Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Buông bỏ - Buông xả
 
***
 
Đạo Phật khuyên con người Giác ngộ - Giải thoát bằng một nội tâm vượt lên các dính mắc chấp thủ cực đoan đnể hiển bày hạnh phúc đích thực – Niết-bàn, bởi các dính mắc chấp thủ cực đoan này là đầu mối của khổ não.
 
Như vậy vấn đề cốt lõi “Diệt khổ” trong đạo Phật được đáp ứng bằng việc con người tự giác ngộ Vô ngã, sẽ giải thoát nội tâm Chấp ngã đã do chính mình tự trói.
 
Có lẽ hình ảnh của Buông bỏ và Buông xả có ít nhiều liên quan đến “Khổ và “Diệt khổ” như có thể thấy theo phân tích sau:
 
- Buông 𢭾 là từ Nôm (E: Release something), có nghĩa là thả ra, thả xuống. Như buông màn (bỏ màn xuống), buông lỏng (thả lỏng), buông lời (nói ra) ...
 
- Bỏ 補 là từ Nôm, có nghĩa là vứt đi, không dùng nữa, không nhìn nhận đến một sự vật. Như nhà nước bỏ khoa thi, bỏ nhà ra đi. Như thế, bỏ là không có cái dụng trở lại. Ví dụ như sau khi uống một ly nước thì bỏ cái ly vào thùng rác. Bỏ còn có cách nói khác là Buông bỏ (E: Jettison).
 
- Xả 捨 là từ Nôm và Hán, có nghĩa là không giữ, nhưng không có nghĩa là bỏ, vứt đi không dùng nữa, mà hàm nghĩa là không giữ nhưng có cái dụng trở lại.  Ví như sau khi uống một ly nước thì ta không bỏ hẳn cái ly vào thùng rác, mà cũng không nắm giữ mãi trong tay; ta rửa ly rồi cất giữ, để khi cần thì dùng ly này để uống. Xả còn có cách nói khác là Buông xả (E: Let go of something).
 
Đạo Phật khuyến khích Buông xả thể hiện Trung đạo, chứ không khuyến khích Buông bỏ biểu hiện Cực đoan. Theo đó, Buông xả có nghĩa là tâm không thủ giữ mọi sự vật bằng thức, mà trực nhận mọi sự vật bằng trí Duyên khởi, cho nên tuy sống với thức mà không phải bị thức trói buộc. Chúng ta không chấp thủ  “bỏ hay giữ” một cách cực đoan, mà phải khéo thích nghi trong nhận thức và hành dộng.
 
Ví như một hành giả sau khi học hiểu một quyển kinh và đi tới giác ngộ giải thoát, vị này hẳn không phải vội vã đốt đi quyển kinh hay tự "giải thoát thân ngũ uẩn" này bằng cách tự tử hay hộ tử, mà vẫn gìn giữ lại quyển kinh này cho người sau học tập. Vào thời Phật còn tại thế, nhiều vị đắc quả thánh A-la-hán đã gợi lên nhiều vấn đề, để Phật thuyết giảng cho những đại chúng hãy còn chưa giác ngộ, nhằm liễu tri chân lý.
 
Như thế, buông bỏ mang tính thủ chấp, và trái với buông xả mang tính phá chấp.  Đầu mối của xả là nhận thức sâu sắc chân lý Duyên khởi, là phương tiện kỳ diệu dẫn dắt chúng sinh vượt qua vô minh là các chấp thủ cực đoan "bỏ-giữ", nhằm đưa chúng sinh đến bờ giải thoát.
 
Mọi sự vật trên đời
Đều theo Duyên thành hoại
Hiện tượng là Vô thường
Bản chất là Vô ngã
 
Như thân là giả tướng
Do tứ đại hợp thành
Đủ duyên thân tan rã!
Dù các bậc tài danh...
 
Trói buộc vào danh lợi
Chỉ làm khổ chính mình 
Bởi chúng là hư ảo
Mãi tồn tại bao giờ?
 
Trói buộc vào thù hận
Chính mình tự làm khổ
Dù là lỗi của người
Hay là lỗi của ta.
 
Quá khứ đã qua rồi
Tương lai không ai biết!
Xả ly mọi mộng, tưởng
Thảnh thơi hành trang bước.

Tự tại - không bám víu
Không thành kiến cực đoan
Không chấp ngã, chấp pháp
Hạnh phúc ngay hiện đời.
 
***

 
__________________________



 
Huy Thai gởi