây phương sẽ né bố cục này để dễ thông thoáng tầm nhìn, nhưng tranh khắc gỗ Nhật Bản hoặc nhiếp ảnh sau này thì không, thấy sao thì nắm bắt vậy. Sau thân cây to này là quang cảnh rộng lớn, mút tầm mắt là một tường thành trắng, với cổng tam quan, cho thấy bối cảnh thượng lưu. Hiếm có bức tranh nào của Việt Nam ở thời kỳ đầu mà phóng được tầm thấu thị xa như bức này.
Bức tranh còn là một dấu chỉ của thời trang, nơi áo dài tân thời được diễn tả với nhiều tư thế tự nhiên, thoải mái, thông qua hoạt động của gần 10 nhân vật. Khái niệm áo dài Lê Phổ hình thành từ khoảng năm 1934, một kết hợp mới từ áo tứ thân với áo dài Lemur - Nguyễn Cát Tường.
Đặc trưng của áo dài Lê Phổ là vạt áo khá dài và rộng, vai áo không phồng, cổ kín, nút áo cài bên phải, thân áo may ôm sát cơ thể. Kiểu áo dài này thường mặc với quần ống loe màu trắng, được nhiều phụ nữ Việt ưa thích, đến tận bây giờ vẫn còn khá phổ biến. Áo dài đơn sắc, phong phú về màu, thoát khỏi tứ thân và nâu sồng thường thấy thời bấy giờ. Xin lưu ý, bức tranh này ra đời khi áo dài tân thời còn non trẻ, còn chịu nhiều búa rìu dư luận, đã cho thấy tầm nhìn và sự tự tin của thế hệ nghệ sĩ trẻ như Lê Phổ bấy giờ.
Nhưng với một đất nước mê thời trang như Pháp, những bức tranh mới mẻ ngay lập tức được chú ý, mua, sưu tập. Chính tinh thần chuộng thời trang của người Pháp và một bộ phận người Việt lúc ấy đã góp phần làm nên nhiều tác phẩm vẽ áo dài thành công khác, ra đời trước năm 1945.
Nhanh chóng chia sẻ hành động canh tân xã hội và một phần quan niệm từ tiểu thuyết luận đề do Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn khởi xướng, sau khi nghĩ ra cách may áo dài mới, Lê Phổ lập tức đưa chúng vào các minh họa báo, vào các sáng tác.
Họa sĩ Lê Phổ
Hình ảnh áo dài của Lemur - Nguyễn Cát Tường, của Lê Phổ… đã được xiển dương mạnh mẽ trên các ấn phẩm báo chí của Phong hóa (từ 1932-1936), Ngày nay (1936-1946), của Nhà xuất bản Đời nay (1933-1945)… Sự hào hứng này mang lại nhiều cảm hứng sáng tạo và thành tựu cho mỹ thuật Việt Nam thời kỳ này, với hàng chục bức tranh vẽ áo dài tiêu biểu. Đơn cử như bức Hai thiếu nữ và em bé (sơn dầu, 101cm x 78,4cm, 1944) của Tô Ngọc Vân (1906-1954) được xếp hạng bảo vật quốc gia số 65. Cũng như danh tác Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), bức này vẽ áo dài tân thời, theo quan niệm của Lê Phổ.
Một chi tiết khác cũng đáng lưu ý, đó là các người mẫu mà Lê Phổ đưa vào tranh thường ẩn danh, vì ông quan niệm họ phải thành những hình mẫu chung của vẻ đẹp Việt Nam. Nhân vật chính trong Đời sống gia đình có tỷ lệ cơ thể lý tưởng, thần thái thanh tao và vẻ mặt gợi cảm, với chân tay mảnh khảnh, dường như không xương. Cô thong dong ngồi dõi theo hành động tuy nũng nịu nhưng biết vâng lời của đứa bé trai, với chiếc áo dài tân thời được thiết kế riêng, tất cả như khoe lộ ước mơ về một nước Việt yên bình, thịnh vượng, văn hóa và thẩm
mỹ cao.
Lý Đợi
30/07/2020
Đỗ Hứng gởi