Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
Bước đầu tìm hiểu mối quan hệ giữa Ni giới Việt Nam và Thái Lan
 
 
 
Hơn một thập niên qua, Ni giới Việt Nam có nhiều bước phát triển mới trên phương diện tổ chức, giáo dục, truyền thông cũng như hoạt động an sinh xã hội. Đặc biệt, một dấu ấn nổi bật trong hoạt động của Ni giới Việt Nam là tích cực mở rộng mối quan hệ giao lưu quốc tế nhằm học hỏi, tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm tu tập. Đồng thời cũng là cơ hội để nhìn nhận những đặc điểm nổi bật của Ni giới Việt Nam trong cộng đồng Nữ giới Phật giáo ngày càng liên kết, gắn bó trong môi trường tâm linh và học thuật, tri thức.

Bằng nhiều hoạt động như tích cực tham dự các hội nghị Sakyadhita, Lễ Trao giải thưởng Nữ giới Phật giáo xuất sắc (OBWA) lần thứ 12 (Rayong, Thái Lan, tháng 3/2018) của cộng đồng Nữ giới Phật giáo thế giới, Ni giới Việt Nam và Thái Lan có nhiều cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu và thấu cảm lẫn nhau về quá trình hình thành và phát triển, về những đóng góp lẫn các giá trị riêng của Ni đoàn hai quốc gia Đông Nam Á vốn chịu sự ảnh hưởng lớn của Phật giáo trong lịch sử cũng như đời sống văn hóa – xã hội. Mặt khác, đây chính là một nhịp cầu nối kết mối quan hệ chặt chẽ giữa Phật giáo hai nước Việt Nam, Thái Lan hiện nay.

Để làm rõ mối quan hệ giữa Ni giới Việt Nam và Thái Lan, chúng tôi tập trung nói về Hội nghị Sakyadhita lần thứ 12. Bởi vì, đây chính là cơ hội quan trọng, nền tảng đưa đến sự hiểu biết lẫn nhau, là điều kiện tiếp xúc trực tiếp và giao lưu chặt chẽ để hình thành nên mối quan hệ sâu sắc giữa nữ tu sĩ Phật giáo hai nước trong thời gian qua.

Sakyadhita – Một chiếc cầu giao lưu và thông hiểu giữa Ni giới Việt Nam và Thái Lan
 
Sakyadhita là Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế. Tổ chức này được thành lập tại Bodhgaya, Ấn Độ vào năm 1987. Mục đích của Hội nghị Sakyadhita là kết nối Nữ giới Phật giáo trên toàn thế giới, chia sẻ những sự quan tâm mang tính thời đại của họ và đem lại lợi ích cho nữ giới, trao quyền cho họ, giảm bớt sự bất bình đẳng về giới, đánh thức những tiềm năng chưa được khai thác của nữ giới để góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn và công bằng hơn. Cho đến nay, Sakyadhita tổ chức hội nghị 15 lần tại nhiều quốc gia, lãnh thổ ở châu Á (Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, Myanmar, Indonesia, Đài Loan, Hongkong,…).

