Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 498 (Đời Nay ra ngày 4.3.2022)
Vladimir Putin, Tổng thống Liên Bang Nga, đã công bố một cuộc xâm lăng quân sự vào nước láng giềng Ukraine hồi 5 giờ sáng ngày Thứ Năm, 24 tháng 12, giờ địa phương.
Trước đó ba ngày, ông ta đã tuyên bố sẽ nhìn nhận nền “độc lập” của hai vùng ly khai trên đất Ukraine, nơi quân đội thân Nga đã nắm quyền từ nhiều năm nay.
Trong một video loan báo được truyền đi ngày nói trên, Putin tuyên bố cuộc hành quân nhằm mục đích để giải giới Ukraine vì nước này gia nhập NATO (North Atlantic Treaty Organization), tức Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, tạo mối đe dọa cho Nga.
Ông Putin nói, qua lời một người thông dịch: “Tất cả trách nhiệm về sự đổ máu có thể xảy ra sẽ thuộc về lương tâm của chế độ Ukraine hiện tại. Sự thật và sức mạnh nằm về phía chúng tôi.” Ông ta tiếp tục nói tiếp rằng nước Nga không có tham vọng xâm chiếm lãnh thổ Ukraine.
Những lời lẽ trên đây của ông tổng thống Liên Bang Nga trái ngược với những tuyên bố của ông ta khi trước rằng Ukraine đã là một sáng tạo của nước Nga và những cảm nghĩ của ông ta rằng những nước Cộng Hòa trong Liên Bang Sô-Viết cũ không nên được phép tách rời Liên Bang Nga.
Sau những lời tuyên chiến ngang ngược của ông trùm nước Nga, ông Joe Biden, Tổng thống siêu cường Hoa Kỳ, chiếc đầu tàu của Khối NATO, đã cho phổ biến một bản tuyên bố từ Tòa Bạch Ốc như sau:
“Những lời cầu nguyện của toàn thế giới cùng hướng về với người dân Ukraine đêm nay trong khi họ đang chịu khổ đau do một cuộc tấn công không thể biện minh và không khiêu khích của quân đội Nga.”
Nghe như lời lẽ của một nhà tu.
Hai ngày trước, khi ý đồ xâm lăng Ukraine của Putin đã rõ rệt, ông Biden đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ tái phối trí 800 quân nhân cùng với phi cơ trực thăng và phản lực cơ chiến đấu từ đâu đó tại Âu Châu tới các quốc gia Vùng Baltic – cũng như Ukraine, là những nước cộng hòa thuộc Sô-Viết cũ – để tăng cường sự phòng thủ dọc theo biên giới phía đông của NATO. Tuy nhiên, một lần nữa, ông tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng ông ta không gửi quân đội Hoa Kỳ tới đó để chiến đấu chống người Nga tại Ukraine.
Ông Biden đã đặc biệt đả kích Putin về quyết định bình thường hóa sự nhìn nhận như hai quốc gia ly khai khỏi Ukraine là Donetsk và Luhanks nằm về phía đông nước này. Ông nói đây là bước tiến chủ chốt trong kế hoạch của Putin để tạo ra tiền đề gian trá cho cuộc xâm lăng.
Có sự lo sợ đang gia tăng về mục tiêu xa hơn của Putin là tiến sâu hơn nữa vào Ukraine để nối Donetsk và Luhanks với bán đảo Crimea mà Nga đã đánh chiếm vào năm 2014.
Mặc dù đã được Quốc Hội của ông ta bật đèn xanh cho phép gây chiến, Putin vẫn còn dè dặt về mục tiêu cuối cùng của ông ta. Có vẻ ông ta để cánh cửa mở cho sự điều động 190 ngàn quân lính Nga đóng dọc biên giới Ukraine để mở cuộc xâm lăng toàn diện.
Trước hết, Putin đòi hỏi Ukraine nhìn nhận chủ quyền của Nga trên bán đảo Crimea, đòi hỏi Ukraine rút lại quyết định gia nhập khối NATO và giải giới một phần lực lượng quân sự.
Những đòi hỏi của Putin đã rơi vào chỗ hư vô, và trong lúc ông ta mở cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine thì Hoa Kỳ và khối NATO thi hành những biện pháp chế tài đầu tiên mà nếu áp dụng đầy đủ sẽ là những vụ “nặng nhất trong lịch sử”, theo lời ông Biden.