Nữ giới Phật giáo Thái Lan đã đăng cai tổ chức hội nghị này hai lần, lần thứ nhất vào năm 1992 và lần thứ hai diễn ra tưng bừng, ấm áp tình hữu nghị vào năm 2011. Quy mô của lần thứ 12 được đánh giá rất lớn, quy tụ 2.800 người tham dự đến từ 32 quốc gia. Hội nghị diễn ra trong suốt một tuần lễ (từ 12 đến 18/6/2012) tại Sathira Dhammasathan – một Tu viện xinh đẹp nơi rừng sâu của Bangkok. Lần này, phái đoàn Ni giới Việt Nam gồm 73 thành viên tham gia, trực tiếp giao lưu và thảo luận tại các nhóm. Đoàn do NT. Thích Nữ Huệ Hương – Phó Phân ban Ni giới TƯ phụ trách đối ngoại dẫn đầu. Chủ đề lần này gắn thông điệp Hướng đến giải thoát. Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc đã được phía chủ nhà tổ chức như biểu diễn văn nghệ truyền thống, trình diễn ẩm thực làm hài lòng người tham dự. Đặc biệt, hoạt động Thiền tập giữa khu vườn Thiền của Tu viện để lại cho chư Ni Việt Nam nhiều trải nghiệm tâm linh sâu sắc cũng như sự học hỏi mô hình tu tập Thiền định của Ni giới Thái Lan. Thiền định giúp cộng hưởng tâm linh mạnh mẽ giữa những người con gái Đức Phật trên toàn thế giới, nhằm đưa đến sự thăng hoa trí tuệ cũng như lộ trình tiến tu giải thoát. Đặc biệt, tại hội nghị Sakyadhita lần thứ 12, Ni giới Việt Nam nói riêng và các đại biểu quốc tế nói chung tận mắt chứng kiến sự phát triển nhanh, mạnh mẽ, vững chắc của Ni đoàn Thái Lan. Họ hiểu rằng Ni đoàn Thái Lan phát triển nhờ vào Tỳ kheo ni Dhammananda – người nữ tu sĩ Phật giáo thọ giới Tỳ kheo ni của Thái Lan vào năm 2003. Bà chính là người dẫn dắt, ủng hộ và giúp đỡ trực tiếp công việc thọ giới cho 100 vị Tỳ kheo ni, 200 vị Sa di ni và rất nhiều tu nữ tại xứ sở Phật giáo này. Trước khi xuất gia, Bà là một nữ trí thức, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Tôn giáo học tại Trường Đại học McMaster (Cannada), sau đó nhận bằng tiến sĩ Phật học tại Trường Đại học Magadha (Ấn Độ), thành viên sáng lập tổ chức Sakyadhita. Về sau, Ni sư trở thành Tu viện trưởng Tu viện Songdhamma Kalyani ở Nakhonpathom. Đồng thời, Tỳ kheo ni Dhammananda có quá trình giảng dạy Phật học và Triết học châu Á tại Trường Đại học Upasampada (Bangkok). Ni sư là tác giả, dịch giả hơn 100 cuốn sách bằng tiếng Anh, tiếng Thái về Phật giáo, về môi trường, về Nữ giới Phật giáo. Vị Tỳ kheo ni này giành được nhiều giải thưởng và mạnh mẽ cam kết thiết lập Ni chúng tại Thái Lan. Tu viện của Ni sư nhanh chóng trở thành một trung tâm quốc tế quan trọng cho việc tu học Phật giáo, nơi đào tạo nữ tu sĩ Phật giáo không chỉ của Thái Lan mà còn nhiều quốc gia khác (Việt Nam, Lào, Sri Lanka, Myanmar, Đài Loan,…). Năm 2014, mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi hệ thống lãnh đạo Tăng đoàn Thái Lan, Tỳ kheo ni Dhammananda vẫn đứng ra tổ chức thọ giới cụ túc cho 8 giới tử Ni tại Ni viện Thipayasathan tại Koh Yoh, Songkhla ở phía Nam Thái Lan. Vì vậy, sự kiện này mang tính lịch sử, ghi dấu ấn phát triển đối với Ni đoàn nước này thời đương đại. Cho nên, tấm gương của Tỳ kheo ni Dhammananda cùng với các cộng sự của Bà đã để lại niềm kính phục trong lòng chư Ni Việt Nam bởi sự quyết tâm, dũng mãnh lẫn năng lực trí tuệ, tầm hiểu biết trên con đường thành lập, phát triển bền vững Ni đoàn Thái Lan. Qua hội nghi, nhiều thành viên trong đoàn Việt Nam bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với vị Tỳ kheo ni, người nữ trí thức dấn thân vì Nữ giới Phật giáo Dhammananda.

Xin được nói thêm, tính đến thời điểm hiện nay, với số lượng khoảng 100 vị Ni người Thái Lan là một con số ấn tượng. Đồng thời, trên quan điểm của mình, chúng tôi cho rằng Ni giới Thái Lan là một cộng đồng có những giá trị xã hội – văn hóa tâm linh riêng. Họ chính là một tập thể, hay còn gọi cách khác hơn là một Ni đoàn đang tồn tại và phát triển tốt. Ni đoàn Thái Lan hiện nay nhận được sự ủng hộ, trợ lực từ các thành phần tiến bộ trong xã hội Thái, nhất là sự cam kết từ cơ quan soạn thảo hiến pháp của Nhà nước Thái Lan: “Chính quyền Thái Lan hiện đang soạn thảo một hiến pháp mới và một nhóm ủng hộ từ bốn bộ chúng Phật tử đã gửi thư phản đối ban soạn thảo. Một đại diện từ ban này đã hứa rằng các thành viên có ý định tìm cách không chỉ tạo điều kiện phát triển cho các Tỳ kheo ni mà còn đề cập đến vấn đề cải cách rộng hơn Phật giáo ở Thái Lan”. Không phải toàn bộ giới Tăng già Thái Lan phản ứng, không công nhận Tỳ kheo ni ở Thái. Chư Tăng ở miền Nam nước này chấp nhận sự xuất hiện họ trong xã hội. Đặc biệt, tại buổi lễ truyền giới Tỳ kheo ni tại Koh Yoh, Songkhla ở phía Nam Thái Lan ngày 29/11/2014, ban tổ chức giới đàn đã thỉnh 13 vị Tăng người Thái tham gia truyền giới để giới tử được chính thức công nhận là Tỳ kheo ni theo đúng luật Phật và Bát kỉnh pháp. Không dừng lại ở đó, việc bố tát của chư Ni Thái hàng tháng cũng được tiến hành nghiêm túc: “Có một số nghi lễ tôn giáo (Sanghakamma) hoặc các quy định mà các vị Tăng phải tiến hành thay mặt cho các Tỳ kheo ni, như là giáo huấn hai lần trong một tháng. May thay, các Tỳ kheo ni này có thể tìm các vị Tăng thượng tọa trong khu vực của họ để thực hiện những nhiệm vụ này theo như Luật định”.