Tổng thống Biden nói rằng ông sẽ áp đặt những hình phạt “xa hơn nhiều” những chế tài đã được thi hành năm 2014 sau khi Nga chư hầu hóa Crimea. Ông Biden nói: “Nếu Nga tiến xa hơn với cuộc xâm lăng này, chúng ta đã chuẩn bị để đi xa như vậy với những chế tài.”
Những chế tài được loan báo ngày 22 tháng 2 gồm có việc ngăn cấm các định chế tài chính Mỹ làm thủ tục chuyển ngân cho các ngân hàng VEB và PSB của Nga liên quan đến đồng đô-la Mỹ, đồng tiền lưu trữ toàn cầu.
Hoa Kỳ cũng áp đặt chế tài trên những cá nhân người Nga, trong đó gồm có Alexander Bortnikov, giám đốc của Sở An Ninh Liên Bang Nga, thừa kế của KGB. Con trai ông ta, Denis Bortnikov, cũng bị chế tài, cùng với Petr Fradkov, chủ tịch và tổng giám đốc của PSB, và Sergei Kiriyenko, một chính trị gia Nga.
Khối Liên Âu và các quốc gia thành viên, cùng với Anh Quốc, cũng đã phối hợp chế tài nhắm thẳng tới những ngân hàng và những cá nhân người Nga giàu có.
Những chế tài khác mà Hoa Kỳ có thể dùng đến là loại bỏ Nga ra khỏi SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecomnications), một mạng lưới an ninh cao nối liền các định chế tài chính vòng quanh thế giới.
AP ngày 25 tháng 2 loan tin các viên chức Hoa Kỳ và Liên Âu đang nắm giữ trong tay một chế tài then chốt về tài chánh chống lại nước Nga còn để dự trữ, chưa loại Nga ra khỏi SWIFT, hệ thống bao trùm về giao dịch tài chánh trên toàn cầu.
Những sự chế tài có nghĩa là cô lập, trừng phạt và làm nghèo nước Nga trong thời gian lâu dài. Tổng thống Biden đã loan báo hạn chế xuất cảng sang Nga và chế tài chống các ngân hàng Nga và các công ty quốc doanh.
Nhưng rõ ràng ông Biden đã làm giảm nhẹ nhu cầu loại Nga ra khỏi SWIFT, và nói rằng trong khi nó vẫn còn luôn luôn là một lựa chọn, “ ngay bây giờ nó không ở vị trí mà phần còn lại của Âu Châu muốn chọn”. Ông ta đề nghị “những chế tài được áp dụng nên có nhiều răng hơn” (?).
Thật ra, các nhà lãnh đạo Âu Châu, gồm cả nước Anh, muốn tiến thêm một bước để ngăn chặn nước Nga ở bên ngoài SWIFT, tập đoàn các công ty đặt trụ sở tại Bỉ đã được các ngân hàng và những định chế tài chánh khác dùng như một đường dây chính trong giao thương toàn cầu.
Hệ thống SWIFT luân chuyển trung bình 42 triệu bản văn mỗi ngày trong năm ngoái có thể thanh toán tiền bạc.
Ukraine đã mưu tìm sự trục xuất Nga ra khỏi SWIFT, nhưngnhiều nhà lãnh đạo Âu Châu vẫn còn kiên nhẫn vì một sự ngăn cấm có thể làm cho việc giao thương quốc tế trở nên khó khăn hơn và làm tổn thương nền kinh tế của họ.
Một số các quốc gia lưỡng lự vì lo sợ những hậu quả nặng nề cho chính họ.
Chính phủ nước Anh cho biết Thủ tướng Boris Johnson đã bác bỏ một cuộc họp của nhóm bảy nhà lãnh đạo thế giới vào ngày 24 tháng 2 để bàn chuyện loại bỏ Nga ra khỏi SWIFT. Có thể nước Đức cũng chống đối.
Vấn đề là ngăn cấm Nga tham gia SWIFT có thể không cắt được nước này ra khỏi nền kinh tế toàn cầu một cách toàn diện như những người chủ trương nghĩ. Lại nữa, việc ấy có thể gây phản ứng ngược dưới hình thức làm sự phát triển quốc tế chậm lại.