Tiếp đó, cũng tại hội nghị Sakyadhita lần thứ 12 này, không thể không nhắc đến các bài tham luận trình bày tại hội nghị luôn thu hút người tham dự và chính là một nội dung quan trọng nhất. Các bài viết từ phía Thái Lan lẫn các học giả phương Tây giúp cho các đại biểu hiểu hơn về hiện trạng Ni đoàn Thái Lan. Tỳ kheo ni Rattanavali thuyết trình về Nguồn gốc tôn giáo – xã hội của bạo lực chống lại phụ nữ ở Thái Lan và Đông Nam Á. Tác giả đã nhấn mạnh: Thái độ ghét phụ nữ và phủ nhận các bé gái được thể chế hóa vững chắc trong Phật giáo Thái Lan. Các vương triều thống trị ở Thái Lan duy trì quyền lực thông qua việc sử dụng các nghi lễ của Bà La Môn giáo để thần thánh hóa vương quyền. Đồng thời, các vương triều thống trị khuất phục quần chúng thông qua sự giải thích của Hindu giáo về Karma, cách giải thích đã được dùng để biện hộ cho sự áp bức đẳng cấp cho tới hiện nay. Nữ tu sĩ này khẳng định: “Đức Phật trao quyền cho cả nam giới và nữ giới như nhau trong cộng đồng tu sĩ, phản đối hệ thống đẳng cấp và từ bỏ hệ thống quân chủ nơi Ngài sinh ra. Sự giải thích sai về giáo lý karma, cộng với cấu trúc xã hội chuyên quyền, đã khiến cho người Thái thụ động và phản kháng lại sự thay đổi. Trong hoàn cảnh này, tôn giáo và đặc biệt là ý niệm sai lệch về karma có thể trở thành công cụ đưa nữ giới vào bẫy về tư tưởng, chẳng hạn “cô ấy sinh ra là phụ nữ vì nghiệp xấu”. Vì thế, kết quả là nhiều người phụ nữ không thể vượt qua nỗi khổ của mình và trở thành nạn nhân vô thức, câm lặng của sự áp bức chính mình.” Bài viết mang tiếng nói của một phụ nữ, một Tỳ kheo ni Thái Lan nói lên thân phận, địa vị của người phụ nữ Thái trong xã hội truyền thống, trong nhận thức xã hội và định kiến tôn giáo. Tham luận của Tỳ kheo ni Rattanavali đã làm xúc động nhiều người tham dự, trong đó có chư Ni Việt Nam. Họ đã thấu hiểu được nỗi khổ của người phụ nữ Thái trong xã hội truyền thống, đồng thời cho thấy những khó khăn và rào cản, kể cả sự quyết tâm mạnh mẽ đối với sự hình thành, phát triển Ni đoàn Thái Lan. Tỳ kheo ni Rattanavali vốn là một diễn viên điện ảnh Thái, sau đó cô xuất gia và trở thành người có tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ nữ quyền cũng như đóng góp vào sự phát triển Ni đoàn Thái Lan hiện tại. Bên cạnh đó, hội nghị được nghe học giả Monica Lindberg Falk – nhà nhân học đến từ Đại học Tổng hợp Lund (Thụy Điển). Bà đã có nhiều năm nghiên cứu về mối quan hệ giữa Phật giáo với giới tính tại Thái Lan. Vì vậy, tham luận Nữ tu sĩ và cải cách giáo dục tại Thái Lan của bà mang thông tin rất lớn về Tu viện Dhammajarinee được các nữ tu sĩ Phật giáo Thái Lan thành lập năm 1990. Đây còn là hoạt động nhập thế rất có ý nghĩa của họ, vì Tu viện là trường học đầu tiên cho các em gái Thái Lan được thành lập bởi các nữ tu. Nhiệm vụ của trường là giáo dục, đào tạo các em gái nghèo vì xã hội không hỗ trợ các bé gái có hoàn cảnh khó khăn được công bằng như những hỗ trợ của Chính phủ cho các em trai nghèo thông qua các chương trình giáo dục tại các chùa. Năm 2009, trường có hơn 300 bé gái theo học với lý do chính đáng là kết hợp của các vấn đề xã hội, nghèo đói và khó khăn gia đình. Không thể không nhắc đến tham luận Giới tính, Phật giáo và giáo dục: Giáo pháp và sự chuyển biến xã hội bên trong truyền thống Theravada được thực hiện bởi Emma Tomalin và Caroline Starkey đến từ Trường Đại học Tổng hợp Leeds (Anh). Qua nghiên cứu tại Thái Lan, họ đi đến khẳng định: “Mặc dù bị phản ứng mạnh mẽ nhưng ngày càng nhiều nữ tu sĩ Thái Lan tham gia vào cải cách tôn giáo, xã hội và đưa giáo dục vào trung tâm của chương trình nghị sự. Thông qua việc ủng hộ sự thọ giới cho Tỳ kheo ni, họ nhắm vào khả năng thực hành Dhamma của phụ nữ, giáo dục công chúng về sự bình dẳng của phụ nữ với nam giới và cung cấp giáo dục thế tục trong các ngôi chùa, trường học và các bối cảnh xã hội khác. Tuy nhiên, sự chấp nhận và phát triển rộng rãi của phong trào Tỳ kheo ni ở Thái Lan vẫn là một con đường dài phía trước, nếu nó thực sự muốn phát triển và đạt được mục tiêu của mình”. Những tham luận này đã mang đến cho chư Ni Việt Nam một sự thấu cảm, chia sẻ đặc biệt khi biết về tình hình Ni đoàn Thái Lan. Đồng thời, bản thân nhiều đại biểu Việt Nam cảm nhận được sự may mắn, có thể tự đánh giá các mặt thuận lợi và thế mạnh của Ni giới Việt Nam trong tiến trình 2000 năm lịch sử du nhập và truyền thừa, phát triển liên tục. Đó là chư Ni Việt Nam được sự ủng hộ của Tăng đoàn trong sinh hoạt tu tập lẫn tổ chức hoạt động, được giáo dục Phật học bài bản, nhất là được tham gia vào hoạt động hoằng pháp, nghi lễ, giáo dục, từ thiện xã hội,… của GHPGVN.

Cũng tại hội nghị này, NS. Thích Nữ Như Nguyệt – người đại diện duy nhất của Việt Nam thuyết trình trước toàn bộ đại biểu về chủ đề Sakyadhita Biên thùy nới rộng của Nữ giới Phật giáo và sự kết nối toàn cầu. Trọng tâm của bài viết này nhắc đến vai trò, vị trí của Sakyadhita như là một biên thùy nới rộng đối với cộng đồng Nữ giới Phật giáo toàn cầu nói chung và Ni giới Việt Nam nói riêng. Tác giả nhắc đến sự kiện: Vào năm 2000, tác giả và nhóm 8 sư cô Việt Nam đi nghe NS. Karma Lekshe Tsomo thuyết giảng tại Đại học New Delhi. Ni sư đã tiếp xúc, trò chuyện và mời tất cả tham dự Hội nghị Sakyadhita lần thứ 6 được tổ chức tại Lumbini (Nepal). Đây là cột mốc quan trọng để Ni giới Việt Nam liên tục đồng hành cùng Sakyadhita đến ngày hôm nay, tạo ra cho họ những niềm cảm hứng, khát vọng để được chào đón trong vòng tay rộng mở của Sakyadhita. Tác giả Thích Nữ Như Nguyệt gợi mở những hồi tưởng, kỷ niệm đẹp đối với toàn bộ đại biểu, trong đó có các nữ tu sĩ Phật giáo Thái Lan về Hội nghị Sakyadhita thứ 11 – lần đầu tiên Ni giới Việt Nam đăng cai tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp đón 3.000 Nữ giới Phật giáo, được xem là hội nghị lớn nhất trong lịch sử Sakyadhita từ trước đến nay. Mặt khác, đây trở thành bước ngoặt cho Ni giới Việt Nam vươn ra biển lớn, có cơ hội học tập và tìm hiểu, khẳng định bản sắc của mình trong cộng đồng Nữ giới Phật giáo thế giới. Bài viết gửi đi thông điệp quyết tâm mạnh mẽ của Ni giới Việt Nam trong việc gia nhập vào Sakyadhita để trở thành một nhịp cầu quan trọng nối kết giữa họ với bên ngoài, trong đó có cộng đồng nữ tu sĩ Phật giáo Thái Lan.