Về phía Hoa Kỳ, các nhà lập pháp đã kêu gọi ông Biden hãy áp đặt tất cả mọi biện pháp trừng phạt Nga về tài chính có thể áp dụng, với phát biểu của Nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lãnh khối Cộng Hòa thiểu số tại Thượng Viện, rằng “mỗi một biện pháp gắt gao có thể thi hành nên được áp đặt và nên áp đặt ngay bây giờ”.
Nhưng, có người cho rằng nếu chúng ta loại Nga ra khỏi SWIFT, chúng ta đang loại họ ra khỏi một động mạch chính của nền tài chánh ngân hàng, nhưng họ có thể dùng những dụng cụ có trước SWIFT như điện thoại, telex hay email để chuyển tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.
Một rủi ro khác là quốc gia bị chế tài có thể di chuyển những định chế của họ sang các hình thức khác hơn là SWIFT, giống như một hệ thống mà Trung cộng đã lập ra. Tình trạng này sẽ làm gia tăng sự ma sát trong nền giao thương toàn cầu – tổn thương sự tăng trưởng – và nó làm khó khăn hơn để theo dõi tài chánh của những nhóm khủng bố.
Bằng cách chính trị hóa SWIFT, người ta thúc đẩy sự sáng tạo những hệ thống khác để thay thế. SWIFT cũng là một phương tiện quan trọng trong nỗ lực chống khủng bố của Hoa Kỳ và Âu Châu. Nó chia sẻ những dữ liệu điện toán với Ngân Khố Hoa Kỳ liên hệ tới vấn đề chống khủng bố đã chứng tỏ là vô cùng giá trị.
Cắt đứt những định chế tài chánh này khỏi việc sử dụng đồng đô-la, euro, bảng Anh vẫn còn là một bước tiến đầy ý nghĩa. Nó có những tổn thương to lớn trên các bộ phận nhất định của nền kinh tế Nga qua sự chế tài.
Nga đã chuẩn bị những phương cách để tránh khỏi những chế tài, và trong lúc Hoa Kỳ và các nước trong khối NATO bàn cãi về chế tài thì Putin đã xua quân đánh Ukraine.
Động cơ nào đã thúc đẩy ông ta xâm lăng nước láng giềng ấy vào lúc này dù đã nuôi tham vọng từ lâu?
Thật vậy, sau khi “Đế quốc Đỏ” Sô-viết sụp đổ và tan rã vào năm 1991, viên cựu đại tá KGB Vladimir Putin đã lợi dụng tình trạng bất ổn lúc giao thời, với bản chất gian manh và tàn bạo, Putin đã tìm cách ngoi lên vai trò độc tôn của nước Nga hậu cộng sản.
Ông ta tự coi mình như một Sa Hoàng cuối cùng có sứ mạng phục hồi và bành trướng cái đế quốc đã bị co cụm héo tàn được truyền lại cho ông ta.
Theo nhiều tài liệu, sách báo, ngày nay Putin có nhiều tiền hơn bao giờ mà ông ta có thể tiêu xài, có cái dinh thự xây theo kiểu Ý bên bờ Hắc Hải trị giá hơn một tỉ đô-la, có cô nhân tình trẻ đẹp cựu vũ công trên băng và người mẫu, và có quyền lực vô giới hạn. Trên thực tế, Putin có một giấy phép để giết người, một quyền mà ông ta không lưỡng lự để hành xử.
Cái mà Putin thiếu và đang muốn có là một công danh, một thành tích lừng lẫy làm di sản lưu truyền cho hậu thế, chẳng hạn “Vladimir Vĩ đại”, hay “Vladimir Kinh khủng” cũng được, nhưng trong trường hợp nào cũng là con người của hành động, một người thay đổi lịch sử, một con sư tử.
Putin đã 70 tuổi, ông ta không còn nhiều thì giờ để bỏ phí. Ông ta đã làm hành động xâm lấn quốc tế nghiêm trọng đầu tiên vào năm 2008. Georgia – một quốc gia độc lập từng có thời bị Sô-Viết chiếm hữu, và trước đó nằm dưới sự bảo hộ của Đế quốc Nga – đã hướng về Âu Châu hơn là Mạc-Tư-Khoa. Không hài lòng. Putin đã gây chiến.