Được biết, Hội nghị Sakyadhita lần thứ 11 diễn ra tại Việt Nam từ ngày 28/12/2009 đến 03/01/2010 trong khuôn viên chùa Phổ Quang (quận Tân Bình, TP.HCM) với chủ đề Nữ giới Phật giáo lỗi lạc (Eminent Buddhist Women). Trong phần khóa lễ khai mạc hội nghị, các nữ tu sĩ Phật giáo Thái Lan đã thực hiện nghi thức cầu nguyện truyền thống và đã nhận được sự trân trọng của Ni đoàn các nước, nhất là chư Ni Việt Nam tham dự. Lần này, phái đoàn Nữ giới Phật giáo Thái Lan đến Việt Nam tham dự gồm 45 vị, do Tỳ kheo ni Dhammananda làm trưởng đoàn. Bà rất ngưỡng mộ truyền thống tu tập lâu đời của Ni giới Việt Nam với sự truyền thừa liên tục qua nhiều thế hệ, những đóng góp của Ni giới nước chủ nhà trong hoàn cảnh lịch sử liên tục đấu tranh chống các thế lực ngoại xâm và hộ trì tam bảo được hưng thịnh, tích cực hoạt động nhập thế để phát triển, sự hòa hợp giữa Ni giới các hệ phái. Đồng thời, Bà mong muốn cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ phía Ni giới Việt Nam để tổ chức Hội nghị Sakyadhita lần thứ 12 tại Thái Lan được thành công mỹ mãn. Đặc biệt, qua tham luận Sư trưởng Như Thanh – Ngôi sao Bắc đẩu của Ni giới Việt Nam do Ni sư Thích Nữ Như Nguyệt trình bày tại hội nghị, NS. Dhammananda và phái đoàn Thái Lan bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với một vị danh Ni đương đại xuất sắc của Việt Nam – người tiên phong hình thành Ni đoàn đầu tiên của Việt Nam: Ni Bộ Bắc Tông trong thời hiện đại. Đây là nền tảng vững chắc giúp cho Ni giới phát triển liên tục trong nửa thập kỷ trở lại đây. Ngược lại, NS. Dhammananda thuyết trình giới thiệu Tỳ kheo ni Ta Tao – người lát đường cho sự truyền thừa tương lai. Nhờ vậy, Ni giới Việt Nam biết đến vị Tỳ kheo ni đầu tiên của Thái Lan với những nỗ lực xây dựng cộng đồng Ni chúng Thái Lan nửa cuối thế kỷ XX. Ngoài ra, cũng từ những lần tiếp xúc với Ni giới Việt Nam qua các Hội nghị Sakyadhita mà Tỳ kheo Dhammananda lẫn một số chư Ni Thái Lan rất quan tâm tìm hiểu, giúp đỡ, ủng hộ các nhóm Ni giới Nam tông Kinh đang bước đầu hình thành. SC. Thích Nữ Liễu Pháp – Trụ trì Thiền viện Viên Không Ni cho biết: NS. Dhammananda đã nhiều lần đến Việt Nam, trực tiếp là Thiền viện Viên Không Ni và Tu viện Tịnh An Lan Nhã thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là hai trú xứ của chư Ni theo truyền thống Therevada ở Việt Nam. Khoảng 5 năm trở lại đây, đến lễ dâng y kết thúc mùa An cư kiết hạ, Ni sư được mời qua Việt Nam để chứng lễ, rồi huấn luyện và chia sẻ kinh nghiệm tu tập. Mặt khác, Sư cô Liễu Pháp gửi các nữ tu, Tỳ kheo ni Nam tông Kinh qua Tu viện của Ni sư ở Thái Lan để thực tập Thiền định, trau giồi giáo lý và các kỹ năng khác. Ni sư rất đồng cảm và chia sẻ trước những khó khăn của chư Ni Nam tông ở Việt Nam hiện nay và luôn tìm các cơ hội giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm để có thể đứng vững hơn, có đủ thuận duyên để thọ Tỳ kheo ni giới được mở ra tại nhiều quốc gia gần đây. Sư cô Liễu Pháp kể thêm: Ni sư đã đến thăm các Thiền viện Ni thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và bày tỏ lòng kính trọng, mến mộ Ni chúng những trú xứ này. Kinh nghiệm xây dựng, quản lý và phương thức tu tập tại các Thiền viện luôn được Ni sư quan tâm để học hỏi. Do cùng hợp tác, hoạt động trong khuôn khổ Sakyadhita, nên Tỳ kheo ni Dhammananda luôn gắn kết ở phía Ni giới Việt Nam từ NS. Thích Nữ Như Nguyệt, SC. Thích Nữ Liễu Pháp và ngược lại. Đây là hai giảng viên của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, cùng tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học từ Ấn Độ, tích cực tham gia vào những hoạt động của Sakyadhita liên tục từ năm 2000 đến nay.