Ông ta đã cắt đi hai tỉnh, Nam Ossetia và Abkhazia. Hai tỉnh ấy bây giờ là lãnh thổ thuộc Nga.
Khi ấy Putin đã chờ xem Hoa Kỳ, Liên Âu và “cộng đồng quốc tế” sẽ làm gì. Họ đã không làm gì cả. Năm sau đó, Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi ấy, đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và cho thông qua vụ đó.
Năm 2012, trong cuộc tranh luận với Tổng thống Barak Obama khi ấy, ông Mitt Romney nói rằng “Nga là đối thủ địa chính trị số 1” của Hoa Kỳ”. Obama đã phản pháo: “Những năm của thập niên 1980 bây giờ gọi về để dùng chính sách ngoại giao của thời ấy trong khi Chiến Tranh Lạnh đã chấm dứt hơn 20 năm rồi!”
Với những “chính trị gia” như vậy, những nhà lãnh đạo các nước trên thế giới như vậy nên Putin đã tấn công Ukraine mà không sợ ai cả.
Trong bài mang tựa đề “Biden’s policies are the ‘greatest geopolitical catastrophe of the century’”, đăng ngày 22 tháng 2, Jeffrey Scott Shapiro, phụ tá chủ bút trang bình luận của tờ The Washington Times, đã vạch rõ những sách sai lầm và hèn yếu về đối ngoại của chính quyền Biden là một trong những nguyên nhân đã đưa Putin tới quyết định đánh Ukraine và kết luận như sau:
Khi Tổng thống Obama nhắm mắt để cho Putin đánh chiếm Crimea, hắn ta đã nghĩ mục tiêu thứ hai sẽ là Ukraine.
Trong khi thế giới nhìn Hoa Kỳ không làm gì cả giữa cuộc nổi dậy ở Cuba vào ngày 11 tháng 7 năm ngoái và nhìn người dân A-Phú-Hãn rơi xuống chết từ cánh những chiếc phi cơ phản lực của Mỹ khi họ tháo chạy khỏi Kabul, Putin biết thời của ông ta đã tới.
Bây giờ ông Biden không nên gửi tới Điện Kremlin một tín hiệu tai hại và làm thế giới kinh ngạc khi ông nói không có kịch bản nào trong đó ông ta sẽ gửi quân đội Mỹ vào Ukraine để cấp cứu người Mỹ. Ông giải thích: “Chúng ta đang đối phó với một trong những quân đội lớn nhất trên thế giới. Đó là một tình trạng rất khác, và mọi việc có thể trở nên điên rồ một cách mau chóng…Đó là một cuộc Thế Chiến khi người Mỹ và người Nga khởi sự bắn vào nhau.”
. . . . .
Thật là mỉa mai, trong khi Putin tiếp tục làm tròn bổn phận định mệnh tái xây dựng Liên Bang Sô Viết, nước Mỹ của ông Biden đang nhận lấy một cách kỳ lạ cái nhận thức của toàn cầu mà nước Nga thời hậu Sô-Viết đã từng làm. Một khi Ukraine sụp đổ, những con domino khác sẽ theo sau, và thế giới sẽ thấy một Liên Bang Sô-Viết mới nổi lên từ đống tro của lịch sử. Những tên bạo chúa không còn sợ nước Mỹ vĩ đại một thời đi giải phóng và bảo vệ Thế giới Tự Do.
Nhưng, có thể kết luận trên đây là quá sớm chăng?
Ukraine đã dũng cảm chiến đấu chống quân ngoại xâm suốt bốn ngày đêm, quân Nga tổn thất nặng mà vẫn chưa tiến được vào Thủ đô Kyiv khiến Putin phải đem vũ khí nguyên tử ra dọa và kêu gọi điều đình.
Không ai đoán được cuộc chiến này rồi sẽ đi đến đâu vì dân Ukraine có vẻ không phải là dân “cà chớn”, và tối 25 tháng 2 khi nói chuyện với các nhà lãnh đạo Liên Âu, Tổng thống Ukraine Zelensky đã… trối trăng: “Đây có thể là lần cuối cùng các bạn thấy tôi còn sống.”
Ký Thiệt
March 3, 2022
______________
usaelection gởi