Lời kết

Trong vòng 10 năm trở lại đây, Ni giới Việt Nam và Thái Lan ngày càng thắt chặt mối quan hệ giao lưu, học hỏi, khám phá năng lực lẫn nhau để cùng phát triển, xây dựng bản sắc riêng trong cộng đồng Nữ giới Phật giáo thế giới. Sakyadhita trở nên có ý nghĩa hết sức quan trọng để vun đắp cho tình hữu nghị này. Đồng thời, nền tảng của mối quan hệ hữu nghị giữa Ni giới hai quốc gia chính là sự thấu cảm, chia sẻ và tri thức học thuật, nhất là khả năng dấn thân, nhằm tạo điều kiện cho Ni giới không ngừng vươn lên trong tu tập lẫn nhập thế, phụng sự xã hội.

ThS. Dương Hoàng Lộc

Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM
 

Chư Ni VN nhận giải Nữ giới Phật giáo xuất sắc tại Trung tâm thiền Nữ giới quốc tế (tỉnh Rayong, Thái Lan)
  Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2015), Từ bi và công bằng xã hội, Tp.HCM, Nxb. Tổng hợp Tp.HCM, trang 9.
Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2012), Tiến tới giải thoát, Tp.HCM, Nxb. Tổng hợp Tp.HCM, trang 10.
arma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2015), Từ bi và công bằng xã hội, sđd…, trang 363.
Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2015), Từ bi và công bằng xã hội, sđd…, trang 229
Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2015), Từ bi và công bằng xã hội, sđd…, trang 223
Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2015), Từ bi và công bằng xã hội, sđd…, trang 230
arma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2012), Tiến tới giải thoát, Tp.HCM, Nxb. Tổng hợp Tp.HCM, trang 93.
Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2012), Tiến tới giải thoát, sdđ…trang 92.
Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2012), Tiến tới giải thoát, sđd…, trang 92.
arma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2012), Tiến tới giải thoát, sđd…, trang 134-142.Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2012), Tiến tới giải thoát, sđd…, trang 125.
Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2012), Tiến tới giải thoát, sđd…, trang 21.

——————————————————————————————————

Tài liệu tham khảo

1. Karma Lekshe Tsomo (Chủ biên) (2012), Tiến tới giải thoát, NXB. Tổng hợp TP.HCM.
2. Karma Lekshe Tsomo (Chủ biên) (2015), Từ bi và công bằng xã hội, NXB. Tổng hợp TP.HCM.
3. Dương Hoàng Lộc (2016), Nữ giới Phật giáo TP.HCM: truyền thống, hội nhập và phát triển. In trong: Nhiều tác giả (2016), Nữ giới PGVN truyền thống và hiện đại, NXB. ĐHQG TP.HCM.
4. Dương Hoàng Lộc (2017), Mấy đặc điểm Ni giới Việt Nam đầu thế kỷ XXI. In trong: Thích Đồng Bổn (Chủ biên), Phật học Từ Quang, NXB. Hồng Đức, TP.HCM.
5. Phân ban Ni giới TP. Hồ Chí Minh (2016), Ni giới ở TP. Hồ Chí Minh: Những thành tựu nổi bật trong giao lưu quốc tế hiện nay. In trong: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – Trường ĐHKHXH&NV (2016), Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành và phát triển, NXB. Hồng Đức, TP.HCM.[:]



Tle8464953 gởi